1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Gặp người thương binh cựu tù nhân Phú Quốc

(Dân trí) - Về Cương Gián (Hà Tĩnh) vào một ngày đầu tháng 7, được gặp và trò chuyện cùng ông Nguyễn Duy Tùng, chúng tôi hiểu thêm về chất thép của anh Bộ đội Cụ Hồ và những câu chuyện từ chốn “địa ngục trần gian”, nhà tù Phú Quốc.

Trận đánh cuối cùng và những đòn tra tấn dã man
 
Ở vùng ven biển Nghi Xuân (Hà Tĩnh), Cương Gián là xã điển hình của cả nước về xuất khẩu lao động. Với sự hỗ trợ của khoảng 4.000 nhân khẩu đang làm việc ở nước ngoài, trong đó có 2.000 người ở Hàn Quốc, Cương Gián vươn lên từ nghèo khó trở thành một xã giàu có nhất tỉnh. Xen lẫn giữa những ngôi nhà cao tầng khang trang, đồ sộ, ngôi nhà của thương binh Nguyễn Duy Tùng ở thôn Ngư Tịnh thấp và chật hẹp đến nao lòng. Bên chén trà thân tình, ông thong thả kể về cuộc đời quân ngũ của mình.
 
Sinh năm 1937 trong một gia đình nông dân nghèo hết chỗ nghèo, lại là anh cả của 4 người em, Nguyễn Duy Tùng chỉ học hết lớp 4, nhà lại bị máy bay Pháp bắn cháy nên anh phải bỏ học đi ở cho địa chủ. Lúc này anh đã tham gia sinh hoạt trong tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong và Đoàn Thanh niên Lao động. Đến năm 1961, Nguyễn Duy Tùng xung phong lên đường nhập ngũ, được biên chế vào đơn vị D44 quân chủ lực Hà Tĩnh. Sau thời gian học tập chính trị, từ tháng 4 đến tháng 11/1961, Nguyễn Duy Tùng chiến đấu trong chiến dịch Trung Lào, rồi anh được chuyển sang Bộ Tư lệnh Thông tin. Hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ quân sự, trước yêu cầu mới, Nguyễn Duy Tùng xung phong ở lại để tiếp tục phục vụ quân đội.
 
Gặp người thương binh cựu tù nhân Phú Quốc - 1
Cựu tù nhân Phú Quốc Nguyễn Duy Tùng

Nguyễn Duy Tùng còn nhớ như in vào ngày 22/12/1965, ông cùng đồng đội được vào Nam chiến đấu. Nguyễn Duy Tùng đã kinh qua chiến đấu ở các địa bàn Gia Lai, Đăk Lăk, Phú Yên, Khánh Hoà, những nơi chiến sự vô cùng ác liệt, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Anh đã cùng đồng đội đánh 9 trận lớn và nhiều trận nhỏ, lập được nhiều chiến công.

Trận đánh lớn thứ 9 và cũng là trận đánh cuối cùng của Nguyễn Duy Tùng diễn ra vào tháng 2/1968, trong chiến dịch Tết Mậu Thân lịch sử. Đơn vị anh nhận lệnh tấn công vào quận Ninh Hoà (Khánh Hoà). Sau một thời gian chiến đấu ác liệt, đơn vị đã chiếm được nhà máy điện và trường huấn luyện của quân địch. Nhưng rồi địch tập trung 2 tiểu đoàn quân Nam Triều Tiên phản kích mãnh liệt. Quân ta lực lượng mỏng, hoả lực yếu, thương vong nhiều và đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt. Được lệnh rút lui, Nguyễn Duy Tùng chỉ huy tổ hoả lực yểm hộ cho đồng đội rút về. 3 người gồm Nguyễn Duy Tùng, chiến sĩ Yên và chiến sĩ Trường cùng quê ở Thanh Hoá với hoả lực chính là khẩu đại liên đã chiến đấu trong 6 tiếng đồng hồ liên tục để đồng đội rút lui an toàn. Trường hi sinh, Yên bị thương nặng, khẩu đại liên cũng đã bắn đến viên cuối cùng. Thấy tiếng súng của ta thưa dần rồi tắt hẳn, địch xông lên bắt được Nguyễn Duy Tùng và chiến sĩ Yên.   

Sa vào tay giặc, dù bị chúng tra tấn, đánh đập hết sức dã man, nhưng Nguyễn Duy Tùng vẫn giữ vững khí tiết, không hề hé răng nửa lời. Sau địch hỏi quá ráo riết, đã là con người thì ai cũng có cái tên, Nguyễn Duy Tùng chỉ khai bừa một cái tên giả và đơn vị giả, rồi từ đó không hề nói gì thêm, với ý nghĩ dù sao mình cũng chết, nếu mình khai sẽ làm hại đồng đội, Tổ quốc, có lợi cho địch. Địch giở đủ trò tàn ác: quay điện, treo ngược lên đổ nước ớt và xà phòng vào mũi, đánh roi cá đuối, và dã man nhất là dùng kìm rút hết 10 móng tay. Đến nay sau mấy chục năm, dấu vết của những trận tra tấn năm xưa vẫn còn in trên da thịt ông. Nhưng chúng không sao moi được một thông tin gì từ miệng ông.  Sau 1 tháng 20 ngày đánh đập chán chê mà không khai thác được gì, địch chuyển Nguyễn Duy Tùng vào nhà lao Quy Nhơn rồi chuyển ra đảo Phú Quốc.

