Chủ tịch nước: Sắp xếp bộ máy làm có lý có tình vì liên quan đến con người
(Dân trí) - "Quyết tâm lần này của lãnh đạo chủ chốt, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương là rất cao", Chủ tịch nước Lương Cường bày tỏ.
Ngày 4/12, Chủ tịch nước Lương Cường và các đại biểu thuộc đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa tiếp xúc cử tri tại huyện Thường Xuân.
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, đại biểu Cầm Thị Mẫn thông tin về kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa tại kỳ họp.
Tại hội nghị, cử tri huyện Thường Xuân kiến nghị về các vấn đề như nâng cấp, mở rộng đường giao thông, hỗ trợ chi phí học tập, nâng cấp cơ sở vật chất tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp; chế độ, chính sách riêng với lực lượng dân quân tự vệ; cơ chế, chính sách phù hợp cho các huyện khu vực miền núi mới thoát nghèo…
Tháo điểm nghẽn, tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội
Thông tin đến cử tri về tình hình kinh tế - xã hội của cả nước, Chủ tịch nước Lương Cường cho biết, năm vừa qua, tình hình thế giới diễn biến phức tạp; thiên tai, bão lũ khó lường, tác động lớn đến kinh tế, đời sống nhân dân.
"Chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó vừa phải xử lý những vấn đề phát sinh mới, đồng thời phải tiếp tục xử lý những vấn đề tồn đọng và kéo dài từ nhiều năm trước", Chủ tịch nước chia sẻ.
Theo Chủ tịch nước Lương Cường, mặc dù đứng trước những khó khăn, thách thức nhưng trong 10 tháng qua, đất nước vẫn đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Trong nhiệm kỳ XIII nói chung và năm 2024 nói riêng, chúng ta còn có những biến động về cán bộ, nhưng vẫn giữ được sự ổn định, phát triển.
Hiện nay nền kinh tế nước ta có xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước. Tăng trưởng cả năm 2024 ước đạt trên 7%, các cân đối lớn được bảo đảm, có thặng dư cao, thu đủ chi, xuất đủ nhập; an ninh năng lượng, lương thực được bảo đảm; thị trường lao động phục hồi tích cực; du lịch trong 10 tháng tăng 41,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh đó, những vấn đề vướng mắc, tắc nghẽn về thể chế đã được tháo gỡ. "Đến bây giờ, chúng ta tháo gỡ được rất nhiều, cơ bản sửa luật, sửa những tắc nghẽn, khơi thông nguồn lực", Chủ tịch nước nói.
Ông cho biết, nước ta đang có hạ tầng phát triển rất mạnh, nhất là giao thông đường bộ, đường không, đường biển… Đến 2025, Việt Nam sẽ có 3.000km đường cao tốc và đến 2030 là 5.000km. Ngoài ra, đường không đang được đẩy mạnh, nhất là sân bay Long Thành và các sân bay khác.
Theo Chủ tịch nước, khơi thông để phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn lực chất lượng cao, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, phát triển năng lượng điện hạt nhân, tiếp tục khởi động lại điện hạt nhân Ninh Thuận.
"Tới đây, những chỗ nào vướng, nghẽn, chúng ta tiếp tục tháo gỡ. Việc này thống nhất rất cao trong cán bộ chủ chốt, trong Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm. Chỗ nào rõ, đúng chúng ta triển khai, khi vướng luật sửa luật, vướng quy định sửa quy định, phân cấp mạnh cho các cấp", Chủ tịch nước nói.
Người đứng đầu Nhà nước cũng cho hay, trong năm qua, an sinh xã hội được quan tâm, bảo đảm tốt hơn; đời sống của nhân dân giữ ổn định, cải thiện, hộ nghèo giảm mạnh, kế hoạch xóa nhà dột nát, nhà tạm được đẩy mạnh.
Song song với đó là các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế tiếp tục được quan tâm, chăm lo, phát triển tốt hơn; quốc phòng an ninh được củng cố, tăng cường; đối ngoại tiếp tục là một điểm sáng.
"Hiện nay, Việt Nam có quan hệ với khoảng 194 nước trên thế giới và quan hệ đối tác, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với tất cả các cường quốc trên thế giới và các nước G20", Chủ tịch nước Lương Cường thông tin.
"Tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả"
Chia sẻ với cử tri, Chủ tịch nước Lương Cường khẳng định, hiện nay công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được thực hiện theo hướng "tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả" và có chuyển biến thực chất.
