1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Câu chuyện của cô gái 13 năm làm “nô lệ”

(Dân trí) - Tại nơi “trốn”, cô gái vừa thoát cảnh 13 năm làm “nô lệ” ở một quán phở vẫn chưa hoàn hồn. Dáng đi khòng khòng vì thương tích ở xương hông, thân thể chằng chịt sẹo…, Nguyễn Thị Bình gần như đã “lỳ” với nỗi đau đã thành cơm bữa.

Bình không khóc, giọng nói khàn khàn già hơn tuổi, cảm giác hơi “lỳ” khi điểm qua tất cả những “ngón đòn” của chủ. Nhưng cách kể chuyện thì vẫn nguyên vẹn một cô gái tuổi mới lớn, thích xem “Nhật ký Vàng Anh”, thích được đi học và đứng học lỏm dăm ba con chữ của đứa bé con chủ nhà.

Chỉ khi nhắc đến mẹ, đến ước mơ về một cuộc sống gia đình, cô bé “nô lệ” từ khi lên 8 tuổi mới vỡ oà nước mắt những mong muốn không thành câu: “Em mong được có gia đình… có bố có mẹ. Được đi học… Giờ em chỉ mong mình được sống yên bình như ở nơi này, hằng ngày không bị đánh”.

Câu chuyện của cô gái bắt đầu bằng những kí ức “đòn roi” ở gia đình vợ chồng chủ quán phở Chu Minh Đức - Trịnh Thị Hạnh Phương (số 24, ngõ 108B, đường Nguyễn Trãi, Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội).

“Cực hình” dây điện và guốc nhọn

Bình kể, hầu như không ngày nào không bị đánh. Có cả trăm lý do khiến em bị đánh: làm vỡ bát - đánh; quên khép cửa - đánh; chậm dọn bàn - đánh; thu tiền thiếu của khách - càng bị đánh.

Nhiều lần Bình bị đánh oan vì ông chủ chỉ đánh xong mới chỉ ra lý do. Sau khi chịu xong trận đòn, Bình nói em bị oan, thì lúc đó cũng đã ăn đòn toé máu còn ông chủ thì thản nhiên đi nằm.

Cô gái chỉ vào vết sẹo lớn ở ống chân: “Một lần cháu trót làm lăn cái thớt vào chân cô Phương, cháu xin lỗi cô, cô cầm con dao nhọn, đâm thẳng vào chân cháu vì cô bảo: mày làm tao đau thì tao cũng phải cho mày đau hơn. Chiều hôm ấy cô còn bắt cháu nằm sấp xuống đánh tiếp bằng dây điện”.

Theo lời Bình, “hình cụ” của ông bà chủ Đức - Phương là bất cứ thứ gì vớ được trong tầm tay nhưng được thiết kế và thường dùng nhất là chiếc roi làm bằng 4 sợi dây điện bện lại, buộc một cục to ở đầu dây. Khi đánh, có lần cả hai vợ chồng bắt Bình cởi hết quần áo rồi thay nhau vụt lên cả ngực, cả chỗ kín. Bà chủ dùng chân đạp cả guốc cao gót vào miệng.

“Có khi cháu còn bị cô (cô Phương) hất cả gáo nước sôi vào người, lần nào may thì tránh được, không thì bị bỏng cũng phải chịu. Có lúc cháu đang ngủ cũng bị ông bà chủ xuống đánh vì quên chưa làm hoặc làm sai việc gì đó. Khi đánh, cháu không được khóc, không được kêu. Cô dặn có ai hỏi phải nói là bị ngã, bị cửa đập vào, cấm được nói là do bị đánh” - giọng kể của Bình càng khàn lại.

Một người hàng xóm của hàng phở Đức - Phương, chị Nguyễn Thị Tuân gật đầu xác nhận câu chuyện rặt màu đòn roi, cực hình của cô gái. Chị kể, có lần đi qua quán phở, thấy ông chủ sai Bình đi nhặt hành, bà chủ lại quát mang bát ra. Bình chưa kịp đứng lên đã bị bà chủ cầm con dao bầu chạy lại, lật sống dao, đập vào đầu.

Câu chuyện của cô gái 13 năm làm “nô lệ” - 1

Bà Hà Kim Bình, thường gọi là Bình “bò” (ảnh), người đưa thịt bò cho quán phở Đức - Phương nói ngắn gọn: “Chuyện cháu Bình bị đánh chúng tôi đã biết từ lâu, nhưng ít người muốn “dây” với vợ chồng nhà Đức - Phương. Vì chỉ cần nói về chuyện cháu Bình, chị Phương đã to mồm chửi bới, sau đó còn đánh cháu Bình tệ hơn như thể “dằn mặt” mọi người”.

Chính vì vậy, ngày 20/10, bà Bình “bò” cùng một số chị em trong chợ đã giúp Bình chạy trốn, đưa lên trang trại của gia đình ở Hà Tây.