Ở nơi địa ngục trần gian Phú Quốc

5 năm ở nhà tù Phú Quốc, cuộc đời Nguyễn Duy Tùng chuyển sang một trang mới. Chế độ trong tù cực kì kham khổ, mỗi ngày tù nhân chỉ được nửa cân gạo nhưng cũng bị bớt xén, thức ăn là muối, cá nhỏ, thức ăn thừa của địch, nhưng nhiều khi chỉ cơm không. Chúng nhốt 10 người một buồng, một khu nhà giam gồm 10 buồng tù nhân, một buồng bếp, một buồng vệ sinh. Vốn sống kham khổ đã quen, Nguyễn Duy Tùng không sợ chế độ hà khắc của nhà tù. Anh nhanh chóng bắt liên lạc với tổ chức chi bộ trong tù, sinh hoạt và lãnh đạo anh em đấu tranh.

Nguyễn Duy Tùng tích cực học văn hoá và dạy cho những anh em khác còn yếu hơn mình. Mới chỉ có trình độ lớp 4, Nguyễn Duy Tùng tích cực học thêm môn Toán. Học trong tù không sách vở, không giấy bút, không được nói to, chỉ vạch lên đất rồi xoá đi. Để ghi nhớ những công thức toán, Nguyễn Duy Tùng đã làm một loại “giấy” đặc biệt là dùng xà phòng bánh bôi lên tấm vải, phơi khô lên thành tấm bảng cứng và trắng xoá, lại dùng “mực” của con mực, chấm vào que nhọn để viết.

Ông Tùng kể: “Có khi nhận được thư nhà báo tin bị pháo cộng sản kích gây thương vong, thế là bọn lính nguỵ nổi điên lên, lôi mấy chục tù binh ra xả súng bắn chết”. Anh em đấu tranh dữ dội bằng cách đập tay lên mái tôn, gõ rầm rầm khắp khu nhà tù. Địch cho xe bọc thép, huy động lính chạy rầm rập, lên đạn sẵn sàng đàn áp. Thấy anh em căng quá, địch xoa dịu bằng cách xin lỗi, hứa điều tra xử lí.

Tôi hỏi: “Ta có tổ chức vượt ngục không?”, ông Nguyễn Duy Tùng trả lời: “Có chứ. Ta tổ chức vượt ngục hai lần, một lần được 40 người, một lần được 16 người. Bằng cách đào đường hầm bí mật vượt qua hàng rào, anh em thoát ra đi vào rừng, rồi ra bờ biển đã có tàu của ta đón”. Cách đào hầm là dùng mảnh i nốc đào dần dần, 4 khối đất đầu phải bí mật đem đi, còn sau đó thì đào đến đâu ém đất đến đó. Mọi việc được tổ chức hết sức chặt chẽ, bí mật. “Sao bác không vượt ngục?”, tôi hỏi. “Không được, chỉ những người còn đủ sức khoẻ, ra tù có thể cầm súng chiến đấu mới được vượt ngục. Tôi đã bị tra tấn nhiều quá nên sức khoẻ không đảm bảo”, Nguyễn Duy Tùng nói.                            

Chuyện cảm động trong đời thường                                       

Mãi đến sau Hiệp định Pari, Nguyễn Duy Tùng mới được trả tự do trong đợt trao trả tù binh bên bờ sôngThạch Hãn vào tháng 2/1973. Ra tù, Nguyễn Duy Tùng tiếp tục phục vụ trong quân đội, sau đó chuyển ngành về Xí nghiệp vận tải số 7. Sau vì gia đình quá khó khăn, ông xin về nghỉ chế độ mất sức, với tỉ lệ thương tật 41%. Vì nhiều năm chiến đấu trong vùng bị quân địch rải chất độc hoá học, khi trở về đời thường, ông phải gánh chịu nỗi đau khôn cùng. Đứa con gái đầu lòng sinh ra bị bại liệt, được 1 tuổi thì chết. Hai năm sau, con gái thứ hai ra đời cũng bị khèo hai tay, đến 5 tuổi cũng bỏ bố mẹ mà đi.
  
Gặp người thương binh cựu tù nhân Phú Quốc - 2
Ông Nguyễn Duy Tùng bên người vợ nghĩa tình Nguyễn Thị Hướng
 
Ông Nguyễn Duy Tùng tâm sự “Hồi tôi mới ra tù về, trông như một bộ xương di động, mười đầu ngón tay bị rút mất móng ai trông cũng sợ. May được vợ chăm sóc nên tôi mới được như thế này”.
 
Điều trăn trở của người thương binh là mặc dù ông bị nhiễm chất độc hoá học, sinh con bị dị tật, qua đời nhưng khi ông nộp hồ sơ để làm chế độ cho người kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học nhưng bị trả lại. 
 
Quang Đại - Văn Dũng