Xác nhận người có công: Quan trọng là nhân dân thừa nhận
(Dân trí) - Chiều 11/5, làm việc với Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Nghệ An, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng Nghệ An cần thực hiện thí điểm việc tiếp nhận và xử lý, dù chỉ có một căn cứ, khi đánh giá đối tượng thuộc diện người có công, trên cơ sở sự xác nhận của người dân địa phương.
Theo ông Nguyễn Bằng Toàn - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, tính đến ngày 30/4/2017, toàn tỉnh đang quản lý và chi trả trợ cấp thường xuyên cho 77.044 đối tượng với số tiền chi trả gần 115 tỉ đồng/tháng (thời gian chi trả cho các đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng thực hiện xong trước ngày mồng 5 hàng tháng).
Về giải quyết tình hình giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công tồn đọng, tỉnh Nghệ An còn 42 hồ sơ đang được lưu trữ tại Uỷ ban nhân dân huyện Anh Sơn.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao những đột phá về thực hiện chính sách người có công tại Nghệ An thời gian qua cũng như dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ tới đây.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung băn khoăn việc thực hiện chính sách đã bao quát và đầy đủ tới hết các đối tượng người có công trong tỉnh.
“Hơn 40 hồ sơ đang được xem xét và giải quyết tại Sở LĐ-TB&XH là số ít. Tuy nhiên, liệu trong nhân dân còn nhiều người xứng đáng là thương binh, liệt sĩ nhưng vì hoàn cảnh gì đó mà chưa được công nhận?” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH đưa ra đề nghị: “Để tránh thiệt thòi với người có công, tôi đề nghị Nghệ An thí điểm việc thực hiện rà soát theo cách mới. Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc ai còn bất cứ căn cứ gì xác nhận người có công xin gửi về cơ quan chức năng của tỉnh để rà soát”.
Theo Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, toàn tỉnh đang chi trả chế độ người có công tới 13 cán bộ lão thành cách mạng, 169 cán bộ tiền khởi nghĩa, 140 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 24 anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến, 33.749 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, 524 cán bộ chiến sĩ bị địch bắt tù đày…
Giải thích sâu hơn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng nên triển khai theo hướng linh hoạt từng trường hợp cụ thể. Trên cơ sở rà soát các thông tin và căn cứ có được, cơ quan chức năng cho công bố trên phương tiện báo chí của tỉnh về những trường hợp đang xem xét để lấy ý kiến của nhân dân và các bậc lão thành cách mạng. Trường hợp nào có cơ hội thì tập trung làm và lấy ý kiến toàn dân.
Bộ trưởng nhấn mạnh tới yếu tố xác nhận bền vững và lâu dài chính là lòng dân. “Hồ sơ xác nhận người có công quan trọng nhất là nhân dân thừa nhận”.
Đồng tình với nhận định của lãnh đạo ngành LĐ-TB&XH, ông Nguyễn Đắc Vinh - Bí thư tỉnh uỷ Nghệ An khẳng định, đối tượng thuộc nhóm người có công ở tỉnh Nghệ An rất đông. Tuy nhiên, phần hồ sơ tồn đọng trong khâu giải quyết tại Sở LĐ-TB&XH không nhiều.
“Tuy nhiên, do thời gian chiến tranh việc lưu trữ còn hạn chế nên một số đối tượng vẫn chưa được hưởng chế độ. Trong các lần tiếp xúc cử tri, vấn đề này đều được nêu ra và là nỗi trăn trở rất lớn. Tỉnh đã chủ trương, trường hợp nào xác định được thông tin đáp ứng hay không tiêu chuẩn thì cần trả lời ngay, tránh tình trạng chờ đợi lâu ngày” - Bí thư Nguyễn Đắc Vinh nói.
Liên quan tới 1.237 trường hợp người có công tại Nghệ An bị tạm dừng thực hiện nhận chế độ chính sách, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Không phải tất cả đều là nhận sai chế độ. Có nhiều trường hợp trong đó còn thiếu hồ sơ, chưa đủ quy trình. Bởi vậy, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An cần khẩn trương làm việc với từng trường hợp cụ thể để bổ sung và hoàn thiện chính sách”.
Với những trường hợp đã có kết luận thanh tra là không đủ điều kiện hưởng, cơ quan chức năng cần triệt để xác minh và thu hồi. “Sở LĐ-TB&XH cần lập danh sách gửi Bộ những trường hợp đã chết, còn đang nằm viện hoặc hộ nghèo để có phương án xử lý phù hợp” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Hoàng Mạnh