1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Hà Tĩnh:

Cựu chiến binh hàng chục năm "ôm" mảnh đạn đi đòi chế độ thương binh

(Dân trí) - Còn nguyên mảnh đạn nằm lại trong người, nhiều giấy tờ gốc còn lưu giữ nguyên vẹn, nhưng đến nay người cựu binh ấy vẫn chưa được công nhận, hưởng chính sách thương binh. Bất hạnh liên tiếp ập tới khiến cuộc đời ông thêm cơ cực…

Vẫn chiến đấu khi mảnh đạn găm trong người

Mang theo tư liệu và lá đơn kể lại hành trình chiến đấu cũng như những uất ức của người cựu binh Trần Văn Thái, trú thôn 12, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, chúng tôi đến thăm ông vào một ngày đầu tháng 5, khi ông đang sửa lại căn nhà bếp đã xuống cấp của gia đình.

Nhìn thấy tư liệu của chính ông nhờ người thân gửi cho chúng tôi, khuôn mặt người cựu binh tròn 70 tuổi hiện rõ nỗi buồn, giọng kể nghẹn ngào.

Ông Thái vẫn nhớ rõ từng chi tiết những gì xảy ra cách đây 45 năm. Ngày 22/6/1972, giữa lúc Mỹ mở rộng đánh phá ác liệt miền Bắc, chàng thanh niên Trần Văn Thái cùng nhiều thanh niên khác của miền quê Cẩm Mỹ lên đường nhập ngũ. Đơn vị ông tham gia là B2, C35, D20, thuộc Tiểu đoàn pháo cao xạ của Tỉnh đội Nghệ Tĩnh bấy giờ. Tiểu đoàn của ông được bố trí bảo vệ nhiều cứ điểm, trong đó có cầu Đông, một cây cầu trọng yếu từng nhiều lần bị địch dội bom tàn phá ở xã Thạch Linh, huyện Thạch Hà. Và chính trong trận địa pháo bảo vệ cây cầu này vào sáng ngày 27/9/1972, bom đạn của đế quốc Mỹ đã cướp đi mạng sống của 15 chiến sĩ của tiểu đoàn. 9 người lính khác, gồm cả ông Thái, bị thương.


Cựu binh Trần Văn Thái với vết thương trong trận tập kích vào trận địa pháo bảo vệ cầu Đông cách đây 45 năm.

Cựu binh Trần Văn Thái với vết thương trong trận tập kích vào trận địa pháo bảo vệ cầu Đông cách đây 45 năm.


Kết quả chiếu chụp của Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Xuyên cho thấy, phía sau vết sẹo này của cựu chiến binh Trần Văn Thái còn dị vật.

Kết quả chiếu chụp của Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Xuyên cho thấy, phía sau vết sẹo này của cựu chiến binh Trần Văn Thái còn dị vật.

“Sau một đêm anh em trong đơn vị thức trắng, căng sức bắt mục tiêu của địch, tới 7h sáng bất ngờ máy bay địch bay từ hướng mặt trời bổ nhào vào ném bom dữ dội. Bom địch đánh trúng trận địa pháo, 15 đồng đội của tôi đã ngã xuống, 9 người khác trong đó có tôi bị thương với nhiều mức độ khác nhau. Chúng tôi được chuyển ngay ra điều trị tại bệnh viện nhánh dã chiến 46 của QK 4 đóng ở xã Nhân Lộc, huyện Can Lộc”- người cựu binh thuật lại.

Sau quá trình an dưỡng ông Thái nén những cơn đau tiếp tục tham gia chiến đấu cùng đơn vị. Từ cuối năm 1973, đơn vị nhập vào sư đoàn 341đóng quân tại Quảng Bình, ông là quân số của D19, E80.

Sau ngày đất nước hòa bình, ông Thái được Sư đoàn trưởng 341 cho phục viên theo quyết định số 823/QĐ ngày 1/4/1977. Cuộc sống của người cựu chiến binh này trải qua nhiều sóng gió, đau buồn. Vốn đã chịu thương tích bom đạn chiến tranh, 3 trong 4 người con của ông lại lần lượt qua đời vì bạo bệnh khiến sức khỏe, tinh thần ông thêm ốm yếu. Vợ chồng ông phải nương tựa nhiều vào gia đình người con út vốn cũng chẳng khá giả gì.

Ông Thái cầm tấm phim chụp thương tích ông gặp phải sau trận tập kích của địch mà ông lưu giữ suốt 45 năm qua.
Ông Thái cầm tấm phim chụp thương tích ông gặp phải sau trận tập kích của địch mà ông lưu giữ suốt 45 năm qua.

Cuộc sống vật chất lẫn tinh thần của người cựu binh này có thể đã đỡ hơn phần nào nếu ông được hưởng chế độ chính sách thương binh mà ông xứng đáng được hưởng.

Không những còn những vết thương, mảnh đạn dưới ngực trái, ông Thái còn lưu giữ nhiều giấy tờ gốc, có bút tích của cả lãnh đạo đơn vị, đến cả tấm phim chụp ảnh vết thương của ông từ tận năm 1972 ông vẫn còn lưu giữ. Vậy mà không hiểu vì lý do gì, đến nay ông vẫn không được hưởng chế độ chính sách của nhà nước.


