Gặp nhân vật chính tiểu thuyết “Hồi đó ở Sa Kỳ”
(Dân trí) - Trong căn nhà nhỏ nằm bên chợ Hàn nhộn nhịp, có một người phụ nữ nhỏ nhắn bán nước ngọt với bước đi tập tễnh. Nhưng ít ai biết rằng, bà là nguyên mẫu của nhân vật chị Kha trong tiểu thuyết “Hồi đó ở Sa Kỳ” của tác giả Bùi Minh Quốc.
11 tuổi làm giao liên
Chúng tôi tìm đến nhà bà Trần Thị Chính (SN 1954, thương binh 1/4, đường Nguyễn Thái Học, TP Đà Nẵng) vào một ngày tháng 7 khi cả nước đang diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7.
Ngôi nhà nhỏ nép bên chợ Hàn bình dị, nhỏ bé như chính chủ nhân của nó vậy. Trong câu chuyện với chúng tôi, quá khứ một thời oanh liệt của bà được tái hiện dần qua từng lời kể.
Bà Chính thời trẻ.
Sinh ra trong một gia đình nông dân ở xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, bố là liệt sĩ, mẹ bị địch bắt tra tấn dã man, sau đó về nhà bị bệnh mà chết. Trước nỗi đau mất mát quá lớn của gia đình và quê hương, lòng căm thù giặc của Chính đã sớm trỗi dậy. Và từ năm 11 tuổi, cô bé Chính đã làm liên lạc, đưa cán bộ đi chỉ đạo cơ sở, xây dựng phong trào cách mạng tại xã Điện Thọ.
Năm 16 tuổi, Chính được giao nhiệm vụ vào Sài Gòn làm giao liên cho Biệt động thành Sài Gòn - Gia Định. Nhằm che mắt kẻ địch, Chính mở một tiệm may nhỏ làm thợ may để chuyển hồ sơ mật từ nội tuyến ra ngoại tuyến, phục vụ kịp thời cho các đơn vị của ta nắm tình hình địch và đã tổ chức nhiều trận đánh lớn gây cho địch nhiều thất bại nặng nề.
Làm giao liên cho Biệt động thành Sài Gòn - Gia Định được 2 năm, Chính bị địch phát hiện nên cô quay về quê Điện Thọ tiếp tục hoạt động cách mạng, làm giao liên hợp pháp cho đội công tác xã Điện Thọ - vùng căn cứ cách mạng của huyện Điện Bàn thời bấy giờ.
Chính lại tiếp tục mở tiệm may để hoạt động. Với vẻ đẹp của một thiếu nữ thôn quê, sự thông minh, khéo léo, Chính đã khai thác được nhiều thông tin của kẻ địch phục vụ cho cách mạng.
Do lập được nhiều chiến công trong công tác giao liên, binh vận và chiến đấu, tháng 11/1963, Chính được kết nạp vào Đảng khi mới tròn 18 tuổi.
Vào một ngày của tháng 3/1965, chị đã gan dạ, liều chết chặn đoàn xe của địch khi biết chúng sắp tràn qua bãi mía, nơi 8 thương binh sau trận đánh đang ở đó. Bất chấp nguy hiểm, chị Chính đã lao ra ngay bánh xích chiếc xe đầu tiên, giả vờ khóc lóc thảm thiết để chặn đoàn xe. Tên chỉ huy nghe ra, cho xe quay mũi đi hướng khác vậy là 8 thương binh của ta được an toàn.
Tay không bắt giặc
Những di chứng của chiến tranh vẫn còn dai dẳng suốt cuộc đời người phụ nữ này, nhưng vượt lên trên hết, bà vẫn say sưa làm từ thiện.
Tháng 11/1966, có một tiểu đội lính Mỹ ở Tràn Nhật (Điện Hòa) thường xuyên phục kích, bắt sống các đồng chí hoạt động cách mạng ở đây gây khó khăn cho phong trào.
Chị Chính được giao nhiệm vụ tiếp cận tên trung sĩ an ninh Mỹ. Đây là một tên trung sĩ còn trẻ nhưng khét tiếng xảo quyệt, thường dẫn tiểu đội lùng sục trong xóm, đàn áp dã man những người mà chúng nghi là dính líu với cách mạng.
Với thế hoạt động hợp pháp, bằng kinh nghiệm binh vận và một chút vốn liếng tiếng Anh, chị Chính đã lân la làm quen với tên này, sau đó lên kế hoạch phục kích tiểu đội của chúng.
Bằng vẻ đẹp của mình, sự gan dạ, thông minh, dũng cảm, chị Chính đã dụ tên trung sĩ này ra khỏi đồn, xáp vào ôm chầm lấy nó, nhanh như chớp, chị cướp vũ khí, phối hợp với tổ du kích của địa phương, bắt sống tên này đưa về căn cứ.
Sự kiện chị Chính “tay không bắt giặc” đã lan đi khắp nơi, góp phần khích lệ quân dân Quảng Đà trước lúc chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968. Sự kiện lịch sử này đã được nhà văn Bùi Minh Quốc miêu tả lại trong tiểu thuyết nổi tiếng của mình “Hồi đó ở Sa Kỳ” qua nhân vật chị Kha.
Sau thời gian đó, địch ngày đêm lùng sục, bắn phá, bắt bớ, giết hại đồng bào ta hết sức dã man. Trong một trận càn, chị Chính bị đạn cối của địch chặt đứt chân trái, hư một mắt, thương nặng ở tay phải và nhiều vết thương khác trên cơ thể. Thế nhưng, khi vết thương vừa hồi phục thì chị lại chống nạng ra chiến trường.
Miệt mài làm từ thiện
Chiến tranh đã qua đi hơn 35 năm nhưng di chứng, nỗi đau do chiến tranh để lại vẫn còn dai dẳng theo suốt cuộc đời của người phụ nữ này. Tác giả Lê Anh Dũng đã viết về bà rằng: “Một chân một mắt một tay/Một mình mình lại loay hoay một mình”.
Giờ đây, niềm vui lớn đối với bà chia sẻ với những gia đình khó khăn, các em học sinh nghèo, đồng bào bị bão lũ… Mỗi khi khỏe mạnh là bà đi vận động người thân, quyên góp tiền, quần áo, sách vở… để giúp đỡ mọi người. Chiếc chân giả của bà đã leo không biết bao nhiêu đồi núi, đến với những gia đình khó khăn.
“Với mức trợ cấp của thương binh 1/4, cô tiêu cũng không hết nên đã dành một ít giúp đỡ những những người khó khăn”, bà nói.
Khánh Hồng