1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Kỳ 1: Hành trình không mỏi theo tiếng vọng từ hồi ức chiến tranh

(Dân trí) - Ngày 22/7/2010 mãi mãi là một ngày đáng nhớ với những cán bộ ngành tuyên huấn Quảng Đà cũ khi 10 liệt sĩ hy sinh tại căn cứ Hòn Tàu, căn cứ hoạt động của ngành tuyên huấn Quảng Đà trong cuộc kháng chiến chống Mỹ từ năm 1972, đã được tìm thấy.

Sau nhiều hành trình kiếm tìm vất vả, gian nan của ngành chức năng, đồng đội và thân nhân các liệt sĩ và sau gần 40 năm kể từ cái đêm không thể nào quên ấy (đêm 21/5/1972), tấm bia tưởng niệm 10 liệt sĩ hy sinh nơi đây đã được dựng lên trên núi Hòn Tàu.

Hành trình không mỏi theo tiếng vọng từ hồi ức chiến tranh, nỗi đau trăn trở của người thân và đồng đội đã được đáp đền để từ đây ngành Tuyên huấn Quảng Nam, Đà Nẵng có thêm một địa chỉ đỏ.
Kỳ 1: Hành trình không mỏi theo tiếng vọng từ hồi ức chiến tranh - 1
Lễ gắn bia tưởng niệm 10 liệt sĩ đã ngã xuống nơi căn cứ của ngành tuyên huấn Quảng Đà cũ trên núi Hòn Tàu.

Đêm không thể nào quên

Tiếng bom B52 oanh tạc đá núi Hòn Tàu đêm 21, rạng sáng 22/5/1972, như còn dội trong lồng ngực những đồng đội của các anh cho đến tận hôm nay. Giữa sắc xanh rừng núi Hòn Tàu, ngày gắn bia tưởng niệm 10 đồng đội đã hy sinh sau gần 40 năm, ký ức trở mình chan chứa nỗi niềm xúc động trong câu chuyện kể của nhà văn Hồ Duy Lệ, nhà báo Trương Ngọc Phương (hiện là Phó Tổng Biên tập báo Đà Nẵng) và những người đã chứng kiến đêm lịch sử bi hùng ấy.

Năm 1972, do chiến sự ác liệt, Đặc khu ủy Quảng Đà quyết định dời căn cứ từ ven sông Thu Bồn về hoạt động tại vùng núi huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam), gọi chung là Hòn Tàu vì đây là ngọn núi lớn nhất trong vùng núi này.

Cơ quan Tuyên huấn Quảng Đà chọn vị trí đặt căn cứ ngay lưng chừng núi. Các hang núi gần nhau tại vị trí này được đặt tên là Hang Điện đài, Hang Chiếu bóng (Hội trường Điện ảnh), Hang Báo chí, Hang Hội trường… Đây là nơi sống, chiến đấu và làm việc của các chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Đêm 21/5/1972, giữa lúc cán bộ, nhân viên tuyên huấn Đặc khu ủy Quảng Đà đang xem chiếu bóng phục vụ Hội nghị họp bàn về các nhiệm vụ nhằm định hướng tư tưởng, lòng dân trong tình hình chiến sự có nhiều diễn biến phức tạp qua thông tin cả trong và ngoài nước thì bất ngờ có một loạt bom nổ gần khu căn cứ.

Cuộc họp dừng ngang, mọi người rút về hang trú ẩn để đảm bảo an toàn. Yên ắng! Đêm đã khuya, ai nấy đều đã yên giấc giữa rừng trên võng. Đúng 1h đêm, rạng sáng 22/5/1972, một loạt máy bay ném bom B52 bất ngờ giáng thẳng vào căn cứ, núi rừng rung chuyển.

Tiếng người la thét xé toạc màn đêm. Cây cối ngã rạp, đá núi bị bom oanh tạc lăn lông lốc lấp kín hang điện đài vùi xác 5 người đang ngủ trong hang; trong đó có anh Hoàng Kim Tùng, nguyên cán bộ Ban Tuyên huấn, Bí thư Chi bộ Báo Giải Phóng Quảng Đà sang dự họp và ở lại đêm. Bên ngoài có thêm 5 người nữa hy sinh.

Sau loạt bom B52 kinh hoàng đó, 10 cán bộ, nhân viên tuyên huấn đặc khu ủy Quảng Đà đã ngã xuống. Rất nhiều người bị thương; trong đó, một vài người không trúng mảnh bom sát thương nhưng bị sức ép của bom giáng xuống bức toạc quần áo trên người. Những người may mắn sống sót dằn cơn bi thương chia nhau báo cáo cấp trên, xin chi viện giải quyết hậu quả.

