Đi tìm lời giải voọc xám bạc nhưng sinh con lông vàng ở Thảo Cầm Viên

Minh Nhân

(Dân trí) - Câu chuyện mẹ voọc xám bạc nhưng sinh con lông vàng đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Thông tin về loài vật này có trong sách "Thảo Cầm Viên Sài Gòn - Kho báu trong lòng thành phố".

Voọc xám bạc nhưng sinh con lông vàng

Những ngày qua, mạng xã hội xôn xao cặp voọc màu xám bạc tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn (quận 1, TPHCM) sinh ra voọc con có bộ lông vàng chóe khác hẳn bố mẹ.

Trên thực tế, voọc bạc trưởng thành là chúng có màu lông xám bạc và màu da đen tuyền. Chúng thường sống theo bầy đàn, có con đực dẫn đầu. Con đực thống trị sẽ giao phối với những con cái trong đàn.

Đi tìm lời giải voọc xám bạc nhưng sinh con lông vàng ở Thảo Cầm Viên - 1

Voọc mẹ màu xám bạc ôm con sơ sinh có bộ lông vàng chóe gây sốt mạng xã hội (Ảnh: Thảo Cầm Viên Sài Gòn).

Voọc con sơ sinh lại mang sắc lông vàng và làn da hơi sáng màu hơn bố mẹ. Màu sắc của voọc con sẽ biến đổi theo độ tuổi. Cá thể voọc từ 6 tháng tuổi sẽ dễ dàng nhận thấy sự thay đổi màu sắc.

Lông của chúng chuyển dần từ vàng sang xám bạc, bắt đầu từ lông 2 tay, 2 chân và phần đỉnh đầu, sau đó lan dần hướng về phần thân. 

Khi trưởng thành (khoảng 1 năm tuổi), cơ thể voọc con phủ toàn lông màu xám bạc.

Đi tìm lời giải voọc xám bạc nhưng sinh con lông vàng ở Thảo Cầm Viên - 2

Trang về loài voọc trong sách "Thảo Cầm Viên Sài Gòn - Kho báu trong lòng thành phố" (Ảnh: NXB Trẻ).

Câu chuyện về cá thể voọc sơ sinh là một phần nội dung trong cuốn sách Thảo Cầm Viên Sài Gòn - Kho báu trong lòng thành phố, do Nhà xuất bản Trẻ phối hợp Thảo Cầm Viên Sài Gòn phát hành hồi tháng 3, nhân kỷ niệm 160 năm thành lập Thảo Cầm Viên Sài Gòn. 

Thảo Cầm Viên có 4 loài voọc, gồm voọc chà vá chân nâu (tên khoa học: Pygathrix nemaeus), voọc chà vá chân đen (tên khoa học: Pygathrix nigripes), voọc chà vá chân xám (tên khoa học: Pygathrix cinerea) và voọc bạc (tên khoa học: Trachypithecus germini), phân biệt chủ yếu theo màu sắc bộ lông của chúng.

Cả 4 loài này đều thuộc nhóm IB - Đe dọa tuyệt chủng, nghiêm cấm khai thác và sử dụng vào mục đích thương mại.

Voọc phân bố tại Việt Nam và Campuchia, sinh sống chủ yếu ở các núi đá vôi hoặc trên ngọn cây của rừng kín, thường xanh, rừng cây họ dầu.

Thức ăn chủ yếu của voọc là lá non và mầm cây. Ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn, chúng được cho ăn lá bồ ngót, lá dâu, trái sung, thỉnh thoảng đa dạng thêm lá bằng lăng, khế, bàng… thay đổi theo mùa.

Đi tìm lời giải voọc xám bạc nhưng sinh con lông vàng ở Thảo Cầm Viên - 3

Voọc con (lông màu vàng) sống bên mẹ cho đến lúc trưởng thành (Ảnh: Thảo Cầm Viên Sài Gòn).

Đuôi voọc rất dài, con mới sinh có lông vàng, từ 8 - 24 tháng tuổi màu lông mới chuyển dần sang màu sắc của con trưởng thành.

Voọc con sống bên mẹ cho đến lúc trưởng thành (khoảng 18 - 36 tháng), hay bám trước ngực mẹ, thỉnh thoảng cũng có thể di chuyển một mình. Voọc con được mẹ ôm và chăm sóc cho đến khi có thể sống hoàn toàn độc lập.

Chuồng nuôi voọc bạc có thiết kế là các chấn song sắt có khe hở. Ban đầu, những con voọc bạc đầu tiên vì kích thước lớn nên chưa thể chui ra khỏi chấn song.

