(Dân trí) - Nhà chức trách Tây Ban Nha thu hút sự quan tâm của truyền thông quốc tế khi vừa chính thức thông qua đạo luật "only yes means yes" (tạm hiểu: chỉ khi nói đồng ý mới có nghĩa là đồng ý).
Tây Ban Nha: Luật mới về hành vi cưỡng dâm sẽ tạo nên thay đổi gì?
(Dân trí) - Nhà chức trách Tây Ban Nha thu hút sự quan tâm của truyền thông quốc tế khi vừa chính thức thông qua đạo luật "only yes means yes" (tạm hiểu: chỉ khi nói đồng ý mới có nghĩa là đồng ý).
Việc chính thức thông qua đạo luật "only yes means yes" được đánh giá là có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ phụ nữ khỏi vấn nạn tấn công tình dục, bởi giờ đây, chỉ khi phụ nữ lên tiếng một cách rõ ràng, rằng họ đồng ý với việc quan hệ tình dục, thì đó mới là minh chứng cho thấy việc quan hệ tình dục là đồng thuận.
Điều luật này vừa chính thức được nhà chức trách Tây Ban Nha thông qua hôm thứ 5 tuần qua, đây được xem là một động thái giúp bênh vực cho phụ nữ trong các sự vụ mà nữ giới lên tiếng tố cáo rằng mình bị cưỡng dâm.
Trong các sự vụ xét xử trước đây tại Tây Ban Nha, nhiều khi, người bị tố cáo lấy lý do rằng nạn nhân đã... im lặng, hoặc không có sự phản kháng dữ dội trong lúc quan hệ tình dục, nên cho rằng đó chính là... tín hiệu của sự đồng ý. Chi tiết này thậm chí được đưa ra xem xét để giảm nhẹ tội trạng và hình phạt cho người bị tố cáo.
Giờ đây, với luật "only yes means yes", quan hệ tình dục đồng thuận là khi các bên cùng lên tiếng rõ ràng thể hiện sự đồng thuận. Điều luật mới quy định cụ thể như sau: "Sự đồng thuận là khi một người được tự do biểu đạt sự đồng ý của mình thông qua các hành động, mà đặt trong bối cảnh cụ thể giúp đưa ra thông điệp rất rõ ràng về thái độ đồng ý của cá nhân ấy".
Về luật "only yes means yes" tại Tây Ban Nha
Tháng 5 năm nay, nhà chức trách Tây Ban Nha đã bước đầu thông qua dự luật liên quan tới định nghĩa về sự đồng thuận trong quan hệ tình dục. Truyền thông và công chúng phương Tây thường gọi điều luật này với tên chung là "only yes means yes" (tạm hiểu: chỉ khi nói đồng ý mới có nghĩa là đồng ý).
Giờ đây, khi điều luật này đã chính thức có hiệu lực tại Tây Ban Nha, điều luật sẽ được đưa ra áp dụng trong các vụ kiện liên quan tới tội cưỡng dâm.
Trước việc điều luật "only yes means yes" được thông qua, Bộ trưởng Bình đẳng giới của Tây Ban Nha - bà Irene Montero - đã bày tỏ sự ủng hộ: "Sau cùng, Tây Ban Nha đã chính thức thông qua điều luật quy định về việc đồng thuận trong quan hệ tình dục, sự đồng thuận chính là điều cần phải luôn đặt vào tâm điểm của mọi mối quan hệ.
Giờ đây, không người phụ nữ nào còn cần phải chứng minh rằng họ đã phải hứng chịu hành vi bạo lực trong quá trình theo đuổi một vụ kiện, chỉ để sau cùng được nhìn nhận rằng họ là nạn nhân của việc tấn công tình dục".
Luật mới cũng sẽ siết chặt các quy định về tội quấy rối tình dục trên đường phố, mở rộng các hoạt động giáo dục tâm lý và giới tính tại trường học, đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ và tăng mức bồi thường dành cho nạn nhân trong các vụ việc tấn công tình dục.
Trước động thái mới của nhà chức trách Tây Ban Nha, các tổ chức bảo vệ quyền lợi của phụ nữ tại quốc gia này đã lên tiếng ủng hộ. Các bên tin rằng điều luật này sẽ tạo nên những thay đổi về nhận thức và hành vi trong đời sống văn hóa xã hội tại Tây Ban Nha và còn hơn thế nữa.
Trong thế giới phương Tây, điều luật "only yes means yes" được đánh giá là điều luật tiến bộ và bảo vệ cho phụ nữ trong vấn nạn xâm hại tình dục. Cụ thể, tại Tây Ban Nha, trước đây, những người muốn tố cáo về việc mình bị cưỡng dâm, sẽ buộc phải đưa ra được những bằng chứng chứng minh rằng có yếu tố bạo lực xảy ra trong quá trình họ bị tấn công.
Điều này khiến nhiều nạn nhân rơi vào thế khó bởi nếu dấu hiệu của bạo lực và sự kháng cự không để lại những vết tích hay những bằng chứng rõ ràng, kẻ gây án hoàn toàn có thể thoát tội hoặc chỉ phải chịu một tội nhẹ hơn.
Việc xử lý tội phạm tình dục dựa trên những bằng chứng cho thấy sự xuất hiện của yếu tố bạo lực, của sự kháng cự... đã từng làm dấy lên tranh cãi trong dư luận Tây Ban Nha trước đây.
