1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cô gái bị hành hạ 13 năm thảo sẵn đơn kháng án

(Dân trí) - Suốt nửa buổi sau của phiên tòa, Bình lại thành tâm điểm của phòng xử án. Cô gái không giấu vẻ gay gắt, lạnh lùng khi đưa ra những phán quyết của bản thân đối với vợ chồng Đức - Phương. Câu cửa miệng “cô chú cháu” không còn một lần phát ra trên môi…

Trong phiên tòa xét xử ngày 21/1, khi đến phần mình, Nguyễn Thị Bình khai dõng dạc trước tòa, “đốp” thẳng thừng những lý lẽ tự biện bạch của vợ chồng chủ quán phở. Cô gái tỏ ra rất tự tin và diễn đạt khá phong phú những ý định nói.

Cũng câu chuyện kể lại hơn chục năm “khổ sai”, Bình thêm vào phần kết “những ngày đó chỉ biết cắm mặt làm, nên không còn có thể nghĩ ngợi gì. Chỉ đến bây giờ nghĩ lại tôi mới thấy…” (cô gái ra vẻ thoáng rùng mình).

Bình cũng oán thán vì bị ông bà chủ nói là ăn cắp, trong khi vài món tiền ít ỏi cô có là do khách thấy cảnh hay bị đánh, thương nên dúi cho. Chỉ có một lần, khi còn nhỏ dại, thấy người ta vứt một chiếc ô rách, cô nói “ăn cắp” về để bán đồng nát, cô chú bắt gặp và lại ăn đòn.
 
Cô gái bị hành hạ 13 năm thảo sẵn đơn kháng án - 1
Cô bé "Mắt trâu" phục trang khá "xì-tai" đến tòa.
 
Khác với những lần phát biểu trước, trước tòa hôm nay, Bình đề cập đến vấn đề “nhạy cảm” - bị lăng mạ, chửi mắng. “Cô Phương chửi nhiều, xúc phạm ghê gớm, toàn chửi cả họ nhà cháu lên… Cháu rất thèm gọi một câu bố - mẹ, xưng là con nhưng cô chú không cho” - đôi mắt cô gái vẫn nhìn thẳng, lạnh lùng, ít biểu cảm.
 
Câu chuyện về ước mơ được đi học, được xem ti vi, xem phim “Nhật ký Vàng Anh” lại làm phòng xử án thoáng thốt lên vài câu xót thương...
 
VKS đề nghị mức án 45-54 tháng tù giam dành cho Trịnh Thị Hạnh Phương, 26-36 tháng tù dành cho Chu Văn Đức nhưng cho hưởng án treo, buộc bồi thường cho nạn nhân 38,8 triệu đồng. Bà chủ quán phở khóc ròng, xin lỗi, phân trần mong “cháu hiểu cho”.
 
Cô gái bị hành hạ 13 năm thảo sẵn đơn kháng án - 2
Trịnh Thị Hạnh Phương sụp ngay xuống khi nghe tòa tuyên 45 tháng tù giam.

Bị cáo khóc nức vì cho rằng không có chuyện để Bình thiếu thốn đồ dùng khi đến tuổi trưởng thành, chính tay chăm sóc, dạy cách vệ sinh thân thể cho cô gái.

Bị hại vẫn ngồi im trên hàng ghế đầu. Tòa nghị án, cô gái lại ngập trong sự quan tâm, trong vòng vây của cánh phóng viên. Ánh đèn flash chớp lóe liên tục, micro chĩa tới, Bình trả lời từng câu hỏi, khá văn hoa, mắt không chớp.

Cô phản ứng khá gay gắt vì cho rằng mức án đối với 2 vợ chồng chủ quán là quá nhẹ, cô sẽ kháng cáo nếu tòa tuyên án treo cho Chu Văn Đức. Bình tự đưa ra “phán quyết”, các bị cáo đã không khai thành thật trước tòa theo hướng giảm nhẹ tội trạng cho mình, lại còn nói những điều không đúng sự thật về việc Bình mắc nhiều lỗi, nhiều tật xấu, hay tắt mắt.