Thế hệ các con non sinh ra sau đó có kích cỡ nhỏ hơn nên có thể chui được ra bên ngoài, đi chơi khắp Thảo Cầm Viên bằng cách chuyền theo cành nhánh của các cây cổ thụ.

Tuy ra ngoài chơi nhưng voọc vẫn quay lại chuồng cũ để thăm bạn bè, gia đình và đàn voọc của mình. Nhân viên ở Thảo Cầm Viên treo thức ăn ở cạnh song sắt, sao cho cả voọc bên trong lẫn bên ngoài đều có thể chia sẻ lá non cho nhau.

Vào giờ ăn, con cái và con non được ưu tiên dùng bữa trước, các con đực sẽ canh gác để cảnh giác các dấu hiệu nguy hiểm. Con đực đầu đàn sẽ ăn sau cùng, khi tất cả thành viên trong đàn đã no nê.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Mai Khắc Trung Trực, Giám đốc Xí nghiệp động vật thuộc Công ty TNHH Thảo Cầm Viên Sài Gòn, cho biết du khách có thể thoải mái chụp ảnh gần voọc.

Tuy nhiên du khách cũng được khuyến cáo không sờ, nắm đuôi hoặc đưa thức ăn vì những hành động đó có thể gây nguy hiểm cho voọc và làm chúng trở nên xa lánh con người.

Hành trình 160 năm của Thảo Cầm Viên Sài Gòn

Thảo Cầm Viên Sài Gòn - Kho báu trong lòng thành phố như một cuốn "bách khoa thư Thảo Cầm Viên" đưa bạn đọc vào hành trình khám phá một vườn sinh vật có tuổi 160 năm giữa lòng TPHCM. 

Cuốn sách gồm các phần: Lịch sử Thảo Cầm Viên Sài Gòn, Thảo Cầm Viên qua những con số, Chim, Thú, Thú ăn thịt, Thú móng guốc, Bò sát, Thực vật. Ngoài ra còn có phần về bảo tàng Động thực vật, công tác Cứu hộ và tái thả.

Trên từng trang sách là những hình ảnh tuyệt đẹp và các câu chuyện thú vị về động thực vật ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn, đặc biệt những loài đặc hữu cần được bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm.

Đi tìm lời giải voọc xám bạc nhưng sinh con lông vàng ở Thảo Cầm Viên - 4

Bìa sách "Thảo Cầm Viên Sài Gòn - Kho báu trong lòng thành phố" (Ảnh: NXB Trẻ).

Sách dày 160 trang, giới thiệu các động thực vật - sinh vật được chia theo từng loài, như chim, thú, thú ăn thịt, thú móng guốc, bò sát.

Nhóm động vật gồm những thông tin như tên khoa học, nơi sinh sống, khu vực phân bố, thức ăn, hình thức sinh sản. Những câu chuyện xung quanh các loài vật cũng được thêm thắt, cung cấp kiến thức cho độc giả.

Đối với nhóm thực vật, các loài cây quý hiếm như gõ đỏ, lim xanh, sọ khỉ, chiêu liêu bướm, da cao su... đều có những thông tin cụ thể về tên khoa học, giá trị và vị trí sinh sống. 

Bên cạnh đó, thông tin về lịch sử hình thành và phát triển Thảo Cầm Viên từ năm 1864 đến nay được trình bày theo sơ đồ, qua các mốc thời gian và sự kiện.

Đi tìm lời giải voọc xám bạc nhưng sinh con lông vàng ở Thảo Cầm Viên - 5

Lược sử Thảo Cầm Viên Sài Gòn (Ảnh: NXB Trẻ).

Đến nay, Thảo Cầm Viên Sài Gòn có 1.951 cá thể động vật, 138 loài động vật, 350 loài cây thân gỗ, 20 loài cây quý hiếm có tên trong sách đỏ, 100 loài động vật nằm trong danh sách các loài quý hiếm của Việt Nam và thế giới.

Ngoài ra, địa điểm này còn có bảo tàng động thực vật trưng bày hơn 500 tiêu bản động vật, mẫu xương, mẫu thực vật, thú đột biến... đã từng được nuôi dưỡng tại đây, nhiều loài quý hiếm hoặc đã tuyệt chủng.

Bên cạnh việc nuôi dưỡng, chăm sóc và bảo tồn, nhân giống các loài động thực vật quý hiếm, Thảo Cầm Viên còn cứu hộ và tái thả động vật.