1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ trưởng Công an thấm thía về phát biểu của Chủ tịch Quốc hội

(Dân trí) - Bộ trưởng Công an Tô Lâm chia sẻ, phát biểu của Chủ tịch Quốc hội “việc bỏ sổ hộ khẩu là mong ước của người dân”, ông rất thấm thía. Đây là một mục tiêu cơ bản khi xây dựng luật Cư trú (sửa đổi).

Ngày 21/10, Quốc hội dành thời gian thảo luận về dự luật này. Nội dung còn nhiều ý kiến tranh luận đến lúc này là về quy định chuyển tiếp liên quan đến chính sách lớn nhất đề ra - bỏ hộ khẩu giấy. Bản dự thảo trình Quốc hội xem xét lần này, tại khoản 3, Điều 38 đưa ra 2 phương án quy định.

Bộ trưởng Công an thấm thía về phát biểu của Chủ tịch Quốc hội - 1
Luật Cư trú (sửa đổi) được thảo luận "vòng 2" và dự kiến được thông qua tại kỳ họp 10 của Quốc hội.

Phương án 1: Quy định Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31/12/2022.

Phương án 2 (như nội dung do Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9): Quy định Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú không có giá trị sử dụng trong các giao dịch, quan hệ pháp luật được xác lập mới kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành (ngày 1/7/2021).

Chọn phương án 1, đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) – Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội phân tích, một số quyết định có liên quan của Chínnh phủ cho biết, đến hết năm 2025  có thể vẫn chưa hoàn thành việc kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu về dân cư. Mà trong bối cảnh hiện nay thì việc dành nguồn lực để đảm bảo hoàn thành nhanh cơ sở dữ liệu về dân cư trước 1/7/2021 rất khó khả thi.

Bỏ hộ khẩu là vấn đề lớn cần xem xét đánh giá thận trọng, tránh làm khó cho người dân. Luật Quốc hội đã ban hành, khi găp khó khăn không thể sửa đổi một sớm một chiều, Thường vụ Quốc hội cũng đã cân nhắc kỹ lưỡng để trình Quốc hội phương án 1. Đại biểu nhận định, phương án này không làm ảnh hưởng đến quyết tâm của Chính phủ và Bộ Công an và cũng không ảnh hưởng đến hiệu lực của luật nhưng sẽ tạo thuận lợi tốt nhất cho người dân.

Bộ trưởng Công an thấm thía về phát biểu của Chủ tịch Quốc hội - 2
Các ý kiến tranh luận nhiều tập trung vào quy định thi hành của luật, về thời điểm chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng hộ khẩu giấy.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Phan Văn Hoà (Đồng Tháp) cho rằng đến 1/7/2021 thì công an có thể hoàn thành cơ sở dữ liệu về dân cư nhưng các cơ quan khác như thuế, hải quan, bảo hiểm y  tế , bảo hiểm xã hội... chưa theo kịp, sẽ rất phiền hà cho dân.

Đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) cũng băn khoăn với con số thống kê cho thấy sau hơn 4 năm triển khai thực hiện mới có 16 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân, còn khoảng hơn 80 triệu công dân còn lại chưa được cấp.

Hơn nữa, đến nay cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và chậm tiến độ so với yêu cầu của Luật Cư trú (sửa đổi), dự kiến có hiệu lực ngày 1/7/2021 sẽ không đủ thời gian để bảo đảm cơ sở dữ liệu có liên quan, hoàn thiện và vận hành ngay trên thực tế.

Theo đó, đại biểu nhất trí với quan điểm cần có quy định chuyển tiếp về vấn đề này, có tính toán lộ trình cụ thể để triển khai áp dụng đồng bộ trên toàn quốc. Trong quá trình đó, cần tiếp tục công nhận việc sử dụng sổ hộ khẩu và sổ tạm trú.

Đáp lại các ý kiến nêu ra, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật, việc xây dựng luật này trước hết phải bảo đảm yêu cầu không để cản trở và ngăn chặn quyền tự do cư trú của công dân.

Theo nguyên tắc này, Bộ Công an kiến nghị và mong muốn thực hiện phương án 2, chấm dứt vai trò, việc sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú ngay khi luật này có hiệu lực thi hành (từ 1/7/2021). Bộ trưởng Công an quả quyết, đối chiếu với năng lực hoạt động thực tiễn thì khi luật có hiệu lực, chính thức bãi bỏ hộ khẩu giấy mà không dứt khoát “khai tử”, vẫn duy trì giá trị sử dụng của số hộ khẩu đã cấp thì cũng chính là phiền phức cho cả người dân và cho hoạt động quản lý của các cơ quan.

Bộ trưởng Công an thấm thía về phát biểu của Chủ tịch Quốc hội - 3
Bộ trưởng Công an Tô Lâm đáp lại ý kiến các đại biểu tại phiên thảo luận.

“Bỏ sổ hộ khẩu, như Chủ tịch Quốc hội đã phát biểu tại UB Thường vụ Quốc hội khiến chúng tôi rất thấm thía, rằng “đây là điều mong ước của người dân”. Quyết định thay đổi phương thức mang quản lý lại sự phấn khởi cho người dân. Điều đó, chúng tôi quán triệt trong việc làm luật này” – Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh.

Bộ trưởng Công an lưu ý, đúng là sổ hộ khẩu hiện nay đang có rất nhiều quy định, thủ tục “ăn theo”. Vậy thì thay đổi phương thức quản lý đòi hỏi cả hệ thống phải thay đổi chứ không chỉ thay đổi quyển sổ hộ khẩu là được.

Ông Lâm cập nhật thông tin việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (gắn liền với việc cấp mã số định danh cá nhân), đến nay, Bộ Công an đã thu thập được khoảng 90% thông tin. Việc còn lại chỉ là thẩm định, phúc tra và đưa thông tin vào hệ thống máy móc, khoảng 10% cuối cùng, có thể hoàn thành trong năm 2020.

Việc cấp căn cước công dân, lãnh đạo Bộ Công an cũng khẳng định có thể hoàn thành để vận hành ngay cả hệ thống từ 1/7 năm sau, không cần xin kéo dài thời gian cấp như đề xuất trước đây nữa.

Vậy nên Bộ Công an mạnh dạn đề nghị thực hiện ngay việc “khai tử” hoàn toàn sổ hộ khẩu, không cần giai đoạn quá độ, chuyển tiếp đến hết 2022.