1cm - 1 vết sẹo

Lưng áo Bình được vén lên, cả tấm thân con gái “ken” đầy vết bầm tím. Giữa lưng là những vết hằn đan chéo của ngón đòn dây điện. Hai bên mạng sườn cũng thâm tím, có chỗ thành sẹo trắng - dấu ấn của những cú kẹp bằng kìm. Hai cánh tay Bình cũng chi chít vết tím bầm.

Câu chuyện của cô gái 13 năm làm “nô lệ” - 2

Bình chỉ từng vết tích trên đầu ngón tay, ngón chân: “Có lần chú cháu cầm kìm kẹp đau quá, cháu giơ tay ra đỡ, chú cháu kẹp ngón tay cháu bật máu, giờ vẫn còn sẹo. Còn ngón chân này là khi cháu bị cô chú cầm sào chọc quần áo, bắt cháu đứng lên rồi vụt thẳng đầu sào vào ngón cái”. Mỗi cm trên cơ thể cô gái đều mang sẹo, sẹo chồng lên sẹo, vết bầm tím này chưa tan đã được “bồi” thêm vết khác.

Giọng cô gái vẫn khàn khàn, không cảm xúc thuật lại “thời gian biểu” một ngày làm việc trong suốt 13 năm qua tại gia đình ông bà chủ: “Ăn thì cháu được ăn no nhưng thức ăn chỉ có 2 miếng thịt và thường phải ăn thừa sau khi cô chú đã ăn xong”.

Một ngày của Bình bắt đầu từ 4 giờ 30 sáng với việc đi xách nước - hai tay hai thùng 20 lít từ nhà ra tới cửa hàng khoảng vài trăm bước chân. Bà chủ ra hạn cho việc xách nước là 5 phút, nếu quá sẽ bị đánh… Kết thúc một ngày “nô dịch” là sau khi chờ cho con chủ ngủ - khoảng 10 giờ 30 tối.

“Cháu rất muốn xem phim, xem “Nhật ký Vàng Anh” nhưng cô chú không cho xem. Nếu cháu ngoái lên xem liền bị đánh” - cô gái xìu giọng như con trẻ. Bình không biết chữ nhưng khoe với vẻ thích thú về một vài chữ cái A, C, E học lỏm được của đứa bé con chủ hồi nhỏ.

Giọng cô gái chùng lại khi nhắc đến mẹ. Ký ức của cô bé con theo mẹ đi “ở đợ” từ khi 8 tuổi chỉ còn vài chi tiết vụn vặt, bố tên Hữu, mẹ tên là Nguyễn Thị Quảng, em lấy họ mẹ, sinh ra trong nhà bác gái ở Phú Thọ. 8 tuổi, em theo mẹ xuống Hà Nội làm thuê tại quán phở nhà Đức - Phương, bắt đầu những ngày tháng “địa ngục”.

Cô gái nghẹn lời: “Cháu xin các cô, các chú đừng nhắc đến mẹ cháu. Sau khi mẹ cháu bị đánh và bỏ đi, có lần mẹ cháu quay lại, cháu tưởng mẹ cháu đón cháu. Cháu đang thái hành ngoài sân, khi vào thì mẹ cháu đã đứng lên rồi. Mẹ cháu bảo Tết sẽ về đón cháu, nhưng suốt gần 10 năm qua, cháu chưa hề gặp mẹ…”.

Hôm qua, 6/11, Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội đã ra quyết định triệu tập vợ chồng Chu Minh Đức và vợ là Trịnh Thị Hạnh Phương để làm rõ về hành vi dùng nhục hình đối với nhân viên Nguyễn Thị Bình (SN 1986, quê ở huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) phục vụ tại quán phở của gia đình.

 

Quyết định trên được đưa ra sau khi công luận lên tiếng và nạn nhân Nguyễn Thị Bình chính thức gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an.

 

Từ năm 1994 đến ngày 20/10/2007, Bình đã làm việc liên tục từ 4 - 5 giờ sáng tới khuya cho gia đình ông Đức, bà Phương tại quán phở cạnh chợ của ông bà này mà không được trả một đồng tiền công. Việc dùng “nhục hình” với Nguyễn Thị Bình diễn ra từ năm 1994 đến nay nhưng chính quyền địa phương không biết, Bình không được ai đứng ra che chở, bảo vệ.

 

Được biết, ban đầu, bà Trịnh Thị Hạnh Phương phủ nhận việc dùng “nhục hình” với Bình nhưng xác nhận “giáo dục” thì… có”. Ngay trong chiều qua, cơ quan điều tra đã đưa nạn nhân đi khám chứng thương.

Theo một cán bộ điều tra, hành vi dùng nhục hình đối với Bình rất đáng bị lên án, xử lý.  

P.Thảo