1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 - 2019):

Lời dặn dò “một xanh cỏ, hai đỏ ngực” trước khi ra trận

(Dân trí) - Cưới nhau xong chưa kịp có con, chồng nhập ngũ rồi lên biên giới phía Bắc chiến đấu. Người vợ nơi quê nhà cứ nghĩ chồng đã hi sinh và một mực thủy chung chăm sóc bố mẹ, gia đình bên chồng.

 

Lời dặn vợ ngày lên đường

Trong câu chuyện về Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Khắc Xuân , chiến sĩ Đồn Pha Long, Công an vũ trang Lào Cai (nay là Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Lào Cai) không thể không nhắc đến người vợ nơi hậu phương là bà Lê Thị Hà (SN 1950).

Lời dặn dò “một xanh cỏ, hai đỏ ngực” trước khi ra trận - 1
Bà Lê Thị Hà, vợ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Khắc Xuân.

Giờ đây, ở vào tuổi ngoài lục tuần, khi các con đã trưởng thành, có nghề nghiệp ổn định, lập gia đình ở riêng, ông bà ngày ngày sống bên nhau, vui hạnh phúc tuổi già.

Ngồi bên cạnh, nghe câu chuyện của người chồng hơn 40 năm trước, bà Hà không giấu được những giọt nước mắt xúc động vì thương chồng. Bởi đó cũng là khoảng thời gian mà bà đã dành trọn tuổi thanh xuân của mình cho chồng yên tâm làm nhiệm vụ, chiến đấu nơi biên cương của Tổ quốc.

Đưa tay lau những giọt nước mắt, bà Hà kể, vợ chồng cưới nhau từ tháng 6/1973 và làm công nhân đến tháng 2/1975 thì chồng nhập ngũ.

Ngày ấy, dù mới lập gia đình, nhưng trong hoàn cảnh đất nước còn chiến tranh, ông Xuân tham gia nhập ngũ chuẩn bị tăng cường cho chiến trường miền Nam. Khi ông Xuân đang trong thời gian huấn luyện thì miền Nam đã hoàn toàn được giải phóng.

Sức trẻ lại một lần nữa thôi thúc người thanh niên Lê Khắc Xuân lên đường đến với vùng biên cương phía Bắc của Tổ quốc.

Lời dặn dò “một xanh cỏ, hai đỏ ngực” trước khi ra trận - 2

Ông Lê Khắc Xuân (hàng 2, thứ 3 từ trái sang) trong bức ảnh chụp chung với lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Đưa ánh mắt hồn hậu nhìn lên mái đầu đã điểm bạc của người chồng, bà Hà cười nói: “Ngày tiễn chồng đi nhập ngũ, ông ấy còn nói một là xanh cỏ, hai là đỏ ngực, rồi dặn tôi yên tâm ở nhà đừng lo cho ông ấy và cũng đừng mong thư từ gì. Sau khi huấn luyện xong, lên đường đi biên giới phía Bắc, ông ấy vẫn dặn vợ như trên”.

Kể từ khi đặt chân lên vùng đất biên cương của tổ quốc, ông Xuân có gửi về cho vợ một lá thư thông báo ông đã đến nơi. Cũng kể từ thời điểm đó đến nhiều năm sau, bà và gia đình gần như mất hoàn toàn liên lạc với ông Xuân.

“Lúc đó, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn, bố chồng ốm. Là dâu đầu trong gia đình, nhà đông em, tôi phải cáng đáng mọi việc”, bà Hà nhớ lại.

Cuối năm 1978, cha ông Xuân mất. Ngày bố mất, ông Xuân cũng không có nhiều thời gian để ở bên gia đình.

Người mẹ già về sau vì suy nghĩ nhiều nên cũng sinh ra ốm đau, bệnh tật.

Nghe được tiếng mới tin chồng còn sống!

Cưới nhau xong, chưa kịp có con thì chồng ra chiến trường. Nơi quê nhà, dù không có tin tức của chồng, nhưng người vợ trẻ vẫn một mực thủy chung, chăm lo cho gia đình cùng các em chồng.

Lời dặn dò “một xanh cỏ, hai đỏ ngực” trước khi ra trận - 3
Ngày cưới nhau xong, chồng tham gia quân ngũ, một mình bà Hà ở nhà chờ chồng, lo cho gia đình.

Có những lần qua vô tuyến, nghe kể về các chiến công của quân và dân ta nơi biên giới phía Bắc, trong đó có tên chồng mình, nhưng bà Hà vẫn không tin chồng còn sống.

“Ở nhà, mỗi lần nghe đài thông tin về cuộc chiến ở biên giới phía Bắc ai cũng khóc, mẹ con ôm nhau khóc, cứ nghĩ ông ấy đã hi sinh, không nghĩ được chồng mình còn sống”, bà Hà xúc động nhớ lại.

Sau quá trình chiến đấu anh dũng của quân và dân ta, Trung Quốc phải rút về nước, tháng 3/1979, ông Xuân được về Hà Nội nói chuyện. Lúc đó, ông tranh thủ viết mấy dòng thông báo về cho gia đình. Ngày nhận được thư của chồng sau bao năm bặt vô âm tín, bà Hà vẫn không tin là chồng còn sống.

“Đến khi nghe đài về cuộc nói chuyện của ông ấy, lúc đó tôi mới tin là chồng còn sống. Về đến Hà Nội rồi nhưng đường xá đâu có như bây giờ, hơn nữa ông ấy bận công tác nên cũng không ghé thăm nhà được. Khi biết chắc chắn chồng còn sống lúc đó tôi xúc động không nói sao hết được”, bà Hà nghẹn ngào kể.

Sau nhiều năm trời xa cách, cũng trong năm 1979, khi ông Xuân có chuyến công tác về Thanh Hóa, tranh thủ thời gian ngắn ngủi, ông Xuân ghé về thăm người vợ trẻ và gia đình.

Ngày đó, nhiều lá thư của bà gửi đi nhưng không nhận được hồi âm của chồng. “Ngày đó, tôi xác định đi lấy chồng rồi, nhiều người hi sinh chứ không phải riêng gì gia đình mình. Nếu chồng có hi sinh thì mình cũng phải chấp nhận. Tôi thấy mình còn may mắn hơn nhiều người phụ nữ trong hoàn cảnh đó”, bà Hà bồi hồi kể.

Lời dặn dò “một xanh cỏ, hai đỏ ngực” trước khi ra trận - 4
Có những lúc, bà Hà cũng như gia đình nghĩ ông Xuân đã hi sinh.

Vì liên lạc khó khăn, hơn nữa để chồng yên tâm làm nhiệm vụ, dù ở nhà mẹ ốm, bà cũng không thông tin cho chồng biết. “Ngày ông ấy trở về, không thấy mẹ đâu có hỏi, lúc đó tôi mới cho ông ấy biết là mẹ đang nằm viện”, bà Hà nhớ lại.

“Khi nghe tin ông ấy được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, có người đến phỏng vấn, lúc đó tôi đang làm ruộng vì quá xúc động không thể nói được gì. Ông ấy trở về bình an đã là niềm hạnh phúc lớn nhất rồi”.

Trong căn nhà cấp bốn gọn gàng, ngăn nắp, ngày ngày hai vợ chồng ông bà vẫn vui sống bên nhau trong niềm hạnh phúc của đời thường. Và niềm hạnh phúc lớn nhất với ông bà khi cả 3 người con đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định và ra ở riêng...

Duy Tuyên

Dòng sự kiện: Biên giới 1979

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm