1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Một loạt quốc gia tuyên bố cấm Uber

(Dân trí) - Dịch vụ taxi kiểu mới Uber đã bị cấm ở nhiều quốc gia, từ Ấn Độ tới Thái Lan và một loạt nước châu Âu. Sức ép từ nhiều phía đã buộc nhà chức trách các nước dè chừng với ứng dụng này.

Người dân Ấn Độ biểu tình sau khi một tài xế Uber bị tố cưỡng hiếp hành khách - Ảnh:
Người dân Ấn Độ biểu tình sau khi một tài xế Uber bị tố cưỡng hiếp hành khách - Ảnh: Reuters.


Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Tờ Wall Street Journal cho biết, hôm qua (9/12), Chính phủ Ấn Độ khuyến cáo các tiểu bang của nước này nên cấm tất cả các công ty dùng ứng dụng trên điện thoại thông minh (smartphone) cho phép người tiêu dùng gọi taxi, trong đó có Uber. Các bang của Ấn cũng được chính quyền liên bang khuyến nghị nên cảnh báo người dân không dùng Uber.

Trước đó cùng ngày, thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã cấm Uber hoạt động sau vụ một tài xế của dịch vụ này bị tố cáo có hành vi cưỡng hiếp một nữ hành khách.

Cũng trong ngày hôm qua, Thái Lan đã ban lệnh cấp tất cả các nhà cung cấp dịch vụ taxi dựa trên ứng dụng như Uber.

Ông Teerapong Rodprasert, Tổng cục trưởng Cục Giao thông đường bộ Thái Lan cho biết đã có cuộc gặp với đại diện của các công ty ứng dụng gọi taxi trên smartphone vào ngày hôm qua để thảo luận về vấn đề tuân thủ luật pháp Thái của các công ty này. Ông Rodprasert khẳng định, việc Uber dùng xe tư nhân để cung cấp dịch vụ, thay vì xe taxi được cấp phép, là bất hợp pháp.

“Thái Lan không cấm việc sử dụng các ứng dụng để gọi xe taxi. Chúng tôi chỉ không cho phép sử dụng những xe không được đăng ký đầy đủ để chở khách”, ông Teerapong phát biểu.

Ông Kuldeep Singh Gangam, cao ủy giao thống của New Delhi nói, Uber và các dịch vụ tương tự cần phải tuân thủ các quy định pháp luật và đăng ký hoạt động với chính quyền nếu muốn được hoạt động trở lại. “Họ sẽ phải tới gặp nhà chức trách và thuyết trình về mô hình của họ”, ông Ganga nói.

Đến thời điểm hiện tại, châu Á vẫn là thị trường nước ngoài chủ đạo của Uber nhưng dịch vụ này đã gặp rào cản ở một số nước châu Âu. Tại một loạt thành phố  lớn ở châu lục này, từ Franfurt tới Paris tới London, các hãng taxi đã tiến hành nhiều cuộc cuộc đình công lớn, cho rằng Uber và các công ty tương tự đang đe dọa “cần câu cơm” của họ.

Đầu tuần này, một tòa án ở Hà Lan, quốc gia nơi Uber đặt trụ sở của công ty tại châu Âu, tuyên bố cấm một trong các dịch vụ gọi xe của Uber. Hôm thứ Ba, một quan tòa Tây Ban Nha ban lệnh tạm dừng hoạt động của Uber. Ngoài ra, các tòa án ở Đức, Pháp và Bỉ cũng ra những quyết định gây bất lợi cho Uber.

Những lệnh cấm như vậy đang đặt ra trở ngại mới cho tham vọng mở rộng hoạt động trên phạm vi toàn cầu của Uber sau khi công này nhận được khoản vốn đầu tư 1,2 tỷ USD mới đây. Vụ rót vốn này định giá Uber ở mức khoảng 41,2 tỷ USD, đắt giá hơn bất kỳ công ty công nghệ mới thành lập nào ở Mỹ.

Ra đời năm 2009, hiện Uber đã có mặt tại hơn 250 thành phố trên khắp thế giới. Trong đó, dịch vụ này đang phát triển với tốc độ khá nhanh ở Đông Nam Á.

Nhiều bang ở Mỹ cũng đang gây sức ép đối với Uber. Uber đã phải dừng hoạt động ở bang Nevada sau khi một quan tòa ra phán quyết chống lại công ty này do có những cáo buộc cho rằng Uber cạnh tranh không bình đẳng với loại hình taxi truyền thống vì không tuân thủ các quy định về tài xế, bảo hiểm.

Hôm thứ Hai, thành phố Portland, bang Oregon, ra một lệnh cấm đối với Uber và khởi động một vụ kiến chống lại công ty này, cho rằng dịch vụ taxi của Uber hoạt động mà không nhận được sự cho phép của nhà chức trách.

Còn hôm qua đã có thêm hai thành phố của Mỹ là San Francisco là Los Angeles kiện Uber. Quan điểm mà hai thành phố này đưa ra là Uber không có các biện pháp đầy đủ để bảo vệ hành khách sử dụng dịch vụ.

Phương Anh
Theo WSJ
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”
Dòng sự kiện: "Taxi" Uber

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm