DNews

Chủ tịch nước: "Quân số giảm nhưng chất lượng con người phải cao"

Thanh Tùng

(Dân trí) - Trong buổi làm việc với tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh tỉnh cần tập trung triển khai chặt chẽ việc sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị.

Chủ tịch nước: "Quân số giảm nhưng chất lượng con người phải cao"

Thanh Hóa phấn đấu thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc

Sáng 5/12, Chủ tịch nước Lương Cường có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Cùng tham gia buổi làm việc có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; Bộ Trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam; lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương.

Chủ tịch nước: Quân số giảm nhưng chất lượng con người phải cao - 1

Chủ tịch nước Lương Cường (giữa) và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long (trái) tại buổi làm việc (Ảnh: Minh Hiếu).

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, cùng với cả nước, Thanh Hóa gặp không ít khó khăn, thách thức. Song được sự quan tâm, lãnh đạo, giúp đỡ của Trung ương, Thanh Hóa đã đạt được những kết quả cao.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hàng năm (2021-2024) ước đạt 9,92%, năm 2024 ước đạt 11,7%; quy mô GRDP năm 2024 ước đạt gần 318.800 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước; GRDP bình quân đầu người năm 2024 ước đạt 3.360 USD.

Tổng thu ngân sách giai đoạn 2021-2024 ước đạt gần 189.600 tỷ đồng. Trong đó riêng năm 2024 ước đạt hơn 54.300 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.

Chủ tịch nước: Quân số giảm nhưng chất lượng con người phải cao - 2

Một góc trung tâm thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Thanh Tùng).

Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 173 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 15 tỷ USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ 8 cả nước về thu hút FDI...

Thanh Hóa phấn đấu đến 2025 trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại.

Thanh Hóa đề xuất Chủ tịch nước xem xét, có ý kiến với Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn ngân sách Trung ương để thực hiện đường giao thông nối Thanh Hóa với Hòa Bình, thành phố Thanh Hóa với huyện Ngọc Lặc; bổ sung biên chế ngành giáo dục, hỗ trợ kinh phí giao hợp đồng lao động giáo viên, nhân viên hành chính; tăng mức phụ cấp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công tác ở khu vực miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Chủ tịch nước: Quân số giảm nhưng chất lượng con người phải cao - 3

Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Minh Hiếu).

Tỉnh Thanh Hóa cũng đề xuất xem xét điều chỉnh nâng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho lĩnh vực quốc phòng - an ninh trong thời kỳ ổn định ngân sách tiếp theo, nhằm đảm bảo nguồn lực cho các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ.

Quân số giảm nhưng chất lượng con người phải cao

Lãnh đạo các bộ, ngành đã thảo luận, phân tích, đánh giá những thuận lợi, khó khăn, tiềm năng lợi thế, kết quả; ghi nhận, thảo luận về 5 ý kiến đề xuất của Thanh Hóa tại buổi làm việc.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đánh giá cao những kết quả của Thanh Hóa trong thời gian qua. Ông tin tưởng tỉnh sẽ hoàn thành tốt những nhiệm vụ đề ra trong thời gian tới, đặc biệt là những nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.

Chủ tịch nước: Quân số giảm nhưng chất lượng con người phải cao - 4

Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Minh Hiếu).

Về các đề xuất ý kiến của Thanh Hóa, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành tiếp thu, nghiên cứu để thực hiện trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đánh giá những kết quả tỉnh Thanh Hóa đạt được là tương đối cao. Điển hình như tăng trưởng kinh tế, thu hút FDI của Thanh Hóa thuộc diện cao, đứng đầu khu vực.

Ngoài ra, gần đây các chỉ số về cải cách hành chính có bước nhảy vọt; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, an sinh triển khai tương đối đồng bộ; các chính sách với người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được triển khai kịp thời. Đặc biệt, lượng đơn thư, khiếu nại tố cáo của người dân đối với các chính sách, đất đai giảm dần, đây là sự tiến bộ lớn.

Tuy nhiên, ông cho rằng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Thanh Hóa chưa toàn diện.

"Thanh Hóa có rất nhiều lợi thế, đặc biệt là giao thông, nhưng kết cấu hạ tầng chuyển đổi chưa nhanh, chưa đáp ứng được sự phát triển của địa phương", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Chủ tịch nước: Quân số giảm nhưng chất lượng con người phải cao - 5

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Minh Hiếu).

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Thanh Hóa là một trong 10 tỉnh được hưởng cơ chế chính sách đặc thù, nhưng trong 7 chính sách mới có một chính sách đi vào cuộc sống. Ông gợi ý Thanh Hóa cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, đặc biệt là chú trọng đến việc duy trì và tạo thêm động lực tăng trưởng mới, quan tâm đến hạ tầng.

Bên cạnh đó, Thanh Hóa cần quan tâm, tạo sự chuyển biến của các huyện miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số; cùng với Trung ương, tập trung xóa nhà tạm, nhà dột nát; phấn đấu tháng 10 năm sau, đến kỳ đại hội phải công bố xóa 100% nhà tạm.

Ngoài ra, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, tuyến đường giao thông nối Hòa Bình và Thanh Hóa là tuyến đường rất quan trọng, cần phải khẩn trương triển khai.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị Thanh Hóa cần khẩn trương xây dựng cơ sở cai nghiện ma túy.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Lương Cường đánh giá cao và biểu dương những thành tích, kết quả to lớn, đáng tự hào của tỉnh Thanh Hóa đã đạt được.

Theo Chủ tịch nước, thời gian qua, Thanh Hóa có nhiều cơ chế, chủ trương, chính sách đặc thù. Đây được xem là "chìa khóa" quan trọng, tiền đề để Thanh Hóa bứt phá trong tương lai.

Chủ tịch nước lưu ý Thanh Hóa cần tiếp tục chăm lo hơn nữa việc xây dựng Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực; khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc.

Chủ tịch nước: Quân số giảm nhưng chất lượng con người phải cao - 6

Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc (Ảnh: Minh Hiếu).

"Mình làm vì cái chung thì mình không sợ gì cả. Làm sao để nhân dân ấm no, hạnh phúc, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong kỷ nguyên mới", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Thanh Hóa cần tập trung triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh, chú trọng sắp xếp, phân bố không gian phát triển theo hành lang kinh tế, trục phát triển. Trong đó, tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng, 6 hành lang kinh tế.

Theo Chủ tịch nước, hiện nay đời sống nhân dân các huyện miền núi phía Tây Thanh Hóa còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa hỗ trợ sinh kế, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng để giúp người dân phát triển kinh tế - xã hội. "Thanh Hóa thực hiện chủ trương xóa nhà tạm rất tốt, ngoài đối tượng chính sách, có cả hộ nghèo, hộ cận nghèo", Chủ tịch nước biểu dương.

Ông đề nghị tỉnh Thanh Hóa tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tăng cường tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản cho phát triển; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, huy động và khơi thông mọi nguồn lực bên trong và tận dụng nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, Thanh Hóa cần tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội; đổi mới mạnh mẽ, toàn diện giáo dục và đào tạo, trọng tâm là nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là chất lượng giáo dục ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thanh Hóa cũng cần đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân; tăng cường công tác bảo vệ môi trường...

"Phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên; không phát triển kinh tế bằng mọi giá, nhất là đánh đổi môi trường sống", Chủ tịch nước nói.

Chủ tịch nước Lương Cường cũng đề nghị Thanh Hóa cần kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, toàn diện và khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển bền vững.

Đặc biệt, Thanh Hóa cần tập trung triển khai chặt chẽ việc sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị "tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả"; trọng tâm trước mắt là tập trung tổng kết Nghị quyết số 18 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII.

"Đây là vấn đề quan trọng, động chạm đến con người, tâm tư tình cảm. Tôi lưu ý phải rất cụ thể, vì liên quan đến con người, không được chủ quan. Có những đồng chí có thể không tiếp tục công tác, đây là vì sự nghiệp của Đảng, của đất nước. Còn những đồng chí tiếp tục ở lại phải cố gắng hơn nữa, tinh, gọn, mạnh, tức là quân số giảm nhưng mà chất lượng con người phải cao", Chủ tịch nước nhấn mạnh.