Taxi Uber lận đận tìm chỗ đứng trên thế giới
(Dân trí) - Ngày 9/12, tòa án Tây Ban Nha đã ra lệnh cấm taxi Uber hoạt động tại nước này, sau khi Hà Lan, Thái Lan, Ấn Độ, Đức và một số bang của Mỹ có động thái tương tự. Loại hình kinh doanh mới mẻ, giá rẻ và tiện lợi này có vẻ đang gặp không ít khó khăn.
Ra đời tại California cách đây 4 năm, taxi Uber nói riêng và dịch vụ đặt chỗ taxi trực tuyến nói chung nhanh chóng trở nên phổ biến tại nhiều quốc gia, do có giá rẻ hơn dịch vụ taxi truyền thống.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: * Lãnh đạo TP chưa nắm được thông tin Tướng công an xây biệt thự trái phép * Đột nhập kho "bom khí" ẩn mình giữa khu dân cư * Thay cả dàn lãnh đạo các ngân hàng quốc doanh * Dầu mất giá, vội vã lên kịch bản chống thất thu |
Tuy nhiên, các tài xế taxi khắp châu Âu cho rằng Uber đã phá vỡ các quy tắc của hoạt động taxi tại địa phương và vi phạm các quy định về cấp phép, bảo hiểm cũng như an toàn.
Uber đã phải đối mặt với hành động pháp lý tại Đức và một số quốc gia châu Âu. Tại Toronto, Canada hồi tháng trước, chính quyền thành phố này đã đề nghị tòa án cấm dịch vụ này, sau khi một cuộc điều tra bí mật cho thấy, thành phố đối mặt với những vấn đề an toàn “có thực và khẩn cấp” khi triển khai dịch vụ này, kênh CBC đưa tin.
Mới đây nhất, ngày 9/12, một thẩm phán tại Tây Ban Nha đã ra lệnh cấm dịch vụ đăng ký taxi qua Uber ngay lập tức, sau một loạt những phản ứng từ các hiệp hội taxi nước này.
Trong phán quyết của mình về lệnh cấm tạm thời, vị thẩm phán cho biết các lái xe Uber không chính thức được cấp phép lái những chiếc xe của mình, và có sự “cạnh tranh không công bằng”.
Lệnh cấm được tòa án Tây Ban Nha đưa ra sau khi có khiếu nại của Hiệp hội taxi thủ đô Madrid, và chỉ một ngày sau khi thủ đô Delhi của Ấn Độ có động thái tương tự.
Các lái xe “thiếu giấy phép do chính quyền cấp để hành nghề này, và hoạt động họ thực hiện tạo thành sự cạnh tranh không bình đẳng”, thông cáo của tòa án Tây Ban Nha chỉ rõ.
Trước đó, hôm 8/12, tòa trọng tài công nghiệp và thương mại Hà Lan đã cấm dịch vụ đi chia sẻ xe này nhận đặt chỗ tại Hà Lan, thông qua ứng dụng UberPop trên điện thoại thông minh. Nếu vi phạm, Uber sẽ phải nhận án phạt có thể lên tới 100.000 euro.
Cũng tương tự như tòa án Tây Ban Nhà, cơ quan chức năng Hà Lan khẳng định việc các lái xe dùng ứng dụng của Uber để nhận đặt chỗ từ khách hàng đã vi phạm quy định của luật pháp nước này, vốn yêu cầu các lái xe taxi phải có một giấy phép đặc biệt.
Kể từ thời điểm 8/12, nếu các lái xe còn tiếp tục vi phạm, họ sẽ bị phạt 10.000 euro mỗi vụ, với mức tối đa là 40.000 euro, tòa án cho biết.
Về phần mình, Uber tuyên bố sẽ kháng cáo phán quyết này. “Đây chỉ là bước đi đầu tiên trong một cuộc chiến pháp lý lâu dài”, thông báo của công ty khẳng định. “Chúng tôi tin rằng chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp dịch vụ trong khuôn khổ pháp luật.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp những dịch vụ chất lượng, cạnh tranh và an toàn cho người tiêu dùng”, người phát ngôn của Uber Thomas van Oortmerssen tuyên bố.
Dù vậy liệu taxi Uber có thực sự an toàn hay không, đó là câu hỏi chưa thể được trả lời trong ngày một ngày hai. Hôm 5/12, một lái xe của Uber tại Delhi đã hãm hiếp một nữ hành khách, sau khi đưa người này tới một nơi vắng vẻ trong lúc hành khách ngủ gật trên xe.
Kết quả điều tra của cảnh sát Ấn Độ và khám nghiệm của cơ quan y tế xác nhận cáo buộc của nạn nhân là đúng sự thật. Nạn nhân đã kịp nhớ được mã số của lái xe và chụp ảnh chiếc xe mình đã đi sau khi được trả tự do. Nghi phạm Shiv Kumar Yadav, 32 tuổi, đã bị bắt trong tối 7/12 trước khi phải hầu tòa ngày 8/12. Trong cùng ngày, Ấn Độ ban bố lệnh cấm mọi hình thức đăng ký taxi qua internet, trong đó có Uber.
Cảnh sát Ấn Độ khẳng định sẽ có hành động pháp lý đối với dịch vụ này, sau khi phát hiện công ty đã không thực hiện kiểm tra lý lịch lái xe. Trong vụ việc này, Shiv Kumar Yadav từng phải ngồi tù 2 năm vì có liên quan đến một vụ hãm hiếp trước đó.
Uber thì tuyên bố, không có quy định nào rõ ràng tại Ấn Độ yêu cầu phải kiểm tra lý lịch lái xe trước khi xin cấp phép hoạt động vận tải thương mại.
Tại Thái Lan, Uber cũng đã phải buộc ngừng cung cấp dịch vụ trong tuần này vì bị cơ quan chức năng xem là hoạt động bất hợp pháp.
“Họ phải ngừng hoạt động ngay lập tức”, Bộ trưởng giao thông đường bộ Thái Lan Thiraphong Rodprasert khẳng định với các phóng viên hôm 9/12. Những lái xe của Uber sử dụng xe cá nhân để phục vụ mục đích thương mại có thể bị phạt 2000 baht (61 USD), vị quan chức cho biết thêm.
Trong khi đó, ông Thiraphong cho biết, các dịch vụ đặt taxi trực tuyến khác như GrabTaxi và EasyTaxi được phép hoạt động, bởi họ chỉ hợp tác với những tài xế taxi đang hành nghề.
Hồi tháng 9, một tòa án tại Frankfurt, Đức cũng đã ra phán quyết cấm Uber trên toàn lãnh thổ nước này. Công ty của Mỹ tuyên bố sẽ kháng cáo và vẫn tiếp tục cung cấp dịch vụ.
Dù vậy, họ sẽ phải đối mặt với mức phạt lên tới 250.000 euro/chuyến tính từ thời điểm có phán quyết trên, nếu quá trình kháng cáo bất thành, cơ quan quản lý taxi Đức cho biết.
Tại Việt Nam, taxi Uber dù mới xuất hiện gần đây nhưng cũng đã thu hút rất nhiều sự quan tâm, cả từ phía người tiêu dùng, các hãng taxi cũng như cơ quan quản lý. Tuy vậy, vấn đề “cấm hay quản” đối với loại hình kinh doanh mới mẻ này vẫn đang là đề tài cần nhiều bàn luận.
Tổng hợp