Dàn vũ khí Mỹ "lên nòng", chờ lệnh khai hỏa trong trận chiến với Iran
(Dân trí) - Hàng loạt vũ khí của Mỹ đã được đưa tới khu vực Trung Đông trong bối cảnh Washington được dự đoán sẽ can dự vào cuộc xung đột Israel - Iran.
Theo nguồn tin của báo Wall Street Journal, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã duyệt kế hoạch tấn công Iran và chỉ chờ ra lệnh khi các nỗ lực ngoại giao thất bại. Thậm chí, nguồn tin của Bloomberg cho biết, Mỹ có thể tham gia chiến dịch không kích Iran vào ngày 21-22/6.
Bloomberg cũng dẫn nguồn thạo tin cho hay, các quan chức cấp cao của Mỹ đang chuẩn bị cho khả năng quân đội nước này tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào Iran trong những ngày tới.
Cuộc tấn công có thể diễn ra ngay trong cuối tuần này, mặc dù tình hình vẫn đang biến động và các kế hoạch có thể thay đổi tùy theo diễn biến thực địa và quyết định cuối cùng từ Nhà Trắng.
Nhiều khí tài của Mỹ đã được triển khai đến Trung Đông hoặc đang trên đường tới khu vực này. Một loạt hoạt động khẩn trương đang diễn ra cho thấy Mỹ có thể chuẩn bị hành động quân sự cùng với Israel để chống lại Iran.
Máy bay chiến đấu

Các tiêm kích F-35 của Mỹ (Ảnh: Không quân Mỹ).
Hãng tin Reuters dẫn lời 3 quan chức Mỹ cho biết quân đội Mỹ đang tăng cường sức mạnh không quân ở Trung Đông bằng cách triển khai thêm máy bay chiến đấu F-16, F-22 và F-35, đồng thời mở rộng các nhiệm vụ của dàn máy bay chiến đấu hiện tại.
F-16 Fighting Falcon là máy bay chiến đấu có khả năng thích ứng cao được Mỹ và các đồng minh sử dụng rộng rãi. F-22 Raptor và F-35 Lightning II đại diện cho thế hệ máy bay chiến đấu tàng hình mới hơn được phát triển cho các hoạt động phức tạp.
Máy bay tiếp nhiên liệu

Máy bay tiếp dầu KC-10 của Không quân Mỹ (Ảnh: Wikipedia).
Theo các nguồn theo dõi dữ liệu chuyến bay, các máy bay tiếp nhiên liệu trên không của Mỹ đang trên đường đến Trung Đông khi cuộc xung đột giữa Israel và Iran leo thang. Những máy bay này đóng vai trò quan trọng cho bất kỳ hoạt động kéo dài nào của Mỹ ở Trung Đông.
Các máy bay tiếp nhiên liệu của Mỹ gồm KC-135R Stratotankers, máy bay tiếp nhiên liệu trên không chính của Không quân Mỹ. Ngoài ra, Mỹ còn có KC-46A Pegasus, máy bay tiếp nhiên liệu trên không thế hệ tiếp theo.
Nếu Tổng thống Trump ra lệnh để quân đội Mỹ tham gia vào cuộc xung đột giữa Israel và Iran, các máy bay tiếp nhiên liệu có thể được sử dụng để hỗ trợ chiến đấu cơ của Israel trong các nhiệm vụ tấn công Iran bằng khả năng tiếp nhiên liệu trên không.
Không có khả năng tiếp nhiên liệu giữa không trung, các máy bay chiến đấu của Israel sẽ bị giới hạn thời gian hoạt động trên không phận Iran, buộc phải quay về để nạp nhiên liệu trước khi có thể tiếp tục tìm kiếm mục tiêu.
Các máy bay tiếp nhiên liệu cũng có thể hỗ trợ máy bay ném bom B-2 của Không quân Mỹ nếu ông Trump ra lệnh sử dụng lực lượng này để phối hợp với Israel tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran.
Máy bay ném bom

