1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Bảo vệ và phát huy nghi lễ và trò chơi kéo co trong đời sống đương đại

Lạc Thành

(Dân trí) - Các nghệ nhân cho rằng, nghi lễ và trò chơi kéo co như một sợi dây tượng trưng cho sự kết nối của cộng đồng hết sức phong phú, đa dạng

Ngày 17/11, chương trình khai mạc triển lãm Chung một sợi dây và tọa đàm quốc tế Bảo vệ và phát huy nghi lễ và trò chơi kéo co trong đời sống đương đại trong khuôn khổ Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại năm 2023 đã diễn ra tại Đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội.

Bảo vệ và phát huy nghi lễ và trò chơi kéo co trong đời sống đương đại - 1

Đại biểu tham quan và lắng nghe thuyết trình về trò chơi dân gian kéo co tại Việt Nam và Hàn Quốc (Ảnh: Ban Tổ chức).

Tại sự kiện, TS Lê Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam - bày tỏ niềm vui và sự hãnh diện khi có mặt tại đền Trấn Vũ, một di sản thiêng của Thủ đô Hà Nội và chứng kiến cuộc giao lưu vô cùng ý nghĩa giữa các cộng đồng kéo co của 4 tỉnh thành phố tại Việt Nam.

Đó là cộng đồng kéo co Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và Lào Cai với cộng đồng Gijisi Dangjin, đại diện cho 6 cộng đồng kéo co tại Hàn Quốc.

TS Lê Thị Minh Lý cho biết, cách đây hơn 10 năm các nhà khoa học, các nhà quản lý văn hóa của 4 quốc gia là Cambodia, Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam đã cùng với cộng đồng nghiên cứu nhận diện những giá trị di sản của Kéo co khu vực Châu Á Thái Bình Dương và thống nhất xây dựng hồ sơ đề cử UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Điều đó đã trở thành hiện thực vào năm 2015.

Bà Minh Lý cũng chia sẻ thêm, có hai cộng đồng mới được phát hiện trong quá trình nghiên cứu khảo sát là cộng đồng Hòa Loan (Vĩnh Phúc) và cộng đồng ở Ngải Khê - Phú Xuyên (Hà Nội). Sự kiện này sẽ mở ra cơ hội mới để kết nối - các cộng đồng kéo co, để mở rộng hồ sơ ghi danh vào danh mục di sản văn hóa đại diện nhân loại.

Bà Đinh Thị Thu Hương - Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên - cho biết, quận Long Biên nằm ở phía Bắc Thủ đô Hà Nội, có trên 90 di sản văn hóa, 36 di sản văn hóa phi vật thể, 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (đó là nghi thức và trò chơi kéo co tại đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn).

Các di sản văn hóa được phân bổ dọc 2 dòng sông Hồng và sông Đuống, sau 20 năm xây dựng và phát triển cùng với việc đầu tư tôn tạo hệ thống di tích, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được quận đặc biệt quan tâm.

Hằng năm, các lễ hội và các nghi thức được duy trì tổ chức, gắn với việc truyền dạy cho thế hệ trẻ; tổ chức giao lưu trình diễn trên địa bàn thành phố và tại các tỉnh, góp phần quảng bá các giá trị văn hóa, gắn với phát triển du lịch.

Bảo vệ và phát huy nghi lễ và trò chơi kéo co trong đời sống đương đại - 2
Khai mạc triển lãm "Chung một sợi dây" trong khuôn khổ Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại năm 2023 (Ảnh: Ban Tổ chức).

Trong khuôn khổ Liên hoan, triển lãm Chung một sợi dây đã diễn ra nhằm trưng bày các pano bài viết và hình ảnh, giới thiệu giá trị, ý nghĩa và hình thức nghi lễ và trò chơi kéo co tại 4 nước Campuchia, Philippines, Hàn Quốc và Việt Nam.

Diễn ra từ ngày 17 đến 18/11, Liên hoan có sự tham gia của gần 500 nghệ nhân và người thực hành nghi lễ và trò chơi kéo co đến từ các tỉnh Bắc Ninh, Lào Cai, Vĩnh Phúc, thành phố Hà Nội và thành phố Dangjin (tỉnh Chungcheongnam, Hàn Quốc).

Liên hoan nghi lễ và trò chơi kéo co 2023 bao gồm một chuỗi sự kiện diễn ra song song và đồng thời với Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm