DNews

Vén màn sự thật sau hành trình theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại

Minh Nhân

(Dân trí) - Trong cuốn sách "Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại", các tác giả vén màn nhiều sự thật xoay quanh cuộc sống của nhà vua và hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn.

Vén màn sự thật sau hành trình theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại

Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại

Tối 25/5, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phối hợp tổ chức sự kiện ra mắt cuốn sách Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại của hai tác giả Vĩnh Đào và Nguyễn Thị Thanh Thúy tại Hà Nội.

Tác phẩm là kết quả của cuộc hành trình "theo dấu" nhà vua và hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn tại cả hai nước Việt Nam và Pháp. Đây được coi là cuốn tư liệu lịch sử nhân vật đắt giá, viết về con người, cuộc đời Vua Bảo Đại (1913 - 1997) và Hoàng hậu Nam Phương (1913 - 1963).

Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại dày 464 trang, gồm 4 phần chính: Thiếu nữ Nam kỳ và Hoàng Thái tử Triều Nguyễn, Hoàng hậu và Hoàng đế Đại Nam, Những ngày bất an, Từ lâu đài Thorenc đến gia trang Chabrignac.

Ngoài ra, tác phẩm còn xuất bản thêm một phần phụ kể về câu chuyện Những năm buồn tẻ của cựu hoàng.

Cả 4 phần trong tác phẩm được thể hiện tương ứng 4 giai đoạn chính của cuộc đời Hoàng hậu Nam Phương theo trình tự thời gian. 

Vén màn sự thật sau hành trình theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại - 1

Bìa sách "Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại" (Ảnh: Minh Nhân - Minh Trang).

Hoàng hậu Nam Phương tên thật Nguyễn Hữu Thị Lan. Năm 18 tuổi, bà và Vua Bảo Đại gặp nhau lần đầu tại Đà Lạt. Ông chọn bà là người sát cánh trên cương vị "Đại Nam thiên tử" vì bà vốn dung mạo hơn người, tính hạnh thuần hậu, thuộc gia đình trâm anh, có học thức.

Bằng học thức và tài năng, bà Nam Phương hỗ trợ hoàng đế trong công việc và đời sống. Dù tại vị chỉ hơn 10 năm, sự nghiệp của bà bao trùm trên nhiều mặt, trở thành nguồn cảm hứng cho phong trào phụ nữ dấn thân vào xã hội, học tập, làm việc và phát triển bản thân.

Tại sự kiện, tác giả Thanh Thúy cho biết tiêu đề ban đầu của cuốn sách là Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương

"Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy sự xuất hiện của Cựu hoàng ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và con người của hoàng hậu nên quyết định bổ sung thêm câu chuyện về Vua Bảo Đại chỉ cách đây một tháng", bà Thúy nói.

Cuốn sách được thực hiện dưới góc nhìn của Hậu duệ triều Nguyễn là tác giả Vĩnh Đào - tên thật Nguyễn Phước Vĩnh Đào, vừa là con cháu hoàng tộc triều Nguyễn, vừa là một nhà nghiên cứu. Các thông tin về Vua Bảo Đại và triều Nguyễn được ông tổng hợp và phân tích một cách sâu sắc.

"Các thông tin thu thập về hai nhân vật lịch sử được chúng tôi dày công sưu tầm, khảo cứu suốt 3 năm. Đây là công trình nghiên cứu nghiêm túc về Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại dựa trên những tư liệu đáng tin cậy, những nguồn tin được kiểm chứng", tác giả Vĩnh Đào nhận định.

Vén màn sự thật sau hành trình theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại - 2

Toàn cảnh sự kiện ra mắt sách, tối 25/5 (Ảnh: Minh Nhân - Minh Trang).

Đi tìm sự thật về nơi sinh của Hoàng hậu Nam Phương

Theo ông Vĩnh Đào, những ấn phẩm, tài liệu về Hoàng hậu Nam Phương "chỉ là đồn đoán" và không dựa vào căn cứ, tài liệu xác thực. 

Trên hành trình "theo dấu" Hoàng hậu Nam Phương, hai tác giả phát hiện năm sinh và nơi sinh của bà trên các tài liệu, sách báo lúc bấy giờ là thông tin "hoàn toàn sai sự thật". 

Theo đó, ngày sinh của Hoàng hậu Nam Phương không phải ngày 4/12/1914 như triều đình Huế đã công bố, mà chính xác là ngày 14/11/1913 được khắc trên bia mộ của bà. 

Hai tác giả đưa ra kết luận này sau khi đối chiếu bản khai sinh lưu trữ tại Trung tâm Quốc gia Văn khố Hải ngoại Pháp và bản trích lục sổ Rửa tội tại Thánh đường Sài Gòn năm 1913. 

"Lúc bắt đầu, chúng tôi nhận thấy các thông tin về Hoàng hậu Nam Phương rất ít và bị sai sự thật. Điều này gây không ít khó khăn cho quá trình nghiên cứu. Chúng tôi quyết định bắt đầu "theo dấu" hoàng hậu đi tìm những thông tin chính xác về bà", ông Vĩnh Đào nói.

Vén màn sự thật sau hành trình theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại - 3

Tiến sĩ Nguyễn Phước Vĩnh Đào (bên phải) (Ảnh: Minh Nhân - Minh Trang).

Ngoài ra, nơi sinh của Hoàng hậu Nam Phương trước đây được cho là ở Gò Công (tỉnh Tiền Giang) cũng được xác thực "là một sự nhầm lẫn về địa danh".

Để xác thực những thông tin quê quán của hoàng hậu với tiểu sử mù mờ, hai tác giả đã thực hiện nhiều chuyến đi thực tế đến Gò Công nhưng không được kết quả gì.

