1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
  3. Thảm họa lũ quét Làng Nủ

Cử tri TPHCM mong Metro số 1 đạt tiến độ vận hành cuối năm nay

Thư Trần

(Dân trí) - Trong một loạt kiến nghị gửi đến Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TPHCM, hầu hết cử tri quan tâm việc đảm bảo đúng tiến độ khai thác của Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sau 15 năm thực hiện.

"Dự án metro số 1 bị chậm tiến độ, kéo dài thời gian hoàn thành sẽ làm đội vốn công trình và giảm lòng tin của người dân", cử tri Nguyễn Nho Tình (quận 3) gửi ý kiến đến Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TPHCM tại kỳ họp thứ 17 HĐND TPHCM khóa X, với mong muốn lãnh đạo TPHCM quan tâm, sớm đưa tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của thành phố đi vào hoạt động để giảm ùn tắc, tai nạn, ô nhiễm trên trục Võ Nguyên Giáp (xa lộ Hà Nội).

Phản hồi cử tri, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị (MAUR - chủ đầu tư) cho biết toàn dự án đạt 98,6% tiến độ. Chủ đầu tư đang triển khai các hạng mục còn lại của dự án. Dự án cũng tiếp tục chạy thử, trong quá trình hoàn tất thủ tục cấp giấy chứng nhận an toàn hệ thống để đưa vào vận hành chính thức. Dự kiến metro số 1 vận hành thương mại vào cuối năm 2024.

Cử tri TPHCM mong Metro số 1 đạt tiến độ vận hành cuối năm nay - 1

Metro số 1 dự kiến khai thác thương mại vào cuối năm 2024 (Ảnh: Hải Long).

Một cử tri quận Phú Nhuận cũng đề nghị TPHCM bên cạnh việc đảm bảo tiến độ vận hành Metro số 1 cần rút kinh nghiệm khi thực hiện các dự án metro tiếp theo. "Nếu như thực hiện theo cách làm cũ thì các dự án sẽ còn kéo dài và gây ra hệ lụy về sau", cử tri quận Phú Nhuận nêu. 

Theo MAUR, ngoài Metro số 1, chủ đầu tư đang triển khai Metro số 2, dự kiến hoàn thành vào năm 2030. 

Đối với các tuyến tiếp theo, MAUR đã phối hợp với Sở GTVT hoàn thiện đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM theo kết luận 49 của Bộ Chính trị về mục tiêu phát triển giao thông đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Theo kế hoạch, sau khi Ban cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị cho ý kiến về đề án, đề án sẽ được trình Quốc hội ban hành nghị quyết về các cơ chế, chính sách vào kỳ họp cuối năm nay để triển khai thực hiện đề án.

Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại TPHCM là điều kiện pháp lý để triển khai hệ thống đường sắt đô thị theo cách thực mới và đột phá so với giai đoạn trước đây. 

Nghị quyết này được xem là chìa khóa để mở ra cách thức hoàn thành mục tiêu của Bộ Chính trị, đó là hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị tại TPHCM. 

TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành 2 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 31km, 24 nhà ga cùng 2 depot. Đến năm 2035, TPHCM tiếp tục hoàn thành 6 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 183km, 148 nhà ga. Đến năm 2045, TPHCM sẽ xây dựng, hoàn thành tổng cộng 351km đường sắt đô thị, đến năm 2060, toàn bộ mạng lưới đường sắt đô thị 10 tuyến, tổng chiều dài 510km sẽ được hoàn thành.