Máy bay ném bom B-52 (Ảnh: Getty).
Mỹ đã xây dựng lực lượng máy bay ném bom tại căn cứ trên đảo Diego Garcia ở Ấn Độ Dương. Những máy bay này có thể được sử dụng trong bất kỳ cuộc tấn công nào vào các cơ sở hạt nhân của Iran bằng bom phá boongke, vũ khí Israel hiện không có.
Máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit có thể mang theo cả vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân, bao gồm bom phá boongke được thiết kế để nhắm vào các cơ sở sâu dưới lòng đất.
Ngoài ra, máy bay ném bom B-52H Stratofortress nổi tiếng với khả năng tấn công tầm xa.
Tàu hỗ trợ tác chiến
Theo hình ảnh vệ tinh, các tàu của Hải quân Mỹ đã rời cảng Manama quan trọng ở Bahrain và đang trên đường đến khu vực hoạt động của Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ.
Các tàu của Mỹ trong khu vực bao gồm tàu tác chiến ven biển, tàu mặt nước nhanh, linh hoạt và có mạng lưới được thiết kế để hoạt động gần bờ và tàu rà phá mìn để vô hiệu hóa mìn bằng hệ thống sonar tiên tiến.
Ngoài ra Washington còn có M/V Ocean Trader, một tàu thực hiện các hoạt động đặc biệt hỗ trợ lực lượng Mỹ.
Nhóm tác chiến tàu sân bay

Tàu sân bay USS Nimitz (ở giữa) di chuyển cùng các tàu của Nhật Bản và Hàn Quốc trong một cuộc tập trận vào tháng 4/2023 (Ảnh: Getty).
Nhóm tác chiến tàu sân bay tấn công cung cấp hỏa lực cơ động khi cần thiết và hỗ trợ các đơn vị tác chiến khác. Một nhóm tàu sân bay của Mỹ đang ở Trung Đông và một nhóm khác đang trên đường đến.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson gần đây đã hoạt động ở Biển Ả Rập với một phi đội không quân bao gồm F-35C Lightning II, F/A-18E/F Super Hornet, EA-18G Growler, E-2D Advanced Hawkeye, CMV-22 Osprey và MH-60R/S Sea Hawk.
Lực lượng này đã tham gia các đợt không kích trong nhiều tuần nhằm chống lại lực lượng Houthi được Iran hậu thuẫn tại Yemen, trước khi lệnh ngừng bắn được đạt được vào đầu tháng trước.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz đang di chuyển từ Tây Thái Bình Dương đến Trung Đông. Phi đội không quân của nhóm này bao gồm F/A-18C/E/F Super Hornet, EA-18G Growler, E-2D Hawkeye, C-2A Greyhound và MH-60R/S Sea Hawk.
Hệ thống phòng thủ tên lửa

Một tổ hợp tên lửa Patriot (Ảnh minh họa: ZUMA).
Các đơn vị phòng thủ tên lửa Patriot đã được quân đội Mỹ di chuyển từ khu vực Thái Bình Dương đến Trung Đông vào tháng 4. Toàn bộ thiết bị phòng thủ trên không đã được bố trí trên 73 chuyến bay chở hàng C-17.
Hệ thống Patriot được coi là nền tảng phòng không hàng đầu trên mặt đất, nhờ khả năng đánh chặn các mối đe dọa tiên tiến, bao gồm một số loại tên lửa siêu vượt âm.
Máy bay “Ngày tận thế"

Máy bay E-4B của Mỹ (Ảnh: Quân đội Mỹ).
Máy bay chỉ huy trên không E-4B Nightwatch của Không quân Mỹ, thường được gọi là “máy bay Ngày Tận thế”, đã hạ cánh xuống Căn cứ Liên hợp Andrews gần thủ đô Washington vào tối 17/6.
Chiếc E-4B hạ cánh tại căn cứ quân sự ngoại ô Washington DC giữa lúc có nhiều thông tin cho rằng Tổng thống Donald Trump đang tiến gần tới quyết định ra lệnh tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran.
E-4B Nightwatch là phiên bản quân sự hóa của máy bay Boeing 747. Máy bay này đóng vai trò là Trung tâm Chỉ huy Trên không Quốc gia, một thành phần then chốt trong Hệ thống Chỉ huy Quân sự Quốc gia dành cho tổng thống, bộ trưởng quốc phòng và các lãnh đạo quân đội cấp cao.
Trong trường hợp khẩn cấp quốc gia hoặc mất hệ thống chỉ huy mặt đất, máy bay này sẽ trở thành trung tâm chỉ huy, điều khiển và thông tin liên lạc có khả năng sống sót cao để chỉ đạo lực lượng Mỹ, thực thi các mệnh lệnh tác chiến khẩn cấp và điều phối hành động của chính quyền dân sự, theo mô tả của Không quân Mỹ.