Quyết định phục viên của Sư đoàn 341 nơi ông từng chiến đấu là một trong những chứng cứ đầy thuyết phục, nhưng đến nay ông Trần Văn Thái vẫn chưa được hưởng chế độ gì.

Quyết định phục viên của Sư đoàn 341 nơi ông từng chiến đấu là một trong những chứng cứ đầy thuyết phục, nhưng đến nay ông Trần Văn Thái vẫn chưa được hưởng chế độ gì.

“Từ những năm 2000, theo hướng dẫn, tôi làm hồ sơ để được công nhận, hưởng chế độ thương binh. Hồ sơ làm rất hoàn chỉnh, ngoài hồ sơ gốc, tôi còn có 2 đồng đội đi cùng làm chứng, danh sách niêm yết ở xã 100% ý kiến đồng ý, nhưng hồ sơ của tôi bị trả về với lý do giấy tờ gốc của quyết định phục viên bị tẩy xóa. Tôi buồn lắm, những giấy tờ gốc đó là do đơn vị cấp cho tôi, nó như thế nào thì tôi giữ như thế chứ tẩy xóa sao được” – ông Thái trầm ngâm nói.


Lý lịch quân nhân của CCB Trần Văn Thái...

Lý lịch quân nhân của CCB Trần Văn Thái...

... còn nguyên bút tích nhận xét của thủ trưởng các đơn vị mà ông từng chiến đấu.
... còn nguyên bút tích nhận xét của thủ trưởng các đơn vị mà ông từng chiến đấu.

Mới đây nhất là lần làm hồ sơ tháng 10/2014. “Lần làm hồ sơ này tôi tin chắc hồ sơ của tôi sẽ được duyệt, tôi sẽ được hưởng quyền lợi của mình sau bao năm mỏi mòn chờ đợi. Nhưng hai năm ròng hy vọng, cách đây 4 tháng ông Xã đội phó gọi tôi lên trả lại hồ sơ. Ông ấy thông tin hồ sơ tôi chưa đạt và cần phải bổ sung ý kiến của thủ trưởng đơn vị. Họ yêu cầu như thế là bắt bí tôi, làm sao tôi có thể bổ sung được nữa khi các thủ trưởng của tôi còn ai nữa mà bổ sung? Mà tôi cũng không hiểu sao hồ sơ của tôi ngâm đến hơn hai năm trời họ mới trả lại? Giá họ trả sớm hơn để tôi còn cố mà làm”- ông Thái ấm ức chia sẻ.

Ông Thái bức xúc cho rằng trong khi ông hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật thường xuyên, đi lại khó khăn mà vẫn cố hết sức để hoàn tất, bổ sung các giấy tờ liên quan; thì xã, huyện lại rất thiếu trách nhiệm trong việc thực thi nhiệm vụ. Tất cả các giấy tờ, từ Biên bản họp Hội đồng xác nhận người có công, Biên bản niêm yết công khai, Danh sách niêm yết quân nhân đề nghị xác nhận thương binh của ông đều không được xã ghi rõ mốc thời gian xác nhận.

Cán bộ đổ lỗi cho nhau?

PV Dân trí đã có các buổi làm việc với xã đội Cẩm Mỹ và Ban chỉ huy quân sự huyện Cẩm Xuyên để làm rõ nguyên nhân vì sao trường hợp của cựu chiến binh Trần Văn Thái lại bị "om" lâu như vậy.

Ông Dương Công Hoàn, Phòng tiếp nhận hồ sơ, Ban chỉ huy quân sự huyện Cẩm Xuyên cho hay, hồ sơ của ông Thái bị trả về do các giấy tờ xã làm chưa đúng. Bộ hồ sơ này đối tượng phải bổ sung thêm hồ sơ đơn vị chiến đấu có lưu trữ tên đối tượng trong đó. Ông Hoàn cho hay, khi nhận được hồ sơ, thấy chưa đạt Huyện đội Cẩm Xuyên đã trả về ngay cho địa phương, sự chậm trễ là do cấp xã.

Trong khi đó, ông Trần Đình Phú, Xã đội trưởng Xã đội Cẩm Mỹ lại nói lỗi là do cơ quan Huyện đội Cẩm Xuyên. Thậm chí ông Phú còn quyết liệt gọi điện cho ông Hoàn để truy vấn điều này.


Ông Trần Đình Phú, Xã đội trưởng xã đội Cẩm Mỹ gọi điện cho cán bộ Huyện đội Cẩm Xuyên truy vấn vì sao nói xã chậm trễ trả hồ sơ cho đối tượng.

Ông Trần Đình Phú, Xã đội trưởng xã đội Cẩm Mỹ gọi điện cho cán bộ Huyện đội Cẩm Xuyên truy vấn vì sao nói xã chậm trễ trả hồ sơ cho đối tượng.

Hiện chưa biết ai đúng ai sai, nhưng có thể nói, ngoài cách giải quyết cứng nhắc, chưa linh hoạt, thì sự thiếu trách nhiệm của các bộ phận thực thi là một trong những nguyên nhân khiến cựu binh Trần Văn Thái đến nay vẫn "hoang mang" đi đòi chế độ chính sách.

Văn Dũng