Bình miêu tả cảm giác, thấy thương thương khi thấy Trịnh Thị Hà Phương khóc. Giọng nói đều đều, thản nhiên, cô nói, với họ, hầu như không còn chút tình cảm nào, không ghét, không thù cũng chẳng thương hại nhưng không bao giờ có thể tha thứ cho những việc làm của vợ chồng chủ quán với mình. “Hành vi của họ, tất cả xin nhờ tòa phán xét” - Mắt trâu chốt lại vấn đề.
 
Cô gái bị hành hạ 13 năm thảo sẵn đơn kháng án - 3
Chu Văn Đức được tháo còng và được tòa tuyên bố phóng thích ngay sau khi tuyên án.

Nói về tương lai, về cuộc sống trước mắt, cô gái tỏ ra vui vẻ hơn. Chưa xác định rõ sau này sẽ làm gì, Bình hiện vẫn đang sống ở Hà Tây, trong trang trại của chị Thủy - con gái bà Bình “bò”. Hàng ngày, Bình vẫn làm việc ở đó và cũng không có ý định đến trường lớp, chỉ học để biết đọc, biết viết một số chữ, biết tính toán là đủ.

Cô cũng lý giải rõ hơn, cô từ chối một trong số những luật sư nhận bảo vệ miễn phí cho mình - luật sư Ngô Quý Đễ (người đã dẫn dắt Bình tới với ông chủ cơ sở bánh đậu xanh Nguyên Hương, Hải Dương và cuộc sống đầm ấm ngắn ngủi ở khu nhà Dưỡng Thiện). Bình nói muốn cắt đứt mọi quan hệ, sự quan tâm của họ dành cho mình. Vị luật sư luống tuổi đành lặng lẽ rời tòa.

Trong khi đó, mức án dành cho vợ chồng quán phở Đức - Phương gây nên nhiều phản ứng trái chiều. Như Bình và những người ủng hộ, bênh vực em thì mức án vẫn quá nhẹ so với hành động ác tâm mà họ đối với cô gái giúp việc.

Bà Bình “bò” điềm đạm hơn. Bà cho rằng, tòa xử thế là hợp lý, không nên bỏ tù cả 2 vợ chồng. Dù họ cùng hành hạ Bình, vẫn nên để một người được về nhà, tại ngoại để còn nuôi con. Cậu con trai đang học lớp 11 của vợ chồng hàng phở học rất giỏi, rất ngoan và luôn tỏ ra khá bản lĩnh trước biến cố trong gia đình.
 
“Tôi không muốn cứu được Bình mà lại làm hỏng cậu con trai nhà Đức Phương” - bà Bình cười hiền. Bà cho rằng, nếu kể thì chắc mãi cũng không hết tội của họ. Nhưng việc dù sao cũng đã rồi, chẳng lẽ cho dân chợ lấy kìm kẹp, lấy gậy đánh vợ chồng họ cho đủ 424 vết thương tích như Bình.
 
Cô gái bị hành hạ 13 năm thảo sẵn đơn kháng án - 4
Bà Bình "bò" khá điềm đạm và có vẻ khá tâm trạng trong suốt phiên tòa.

Có mặt ở tòa, một nữ cán bộ công an quận Thanh Xuân, người chăm sóc, ăn ngủ cùng Bình thời gian em ở đó chỉ mỉm cười nhận xét: “Bình vẫn bản lĩnh, “rắn” như hồi ở trụ sở công an quận”.

Một nhóm các bà, các chị khác cùng buôn bán tại chợ Thượng Đình vừa kéo nhau ra về vừa bàn về mức bồi thường hơn 200 triệu mà Bình và 2 luật sư khác đang đấu tranh, cho rằng có phạt cũng nên lượng mức cho khả thi. Vợ chồng Đức Phương đã nhận tội và chấp nhận bồi thường theo mức phán quyết của tòa (hơn 50 triệu đồng), ép quá các bị cáo cũng khó có khả năng trả.

Mắt Trâu còn nán lại tại tòa khá lâu, ngập trong vòng vây quan tâm của báo chí. Cô gái gay gắt lặp lại, sẽ kháng án lên TAND TP Hà Nội vì cho rằng mức án đối với bị cáo Chu Văn Đức không thoả đáng.

Phương Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm