Đó là câu chuyện về hai Mẹ Việt Nam anh hùng hiện đang sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh: mẹ Nguyễn Thị Giáo (SN 1920, đến từ xã Cẩm Vinh, huyện Cẩm Xuyên) và mẹ Đậu Thị Phố (SN 1929, đến từ Đức Lạng, huyện Đức Thọ).
Cạn nước mắt vì con mãi đi xa
Trời xế trưa, Trung tâm Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh đóng tại phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh, vắng lặng. Hỏi anh Phạm Khắc Mười, một cán bộ của trung tâm về mẹ Nguyễn Thị Giáo và mẹ Đậu Thị Phố, được biết giờ là lúc hai mẹ đang dùng cơm trưa.
Khi chúng tôi tìm đến, trong căn phòng ngăn nắp, sạch sẽ chỉ còn lại mẹ Giáo đang ngồi dùng bữa. Mẹ ngồi ăn lặng lẽ bên chiếc bàn gỗ đặt bát cháo thơm mùi ngò, thịt. Mẹ Giáo nói mẹ đang ốm nên không thể cùng mẹ Phố đi ăn cơm tập thể như thường ngày.
Mẹ Giáo ngồi ăn lặng lẽ bên chiếc bàn gỗ đặt bát cháo thơm mùi ngò, thịt.
Mẹ Giáo năm nay tròn 90 tuổi, là người nhiều tuổi nhất ở trung tâm. Mẹ hiện mang trong mình đủ thứ bệnh tật. “Đau lắm. Mỏi lắm. Mỏi từ chân đến cổ. Mấy tháng rồi mệ không ngủ được. Cháo nấu ngon ra ri mà cũng không nuốt được” - mẹ Giáo ghé sát tai tôi, nói thật to như sợ tôi không nghe thấy.
Mẹ bị lãng tai nặng nhiều năm nay nên rất khó trò chuyện. Muốn nói với mẹ phải ghé sát tai, hét thật to, hoặc vừa nói vừa ra cử chỉ mẹ mới hiểu được. Sau hơn ba chục phút khó khăn chuyện trò cùng mẹ, chắp vá thêm những thông tin từ cán bộ trung tâm cung cấp, tôi phần nào hình dung về cuộc đời đầy sóng gió, bất hạnh của mẹ Giáo.
Mẹ Giáo bị lãng tai nên phải hét thật to mới trò chuyện được với mẹ
Mẹ Giáo lấy chồng năm 1941, đến năm 1944 sinh được người con trai duy nhất, đặt tên là Trần Văn Du. Đứa con trai tròn một năm tuổi thì chồng mẹ sang Lào rồi không quay trở lại, để mẹ một mình cơ cực nuôi đứa con thơ. Nhắc đến con trai, mẹ Giáo buồn, rơi nước mắt. Mẹ vẫn nhớ như in hình ảnh người con trai duy nhất đã mãi mãi đi xa.
“Thiếu hơi ấm của cha, mẹ lại vất vả, nhưng thằng Du từ nhỏ rất kháu khỉnh. Nó hiểu được hoàn cảnh của mẹ nên thương mẹ vô cùng. Nó bỏ học giữa chừng vì mẹ nghèo, nhưng cái đầu nó sáng nên HTX lấy đi học kỹ thuật. Mới tuổi đôi mươi mà nó từng phụ trách kỹ thuật nông nghiệp của xã, một thời gian sau chuyển hẳn lên huyện. Năm 1969, nó được tỉnh triệu tập đi chuyên gia kỹ thuật nông nghiệp ở bên Lào. Nó đi sang Lào được 1 năm, sau đó về cưới vợ. Tháng 8/1972 chưa đầy 2 năm sau ngày cưới nó hy sinh. Ngày nhận được giấy báo tử của nó mẹ gục ngã không còn biết chi nữa. Mẹ khóc suốt vì thương nó. Mẹ thương nó, nhưng chắc nó cũng thương mẹ lắm, vì nó đi mà chưa sinh được cho mẹ mụn cháu nào” - mẹ Giáo buồn đau kể lại.
Con trai hy sinh, niềm an ủi còn lại của mẹ Giáo là đứa con dâu. Nhưng thấu hiểu nỗi hiu quạnh của người phụ nữ không có chồng bên cạnh, mẹ Giáo đã động viên con đi bước nữa. 2 năm sau, con dâu mẹ đi lấy chồng. Từ đó mẹ lại đơn độc một mình trong mái nhà lá đơn sơ.