"Quyết tâm lần này của lãnh đạo chủ chốt, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, là rất cao", Chủ tịch nước bày tỏ.
Chủ tịch nước Lương Cường cho hay, vừa qua Trung ương đã tổ chức hội nghị quán triệt toàn quốc về vấn đề này, với quyết tâm làm ở cấp Trung ương trước.
"Đây là một quyết tâm rất cao, trước hết là cán bộ đảng viên trong bộ máy lãnh đạo hệ thống chính trị; được sự đồng tình, ủng hộ của toàn dân, chúng ta quyết tâm triển khai", Chủ tịch nước Lương Cường nói.
Chủ tịch nước Lương Cường thông tin thêm, tháng 12, sau khi tổng kết Nghị quyết 18 của Trung ương xong, sẽ bắt đầu sắp xếp, khoảng tháng 3/2025 là xong.
"Liên quan đến cấp tỉnh, chủ yếu sở, ngành, trên Trung ương không có Bộ thì dưới tỉnh không có sở, huyện không có phòng, các đồng chí sắp xếp như thế. Chúng ta phải làm rất chặt chẽ vì liên quan đến con người, có lý, có tình, kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng, công tác tổ chức, công tác chính sách", Chủ tịch nước chia sẻ.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, Chủ tịch nước Lương Cường, cho biết, tiếp tục thực hiện mạnh. Mục đích chính là để xây dựng Đảng, tiếp tục củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và cả bộ máy.
Khuyến khích người dân tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo
Thông tin đến cử tri về tình hình chung của tỉnh Thanh Hóa năm 2024, Chủ tịch nước Lương Cường, cho biết, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn ước đạt 11,7%, đứng thứ 4 cả nước; quy mô nền kinh tế đứng thứ 8 cả nước (cao nhất trong các tỉnh Bắc trung Bộ và Duyên hải miền Trung).
Bên cạnh đó, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành chính quyền các cấp tiếp tục được đổi mới, nâng cao hơn.
Đối với huyện Thường Xuân, Chủ tịch nước đánh giá đây là huyện miền núi có diện tích tự nhiên lớn nhất của Thanh Hóa, trong đó diện tích lâm nghiệp chiếm hơn 82%; có vị trí địa lý gần khu công nghiệp và sân bay, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 47. Điều này tạo sự kết nối khu vực miền núi và các huyện đồng bằng, các trung tâm động lực kinh tế của tỉnh; kết nối với Nghệ An và tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào.
Theo ông, Thường Xuân là vùng sinh thái rừng đầu nguồn, có không gian lịch sử, văn hóa tiêu biểu, giàu bản sắc, đa dạng, độc đáo; vùng đất có truyền thống nhân văn, lao động sáng tạo, anh hùng trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước. Đây là những dư địa và điều kiện thuận lợi để tiếp tục phát triển tốt hơn.
"Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 40,6 triệu đồng/người. Với huyện miền núi thì đây là điều rất mừng. Đời sống của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo 2024 còn 9,4%", Chủ tịch nước đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền nhân dân huyện Thường Xuân đạt được trong thời gian qua.
Tại hội nghị, Chủ tịch nước đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, nhân dân huyện Thường Xuân tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện chặt chẽ, có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.
Bên cạnh đó, các cấp, ngành cần tích cực chuẩn bị chu đáo, tổ chức thành công đại hội các cấp, tiến tới đại hội XVI của Đảng.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, đa dạng hóa các hình thức kêu gọi xúc tiến đầu tư, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển hạ tầng cụm công nghiệp.
Trên cơ sở những tiềm năng, thế mạnh, huyện Thường Xuân cần tập trung nghiên cứu, đánh giá kỹ để đánh thức những yếu tố thuận lợi trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội; quản lý chặt chẽ và bảo vệ sinh thái rừng và nguồn nước.
Đồng thời, địa phương cần tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm lo, bảo đảm sức khỏe cho người dân; đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa…
Theo Chủ tịch nước Lương Cường, lãnh đạo địa phương cần khuyến khích người dân tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Ông lưu ý địa phương làm tốt hơn nữa công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Tại hội nghị, Chủ tịch nước Lương Cương thay mặt đoàn đại biểu tiếp thu ý kiến của cử tri để chuyển đến các cơ quan chức năng nghiên cứu, giải quyết, trả lời.