1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bộ GTVT nghiên cứu biện pháp quản lý thông minh đối với Uber

(Dân trí) - Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường tại Hội nghị “Doanh nghiệp vận tải với an toàn giao thông”. Thứ trưởng Trường cũng thừa nhận, nhu cầu của người dân đối với một dịch vụ như Uber là có thật.

Bộ GTVT nghiên cứu biện pháp quản lý thông minh đối với Uber

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường tại hội nghị “Doanh nghiệp vận tải với an toàn giao thông” diễn ra ngày 9/12 tại TPHCM

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, hiện nay hoạt động của Uber tại Việt Nam mới xuất hiện ở TPHCM và Hà Nội. Tính chất hoạt động của Uber là dựa trên một phần mềm, hướng dẫn cho mọi người đi lại một cách thuận tiện. Những doanh nghiệp hoạt động cùng với Uber phải đăng ký, đồng thời tuân thủ các quy định về vận tải của pháp luật Việt Nam.

Nhưng hiện nay một số doanh nghiệp chưa đăng ký mà vẫn hoạt động theo taxi Uber. Vấn đề này Bộ đang yêu cầu các doanh nghiệp khai báo và có đăng ký để đảm bảo cho hành khách đi lại được an toàn, an ninh, cũng như là đóng thuế đầy đủ cho nhà nước.

Về kinh doanh vận tải, nhà nước không cấm doanh nghiệp hoạt động mang lại lợi ích cho người dân. Tuy nhiên cơ quan nhà nước phải quản lý và nắm được loại hình dịch vụ mới này để người dân biết và chủ động trong việc lựa chọn hình thức vận chuyển của mình.

Thứ trưởng cho rằng, với taxi truyền thống ta gọi bằng điện thoại, còn taxi Uber là gọi xe thông qua điện thoại thông minh và bản đồ vệ tinh. Như vậy đây có thể xem là một hình thức mới nhưng không phải là một loại hình kinh doanh mới. Thực chất chỉ khác về phương thức thông tin.

Nói về kiến nghị của Hiệp hội taxi TPHCM đề nghị cân nhắc thời điểm cho Uber hoạt động tại Việt Nam, Thứ trưởng cho biết Bộ đã nhận được kiến nghị này. Tuy nhiên, hiện nay Bộ GTVT chưa kết luận gì về Uber. Phía Bộ đang tìm hiểu, vì hiện nay Uber cũng đã hoạt động ở nhiều nước trên thế giới. Có nhiều nước cấm hoạt động nhưng cũng có nơi cho phép.

Thanh tra giao thông TPHCM ra quân kiểm tra và xử phạt taxi Uber ngày 5/12/2014

Thanh tra giao thông TPHCM ra quân kiểm tra và xử phạt taxi Uber ngày 5/12/2014

Theo Thứ trưởng, nhu cầu của người dân đối với một dịch vụ như Uber là có. Vấn đề là mình tổ chức quản lý như thế nào. Về nguyên tắc thì hoạt động taxi phải có đăng ký, người lái phải có chứng chỉ hành nghề. Trước đây quy định taxi phải có phù hiệu, biển hiệu, phải công khai về màu sơn, số điện thoại để người dân tiếp cận. Đối với Uber hiện nay, tất cả những yêu cầu này đều chưa có.

Hiện nay xe Uber vừa dùng xe cá nhân, vừa dùng xe có đăng ký và không đăng ký. Bây giờ phải hướng doanh nghiệp, lái xe vào loại hình kinh doanh... Về cơ chế, chính sách phải nghiên cứu bổ sung vấn đề này. Bộ GTVT đang nghiên cứu để có biện pháp quản lý thông minh và đảm bảo quản lý tốt các doanh nghiệp hoạt động theo Uber.

Trong một diễn biến khác, phía Uber đã gửi lời mời gặp gỡ, làm việc đến Bộ GTVT. Theo kế hoạch, cuộc gặp này diễn ra vào chiều 9/12. Tuy nhiên, đến phút chót buổi làm việc đã không diễn ra.

Liên quan đến tài xế taxi Uber, thông tin từ Thanh tra Sở GTVT TPHCM cho biết, tính đến chiều 9/12, đã có 3 tài xế đến nộp phạt sau khi ký vào quyết định xử phạt vi phạm hành chính với lỗi “Kinh doanh vận tải bằng ô tô mà không có giấy đăng ký kinh doanh, không có giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định” với mức phạt 3,5 triệu đồng/trường hợp.  

Trong hai ngày ra quân kiểm tra và xử lý taxi Uber, Thanh tra giao thông TP đã lập biên bản 10 trường hợp vì vi phạm điểm C khoản 4 Điều 28 Nghị định 171/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Quốc Anh

Dòng sự kiện: "Taxi" Uber

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm