“Bỏ sổ hộ khẩu là mong mỏi từ lâu của người dân”
(Dân trí) - Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, bỏ sổ hộ khẩu là mong mỏi từ lâu của người dân, đảm bảo quyền tự do cư trú. Tuy nhiên, giai đoạn đầu sẽ có nhiều khó khăn vì ở cấp xã hiện nay công an còn bán chính quy.
Ngày 9/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Cư trú (sửa đổi). Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận là hướng tới bỏ sổ hộ khẩu, quản lý bằng mã số định danh cá nhân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Hiện nay, muốn đăng ký thường trú vào TP trực thuộc trung ương, người dân cần có thời gian tạm trú 1 năm trở lên. Riêng ở Hà Nội, muốn thường trú ở nội thành, người dân phải tạm trú từ 3 năm trở lên.
Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đưa ra phương án bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú vào các thành phố trực thuộc trung ương. Theo đó, người dân đăng ký thường trú vào Hà Nội, TPHCM... chỉ cần làm thủ tục như với các tỉnh, thành khác.
Phát biểu về vấn đề trên, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, thống kê dân số năm 2019, TP có hơn 8 triệu dân. Do vậy, nếu không còn điều kiện riêng về đăng ký thường trú tại Hà Nội thì dân số sẽ còn tăng hơn nữa. Theo đó, sẽ có khoảng một triệu người đang tạm trú ở Hà Nội có thể chuyển sang thường trú.
Về lý thuyết, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, việc bỏ điều kiện riêng là đúng, nhưng ban soạn thảo phải nghĩ ra cách điều tiết di cư tự do. Bởi theo ông Huệ, vấn đề di dân đến thành phố lớn là tính đến bài toán kinh tế chứ không đơn thuần là hành chính.
Dân số TP tăng cũng liên quan đến tiêu chí phân bổ ngân sách chi thường xuyên. “Nếu dân số tăng thêm thì phải điều chỉnh lại chi ngân sách, ban soạn thảo đã tính đến vấn đề này chưa?”, ông Huệ nói.
Còn theo đại biểu Phan Thị Bình Thuận (đoàn TPHCM), việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ đăng ký tạm trú để quản lý cư trú, quản lý dân cư bằng cơ sở dữ liệu quốc gia là một thay đổi mạnh mẽ, lớn trong công tác quản lý cư trú, dân cư của chúng ta.
Tuy nhiên, đại biểu Thuận băn khoăn khi bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ ảnh hưởng đến các giao dịch dân sự liên quan đến hộ gia đình, nhân thân, thừa kế, mua bán, bảo hiểm cũng như các thủ tục hành chính khác. Bởi hiện nay các văn bản pháp luật liên quan đều có quy định về sổ hộ khẩu.
Đó cũng là băn khoăn của đại biểu Dương Ngọc Hải (đoàn TPHCM) khi nhiều lĩnh vực hiện nay liên quan đến sổ hộ khẩu và pháp luật cũng quy định như vậy. Đại biểu kiến nghị rà soát, sửa đổi các quy định để đồng bộ với Luật Cư trú. Theo ông Hải, hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư, cư trú phải đồng bộ từ trung ương đến địa phương, giữa các ngành để phát huy hiệu quả trong công tác quản lý và tạo thuận lợi cho người dân.
Đại biểu đoàn TPHCM cũng nhắc đến việc khi thực thi Luật Căn cước công dân thì đến năm 2020 sẽ hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhưng đến nay lại gia hạn đến tháng 6/2021. Từ thực tế như vậy, đại biểu đánh giá, không ít thách thức trong quá trình thực hiện việc bỏ sổ hộ khẩu hướng tới quản lý bằng mã số định danh.
Đánh giá việc dự án Luật Cư trú (sửa đổi) sẽ bỏ sổ hộ khẩu là một bước tiến mới trong quản lý về dân cư, cư trú, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cho biết hiện có ít nhất 27 loại thủ tục khi người dân đi làm phải mang theo sổ hộ khẩu.
Theo ông Hoà, bỏ sổ hộ khẩu là mong mỏi từ lâu của người dân, đảm bảo quyền tự do cư trú cho người dân. Tuy nhiên, vị đại biểu đoàn Đồng Tháp cũng đặt vấn về khó khăn trong quá trình thực thi ở giai đoạn đầu, bởi hiện nay ở cấp xã, lực lượng công an còn bán chính quy, trình độ chuyên môn và nghiệp vụ còn bất cập. Nhưng đại biểu Hòa tin tưởng, với lộ trình mà Bộ Công an đề ra thì các khó khăn này sẽ sớm được khắc phục.
Quang Phong