1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đại biểu Quốc hội muốn giữ hộ khẩu đến 2022, Bộ Công an quyết bỏ trong 2021

Phương Thảo

(Dân trí) - Việc bỏ sổ hộ khẩu theo luật Cư trú (sửa đổi) theo đề xuất của Chính phủ, có hiệu lực từ 1/7/2021. Các đại biểu lo không kịp chuyển đổi, đề nghị kéo dài đến hết 2022. Bộ Công an cam kết kịp tiến độ.

Tiến độ thực hiện việc “khai tử” sổ hộ khẩu là một nội dung được thảo luận tại phiên họp đại biểu Quốc hội chuyên trách chiều 4/9 khi cho ý kiến về dự luật Cư trú (sửa đổi).

Lý do quy định nhà ở đảm bảo tối thiểu 8 m2/người

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với việc không quy định điều kiện riêng về đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến đề nghị chỉnh quy định về mức diện tích bình quân về chỗ ở như Chính phủ trình thành diện tích nhà ở tối thiểu làm điều kiện để đăng ký thường trú sẽ do HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người.

Góp ý nội dung này, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) lo ngại, việc để cho HĐND tỉnh quy định tối thiểu 8 m2/người là không hợp lý vì xảy ra tình trạng HĐND sẽ quy định mức tối thiểu lớn hơn.

“Như vậy sẽ đạt tiêu chuẩn quốc gia nhưng không đạt tiêu chuẩn địa phương. Địa phương giới hạn quyền tự do cư trú của cư dân quy định trong luật. Quyền công dân ở địa phương khác nhau thì lại khác nhau” - ông Lâm phân tích và đề nghị cần có quy định thống nhất trên toàn quốc, không giao cho HĐND cấp tỉnh tự đặt diện tích của địa phương mình.

Đại biểu Quốc hội muốn giữ hộ khẩu đến 2022, Bộ Công an quyết bỏ trong 2021 - 1
Thứ trưởng Bộ Công an - Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định tiến độ bỏ sổ hộ khẩu từ 1/7/2021 là khả thi.

Giải trình về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho rằng, điều kiện đăng ký thường trú đối với trường hợp thuê, mượn, ở nhờ cần bảo đảm yêu cầu về diện tích bình quân tối thiểu làm điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhằm bảo đảm điều kiện sống cần thiết cho người dân, phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn của từng địa phương và giảm áp lực cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

Quy định mức tối thiểu không dưới 8m2 sàn/người, theo Thứ trưởng Ngọc, là để bảo đảm điều kiện sống và phù hợp với điều kiện của đa số thành phố lớn.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngọc cho rằng, không nên bổ sung quy định tiêu chí về thời gian tạm trú nhất định tại địa bàn là điều kiện đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ.

“Điều kiện về thời gian tạm trú là quy định hiện hành, chỉ áp dụng đối với các thành phố trực thuộc trung ương. Đây là rào cản để công dân đang sinh sống tại các thành phố trực thuộc trung ương khó đăng ký thường trú vào các đô thị này. Quy định này tạo ra sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng giữa các công dân” - Thứ trưởng Ngọc lập luận.

Kéo dài sự tồn tại của sổ hộ khẩu?

Thông tin đến đại biểu nội dung này, Chủ nhiệm UB Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến tán thành việc thay đổi phương thức quản lý cư trú mới. Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn về thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật từ ngày 1/7/2021 vì cho rằng không đủ thời gian để bảo đảm các cơ sở dữ liệu liên quan có thể hoàn thiện và vận hành ngay được trên thực tế.

Tiếp thu ý kiến này, UB Thường vụ Quốc hội thiết kế 2 phương án quy định.

Phương án 1: Có quy định chuyển tiếp, theo đó, kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ xác nhận về cư trú theo quy định của luật này cho đến hết ngày 31/12/2022; thông tin về cư trú trong cơ sở dữ liệu về cư trú là thông tin gốc, cơ quan đăng ký cư trú sẽ không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Phương án 2: Giữ như nội dung Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 là: Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú vẫn có nguyên hiệu lực pháp luật. Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không có giá trị sử dụng trong các giao dịch, quan hệ pháp luật được xác lập mới kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Lựa chọn phương án 1, đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) nhận xét, quy định chuyển tiếp như vậy tạo thuận tiện cho người dân, đảm báo tính khả thi của luật.

Đại biểu Quốc hội muốn giữ hộ khẩu đến 2022, Bộ Công an quyết bỏ trong 2021 - 2
Đại biểu Trần Thị Dung cho rằng, duy trì hiệu lực của sổ hộ khẩu đến hết 2022 là để tạo thuận tiện cho người dân.

Tán thành với đại biểu Dung, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhìn nhận, đây là việc hết sức hệ trọng. “Tôi nghĩ thời gian này lưu hành song song có sổ hộ khẩu cuối tháng 12/2022 là phù hợp. Ta bỏ hoàn toàn như vậy tôi e rằng khó khăn cho người dân quan hệ dân sự cơ quan nhà nước, công quyền. Họ không nắm được mà đòi hỏi xác nhận thì sẽ phiền hà cho người dân” - ông Hoà nêu e ngại.

Không đồng tình, Thứ trưởng Ngọc đề nghị chỉ nên để 1 phương án tại dự thảo Luật là như nội dung do Chính phủ trình Quốc hội (Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021; sổ hộ khâu, sổ tạm trú đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân chỉ được tiếp tục sử dụng dế giải quyết các giao dịch, giấy tờ, tài liệu được xác lập trước ngày Luật có hiệu lực thi hành như quy định tại khoản 3, Điều 42 dự thảo Luật do Chính phủ trình, không có quy định chuyển tiếp là được sử dụng tiếp đến hết ngày 31/12/2022).

Cung cấp thêm thông tin thông tin về tình hình xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp mã số định danh cá nhân, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt diều chỉnh chủ trương đầu tư theo Ọuyết định số 366 ngày 11/3/2020, trong đó xác định thời gian thực hiện dự án là đến năm 2021.

Bộ Công an khẳng định sẽ đưa vào vận hành chính thức Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ ngày 1/7/2021 và đáp ứng dược yêu cầu quản lý cư trú đối với công dân.

Liên quan đến việc xác lập số định danh cá nhân, theo Thứ trưởng Ngọc, để bảo đảm việc đưa vào vận hành, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đạt hiệu quả, Bộ Công an đã xây dựng quy trình thu thập dữ liệu dân cư phục vụ việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có nội dung thực hiện việc xác lập số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam, dự kiến đến tháng 12/2020 việc xác lập số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam sẽ hoàn thành.

“Hiện nay Thủ tướng cũng đã phê duyệt Dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Dự án này sẽ được triển khai đồng bộ song hành cùng dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dự kiến vận hành đầu năm 2021; 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên toàn quốc sẽ thực hiện cấp thẻ Căn cước công dân” - ông Ngọc thông tin.