1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Chỉ cần đăng ký kinh doanh, Uber sẽ hoạt động hợp pháp tại Việt Nam”

(Dân trí) - “Hiện nay, Uber đang thực hiện kinh doanh theo quy định pháp luật của Hà Lan và sử dụng tòa án Amsterdam để xử lý các tranh chấp giữa Uber và người mua bán dịch vụ. Nhưng hoạt động ở Việt Nam thì Uber cần đăng ký kinh doanh theo pháp luật Việt Nam”.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - nhấn mạnh như vậy khi trao đổi về dịch vụ vận tải Uber đang gây nhiều tranh cãi những ngày qua.

 

Theo ông Khuất Việt Hùng, trước đó, Hiệp hội Vận tải taxi TPHCM có văn bản gửi lên Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho rằng Uber là hình thức kinh doanh vận tải bằng taxi, nhưng theo nghiên cứu cho thấy không phải vậy. Bộ GTVT đã có văn bản gửi các Bộ ngành chức năng có thẩm quyền như Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông… có những nghiên cứu để đánh giá về tính hợp pháp của dịch vụ kinh doanh thông qua Uber, đảm bảo các dịch vụ được kinh doanh thuận lợi trong hành lang pháp lý và bảo vệ quyền lợi của công dân Việt Nam, tổ chức Việt Nam khi sử dụng những dịch vụ này.
 

Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh: Phải bỏ ngay tư tưởng
không quản được thì cấm.

Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh: Phải bỏ ngay tư tưởng không quản được thì cấm. (Ảnh: Báo GTVT)

Ông nhìn nhận như thế nào về dịch vụ taxi Uber tại Việt Nam?

 

Sau khi có dịch vụ Uber, chúng tôi đã nghiên cứu và thấy, trước tiên đây là dịch vụ hỗ trợ vận tải, và dịch vụ này đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ Việt Nam. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải tại Việt Nam cần đăng ký kinh doanh theo pháp luật Việt Nam, sau đó có thể kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải.

 

Hiện nay, trên trang web của Uber bằng tiếng Việt vẫn ghi là Uber thực hiện theo quy định pháp luật của Hà Lan và sử dụng tòa án Amsterdam để xử lý các tranh chấp giữa Uber và những người mua bán dịch vụ thông qua Uber.

 

Chúng tôi cho rằng các đại diện của Uber phải thực hiện đăng ký kinh doanh tại Việt Nam để đảm bảo các điều kiện và hoạt động của Uber đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam, được các cơ quan bảo vệ pháp luật của Việt Nam bảo vệ cho hoạt động kinh doanh của Uber cũng như quyền lợi của người sử dụng dịch vụ thông qua Uber.

 

Chúng tôi tin tưởng rằng nếu Uber đăng ký kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam đối với các cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam thì hoàn toàn đủ điều kiện về mặt pháp lý để cung ứng dịch vụ hỗ trợ vận tải trên lãnh thổ Việt Nam.

 

Rõ ràng dịch vụ Uber thuận tiện hơn, rẻ hơn và dễ kết nối hơn so với các hãng taxi truyền thống, thậm chí có xu thế phát triển với thế giới, ông nghĩ sao về điều này?

 

Việc cung ứng dịch vụ hỗ trợ vận tải thông qua sàn giao dịch điện tử với hình thức như Uber và các sàn điện tử khác là ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp sử dụng với mức chi phí phù hợp hơn và thời gian đi lại thuận tiện hơn, thông tin đầy đủ hơn. Tuy nhiên, các tổ chức, cá nhân muốn cung ứng dịch vụ hỗ trợ vận tải thông qua dịch vụ của Uber cũng cần nghiên cứu và kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật.

 

Phải xác định rằng, hiện nay Uber không chịu trách nhiệm về chất lượng cũng như sự an toàn của dịch vụ vận tải, mà chính người cung cấp dịch vụ vận tải thông qua Uber phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, những người cung cấp dịch vụ vận tải thông qua Uber phải có đủ điều kiện kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật.

 

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng nên hợp thức hóa cho dịch vụ Uber phát triển tại Việt Nam. Vậy sẽ cần động thái gì để tạo cơ chế cho Uber trong hành lang pháp lý hiện nay, thưa ông?

 

Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu và trình Chính phủ những đề xuất để tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất để dịch vụ đi chung xe có thể được chính thức quy định và cung cấp tại Việt Nam. Các Bộ ngành có trách nhiệm xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn và tạo điều kiện để dịch vụ này có thể phát triển thuận lợi.

 

Uber cần đăng ký kinh doanh ở Việt Nam, vì dù là sản phẩm của quốc gia nào nhưng kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam, có doanh thu phát sinh từ lãnh thổ Việt Nam và công dân Việt Nam thì đơn vị đó phải thực hiện đăng ký kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật.

 

Là cơ quan tham mưu của Chính phủ về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia sẽ xúc tiến hoạt động gì để góp phần thúc đẩy dịch vụ vận tải phát triển tích cực hơn?

 

Trước tiên chúng tôi khẳng định việc các đơn vị kinh doanh vận tải ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy nhanh khả năng tiếp xúc giữa dịch vụ của mình với khách hàng, đảm bảo thuận tiện trong việc đặt chỗ và giảm thời gian giao dịch, giảm chi phí… là tốt cho người dân.

 

Chúng tôi kiến nghị với các Bộ, ngành cần có những hướng dẫn cần thiết, đầy đủ để đảm bảo dịch vụ Uber được cung cấp đến người dân là dịch vụ đúng quy định của pháp luật và an toàn về mặt giao thông cũng như an ninh chung cho quyền lợi của người sử dụng dịch vụ và toàn xã hội.
 

Trong khi đang xây dựng cơ sở pháp lý thì các tổ chức, cá nhân có thể sử dụng dịch vụ Uber để hoạt động không, thưa ông?

 

Bất kỳ doanh nghiệp kinh doanh vận tải nào cũng có quyền bán dịch vụ của mình thông qua Uber. Tất nhiên các đơn vị này và Uber phải có hợp đồng phù hợp với lợi ích của 2 bên, phù hợp với pháp luật Việt Nam. Đặc biệt, những người cung ứng dịch vụ cần phải đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho lái xe, đảm bảo an toàn an ninh cho người sử dụng dịch vụ.

 

Với những đơn vị cá nhân muốn bán dịch vụ vận tải của mình thông qua Uber, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, có giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thì đủ điều kiện để bán dịch vụ cho Uber.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Châu Như Quỳnh

Dòng sự kiện: "Taxi" Uber