Mẹ hiện bị đủ thứ bệnh tật dày vò, việc đi lại gặp nhiều khó khăn
Chia tay mẹ Giáo, chúng tôi theo chân anh Mười đến một căn phòng cách đó không xa, nơi mẹ Phố đang sum vầy cùng nhiều mẹ vốn là thân nhân liệt sỹ khác. Căn phòng nhỏ nhưng đầm ấm, đầy ắp tiếng cười. Ít tuổi hơn mẹ Giáo, mẹ Phố trông còn khoẻ khoắn, nụ cười luôn hiện hữu trên khuôn mặt đầy đặn, mái tóc màu bạch kim, chuyện trò minh mẫn.
Mẹ kể, năm 1954 sau hai “lần đò” mẹ Phố mới sinh được đứa con trai đầu lòng. Mẹ đặt tên con là Lương với hy vọng khi con lớn lên sẽ làm một người lương thiện, có ích cho xã hội. Anh Lương lớn trên trong không khí cả nước hào hực khí thế đánh giặc, nên mới qua tuổi 17 anh đã xung phong lên đường nhập ngũ.
Nhắc đến con mẹ Phố buồn chẳng muốn ăn
“Mẹ còn nhớ ngày nó đi mái tóc nó đen nhánh, nụ cười hiền khô. Một tay ba lô, môt tay nó ôm lấy mẹ. Thấy mẹ khóc nó vỗ về, hứa sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở đơn vị sẽ trở về quê lập gia đình, nuôi mẹ. Không ngờ nó đi một mạch không có hồi âm, không về thăm mẹ một lần, cho đến một ngày giữa năm 1973 mẹ nhận được giấy báo tử, ghi rõ Lương hy sinh ngày 25/08/1972 tại mặt trận phía Nam. Đó là ngày đau buồn nhất của cuộc đời mẹ” - mẹ Phố bần thần nhớ lại.
Năm 1978, chồng mẹ Phố mất. Mẹ lại sống nương tựa với em gái ở xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ. Năm 2005, mẹ được Trung tâm Bảo trợ Xã hội Hà Tĩnh đón về phụng dưỡng.
Tình bạn già nơi “căn nhà chung”
Tính đến thời điểm này, mẹ Giáo đã đến sinh sống, dưỡng già ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh được tròn 10 năm, còn mẹ Phố là 5 năm. Chừng ấy thời gian đủ để các cán bộ ở trung tâm cảm nhận và khâm phục cách sống trọn nghĩa tình và cách mà các mẹ cùng vượt qua nỗi đau.
Anh Phạm Văn Mười, người gắn bó với hai mẹ nhiều năm, cũng là người được các mẹ coi như con cháu hiểu hai mẹ hơn ai hết. Anh Mười kể: “Mẹ Giáo đến trước, còn mẹ Phố đến sau. Khi bố trí hai mẹ ở chung phòng, ban đầu cũng lo vì sợ các mẹ đã luống tuổi, tính cách không hợp ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Nhưng thật lạ, từ khi hai mẹ sống chung một phòng, căn phòng luôn ấm áp, đấy ắp tiếng cười”.
Về sống ở TTBTXH Hà Tĩnh, gần gũi với mẹ Giáo, mẹ Phố đã tìm thấy niềm vui
Theo lời anh Mười, khi một trong hai mẹ có người ốm đau là người còn lại cũng chẳng buồn ăn uống. Miếng trầu ít ỏi các mẹ cũng san sẻ, chia nhau từng niềm vui, gánh bớt nhau mọi nỗi buồn. Hơn một năm nay, từ khi mẹ Giáo yếu hẳn, mẹ Phố luôn chăm sóc người bạn già chu đáo. Những cán bộ ở đây đã quá quen với cảnh, sáng sớm và chiếu tối hai mẹ lại dắt díu nhau dạo bộ, hóng mát trong sân của trung tâm.
Ghé sát tai mẹ Giáo hỏi bí quyết sống lâu, mẹ nói mẹ không có bí quyết nào ngoài sự quan tâm, chăm sóc của nhà nước, của “các con” ở trung tâm và của mẹ Phố. Còn mẹ Phố bảo, mẹ học được ở mẹ Giáo nhiều điều hay. Tình bạn già đã giúp mẹ phần nào quên đi bao phiền muộn, sống thanh thản hơn.
Các mẹ bảo, đời các mẹ sóng gió, bất hạnh nhiều, nhưng giờ hạnh phúc đã mỉm cười, các mẹ không còn cô đơn!
Văn Dũng - Bá Hải - Đặng Tài