DMagazine

Dở khóc, dở cười chuyện dân bắt vạ công an vì... vợ "không chiều"

(Dân trí) - Vợ "không chiều", hay vào miền Nam làm việc, chồng lên trụ sở "bắt vạ" vì cho rằng công an ký giấy nên vợ mới đi. Có trường hợp ngày 3 lần sáng - trưa - chiều, công dân tìm công an để... đòi vợ.

Dở khóc, dở cười chuyện dân bắt vạ công an vì... vợ không chiều - 1

So với các xã miền núi khác thì Yên Na (Tương Dương, Nghệ An) có tuyến quốc lộ 48C qua địa bàn, giao thông đi lại thuận tiện. Đây là nơi sinh sống của bà con các dân tộc Thái, Khơ Mú, phân bố ở 7 bản, trong đó có 2 bản Khơ Mú tách biệt, giáp khu vực lòng hồ thủy điện Bản Vẽ.

Thượng úy Nguyễn Văn Hùng về nhận công tác Phó trưởng công an tại xã Yên Na từ năm 2021, sau hơn một năm giữ chức vụ này tại xã Lượng Minh (huyện Tương Dương). Công tác tại các địa bàn miền núi, Thượng úy Hùng cho rằng, ở mỗi nơi đều có những khó khăn, thuận lợi riêng nhưng điểm chung là đời sống người dân còn nghèo, nhận thức pháp luật hạn chế.

Cũng bởi nhận thức pháp luật của bà con còn hạn chế nên Thượng úy Hùng phải phân xử nhiều câu chuyện "cười ra nước mắt". Hôm đó, mới đầu giờ sáng, người đàn ông đến trụ sở yêu cầu công an xử lý vợ vì... tối qua không chịu "chiều" chồng.

Dở khóc, dở cười chuyện dân bắt vạ công an vì... vợ không chiều - 3

"Trước đây tôi có nghe kể những tình huống tương tự nhưng nghĩ có lẽ ai "chế" cho vui thôi, không ngờ mình "dính" thật. Hỏi ra mới biết lý do chị vợ không "chiều" là chồng lười nhác, lại ham rượu chè, tối nào cũng lên giường trong tình trạng nồng nặc mùi men.

Tôi phân tích rồi khuyên anh bỏ bớt rượu, chịu khó làm ăn để gánh vác gia đình cùng vợ, có như vậy vợ mới thương được, chứ suốt ngày say xỉn, ai chịu cho thấu. Nghe phân tích, anh ta tỏ vẻ hiểu ra. Từ đó tới nay không thấy đến công an "tố" vợ nữa", Thượng úy Hùng kể.

Cũng câu chuyện "vợ không chịu chiều" nhưng đã chuyển thành bạo lực giữa vợ chồng người Mông ở bản Ka Dưới (xã Na Ngoi, Kỳ Sơn, Nghệ An), khiến lực lượng công an xã phải xuống bản giải quyết ngay trong đêm.

Chiều hôm ấy, người phụ nữ vừa đi rẫy về, mặt trời còn chưa xuống núi nhưng chồng đã bắt "chiều". Vừa mệt, lại chưa kịp tắm rửa nên chị từ chối. Giằng co một lúc, không "khuất phục" được vợ, anh chồng đánh luôn. Chị vợ ức quá, cũng đánh trả. Cậu con trai đang học lớp 5 nhanh trí thấy số điện thoại đường dây nóng công an xã liền bấm gọi...

Dở khóc, dở cười chuyện dân bắt vạ công an vì... vợ không chiều - 5

Vì người chồng vẫn chưa tỉnh rượu nên để đảm bảo an toàn cho vợ con, công an xã đưa anh ta lên trụ sở rồi... nghe anh ta nói nhảm đến nửa đêm. Sáng hôm sau, công an phân tích rõ đây là hành vi bạo lực gia đình, nếu tái phạm lần thứ 2 thì sẽ bị phạt hành chính, tái phạm lần 3 là khởi tố.

Lúc đầu anh chồng còn hùng hổ cho rằng là "dạy vợ" nhưng một hồi cũng nghe ra, đồng ý ký cam kết không đánh vợ nữa.

"Trước đây, đồng bào Mông tự giải quyết các vấn đề bằng luật tục, người vợ phải phục tùng chồng, nếu bị bạo hành cũng không dám phản kháng. Khi công an chính quy về xã, phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội từ xã đến thôn bản, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đồng bào đã có sự thay đổi đáng kể về nhận thức pháp luật.

Dở khóc, dở cười chuyện dân bắt vạ công an vì... vợ không chiều - 7

Chúng tôi còn phát móc khóa có số điện thoại đường dây nóng của công an để người dân có thể liên hệ nhờ giúp đỡ bất kỳ lúc nào. Như vụ bạo lực gia đình ở bản Ka Dưới cũng được xử lý kịp thời nhờ thông tin cung cấp qua đường dây nóng của công an xã", Thiếu tá Lỳ Bá Lử - Trưởng Công an xã Na Ngoi - cho hay.

Trước đây, đồng bào miền biên dựa vào luật tục của bản làng để xử lý các vụ việc. Nay, các chiến sĩ công an trở thành điểm tựa, giúp họ đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, sống và làm việc theo pháp luật.

Dở khóc, dở cười chuyện dân bắt vạ công an vì... vợ không chiều - 9

Xã Mường Ải (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) là nơi sinh sống của đồng bào Thái, Khơ Mú và Mông, cư trú ở 6 bản với những cái tên gợi sự xa xôi, trắc trở như Nha Hang, Xốp Xăng, Huồi Khe...

