1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-2019):

Đời người chỉ chết một lần, xin chết cho Tổ quốc!

(Dân trí) - “Bản thân tôi nghĩ rằng không thể ngồi yên trong lúc dầu sôi lửa bỏng này… Tôi quyết tâm ra đi, dù có hi sinh cho Tổ quốc, tôi cũng rất vui lòng. Tôi nghĩ trên đời một lần chết thôi, thà chết cho vinh quang rực rỡ chứ không để bọn giặc giày xéo đất nước, non sông của mình!”, ông Lê Xuân Lương viết trong quyết tâm thư xin ra trận đánh giặc, bảo vệ Tổ quốc năm 1979.

 

Đời người chỉ chết một lần, xin chết cho Tổ quốc! - 1
Gian trưng bày các hiện vật, tư liệu lịch sử về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc tại Bảo tàng Quân khu 4. Những bức quyết tâm thư của quân và dân Khu 4 được bảo quản, trưng bày trong tủ kính để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử.

 

Thà chết không để giặc giày xéo non sông đất nước mình!

Nhiều năm nay, công tác sưu tầm các hiện vật liên quan đến cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc luôn được cán bộ Bảo tàng Quân khu 4 chú trọng. Nhiều hiện vật liên quan đến sự kiện lịch sử này đã được tìm thấy và giành một vị trí trang trọng trong không gian trưng bày những hiện vật, bức ảnh trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc sau năm 1975.

Bên cạnh những bức ảnh tư liệu thể hiện sự đóng góp của quân dân Quân khu 4 trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc là một chiếc tủ kính trưng bày có những quyết tâm thư của người dân khu 4, đặc biệt là người dân Nghệ An trong giai đoạn 1978-1979, khi Trung Quốc triển khai từng bước xâm lấn vùng biên cương phía Bắc của Tổ quốc.

Đời người chỉ chết một lần, xin chết cho Tổ quốc! - 2
Những quyết tâm thư xin được ra trận bảo vệ biên cương Tổ quốc của người dân Nghệ An hiện đang được lưu trữ tại Bảo tàng Quân khu 4 là một minh chứng hùng hồn cho ý chí quyết chiến, quyết thắng kẻ thù ngoại bang xâm lấn bờ cõi.

Những bức thư đã úa màu, nhiều bức chữ không còn rõ nét. Có những bức thư được viết kín đặc 4 trang giấy khổ lớn, cũng có những bức quyết tâm thư viết vội trong nửa trang giấy học trò, nét chữ rắn rỏi. Từng câu, từng chữ như nhát dao vạch rõ tội ác của kẻ bành trướng.

Trong lớp lớp những người chung nguyện vọng đứng trong hàng ngũ cầm súng đánh đuổi quân thù ra khỏi bờ cõi, nhiều người đã kinh qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, có người là công nhân, người là cán bộ lãnh đạo địa phương. Người còn trẻ, người đã bước qua tuổi 40, sức khỏe không còn tráng kiện như xưa. Nhưng tất cả họ đều chung lòng căm thù và hừng hực quyết tâm đánh đuổi kẻ thù ra khỏi bờ cõi.

Đời người chỉ chết một lần, xin chết cho Tổ quốc! - 3
Bức thư kín đặc chữ của người cựu binh Lê Xuân Lương. Người cựu binh 47 tuổi "thà chết chứ không thể để giặc giày xéo non sông đất nước mình"!

Rạng sáng ngày 17/2/1979, Trung Quốc ồ ạt đưa quân qua tuyến biên giới phía Bắc nước ta. Lúc này, ông Lê Xuân Lương (trú xã Nghi Trường, Nghi Lộc, Nghệ An) đã 47 tuổi, xuất ngũ được 7 năm sau quá trình chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trước quân xâm lược Mỹ. Thời điểm Trung Quốc gây hấn, người con trai cả của ông Lương đang tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, mấy đứa con còn lại còn quá nhỏ.

Đứng trước sự đe dọa đối với nền độc lập, hòa bình của dân tộc và sự bình yên, toàn vẹn lãnh thổ trên tuyến biên giới, người cựu binh này đã viết thư gửi các cơ quan chức năng xin tái ngũ để cầm súng bảo vệ biên cương.

“Bản thân tôi nghĩ rằng không thể ngồi yên trong lúc dầu sôi lửa bỏng này. Nên tôi viết đơn này kính xin cấp trên cho tôi tiêu diệt bọn phản động Trung Quốc… Tôi quyết tâm ra đi, dù có hi sinh cho Tổ quốc, tôi cũng rất vui lòng. Tôi nghĩ trên đời một lần chết thôi, thà chết cho vinh quang rực rỡ chứ không để bọn giặc giày xéo đất nước, non sông của mình!”, ông Lê Xuân Lương viết trong bức thư xin ra trận đề ngày 4/3/1979.

Đời người chỉ chết một lần, xin chết cho Tổ quốc! - 4
Xuất ngũ nhiều năm, trước an nguy của đất nước, khi bờ cõi bị xâm lăng, cựu binh Nguyễn Khắc Toán xin được tái ngũ, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ công tác nào, miễn được cùng quân dân cả nước bảo vệ biên cương, bảo vệ từng tấc đất mà cha ông đi trước đã đánh đổi bằng máu xương của mình.

