1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

"Bộ trưởng nói diện tích rừng tự nhiên tăng, mọi người nghi ngờ là đúng"

Nguyễn Dương

(Dân trí) - "Không ai có thể trồng được rừng tự nhiên. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói diện tích rừng tự nhiên tăng lên 1 triệu hecta thì mọi người nghi ngờ là đúng" - GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung nói.

Cây cao su có được tính tỷ lệ che phủ rừng không?

Theo báo cáo về độ che phủ rừng giai đoạn 2011-2019 của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) ngày 13/11/2020, quy định về rừng được quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 và khoản 3 Điều 2 Luật Lâm nghiệp năm 2017: Rừng là một hệ sinh thái bao gồm các loài thực vật rừng, động vật rừng, nấm, vi sinh vật, đất rừng và các yếu tố môi trường khác, trong đó thành phần chính là một hoặc một số loài cây thân gỗ, tre, nứa, cây họ cau có chiều cao được xác định theo hệ thực vật trên núi đất, núi đá, đất ngập nước, đất cát hoặc hệ thực vật đặc trưng khác; diện tích liền vùng từ 0,3 hecta trở lên; độ tàn che từ 0,1 trở lên.

Về tiêu chí xác định rừng được quy định tại Điều 4, 5, 6, 7, 8 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Lâm nghiệp. Theo đó, cây hạt tiêu, cây cà phê không được tính tỷ lệ che phủ rừng; cao su là cây đa mục tiêu, nếu trồng trên diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp mới được tính vào tỷ lệ che phủ rừng.

Đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, từ năm 2017 đến nay các bộ, ngành trung ương và địa phương rà soát chặt chẽ với 3.630 dự án đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng với tổng diện tích đề nghị là 183.740 hecta, trong đó rừng tự nhiên 39.133ha, rừng trồng 74.242 hecta, còn lại là đất chưa có rừng và diện tích ngoài quy hoạch 3 loại rừng.

Đến nay, Thủ tướng Chính phủ mới chỉ xem xét chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với dự án theo đúng quy định pháp luật, thực sự cấp thiết đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường và dự án quốc phòng, an ninh đối với 133 dự án với diện tích 3.325 hecta. Trong các dự án này, không có dự án mở mới xây dựng công trình thủy điện.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, công tác bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian qua đã đạt được kết quả quan trọng như tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 39,7% năm 2011 lên 41,89% năm 2019, rừng tự nhiên được quản lý chặt chẽ và tập trung khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, phục hồi. 

Tuy vậy, chất lượng rừng, nhất là rừng tự nhiên còn suy giảm ở nhiều nơi, công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng gặp nhiều khó khăn.

Để phát triển bền vững, hiệu quả trong thời gian tới, Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng Nhà nước cần tăng cường xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, nhất là để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, thủy điện, không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế trước mắt thiếu bền vững.

Mới đây, trong phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thông tin: Diện tích rừng của Việt Nam vào năm 1990 là 9 triệu hecta với độ che phủ là 27%. Tới nay, diện tích rừng của chúng ta là 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu hecta, rừng trồng là 4,3 triệu hecta; độ che phủ là gần 42% trong khi mức bình quân thế giới chỉ là 29%.

Theo ông Cường, đạt được kết quả trên là sự cố gắng vượt bậc của nhân dân và cả hệ thống chính trị.

Bộ trưởng nói diện tích rừng tự nhiên tăng, mọi người nghi ngờ là đúng - 1

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận tranh luận của đại biểu khi nói về thành tích trồng, giữ rừng.

Tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về nội dung trên, Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Ksor H'Bơ Khăp cho rằng: "Bộ trưởng nói diện tích rừng từ lúc 9 triệu hecta mà lên 14 triệu hecta, thì đúng là con số đáng phấn khởi. Nhưng điều này tôi thấy rất vô lý, có cái gì đó thực sự là sai sai. Bởi ít nhất trong nhiệm kỳ Quốc hội này, mỗi một kỳ họp chúng ta đã được nghe những dự án, công trình có chuyển đổi rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ - đó là rừng tự nhiên, thì làm gì có chuyện con số 14 triệu hecta đó mà rừng tự nhiên lại tăng lên được. Cây cao su, cây cà phê, cây tiêu cũng được tính vào tỷ lệ che phủ rừng".

Bộ trưởng nói diện tích rừng tự nhiên tăng, mọi người nghi ngờ là đúng - 2

Nữ đại biểu Quốc hội Gia Lai Ksor H’Bơ Khăp.

Phản hồi ý kiến trên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong 30 năm phát triển, rừng tự nhiên không thể phục hồi như ngày xưa bởi thời gian quá ngắn. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đế quốc Mỹ đã rải 77 triệu lít thuốc hóa học hủy hoại 2 triệu hecta rừng của miền Trung.

"Do đó, bây giờ phục hồi phải từng bước, kể cả rừng tự nhiên cũng phải từng bước mới đạt hệ số che phủ theo kiến tạo như ngày xưa", ông Cường nói.

"Không trồng được rừng tự nhiên"

Liên quan đến nội dung trên, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng - cho rằng: "Không ai có thể trồng được rừng tự nhiên, tôi năm nay 82 tuổi, trong đó hơn 60 năm làm trong ngành lâm nghiệp. Tôi chưa bao giờ trồng được rừng tự nhiên. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói diện tích rừng tự nhiên tăng lên 1 triệu hecta thì mọi người nghi ngờ là đúng".

Ông Lung đưa ra giải thích cho thông tin trên, mặc dù không trồng được rừng tự nhiên, nhưng rừng tự nhiên nó "tự trồng", thì gọi là "rừng tự nhiên phục hồi" hoặc "rừng tái sinh tự nhiên". 

Theo Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng, trước đây rừng tự nhiên "chỉ có mất đi, chứ không tăng lên". Nhưng từ Chương trình 327 - chương trình phủ xanh đất trống, đồi núi trọc vào năm 1992 đã "kích thích" làm thế nào cho rừng tự nhiên phục hồi được mà không cần có yếu tố con người. 

"Trước đây ta không làm tăng thêm được 1 triệu hecta rừng tự nhiên nào, nhưng từ ngày chúng ta cải cách HTX nông nghiệp thì vài năm sau chúng ta đủ ăn, những năm tiếp theo chúng ta xuất khẩu được gạo. Do đó, người ta không phải chặt rừng tự nhiên để làm lương thực cứu đói nữa, từ lúc đó rừng tự nhiên phát triển", ông Lung cho biết.