Trụ sở Công an xã nằm một bên là dòng suối cạn, hướng mặt ra tuyến đường Mường Xén - Ta Đo - Khe Kiền vừa mới khánh thành và đưa vào sử dụng hơn một năm nay. Đây vừa là nơi làm việc, cũng là nơi ở của anh em công an xã ở xa lên đây nhận cộng tác. Dù là cánh đàn ông với nhau nhưng việc ăn, ở được sắp xếp gọn gàng, quy củ.

Thời điểm chúng tôi có mặt, nửa quân số của Công an xã đang phối hợp Đồn biên phòng và chính quyền địa phương tuần tra đường biên, mốc giới. Thiếu úy Lương Văn Hùng được phân công cùng 2 cán bộ khác trực và giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân.

"Toàn xã có 494 hộ, 2.717 nhân khẩu, phần lớn đời sống bà con còn hết sức khó khăn, tình trạng phá rừng đầu nguồn, tảo hôn, ma chay, cưới hỏi tốn kém vẫn còn xảy ra... Có trường hợp sinh con 5 tuổi mẹ mới đủ tuổi đăng ký kết hôn. Với những trường hợp này, việc xử lý hành chính rất khó, mà có xử lý, họ cũng không có tiền nộp.

Sau thời gian dài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đặc biệt là phối hợp già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, các tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu đã giảm mạnh nhưng để chấm dứt hoàn toàn thì cần nhiều thời gian hơn", Thiếu úy Hùng cho biết.

Dở khóc, dở cười chuyện dân bắt vạ công an vì... vợ không chiều - 11

Đồng bào Mông, Thái ở nhiều xã biên giới vẫn duy trì phong tục làm vía, đã làm vía thì uống rượu, tình trạng say xỉn khá phổ biển. Có trường hợp say rượu nằm ngủ dọc đường hay về nhà quậy phá, đánh đập vợ con.

Cách đây ít tháng, có ông bố ở xã Mường Típ (Kỳ Sơn) uống rượu say, đâm xe vào taluy đường khiến cậu con trai ngồi phía sau tử vong, bản thân người bố cũng bị thương. Công an xã đến từng nhà "sâu rượu" để gặp gỡ, tâm sự, vận động bỏ rượu. Có người hiểu ra, hứa giảm uống, bỏ từ từ, nhưng cũng có người thản nhiên "rượu nhà tao, tao uống".

"Cái lý của đồng bào là như thế, công an phải kiên trì thuyết phục, giải thích cho họ hiểu hệ lụy của say rượu cũng như phổ biến quy định về xử phạt các vi phạm hành chính liên quan đến hành vi gây ra khi say rượu.

Có trường hợp vận động, thuyết phục không có chuyển biến, có hành vi gây mất trật tự xã hội hay bạo hành gia đình, chúng tôi mời lên trụ sở nhắc nhở, tái phạm thì lập hồ sơ xử phạt.

Hành vi uống rượu, gây rối trật tự bị phạt 1,5 triệu đồng, chúng tôi ban hành quyết định xử phạt và yêu cầu ra huyện nộp để... cho nhớ", Đại úy Lê Hồng Việt - Trưởng Công an xã Mường Típ - thông tin. Nhờ kiên quyết trong xử lý nên tình trạng say xỉn rồi quậy phá, đánh đập vợ con tại Mường Típ giảm hẳn so với trước đây.

Theo chân Đại úy Việt, chúng tôi tới thăm gia đình ông Nhìa Dì (bản Huồi Khói). Thấy Đại úy Việt, ông Dì bước nhanh đến, cầm lấy tay lắc lắc. "Công an tốt lắm, việc gì cũng giúp dân. Dân bản ta quý, xem như con cái trong nhà đấy", ông Dì vui vẻ trò chuyện.

Dở khóc, dở cười chuyện dân bắt vạ công an vì... vợ không chiều - 13

Rồi ông Dì kể, ở đây, trước kia có người chết phải làm vía 5-6 con bò, không cúng bò thì con ma sẽ "bắt" con cái trong nhà đi. Nhà nào không có bò thì phải vay nợ để mua bò cúng. Bởi vậy, người không nghèo cũng thành nghèo, mà người nghèo thì càng nghèo hơn. Chưa kể việc cúng bái kéo dài 3-4 ngày, đợi con cháu về đông đủ mới mang đi chôn cất.

"Công an bảo không có ma đâu, nhưng phong tục của đồng bào mình trăm năm qua như thế rồi, không bỏ được. Mình nghe công an, giảm bớt lễ vật đi, thay vì 3-4 con bò thì giờ chỉ cúng một con bò, không có bò thì thay bằng một con lợn cũng được. Người chết không để quá 24 tiếng đâu", ông Dì nói.

Đại úy Lê Hồng Việt, cười: "Khi mới về, đồng bào vẫn còn e dè, ngại tiếp xúc với công an, nhưng nay thì khác rồi, bà con quý lắm. Anh em về bản công tác, bà con nhận làm bố mẹ, giữ lại ăn cơm, không cho về. Có bố còn kéo vào nhà, bảo tặng luôn cả bộ bàn ghế mà bố quý nhất. Tài sản của dân, mình không được tơ hào nhưng từ chối thì bà con sẽ giận nên đành xin... gửi lại đó. Đồng bào quý, tin tưởng và sẵn sàng giúp đỡ, phối hợp để anh em công an thực hiện nhiệm vụ".

Nội dung: Hoàng Lam

Ảnh: Hoàng Lam, CTV

Thiết kế: Tuấn Huy