40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-2019):

Xứ Nghệ tiếp lửa bảo vệ biên cương 1979

(Dân trí) - Rạng sáng ngày 17/2/1979, phát súng xâm lược đã nổ ra trên bầu trời biên giới phía Bắc, đe dọa nền hòa bình, độc lập của đất nước. Cùng với quân, dân cả nước, quân dân Khu 4 nói chung và Nghệ An nói riêng đã có những hành động thiết thực, góp sức người, sức của chi viện cho chiến trường, chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Xứ Nghệ tiếp lửa bảo vệ biên cương 1979 - 1

Ngày 17/2/1979, Trung Quốc phát động cuộc chiến trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam. Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc nổ ra, hầu hết quân đội chủ lực của ta đang chiến đấu ở biên giới Tây Nam. Bởi vậy cùng với lực lượng chiến đấu trực tiếp của Quân khu 1, Quân khu 2, Quân khu 3 và người dân 6 tỉnh biên giới phía Bắc thì Quân khu 4 là hậu phương chi viện kịp thời nhanh nhất cho cuộc chiến. Khi tiếng súng đầu tiên nổ ra thì Quân ủy Trung ương, Đảng và Nhà nước đã yêu cầu Quân khu 4 chi viện nhanh nhất, tổng lực động viên để sẵn sàng chiến đấu. Hưởng ứng lời kêu gọi tổng động viên của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, hàng vạn thanh niên Nghệ An đã hăng hái tòng quân lên đường nhập ngũ. Trong ảnh là thanh niên huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ Tĩnh (nay là tỉnh Nghệ An) đăng kí tòng quân nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc, năm 1979.

Xứ Nghệ tiếp lửa bảo vệ biên cương 1979 - 2
Thanh niên huyện Nghi Xuân, tỉnh Nghệ Tĩnh (nay là tỉnh Hà Tĩnh) kiểm tra sức khỏe sẵn sàng nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc, năm 1979.
Xứ Nghệ tiếp lửa bảo vệ biên cương 1979 - 3

Quân khu 4 (gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Trị Thiên) có 2 sư đoàn đầu tiên trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, Sư đoàn 337 (hiện nay là Đoàn kinh tế quốc phòng 337 Quân khu 4) và Sư đoàn 316B (sau này đổi thành Sư đoàn 356, thuộc Quân khu 2) từ Nghĩa Đàn (Nghệ An) hành quân khẩn cấp ra Bắc chi viện cho chiến trường biên giới Tây Bắc. Cũng trong thời gian này, Trung đoàn 214 Pháo cao xạ Quân khu 4, còn có tên gọi là Trung đoàn Phòng Thành có nhiệm vụ bảo vệ thành phố Vinh (hiện nay là Lữ đoàn 214, Quân khu 1) cũng được lệnh ngay lập tức được lệnh chi viện để bảo vệ bầu trời phía Bắc.

Xứ Nghệ tiếp lửa bảo vệ biên cương 1979 - 4

Từ những năm 1977-1979, các trung đoàn tự vệ được thành lập ở nhiều địa phương. Đây là lực lượng thường trực chiến đấu, sẵn sàng chi viện khi có nhiệm vụ chiến đấu xảy ra. Trong ảnh là Trung tướng Lê Quang Hòa - Chính ủy Quân khu 4 phát biểu tại lễ thành lập Trung đoàn tự vệ nông trường Sông Hiếu (ngày 19/7/1977).

Xứ Nghệ tiếp lửa bảo vệ biên cương 1979 - 5
Cũng trong năm 1979, Trung đoàn tự vệ Nông trường 3/2 (đóng trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) cũng được thành lập, sẵn sàng chi viện cho chiến trường biên giới.
Xứ Nghệ tiếp lửa bảo vệ biên cương 1979 - 6

Trung Quốc đã sử dụng gần 60 vạn quân thuộc các lực lượng không quân, bộ binh và pháo binh. Ngoài nhiệm vụ khẩn cấp cùng với cả nước chi viện chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, chuẩn bị lực lượng phòng thủ để chiến đấu lâu dài, bảo vệ biên giới phía Tây và trên biển đề phòng Trung Quốc đổ bộ, Quân ủy Trung ương đã giao Quân khu 4 nhiệm vụ đề phòng địch tấn công từ đường biển bằng hạm đội Hải Nam. Trong ảnh là dân quân xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ Tĩnh (nay thuộc tỉnh Nghệ An) luyện tập xạ kích trên biển, sẵn sàng chiến đấu.

Xứ Nghệ tiếp lửa bảo vệ biên cương 1979 - 7
Dân quân xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu tuần tra bảo vệ vùng biển quê hương, năm 1979.
Xứ Nghệ tiếp lửa bảo vệ biên cương 1979 - 8

Nhân dân huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ Tĩnh (nay thuộc tỉnh Nghệ An) đóng góp hơn 1 triệu cây tre làm chông xây dựng tuyến phòng thủ bảo vệ quê hương, năm 1979. Trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, những bãi chông đã thực sự phát huy hiệu quả trong việc ngăn cản bước tiến với chiến thuật biển người của Trung Quốc. Thực hiện nhiệm vụ phòng thủ toàn tuyến biên giới phía Tây, nhiều bãi chông đã được xây dựng.

Xứ Nghệ tiếp lửa bảo vệ biên cương 1979 - 9
Thực hiện chỉ đạo tăng cường phòng thủ toàn tuyến biên giới, lực lượng bộ đội biên phòng thường xuyên tuần tra bảo vệ tuyến biên giới phía Tây Tổ quốc, năm 1979.
Xứ Nghệ tiếp lửa bảo vệ biên cương 1979 - 10

Chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn, Sư đoàn 337 Quân khu 4 đang vượt sông Kỳ Cùng (Lạng Sơn) chiến đấu vào tháng 12/1979.

Hoàng Lam

Ảnh: Bảo tàng Quân khu 4

Dòng sự kiện: Biên giới 1979