Sau một quá trình tìm hiểu về gia đình ông Nguyễn Hữu Hào - Thân phụ của Hoàng hậu Nam Phương, các tác giả xác định rằng bà được sinh ra tại nơi có tên Gò Công thuộc thành phố Thủ Đức (TPHCM) ngày nay.

"Mỗi lần Hoàng hậu sinh con, Vua Bảo Đại lại có một người tình"

Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại không chỉ giới thiệu nhiều tư liệu lần đầu tiên được công bố về cuộc đời Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương, mà còn đưa ra góc nhìn và lập luận có giá trị của hai tác giả.

Bà Thanh Thúy cứ ngỡ rằng khi Hoàng hậu Nam Phương gặp Vua Bảo Đại chính là khoảng thời gian hạnh phúc của hoàng hậu. Bằng chứng cho thấy kết quả tình yêu của thiếu nữ Nam Kỳ và hoàng thái tử triều Nguyễn đã có tới 5 người con.

Vén màn sự thật sau hành trình theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại - 4

Bà Thanh Thúy phát biểu tại sự kiện ra mắt sách, tối 25/5 (Ảnh: Minh Nhân - Minh Trang).

Tuy nhiên, qua tìm hiểu, tác giả cho hay mỗi lần Hoàng hậu Nam Phương sinh con thì các trang tư liệu lại chứng minh được Vua Bảo Đại lại có một người tình.

"Trong khi Hoàng hậu sống ở Pháp cùng 5 người con, đứa nhỏ nhất mới chỉ 4 tuổi thì Vua Bảo Đại lại sống những ngày tháng hạnh phúc bên tình nhân", bà Thúy nói, nhận định hoàng hậu là mẫu hình về người phụ nữ Việt Nam hiện đại.

Có thể đối với hoàng hậu, Vua Bảo Đại là người không trọn vẹn tình nghĩa vợ chồng nhưng không vì thế mà bà bỏ rơi trách nhiệm với các con.

"Với hoàng hậu, việc nuôi dạy con cái nên người là điều bà rất quan tâm", tác giả Thanh Thúy nói.

Ngoài ra, các tác giả còn khẳng định những thông tin về những người tình của Vua Bảo Đại đã bị thêu dệt, sai sự thật. Nổi tiếng nhất là bức thư đánh ghen của Hoàng hậu Nam Phương gửi đến người tình của Vua Bảo Đại ở Hồng Kông, nhưng chưa có minh chứng cụ thể và thông tin chính xác.

Tâm tư gửi đến Cựu hoàng Bảo Đại qua từng lá thư tay

Nhà nghiên cứu Vĩnh Đào và tác giả Thanh Thúy đều nhận định hành trình "theo dấu" Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại "gian nan nhưng đầy thú vị".

Nhờ sự kiên trì suốt 3 năm, hai tác giả đã hoàn thiện một nguồn tư liệu hữu ích trong việc lý giải những thông tin bất nhất về cuộc đời vị vua và hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn.

Họ cũng đã tìm thấy tư liệu về 70 bức thư Hoàng hậu Nam Phương gửi Vua Bảo Đại từ tháng 6/1948 đến tháng 3/1954 khi bà sinh sống ở Cannes (Pháp). 

"Hoàng hậu viết rất nhiều, các lá thư trước đó gửi đến đường bưu điện chưa đến nơi thì bà đã viết thêm nhiều bức thư nữa", ông Vĩnh Đào cho hay. 

Trong cuốn sách, tác giả nhận thấy tình cảm của hoàng hậu gửi đến Cựu hoàng qua những từ ngữ âu yếm mở đầu lá thư như "Anh yêu" (Chéri), "Anh yêu của em" (Mon Chéri)...

Vén màn sự thật sau hành trình theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại - 5

Hai tác giả ký tặng độc giả tại sự kiện (Ảnh: Minh Nhân - Minh Trang).

Theo nhà nghiên cứu Vĩnh Đào, các lá thư đều nói lên tình trạng sức khỏe của Hoàng hậu Nam Phương. Tuy nhiên bà không than vãn, qua một vài chi tiết có thể đoán được một mình bà phải tự lo liệu mọi việc mà không có sự giúp đỡ từ người chồng của mình.

"Đứng trước những thông tin ngoại tình công khai của Vua Bảo Đại với các thứ phi khác và nhìn lại tình cảm của mình dành cho chồng, chắc hẳn bà rất đau buồn nhưng không bao giờ làm điều gì gây mất thể diện cho Đức Cựu hoàng", bà Thanh Thúy nói, bày tỏ hoàng hậu là người phụ nữ thủy chung và tinh tế.

Tiến sĩ Nguyễn Phước Vĩnh Đào là con cháu hoàng tộc triều Nguyễn. Ông là tiến sĩ văn học Pháp tại Viện Đại học Paris IV- Sorbonne, chuyên viên ngân sách, tài chính trong một cơ quan chính phủ Pháp trong nhiều thập niên.

Hiện ông sống tại miền Tây nước Pháp, chuyên nghiên cứu ngữ pháp, văn học và viết sách. Ông có nhiều tác phẩm biên khảo, tùy bút, hồi ký... về văn học và lịch sử bằng tiếng Pháp và tiếng Việt.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy sinh ra và lớn lên tại Dran (tỉnh Lâm Đồng). Bà tốt nghiệp cử nhân Xã hội học, là Hội trưởng Hội Quán Các Bà Mẹ.

Bà đã thực hiện nhiều chương trình trao đổi văn hóa, tham luận, thuyết trình, giới thiệu sách... quanh chủ đề: "Hoàng hậu Nam Phương - Lụa là muôn thuở" từ năm 2018 đến nay.

Minh Nhân - Minh Trang