1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Nham nhở” làng quốc tế Thăng Long

(Dân trí) - Thâm nhập vào làng quốc tế Thăng Long (Hà Nội) mới thấy ở đây không có nhiều chất "quốc tế" như nhiều người vẫn hình dung. Thay vào đó là những toà nhà, những dịch vụ rất kém chất lượng và cả những khung cảnh đậm chất… “làng” theo đúng cách hiểu thông dụng của từ này.

Dãy nhà “bê bối”

Bác Vũ Mạnh Tân - phòng 409 nhà B4 cho biết, mới qua được thời gian bảo hành chất lượng của toà nhà đã xuống cấp. Bề mặt tường ngoài khu nhà bắt đầu rạn nứt cả loạt, rỗ, mốc như vãi kê. Tường, trần nhà các hộ dân chỉ cần “búng” tay vào vào là cát, vữa rơi lả tả, thậm chí có nhiều căn hộ còn “bất thình lình” lở cả mảng lớn. Bác Tân dẫn chứng luôn căn hộ 612 nhà anh Long, mảng trần phòng khách đột nhiên lở đến 2m2, rơi rầm xuống bàn, mới vá lại được chừng 1 tháng. Tầng 3, tầng 8 cũng đều đã nhận được những cú "thả bom" hú họa phát hoảng như thế.

Nỗi khổ của cư dân nhà B4 là ở chỗ đơn vị xây dựng nhà (Công ty xây dựng số 3) đã sớm "buông" trách nhiệm sau cái hạn bảo hành 2 năm, còn Ban quản trị cả khu làng thì lại chưa được bàn giao quyền quản lý nên cũng… khỏi can thiệp. Bao nhiêu hỏng hóc chỉ khổ chủ là gánh đủ.

Nhà chưa được bàn giao cho Ban quản lý, "số phận" của không chỉ cư dân mà đến nhân viên dịch vụ cũng "cám cảnh". 3 tháng nay, bảo vệ tòa nhà phải đảm nhiệm luôn công việc của thợ điện vì mấy người thợ ăn lương cầm cự từ Công ty xây dựng số 3 chỉ 500.000đ/tháng, không hợp đồng, không chế độ đã bỏ việc cả. Khu nhà có cái máy nổ để phòng khi mất điện, mới dùng được vài tháng đã thành bỏ xó vì hỏng mà không có người sửa chữa.

Cái thang máy cà khổ cũng hỏng hóc liên tục. Bác Tân thở dài chán nản khi kể về cái thang máy có ngày hỏng tới 3-4 lần, nhiều khi kẹt đến mấy tiếng đồng hồ, dân chỉ biết đứng trong kêu ra, trông chờ bảo vệ “lần mò” mãi mới mở được cửa.

Điện đóm đã thế, nước dùng cũng hạn chế, bị cắt thường xuyên đến nỗi nhà chung cư hiện đại mà nhà nào cũng phải thùng thùng chậu chậu trữ nước bất kể lúc nào có thể. Té ra, bao nhiêu nước bơm đến đâu lại dội hết xuống tầng hầm đến đó, do hệ thống ống nước đã dập vỡ, hư hỏng gần hết.

Khu nhà B4 được tập thể cư dân sống ở đây chuyển tên thành nhà "bê bối" vì chất lượng tồi nhất, xuống cấp nhanh nhất, nhiều nhất ở khu làng quốc tế này. Thêm một nỗi kinh hãi đối với người dân là cái "hố rác" lộ thiên ở tòa nhà. Bác Tân đã cất công ra chỉ tận nơi hai cửa xả rác là 2 khoảng không "thông thống" bên hông toà nhà, không có ống dẫn, không có nắp chạy dài suốt từ tầng 9 xuống đất. Không cửa, không nắp nên rác dưới đáy hố được "giải tỏa" chậm chút thôi là cả 9 tầng nhà hứng chịu mùi hôi thối. 

Cái gì cũng dở!

Dẫu sao B4 cũng là dãy nhà tái định cư nên sự “bê bối” được nhiều người cho rằng không khó lí giải. Tuy nhiên, đi sâu vào bên trong làng quốc tế, người ta cũng dễ dàng bắt gặp những ngôi nhà có “chân dung” không gây được thiện cảm cho người tiếp xúc.  

Chỉ đảo qua một vòng đã thấy dãy nhà C3 nứt nẻ khá “toàn diện”: từ bậc thềm, đến cầu thang lên xuống cho người khuyết tật, tường nhà, lan can. Riêng bậc thềm đã được vá víu đến 3 lần, nhưng nền vẫn tiếp tục lún, người dân tiếp tục kêu ca, nhà quản lí phải cho thợ đến phá đi hoàn toàn để làm lại (ảnh dưới).

“Nham nhở” làng quốc tế Thăng Long - 1

Cầu thang máy cũng rất vấn đề. Chị Đỗ Huyền Lý, phòng 307 cho biết, chiếc cầu thang thường vận hành theo kiểu "cà giựt", rất hay đứng khựng lại. Hai cánh cửa thường “khó bảo” mỗi khi có nhu cầu mở ra hay đóng lại, thậm chí khách đến khu nhà đã có những phen hú vía khi bị giam kín tại đây. Theo chị Lý, chiếc cầu thang này đã nhiều lần được sửa, nhưng chỉ sau mấy hôm, chiếc cầu thang lại trở về với “quĩ đạo” hoạt động riêng của mình.

Theo hợp đồng, mỗi hộ mua nhà được 7-9 m2 tầng 1, nhưng cuối cùng lại được cho thuê làm kho chứa hàng của siêu thị. Việc cho thuê này khiến tầng 1 vừa mất mỹ quan vừa làm khu để xe trở nên chật chội. Chưa kể, thời gian đầu cho thuê kho ở tầng 1, người dân được “khấu trừ” tiền gửi xe, bảo vệ thì nay lại phải đóng.

Cũng theo chị Lý, tuy là nhà chung cư cao tầng, nhưng sinh hoạt vẫn rất bất tiện. Ngôi nhà đã không có thiết kế thích hợp cho việc giải phóng rác trên các tầng cao. Tiền dịch vụ người dân phải đóng mỗi tháng lên tới 200 ngàn đồng, nhưng ngày ngày vẫn phải nghe ngóng, rình xe rác đi qua, mang rác xuống tận đường để đổ.

Bộ mặt nhem nhuốc

Nếu đứng tại một khoảng trống giữa làng quốc tế ngước nhìn lên, người ta có thể bắt gặp những ngôi nhà chung cư cao tầng, những ngôi biệt thự sang trọng, với nhiều kiểu dáng, màu sắc khác nhau. Nhưng cũng đứng ở vị trí đó, nếu đưa mắt nhìn xuống thì những ấn tượng có thể có từ cái nhìn lên trên ngay lập tức… tan biến.

Đầu tiên là con đường võng đến độ mắt thường có thể nhìn thấy rất rõ. Theo chủ của căn nhà số 1, C2, độ võng này khiến mỗi khi trời mưa nặng hạt nước lại chảy vào trong, phong toả các hộ dân ở đây. Cùng đó, hệ thống thoát nước cho các con đường ở đây theo ông này là gần như không có và mấy trận mưa lớn vừa rồi, không chỉ xe máy mà cả ô tô cũng lâm vào cảnh… “sằng sặc”. Thậm chí, nước còn tràn lên, ngập đỏ ngầu các vỉa hè, tràn lên cả vườn các hộ dân.

Cũng cần nói thêm về các vỉa hè: nền lồi lõm tứ tung do gạch sụt lún, trồi trụt. Nhiều bồn cây trên vỉa hè được làm qua quít đã nhanh chóng bị bật lên, gạch bắn ra, nằm lăn lóc ở xung quanh. Trên các vỉa hè thỉnh thoảng lại xuất hiện những đống cành khô lâu ngày không được giải phóng. Thậm chí những túi bóng chứa rác cũng được chất thành đống ở ngay ven đường.

“Nham nhở” làng quốc tế Thăng Long - 2

Các bồn cỏ tự tạo trong các khu khác nhau của làng, lâu không được cắt tỉa đã trở nên nhôm nhoam, chẳng khác gì những đám cỏ cho bò (ảnh trên). Trong khi đó, dưới chân tường của không ít dãy nhà, cỏ cũng phát triển một cách tự nhiên như thuộc tính vốn có của loài này.

Dường như rất khó để thấy được dấu vết còn lại của những hoạt động bảo trì ở những nơi thuộc về sở hữu chung. Cảnh quan của làng quốc tế vì thế cũng không đến nỗi quá thiếu chất “làng” theo cách hiểu thông dụng về từ này của người Việt.

Cấn Cường - Phương Thảo