Đứng trước sự an nguy của vận mệnh dân tộc, mỗi người dân Việt Nam đều tự nhận thấy trách nhiệm của bản thân mình. Họ sẵn sàng gác lại riêng tư, gác lại sự yên ấm của gia đình, của bản thân để hòa mình vào dòng chảy cuồn cuộn của lịch sử. 42 tuổi, đã từng là Đại đội trưởng pháo binh trong kháng chiến chống Mỹ, ông Nguyễn Khắc Toán (SN 1937, trú xã Quỳnh Phú, Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã “chạnh lòng” bởi “cấp trên đã điều động một số trẻ khỏe. Nếu như vậy thì tôi không bao giờ được đi”!.

Tiếng súng đã nổ trên bầu trời biên giới, người cha của 6 đứa con nhỏ, người cha đã cầm súng đánh Mỹ làm sao có thể ngồi yên. Ông tha thiết xin được ra mặt trận bằng bức thư dài kín 4 trang giấy khổ lớn. Ông nguyện chấp nhận mọi sự phân công của cấp trên, miễn là mình được góp phần vào cuộc chiến đấu vệ quốc đang sục sôi ở địa đầu Tổ quốc.

Đời người chỉ chết một lần, xin chết cho Tổ quốc! - 5
Trong lớp lớp người ra trận năm ấy có nhiều học sinh, sinh viên. Họ tạm rời xa mái trường, sách vở, tạm gác lại bao dự định của bản thân để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng và cao cả hơn: bảo vệ Tổ quốc!

“Trước đây tôi chỉ huy đại đội, nay phân công tôi trung đội cũng được. Hay chỉ huy tăng gia sản xuất làm hậu cần tiếp tế cho tiền tuyến cũng được. Việc gì mà Đảng phân công, tôi tìm mọi cách làm tròn nhiệm vụ”, ông Toán viết.

Đang ngồi trên ghế nhà trường đã thấy vị trí của mình ở ngoài mặt trận

Khi bờ cõi bị xâm lăng, không ít học sinh sinh viên sẵn sàng gác bút sách để thực hiện trách nhiệm đối với Tổ quốc. Những chàng trai cô gái còn rất trẻ nhưng đã có những nhận định chính xác về thời cuộc.

Trước sự bành trướng của quân xâm lăng, trước khí thế sục sôi cách mạng, lớp lớp người con đất Việt xung phong ra tuyến đầu để giữ yên bờ cõi, cô nữ sinh Trương Thị Chung (SN 1961) tự thấy mình không thể ngồi yên trên ghế nhà trường. 18 tuổi, cô không còn mộng mơ hồn nhiên được nữa. Trong lúc này, cô nhận thấy vị trí của mình là ở ngoài mặt trận, sát cánh cùng bộ đội và nhân dân 6 tỉnh phía Bắc cầm súng bảo vệ bờ cõi.

Đời người chỉ chết một lần, xin chết cho Tổ quốc! - 6
Người dân huyện Nghi Lộc đăng kí tòng quân nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc, năm 1979.

Cô nữ sinh 18 tuổi viết: “Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, đứng ở cương vị tuổi thanh niên, sự căm thù sâu sắc với bọn xâm lược bành trướng của nhà cầm quyền Bắc Kinh… tôi làm đơn này xin tình nguyện gia nhập quân đội nhân dân Việt Nam, được càng sớm càng tốt. Đó là nguyện vọng thiết tha của tôi.

Khi sự tồn vong của dân tộc bị đe dọa, khi bờ cõi cha ông đã đánh đổi bằng xương máu bị xâm lăng, mỗi người dân Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc chiến đấu đó được. Tự mỗi người nhận lấy một phần trách nhiệm, gác lại những dự định riêng cho mục đích cao cả nhất: bảo vệ nền hòa bình, độc lập của dân tộc!

Đời người chỉ chết một lần, xin chết cho Tổ quốc! - 7
Khi Tổ quốc lâm nguy, không người dân Việt Nam nào có thể ngồi yên. Họ sẵn sàng hi sinh bản thân, cầm súng đứng lên bảo vệ bờ cõi, bảo vệ từng tấc đất quê hương, bảo vệ nền hòa bình, độc lập được đánh đổi bằng máu xương của bao thể hệ đi trước. Với truyền thống đấu tranh quật cường, người Việt Nam chưa bao giờ lùi bước trước bất kỳ kẻ thù xâm lăng nào! (ảnh Tư liệu).

 

Trong lớp lớp đoàn quân ra trận năm ấy có rất nhiều chàng trai, cô gái xứ Nghệ. Nhiều người đã nằm lại nơi biên thùy, người trở về với vết thương chiến tranh… Nếu được lựa chọn, chắc chắn họ chọn hòa bình nhưng lịch sử đã gọi, họ sẵn sàng đánh đổi sinh mạng của mình, không thể để bất cứ kẻ thù ngoại bang nào giày xéo non sông. Bởi, với họ, Tổ quốc, bờ cõi là thiêng liêng, là máu thịt của mình!

 Hoàng Lam 

Dòng sự kiện: Biên giới 1979

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm