Taxi Uber tại Việt Nam đang bị coi như "taxi dù"

(Dân trí) - Cũng như TP.HCM, taxi Uber đang hoạt động công khai trên địa bàn Hà Nội nhưng các sở ngành vẫn lúng túng không biết xử lý thế nào. Còn Phó Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Hoàng Linh cho biết, sở này đang chờ chỉ đạo cụ thể từ Bộ GTVT.

Xử như taxi “dù”

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội phân tích rõ khi gọi là taxi thì phải có phù hiệu, đồng hồ tính cước và phải đăng ký kinh doanh. Còn nếu cho taxi Uber phát triển như hiện nay thì không khác gì để người dân đi taxi “dù”. Mà đã là taxi “dù” thì cần phải xử lý nghiêm.
Quản hay cấm taxi Uber: “nín thở” chờ phán quyết từ Bộ GTVT

Đăng ký đi taxi Uber ở Hà Nội cũng dễ dàng như TP.HCM (Ảnh Lê Tú)

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Lãnh đạo TP chưa nắm được thông tin Tướng công an xây biệt thự trái phép

* Đột nhập kho "bom khí" ẩn mình giữa khu dân cư

* Thay cả dàn lãnh đạo các ngân hàng quốc doanh

* Dầu mất giá, vội vã lên kịch bản chống thất thu

* Lãnh đạo Korean Air mất chức vì nổi đóa trên máy bay

* Nhà chọc trời: 'Nỗi đau' sau niềm kiêu hãnh

Từ đánh giá taxi Uber đang hoạt động giống như taxi “dù” nên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội quan ngại cho sự an toàn của hành khách. Ông Liên đưa ra ví dụ nếu như tai nạn xảy ra thì đơn vị nào sẽ trả bảo hiểm cho hành khách. Xe không phù hiệu, không đăng ký kinh doanh khi có vấn đề liên quan giữa người cầm lái với hành khách thì cơ quan chức năng sẽ truy tìm và xử lý thế nào…

Về mặt pháp lý, theo ông Liên, trong Luật Giao thông đường bộ không có quy định nào nói về hoạt động taxi kiểu Uber. Không những thế, chính đại diện Uber của khu vực Đông Nam Á còn tuyên bố, vì không có phương tiện, không có người lái xe nên họ không nhận mình đang hoạt động vận tải. Ở đây họ chỉ làm nhiệm vụ kết nối giữa hành khách với chủ xe. Chính vì vậy, họ không chịu trách nhiệm cho sự an toàn của hành khách.

“Nếu nó thực sự tiện ích cho người dân thì chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Thế nhưng tiện ích đó phải theo quy định của pháp luật. Còn trong luật không quy định và chính bản thân họ cũng từ chối kinh doanh vận tải. Như vậy có thể nói rằng Uber không phù hợp với luật pháp hiện hành của Việt Nam”, ông Liên phân tích thêm.

Làm gì cũng phải theo luật

Liên quan đến vấn đề quản lý taxi Uber, ông Nguyễn Doãn Toản - Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội từ chối bình luận mà cho rằng, việc này thuộc thẩm quyền của Sở Giao thông vận tải Hà Nội (GTVT). Theo bà Trương Thị Thu Hằng - Trưởng ban Giá (Sở Tài chính) khi rộ lên thông tin hoạt động taxi Uber lãnh đạo sở này cũng đặt vấn đề có quản lý nó hay không và có nên yêu cầu họ kê khai giá hay không?
Các sở ngành ở Hà Nội đang chờ quyết định từ Bộ GTVT về việc quản hay cấm taxi Uber

Các sở ngành ở Hà Nội đang chờ quyết định từ Bộ GTVT về việc quản hay cấm taxi Uber

Những băn khoăn đó được bà Hằng giải thích, doanh nghiệp phải đủ điều kiện kinh doanh trên địa bàn thì Ban giá mới tiếp nhận hồ sơ kê khai. “Hiện chưa có động thái gì thì phải sang Sở GTVT mới rõ. Còn tất cả những đơn vị được cấp phép kinh doanh thì chúng tôi mới quản lý về giá”, bà Hằng cho hay.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố đã có taxi Uber hoạt động nhưng không nhiều. “Chúng tôi đã báo cáo Bộ GTVT về vấn đề này rồi. Làm gì cũng phải theo pháp luật, do vậy, tất cả những gì liên quan đến hoạt động của taxi Uber chúng tôi đang chờ chỉ đạo cụ thể từ Bộ GTVT”, ông Linh nói.

Chia sẻ quan điểm cụ thể về vấn đề này, theo Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh, không riêng gì taxi Uber mà tất cả taxi chính thống nếu trong quá trình hoạt động mà phát hiện ra những lỗi như không bảo đảm tiêu chuẩn, quy định theo pháp luật, không đảm bảo điều kiện kinh doanh đều phải xử lý.

“Doanh nghiệp được phép kinh doanh những gì pháp luật không cấm nhưng phải tuân thủ các điều kiện kinh doanh. Do vậy, không riêng gì Uber mà tất cả taxi chính thống nếu vi pháp quy định đều bị xử lý”, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh khẳng định lại quan điểm của mình.

Quang Phong

Taxi Uber thoải mái đi vào đường cấm taxi

Do là loại hình Taxi không có biển bảng, phù hiệu, hình thức bên ngoài giống như những chiếc xe ô tô thông thường nên việc hoạt động của dịch vụ Taxi Uber sẽ được “thoải mái” hơn các hãng Taxi khác. Cụ thể như tại địa bàn Hà Nội, nhiều tuyến đường hiện đang cấm Taxi đi vào thì những tài xế hoạt động trong mô hình của Uber tại Việt Nam vẫn có thể thoải mái di chuyển mà không sợ bị phạt.

Nhiều người đặt ra vấn đề, nếu coi Uber là một loại hình Taxi ở Việt Nam thì cũng cần phải tuân thủ những quy chế giao thông chung để đảm bảo tính công bằng cũng như kiểm soát được dòng phương tiện các tuyến phố cấm, tránh gây tình trạng ùn tắc.

Trả lời báo chí, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho hay rằng, Sau khi có dịch vụ Uber, chúng tôi đã nghiên cứu và khẳng định, đây là dịch vụ hỗ trợ vận tải. Dịch vụ này đã được quy định trong luật giao thông đường bộ. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải ở Việt Nam sau khi đăng ký kinh doanh thì có thể sử dụng dịch vụ vận tải.

Các đơn vị kinh doanh vận tải ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy nhanh khả năng tiếp xúc giữa dịch vụ của mình với khách hàng, tạo thuận lợi trong việc đặt chỗ, giảm thời gian giao dịch, giảm chi phí, thì đó là ứng dụng tốt cho người dân.

“Tuy nhiên, chúng tôi có trách nhiệm kiến nghị với các bộ ngành, cần có những hướng dẫn cần thiết đầy đủ để đảm bảo dịch vụ, người cung cấp dịch vụ vận tải thông qua dịch vụ Uber đến cho người dân là đúng quy định pháp luật và an toàn về mặt giao thông, đảm bảo an ninh chung cho quyền lợi của người sử dụng dịch vụ và cho toàn xã hội. Như vậy là để bảo vệ công dân, tổ chức Việt Nam khi sử dụng dịch vụ của các đơn vị này”, ông Hùng cho biết.
 
Lê Tú
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”
Dòng sự kiện: "Taxi" Uber