DNews

Sách tả cảnh sex gây tranh cãi: Chuyên gia nói không phải truyện khiêu dâm

Bích Phương

(Dân trí) - Giới chuyên môn cho rằng "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" là tác phẩm có giá trị nhân văn, không thể vì vài trang tả cảnh giường chiếu mà quy chụp đây là văn hóa phẩm đồi trụy.

Sách tả cảnh sex gây tranh cãi: Chuyên gia nói không phải truyện khiêu dâm

Có gì trong cuốn sách gây tranh cãi?

Gần đây, một phụ huynh trường quốc tế ISHCMC tại TPHCM phản ánh việc con học lớp 11 được giáo viên phát cuốn Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian để đọc trong kỳ nghỉ lễ. Khi đọc cùng con, người phụ huynh này bàng hoàng, "đỏ mặt tía tai" vì ngôn từ, nội dung trong quyển sách.

"Tôi giận run cả người vì không hiểu nhà trường biên soạn chương trình thế nào, giáo viên trình độ chuyên môn ra sao mà lại có thể lựa chọn một tác phẩm với những ngôn từ đồi trụy, nhớp nhúa, nội dung khiêu dâm như vậy để dạy cho học sinh", trích bài đăng của phụ huynh.

Nhận phản ánh của phụ huynh, nhà trường đã thu hồi các ấn bản, xem xét quy trình mà tác phẩm được giới thiệu cho học sinh. Theo đại diện ISHCMC, cuốn sách và tác giả Ocean Vương thuộc danh mục đọc tham khảo, gồm nhiều ngôn ngữ, kể cả tiếng Việt, do Chương trình Tú tài Quốc tế (IB) giới thiệu.

On Earth we're briefly gorgeous (tựa Việt: Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian) là tiểu thuyết đầu tay của nhà thơ người Mỹ gốc Việt Ocean Vương, phát hành lần đầu tháng 1/2019. Bản tiếng Việt do dịch giả Khánh Nguyên chuyển ngữ, được Công ty Cổ phần văn hóa và truyền thông Nhã Nam kết hợp Nhà xuất bản Hội Nhà Văn phát hành năm 2021. 

Tác phẩm được viết dưới dạng một lá thư của nhân vật chính - cậu con trai có tên Chó Con - gửi cho người mẹ mù chữ tên Rose. Thông qua những mẩu chuyện nhỏ, những đoạn trữ tình ngoại đề, triết lý, bài thơ, cuốn sách kể câu chuyện đời không chỉ của Chó Con từ thuở nhỏ đến lúc chớm trưởng thành, mà cả 3 thế hệ từ bà, đến mẹ, đến cậu.

Thông qua đó, sách phác họa cuộc di cư dài từ làng quê Việt Nam sang đất Mỹ, cũng như câu chuyện của những thanh thiếu niên Mỹ mà đặc trưng là người bạn trai Trevor của Chó Con. Dù sách được giới thiệu là tiểu thuyết hư cấu, người đọc đánh giá câu chuyện của Chó Con có nhiều nét tương đồng với cuộc đời tác giả. 

Sau khi ra mắt, cuốn sách nhanh chóng vào danh sách bán chạy, gặt hái nhiều giải thưởng trong giới văn chương cũng như bầu chọn của độc giả quốc tế.

Trang The Guardian của Anh xếp Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian vào danh sách 10 cuốn sách hay về tình cảm gia đình năm 2019. Bài báo trên tờ NPR (Mỹ) nhận xét Ocean Vương có ngôn từ bay bổng khi viết về cái đẹp, sự sinh tồn và tự do. Tờ The New York Times khen tác giả cuốn sách là "thiên tài quan sát".

"Vương đã viết nên một tác phẩm trữ tình về quá trình tự khám phá chính mình, vừa thành thật đến choáng váng, vừa phổ quát trong từng câu chữ", cây bút của The Washington Post nhận xét.

Chuyên gia nói là "tình dục chữa lành", lỗi do dịch thô

Sau vụ việc tại trường quốc tế ISHCMC, trên mạng xã hội nổ ra những cuộc tranh luận gay gắt về cuốn sách với nhiều quan điểm trái chiều. Khán giả, giới chuyên môn bàn về việc có nên xem Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian là sách khiêu dâm, đồi trụy hay không?

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, bà Phạm Thị Thúy - Tiến sĩ ngành xã hội học, Thạc sĩ ngành tâm lý học, giảng viên trường Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM - cho biết đã đọc cuốn sách của Ocean Vương từ năm 2023, đồng thời đánh giá cao tính nhân văn của tác phẩm.

"Không thể gọi sách này là tác phẩm khiêu dâm. Chúng ta không thể bóc tách riêng phần về tình dục, mà phải xem tổng thể cuốn sách như thế nào.

Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian kể tuổi thơ cơ cực, cuộc sống khó khăn xứ người, hành trình trưởng thành, những ẩn ức tuổi vị thành niên của một chàng trai thuộc giới LGBT. Đọc vài trích đoạn thì có thể gây sốc, nhưng trong tổng thể câu chuyện lại rất đẹp.

Tình dục là yếu tố rất đẹp của tình yêu. Mọi câu chuyện hay về tình yêu không thể không có tình dục, chỉ là cách khai thác như thế nào thôi. 

Theo tôi, vài trang về tình dục ở sách, khi đọc toàn tác phẩm sẽ thấy đó là tình dục của tình yêu đầu đời, có ý nghĩa cứu rỗi, chữa lành tâm hồn đầy tổn thương của nhân vật "tôi". Tôi đọc xong không nhớ nhiều về các trang đó, chỉ thấy đọng lại là sự xúc động trước thân phận con người. Và thấy mình phải sống sao cho đáng sống, dù một thoáng rực rỡ ở nhân gian!", Tiến sĩ Phạm Thị Thúy cho hay.

Sách tả cảnh sex gây tranh cãi: Chuyên gia nói không phải truyện khiêu dâm - 1

Bìa sách bản tiếng Việt "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" (Ảnh: Nhã Nam).

Đồng quan điểm với Tiến sĩ Phạm Thị Thúy, nhà văn Hoài Hương - Hội viên Hội nhà văn Việt Nam - cho rằng không nên quy chụp sách của Ocean Vương là văn hóa phẩm đồi trụy chỉ dựa vào vài trang miêu tả cảnh "giường chiếu", mà phải đặt trong bối cảnh chung câu chuyện tác giả muốn truyền tải.

Tuy nhiên, nhà văn Hoài Hương cũng cho rằng lý do lớn khiến nội dung tình dục trong cuốn sách gây phản ứng mạnh với khán giả Việt Nam là vì phần từ ngữ dịch thuật "có vấn đề".

"Tôi không lên án cuốn sách. Tổng thể sách kể hành trình di dân, mối quan hệ gia đình, nỗi cô đơn tuổi trẻ. Phần về tình dục chỉ chiếm 5,6 trang trong tổng số hơn 300 trang sách. Song, bản dịch tôi đánh giá rất tệ, đi ngược với lời giới thiệu của các bài báo quốc tế. Nhiều trang quốc tế nói văn phong cuốn sách đầy chất thơ, nhưng tôi không thấy thơ", nhà văn nói.

Theo bà Hoài Hương, khi chuyển ngữ văn học, dịch giả cần am hiểu văn hóa, phong cách ngôn ngữ của tác giả, chuyển tải được đúng nội dung, tinh thần của bản gốc và sáng tạo được sự gần gũi với người đọc bản địa.

Ở bản chuyển ngữ do dịch giả Khánh Nguyên thực hiện, nhà văn cho rằng chất thơ, lãng mạn của bản gốc đã bị giảm đáng kể. Với một tác phẩm kể chủ đề phức tạp, mang đậm văn hóa cộng đồng người Mỹ nhập cư như Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian, nếu dịch quá sát nghĩa sẽ khiến độc giả khó để đọc, hiểu trọn vẹn tinh thần tác giả.

"Tôi đã đọc bản chuyển ngữ và bản gốc, đối chiếu thấy có nhiều đoạn dịch giả dịch không hay. Ví dụ, ở đoạn miêu tả cảnh tình dục, dịch giả dùng quá nhiều từ thô thiển. Câu chuyện tình yêu của 2 thiếu niên tạo sự tò mò, bí ẩn xen lẫn lãng mạn, nhưng dịch một cách trần trụi đã làm giảm bớt tính thẩm mỹ văn học của đoạn văn. 

Trong văn học, thiếu gì từ ngữ miêu tả chuyện tình dục một cách ý nhị mà không tục tĩu. Nếu người dịch đủ sức thể hiện được nội dung tình dục bằng ngôn ngữ văn chương thì đoạn văn sẽ gợi cảm hơn, hay hơn. Tôi nghĩ phụ huynh sốc vì ngôn ngữ dịch quá thô", nhà văn nhận định.

Sách hay, nhưng có phù hợp với học sinh?

Bên cạnh luồng ý kiến bênh vực tác phẩm của Ocean Vương, vẫn có những quan điểm khẳng định việc phân loại độ tuổi cho độc giả khi tiếp cận cuốn sách này vô cùng quan trọng. Tác phẩm có thể có nhiều thông điệp nhân văn, chất lượng về mặt văn chương, chuyên môn, nhưng vấn đề trọng tâm là: Có phù hợp cho học sinh cấp 3 đọc hay không?

Trên thực tế, một số trang web nước ngoài đánh giá tác phẩm Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian là sách dành cho lứa tuổi trên 16. Tại Việt Nam, cuốn sách được phổ biến mà không phân loại độ tuổi. Không chỉ ISHCMC, một số trường học cũng giới thiệu tiểu thuyết của Ocean Vương vào danh sách "trạm đọc" cho học sinh. Điều này khiến nhiều khán giả lo ngại, bức xúc.

Sách tả cảnh sex gây tranh cãi: Chuyên gia nói không phải truyện khiêu dâm - 2

Nhiều trang giới thiệu sách ở nước ngoài phân loại tác phẩm của Ocean Vương dành cho độ tuổi trên 16 (Ảnh: Chụp màn hình).

"Chúng ta không nên đánh tráo khái niệm. Cuốn sách này không phải vấn đề. Vấn đề là ở việc đưa nó vào môi trường giáo dục. Trong kho tàng văn học trong và ngoài nước có rất nhiều tác phẩm hay và có giá trị. Không nhất thiết phải lựa chọn cuốn sách có những trang nhạy cảm như vậy cho lứa tuổi học sinh.

Khi được phát sách, học sinh đã được nhà trường đào tạo đúng, đủ về giáo dục giới tính chưa? Đã có đủ kỹ năng để tiếp nhận phần nội dung đó trong sách hay chưa?", một ý kiến trên mạng xã hội.

Blogger Lê Minh Mẫn đưa ra quan điểm: "Hay dở cũng tùy thuộc cảm nhận của mỗi người. Muốn để trẻ cảm nhận thân phận con người thì có 1.001 tác phẩm để lựa chọn, tại sao phải chọn tác phẩm tả cảnh quan hệ trần trụi như thế?".

Nhà văn Hoài Hương nhận xét mỗi tác phẩm văn học khi được gợi ý cho trẻ dưới 18 tuổi, thì cần kiểm định độ phù hợp về văn hóa. Không phải chương trình quốc tế giới thiệu là nghiễm nhiên cuốn sách sẽ phù hợp với môi trường dạy học ở Việt Nam.

"Ở một mức độ nào đó, nội dung sách chưa phù hợp với trẻ em lớp 11 ở Việt Nam. Mặc dù có chương trình quốc tế giới thiệu, nhưng phải đặt vào hoàn cảnh đây là trường học quốc tế ở Việt Nam chứ không phải ở phương Tây. Khi chưa có giáo trình đầy đủ, thầy cô dúi sách vào tay trẻ em là không hợp lý. Chúng ta có thể gợi ý trẻ đọc, nhưng cần chỉ dẫn cho chúng đọc sao cho đúng", nhà văn nói với phóng viên Dân trí.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Phạm Thị Thúy nhấn mạnh bà thích và ủng hộ cuốn sách của Ocean Vương, song khi đưa vào môi trường dạy học cần hết sức cân nhắc, thận trọng.

"Tôi tôn trọng cảm xúc hoảng hốt đến sốc ngỡ ngàng của nhiều phụ huynh. Đó là phản ứng dễ hiểu với tâm lý đa số bậc làm cha mẹ ở Việt Nam bởi cuốn sách có 2 yếu tố vẫn được cho là nhạy cảm ở Việt Nam: một là tình dục sớm, hai là quan hệ đồng tính.

Theo tôi, không phải cuốn sách tuyệt đối không nên đưa vào môi trường giảng dạy, nhưng vấn đề là chúng ta nên tiếp cận như thế nào bởi mỗi người sẽ có những góc nhìn khác nhau. Khi đọc trích đoạn đó, có người đỏ mặt, cho là nội dung đồi trụy, có người lại thấy nhẹ nhàng vì cho rằng trẻ em ngày nay lớn nhanh.

Nếu đưa vào trường học, giáo viên phải chuẩn bị kỹ về định hướng đọc, giới thiệu cái hay cái đẹp về tác phẩm tác giả, để học sinh biết cách tiếp cận sách như thế nào. Nếu có sự chuẩn bị rõ ràng thì sự lo lắng của phụ huynh sẽ giảm", bà Thúy đưa ra quan điểm.

Sách tả cảnh sex gây tranh cãi: Chuyên gia nói không phải truyện khiêu dâm - 3

Tác giả người Mỹ gốc Việt Ocean Vương (Ảnh: Chụp màn hình).

Phụ huynh lo "vẽ đường cho hươu chạy", chuyên gia tâm lý nói gì?

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy cũng đánh giá vụ "khủng hoảng sách nhạy cảm" lần này sẽ giúp cộng đồng mạng, dư luận quan tâm hơn về vấn đề giáo dục giới tính cho trẻ.

Theo bà Thúy, trẻ em ngày nay trưởng thành sớm hơn rất nhiều so với thế hệ đi trước. Việc một bộ phận phụ huynh lo lắng sách Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian "vẽ đường cho hươu chạy", gây ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh, là không cần thiết.

Ngày nay, nếu phụ huynh không lớn lên cùng con, ứng xử khéo léo và tâm lý, rất dễ bị tụt hậu, không theo kịp tốc độ phát triển về tình yêu, tình dục của trẻ. Ngoài ra, tiến sĩ nhận định không phải trẻ em nào cũng dễ bị "đầu độc" khi tiếp cận nội dung tình dục như trường hợp sách của Ocean Vương.

"Theo tôi, những cuốn sách như vậy khó đầu độc tâm hồn trẻ em ngày nay. Các bạn học sinh bây giờ tiếp xúc mạng xã hội, các ấn phẩm văn hóa trên truyền thông từ rất sớm. Học sinh cấp 2 ngày nay đã hiểu biết về chuyện giới tính.

Tất nhiên, cũng có những đứa trẻ nếu chưa được giáo dục giới tính đầy đủ, thì lần đầu đọc sách có nội dung nhạy cảm sẽ dễ hiểu sai, nên phụ huynh lo lắng cũng là tất nhiên. Nhưng để nhận xét cuốn sách ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh hay không rất khó nói chính xác vì chưa thể có cuộc khảo sát rõ ràng với nhóm học sinh về tác động của cuốn sách này cũng như các loại sách tương tự. Có lẽ 10, 20 năm nữa mới khảo sát được những trang văn này có gây tác động xấu đến trẻ hay không.

Nếu phụ huynh lo bị đầu độc thì phải lo trước, từ lúc các cháu học mầm non. Văn hóa đọc phải gieo mầm từ sớm, thể hiện qua việc cha mẹ chọn sách cho con như thế nào, rèn thói quen đọc cho con ra sao, chọn lọc thông tin từ sách thế nào, chứ không phải đến lớp 11 mới lo sợ", tiến sĩ đưa ra quan điểm.

Tiến sĩ khẳng định nếu nền giáo dục dạy chuyện giới tính "đến nơi đến chốn", nếu gia đình định hướng văn hóa đọc tốt cho trẻ từ sớm, thì bậc làm cha mẹ không cần lo lắng nhiều như hiện nay về việc trẻ em nhìn nhận lệch lạc về văn học, sách truyện có nội dung nhạy cảm như truyện của Ocean Vương.

"Nếu trẻ có hiểu biết đúng về tình yêu, tình dục thì sẽ nhìn câu chuyện theo lăng kính tích cực hơn", tiến sĩ nói.

Liên quan đến sự việc, phóng viên Dân trí liên hệ phía Công ty Cổ phần văn hóa và truyền thông Nhã Nam nhưng đại diện truyền thông của Nhã Nam không đưa ra bình luận. Tuy nhiên, phía Nhã Nam cũng khuyến cáo rằng sách này cần phải có hướng dẫn khi đọc.

Ocean Vương (Ocean Vuong) sinh năm 1988 ở TPHCM, lớn lên ở Hartford (Connecticut, Mỹ). Sớm nổi lên như một nhà thơ và là một nghệ sĩ trình diễn thơ, anh đoạt nhiều giải thưởng với tập thơ đầu tay Night Sky with Exit Wounds (Trời đêm những vết thương xuyên thấu).

Khi phát hành Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian, Ocean Vương nhận một số giải thưởng về văn học ở Mỹ như giải thưởng Sách New England, giải thưởng Sách Connecticut, giải thưởng Sách Massachussetts… cùng một số giải thưởng dành riêng cho văn học đồng tính.

Minh Nhân