Nhà văn Hồ Duy Lệ và một đồng chí tên Lê ở lại chăm sóc những người bị thương và lo hậu sự cho những người đã hy sinh. Điều ai nấy đau lòng là cảm giác bất lực chứng kiến 5 người trong hang bị đá núi vùi lấp xác và chôn kín miệng hang, không thể nào lật đá kéo xác đồng đội ra khỏi hang chôn cất. Hồi ức chiến tranh canh cánh mãi trong lòng đồng đội những người đã hy sinh.

Những đôi chân không mỏi theo tiếng vọng từ hồi ức

Kỳ 1: Hành trình không mỏi theo tiếng vọng từ hồi ức chiến tranh - 2
Những nén hương của các đồng đội cũ sưởi ấm các hương hồn liệt sĩ.
 
Tiếp tục chiến đấu đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, và nhận nhiều công tác mới với bao dâu bể ngổn ngang, nhưng hồi ức đêm bi thương ấy vẫn trăn trở khôn nguôi.

Năm 1992, nhiều đồng chí đồng đội của 10 liệt sĩ này đã tìm đường trở về căn cứ xưa để tìm kiếm hài cốt những liệt sĩ còn nằm ở đây. Nhưng trải bao vật đổi sao dời, lực bất tòng tâm, tìm không ra nơi đồng đội mình ngã xuống, họ đặt bia tưởng niệm những người đã hy sinh giữa trời trên lưng núi Hòn Tàu.

Loạt bom B52 oanh tạc vào cái đêm không thể nào quên ấy và những người đã ngã xuống vẫn là câu chuyện hồi ức chiến tranh đầy xúc động của những người còn sống hôm nay.

Còn đó nghĩa nặng tình sâu giữa những người còn sống và những người đã hy sinh, những người đã từng cùng chiến đấu vì lý tưởng hòa bình cho dân tộc. Đặc biệt, là những vết thương lòng chưa bao giờ lành của thân nhân các liệt sĩ chưa tìm được mộ chồng, mộ cha, mộ anh, mộ em xa gia đình đi chiến đấu và mãi mãi không có ngày đoàn viên.

Cuối năm 2009, bà Phan Thị Thọ, vợ của liệt sĩ Hoàng Kim Tùng, hiện ở Đông Hà, Quảng Trị, tha thiết kêu gọi ngành chức năng cùng đồng đội cũ của liệt sĩ về lại Hòn Tàu tìm cho được nơi chồng bà và nhiều đồng đội đã ngã xuống. Đó là nguyện vọng của cả một đời người chờ đợi, đau thương.

Những người đồng đội cũ, ai cũng đã ngoài 60, có người đã yếu sức vì tuổi cao nhưng cũng vượt lên tất cả cùng thân nhân liệt sĩ nối lại hành trình tìm lại nơi bạn, chồng, cha, anh, em họ đã nằm lại giữa núi rừng Hòn Tàu, Duy Xuyên.

Chuyến đi cuối năm 2009 nhiều vất vả vì càng thêm nhiều cây cối um tùm mọc lên xóa mờ mọi nẻo về dấu xưa. Thêm vào đó, vị trí cần tìm nằm ở lưng chừng sườn núi, chỉ cần chệch hướng một vài bước là lạc cả đường dài và phải quay về điểm xuất phát tìm hướng khác.

Đã có lúc, đoàn người phải nằm trên cây qua đêm chờ tan bóng tối, trời lại sáng soi đường tìm kiếm. Những đôi chân không mỏi đi theo tiếng gọi của con tim tràn đầy tình thân, tình đồng đội bất chấp đường rừng, núi đá cheo leo thử thách sức người.

Trong chuyến đi nửa cuối năm 2009, tưởng như đã thỏa nguyện vì tìm ra đích xác nơi cần tìm nhưng không phải. Thất vọng rồi lại hy vọng khi có thêm nhiều người giúp sức thôi thúc mọi người tiếp tục hành trình.

Phải đến tháng 6/2010, gần 1 năm trời với gần 10 chuyến đi, gồm cả các chuyến đi do ngành tuyên huấn, báo chí Đà Nẵng - Quảng Nam tổ chức và cả những chuyến đi người thân, đồng đội của các liệt sĩ tự tổ chức mới tìm ra vị trí chính xác, nơi có hang điện đài mà đá núi đã đè lấp xác 5 liệt sĩ ở lại trong hang đêm đó và 5 liệt sĩ ở bên ngoài được chôn cất gần đó. Địa chỉ đỏ đã được xác định với những hiện vật còn dấu xưa, rõ ràng nhất là những cuộn phim trong hang chiếu bóng bị vùi trong đất, nơi xác người đã tan vào lòng đá núi.

Khánh Hiền
(còn nữa)