PhotoStory

Tại Hà Nội xem tận mắt tục cúng tổ tiên của người Lô Lô ở Mèo Vạc

Thực hiện: Hữu Nghị

(Dân trí) - Qua tục cúng tổ tiên, người Lô Lô (Mèo Vạc, Hà Giang) thể hiện lòng hiếu thảo cũng như trách nhiệm lâu dài với đấng sinh thành ngay cả khi đã mất bằng việc thực hành nhiều nghi thức tâm linh.

Tục cúng tổ tiên của người Lô Lô ở Mèo Vạc

Tại Hà Nội xem tận mắt tục cúng tổ tiên của người Lô Lô ở Mèo Vạc - 1

Người Lô Lô ở huyện Mèo Vạc (Hà Giang) thường tổ chức nghi lễ cúng tổ tiên tại nhà từ khoảng 25 - 30 tháng Chạp để chào đón năm mới, cầu cho mưa thuận , gió hòa, bà con dân bản, gia đình dồi dào sức khỏe, không ốm đau bệnh tật, mọi người sống đoàn kết, hạnh phúc. Trong ảnh là thầy cúng Lò Sí Páo cùng bà con dân tộc Lô Lô, thôn Sảng Pả A, thị Trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đang làm lễ cúng tổ tiên.

Đây là một trong các hoạt động văn hóa được tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Hà Nội) cuối tuần qua. Người dân Thủ đô và du khách có thể tận mắt chiêm ngưỡng, trải nghiệm các buổi tái diễn tục lệ, lễ cưới hỏi, lễ cúng... của các dân tộc ở mọi miền tổ quốc về tham dự.

Tại Hà Nội xem tận mắt tục cúng tổ tiên của người Lô Lô ở Mèo Vạc - 2

Theo phong tục, khi gia đình có người chết từ 3 đến 4 năm, con trưởng trong gia đình sẽ lập bàn thờ tổ tiên (ông tổ) và rước hồn lên bàn thờ, lập bài vị (hình người) để thờ cúng. Trong ảnh là thầy cúng Lò Sí Páo thắp hương khấn vái, mời tổ tiên về ngự lễ bắt đầu nghi thức cúng. Lễ cúng tổ tiên là một trong những sinh hoạt thuộc các nghi lễ vòng đời của người Lô Lô, mang tính giáo dục cộng đồng hướng về nguồn cội.

Tại Hà Nội xem tận mắt tục cúng tổ tiên của người Lô Lô ở Mèo Vạc - 3

Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô gồm 3 phần chính: Lễ hiến tế; Lễ tưởng nhớ; Lễ tiễn đưa tổ tiên.
Lễ vật gồm có thủ lợn, gà, xôi, rượu, tiền vàng, hoa quả... Lễ vật sau khi hiến tế tổ tiên được chế biến thành các món ăn và chia đều để cảm ơn những người đã giúp dòng họ làm lễ, như thầy cúng, người hóa trang ma cỏ, đầu bếp, người đánh trống đồng, người cho mượn trống đồng… và mời mọi người đến dự lễ ăn cơm, uống rượu chia vui với gia đình...

Tại Hà Nội xem tận mắt tục cúng tổ tiên của người Lô Lô ở Mèo Vạc - 4

Những cô gái Lô Lô vận bộ trang phục truyền thống tham để tham gia lễ cúng. Những bộ đồ này được người Lô Lô tự làm cùng rất nhiều phụ kiện như vòng, khuyên tai, nhẫn... giá trị có thể lên đến 20 - 30 triệu đồng/bộ.

Tại Hà Nội xem tận mắt tục cúng tổ tiên của người Lô Lô ở Mèo Vạc - 5

Người Lô Lô luôn có quan điểm mọi vật có thể đổi thay theo năm tháng, nhưng giá trị bản sắc không thể phai mờ. Vì vậy họ luôn gìn giữ những nét riêng vốn có, truyền thụ lại những phong tục, tập quán cho con cháu trong gia đình, dòng họ.

Tại Hà Nội xem tận mắt tục cúng tổ tiên của người Lô Lô ở Mèo Vạc - 6

Thầy cúng sẽ khấn bằng tiếng Lô Lô: Hỡi tổ tiên của người Lô Lô trên núi cao.... năm cũ đã đi qua, năm mới đã đến. Chúng con xin dâng lên tổ tiên những thành quả của làng gồm hoa quả, lợn, gà, xôi, rượu để bày tỏ tấm lòng thành của chúng con. Nhờ nén hương thơm và tiếng trống đồng linh thiêng dẫn lối kính mời tổ tiên về ngự lễ, chứng giám cho lòng thành của chúng con và phù hộ cho bà con bản làng Lô Lô ta năm mới được bình an, nhà nhà khỏe mạnh, chăn nuôi trâu bò lợn gà được sinh sôi, đông đúc, trồng ngô, trồng lúa, trồng rau được bội thu, mọi nhà bớt nghèo.... xin kính mời tổ tiên.

Tại Hà Nội xem tận mắt tục cúng tổ tiên của người Lô Lô ở Mèo Vạc - 7

Thầy cúng là người thắp hương, rót rượu và làm các nghi thức tại ban thờ của gia đình.

Tại Hà Nội xem tận mắt tục cúng tổ tiên của người Lô Lô ở Mèo Vạc - 8

Người Lô Lô tin rằng mọi vật đều có linh hồn, bắt đầu từ giới tự nhiên xung quanh mình, và linh hồn trở thành đầu mối của tín ngưỡng. Từ quan niệm đó hình thành nên niềm tin về sự tồn tại của linh hồn và mối liên hệ giữa người đã chết và người sống (cùng chung huyết thống). Người đã chết bằng linh hồn trở về chứng kiến, theo dõi hành vi của con cháu, quở trách hoặc phù hộ cuộc sống của họ.

Tại Hà Nội xem tận mắt tục cúng tổ tiên của người Lô Lô ở Mèo Vạc - 9

Khấn xong thầy cúng tự tay hóa vàng trước sự chứng kiến của các thành viên trong gia đình.

Tại Hà Nội xem tận mắt tục cúng tổ tiên của người Lô Lô ở Mèo Vạc - 10

Sau phần lễ, thầy cúng ra bên hiên nhà đến bên trống đồng đọc câu thần chú xin phép. Tiếng trống đồng vang lên, bà con cùng nhau nhảy múa theo tiếng trống.

Tại Hà Nội xem tận mắt tục cúng tổ tiên của người Lô Lô ở Mèo Vạc - 11

Điệu múa thể hiện niềm vui, hạnh phúc của mọi người chào đón tổ tiên và đón chào năm mới.