Điều luật "only yes means yes" sẽ giúp bảo vệ phụ nữ khi họ lên tiếng tố cáo tội phạm tình dục. Theo đó, điều luật "only yes means yes" yêu cầu sự đồng thuận trong quan hệ tình dục phải được biểu đạt một cách rõ ràng, chắc chắn, không phải bằng những sự đồng thuận mơ hồ do một bên quy chụp và tự cho rằng "như thế đã là đồng ý".
Với điều luật "only yes means yes", chỉ có sự lên tiếng, biểu đạt một cách rõ ràng, khẳng định về sự thuận tình mới được xem là đồng thuận. Mọi sự im lặng hay không phản ứng của nạn nhân đều là yếu tố vô giá trị khi người bị tố cáo lấy đó ra làm... bằng chứng bào chữa.
Giờ đây, khi điều luật "only yes means yes" đã được chính thức thông qua tại Tây Ban Nha, khi đứng trước pháp luật, dù nạn nhân không có dấu hiệu bị ép buộc bằng bạo lực, dù nạn nhân đã im lặng và không phản kháng dữ dội trong lúc bị xâm hại, bị cưỡng dâm, thì những yếu tố này cũng không thể coi là bằng chứng chứng minh cho sự "vô tội" của người bị tố cáo.
Cơn giận dữ của người Tây Ban Nha trong vụ cưỡng dâm tập thể gây chấn động
Nguyên nhân khiến dự luật "only yes means yes" được nhà chức trách Tây Ban Nha đưa ra xem xét kể từ năm 2018 bắt nguồn từ một vụ cưỡng dâm tập thể. Vụ việc xảy ra tại lễ hội chạy đua với bò tót San Fermin tổ chức ở Pamplona, Tây Ban Nha, hồi năm 2016.
Vụ việc liên quan tới 5 người đàn ông cưỡng dâm một cô gái 18 tuổi. Chính những người đàn ông này đã tự nhận rằng họ đã hành động như "một bầy sói".
Hai người đàn ông trong số này đã ghi lại quá trình tội ác diễn ra, những hình ảnh này sau đó đã trở thành... bằng chứng trước tòa. Bởi trong lúc bị cưỡng dâm, cô gái chỉ im lặng và không có hành động chống trả quyết liệt, nên tòa án cho rằng đó là "biểu hiện của sự đồng thuận".
Ban đầu, 5 người đàn ông này chỉ bị khép vào tội tấn công tình dục, một tội nhẹ hơn so với tội cưỡng dâm. Bản án đã làm dấy lên cơn giận dữ của công chúng Tây Ban Nha, rất nhiều người đã xuống đường biểu tình và kêu gọi nhà chức trách Tây Ban Nha hãy gia nhập nhóm những quốc gia Châu Âu coi việc quan hệ tình dục không đồng thuận là hành vi cưỡng dâm.
Sau cùng, một bản án mới đã được đưa ra vào năm 2019 bởi Tòa án Tối cao Tây Ban Nha, trong đó, 5 người đàn ông nói trên bị kết tội cưỡng dâm và phải lãnh mức án 15 năm tù. Riêng một người trong số này phải nhận thêm 2 năm tù giam vì tội đánh cắp điện thoại của nạn nhân.
"Vụ án bầy sói" chính là câu chuyện có tính chất tiền đề để nhà chức trách Tây Ban Nha cân nhắc áp dụng điều luật "only yes means yes".
Tội phạm tình dục tại Tây Ban Nha đối diện bản án thế nào?
Đối với tội tấn công tình dục, theo Điều 178 của Bộ luật Hình sự Tây Ban Nha, người bị tòa án kết tội tấn công tình dục phải đối mặt án phạt tù từ một tới 5 năm.
Đối với tội cưỡng dâm, theo Điều 179 của Bộ luật Hình sự Tây Ban Nha, người bị tòa án kết tội cưỡng dâm phải đối mặt án phạt tù từ 6 - 12 năm.
Trong một số hoàn cảnh đặc biệt, theo Điều 180 của Bộ luật Hình sự Tây Ban Nha, tội phạm tấn công tình dục hoặc cưỡng dâm có thể bị tăng mức án phạt tù.
Cụ thể, đối với người bị kết án theo Điều 178, nếu phạm thêm yếu tố "hoàn cảnh đặc biệt", mức án phạt tù lúc này sẽ ở mức từ 5 - 10 năm tù.
Đối với người bị kết án theo Điều 179, nếu phạm thêm yếu tố "hoàn cảnh đặc biệt", mức án phạt tù lúc này sẽ ở mức từ 12 - 15 năm tù.
5 hoàn cảnh đặc biệt bao gồm: 1 - Khi hành vi bạo lực và đe dọa đối với nạn nhân có tính chất đặc biệt nghiêm trọng; 2 - Khi hành động phạm tội được thực hiện với sự phối hợp của hai hay nhiều người; 3 - Khi nạn nhân là người yếu thế được quy định cụ thể trong Điều 183; 4 - Khi người phạm tội lợi dụng vị thế của mình đối với nạn nhân (ví dụ: là người trên của nạn nhân xét theo thứ bậc trong gia đình và lợi dụng điều này để khống chế, bắt ép nạn nhân phải quan hệ tình dục); 5 - Khi người phạm tội sử dụng hung khí hoặc làm những điều gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng của nạn nhân.
Bích Ngọc
Theo Daily Mail