Dự luật khiến mỗi tỉnh thêm cả nghìn công an: “Chưa cần thiết ban hành”
(Dân trí) - Dự luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở khiến đại biểu Quốc hội lo bộ máy công an phình lớn. Thể hiện quan điểm, trên 60% đại biểu cho rằng chưa cần thiết ban hành luật này.
Dự luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 10 này. Qua phiên thảo luận tại tổ tuần trước cũng như phiên thảo luận tại hội trường sáng nay, 17/11, về dự luật ghi nhận nhiều ý kiến băn khoăn về quan điểm xây dựng luật.
Theo đó, đầu giờ làm việc buổi chiều, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến dự luật, với lưu ý các đại biểu hoàn thành việc này trước 15h chiều để Ban Thư ký tổng hợp ý kiến báo cáo Quốc hội.
Kết quả được báo cáo sau đó cho thấy, có 290 đại biểu trong tổng số 393 đại biểu gửi phiếu lấy ý kiến nêu quan điểm “chưa cần thiết ban hành luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở”, tương đương 60,29% tổng số đại biểu Quốc hội. Chỉ có 96 đại biểu cho rằng “cần thiết” ban hành luật này, bằng 19,96% tổng số đại biểu Quốc hội.
Như vậy, với kết quả này, nhiều khả năng dự luật thứ 2 do Bộ Công an xây dựng, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này phải tạm dừng giữa chừng.
Sáng cùng ngày, việc lấy ý kiến về dự luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ cũng cho kết quả quá bán "không đồng ý" với cả nội dung đánh giá về việc tách luật này từ luật Giao thông đường bộ hiện hành và việc chuyển chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an.
Trước đó, tại phiên thảo luận tổ, Bí thư thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên phân tích về việc tổ chức lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở. Bí thư Nên cho rằng, “một địa phương mà để cho người dân, người già, người nghĩa hiệp ra tay trấn áp tội phạm thì người làm trách nhiệm quản lý xã hội đó, hay đúng hơn những người có chức năng thấy điều gì đó không ổn”.
Còn tại phiên thảo luận tại hội trường sáng nay, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhận xét, việc cơ cấu 1,5 triệu người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở có cảm giác như quy định áp dụng cho “tình trạng khẩn cấp” thời chiến. Lực lượng này, nếu hình thành, gấp nhiều lần quân thường trực.
Tình trạng này đối với bộ máy lực lượng công an, theo đại biểu là “phình cả động mạch, cả tĩnh mạch”.
Đại biểu Sùng Thìn Cò (Hà Giang) - nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 2 cũng đặt câu hỏi, liệu có cần thêm một lực lượng nữa không? Theo ông, khi luật Công an nhân dân có hiệu lực, lực lượng công an chính quy xuống thay thế, tự nhiên sứ mệnh của lực lượng bán chuyên trách đã hết.
Đại biểu nhận xét, hiện tại lực lượng công an đang quá đông, trung bình một tỉnh phải có 3.000 - 4.000 công an chính quy. Lực lượng lớn như thế, nếu lại thêm nhiều lực lượng nữa, đại biểu lo quá tải với ngân sách.