Vụ học sinh đọc sách có cảnh "giường chiếu": Phụ huynh tranh cãi gay gắt

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Một cuộc tranh cãi gay gắt diễn ra trên mạng xã hội giữa nhiều phụ huynh về quan điểm những cảnh "giường chiếu" trong cuốn sách vừa được Trường Quốc tế TPHCM phát cho học sinh.

Trưa ngày 3/5, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM cho biết sở đã yêu cầu Trường Quốc tế TPHCM nghiêm túc khắc phục và kiểm điểm phê bình giáo viên (tùy theo mức độ vụ việc) vì đã không kiểm soát được nội dung tổ chức hoạt động giáo dục của trường dẫn đến thông tin tiêu cực, phản cảm.

Đến nay, nhà trường đã thu hồi toàn bộ 19 cuốn sách đã được cấp phát cho học sinh lớp 11.

Đồng thời, sở cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn TPHCM rà soát, thận trọng trong các hoạt động giáo dục có sử dụng tài liệu, sách không phải sách giáo khoa trong nhà trường.

Việc lựa chọn tài liệu tham khảo phải tuân theo hướng dẫn của thông tư 21/2014/TT-BGDĐT ngày 7/7/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành thông tư quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Vụ việc trường quốc tế ở TPHCM phát sách có cảnh "giường chiếu" cho học sinh lớp 11 đang gây chú ý trên các diễn đàn.  

Theo đó, hiện có hai luồng quan điểm về những nội dung đề cập trong cuốn sách này.  

Chị Hoàng (40 tuổi, Hà Nội) có 3 con ở bậc phổ thông cho rằng những nội dung được viết trong Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian của Ocean Vương là bình thường và học sinh phổ thông ngày nay đã tiếp cận được nhiều hơn thế. 

Từng là học sinh chuyên văn phổ thông nhiều năm, chị cho rằng nếu tác phẩm trên được miêu tả là "tác phẩm với những ngôn từ đồi trụy, nhớp nhúa, nội dung khiêu dâm" thì Trăm năm cô đơn gọi là gì?  

Chị cho hay bản thân mình đã đọc Trăm năm cô đơn từ lớp 11, cùng tuổi với con của phụ huynh phản ánh vụ việc. Chị cho hay, hồi đó xem sách cũng chả hiểu gì mấy nhưng mở màn là cảnh "giường chiếu" nên đọc một mạch từ sáng đến tối, không ăn luôn. 

Những nội dung "người lớn" này cũng tương tự được chị Hoàng liệt kê khi đọc các tác phẩm Báu vật của đời, Đàn hương hình của Mạc Ngôn, Ăn mày dĩ vãngPhố của Chu Lai, Bến không chồng của Dương Hướng, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Đám cưới không có giấy giá thú của Ma Văn Kháng, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Thời xa vắng của Lê Lựu, Người còn sót lại của rừng cười của Võ Thị Hảo…  

Vụ học sinh đọc sách có cảnh

Phụ huynh cũng tranh cãi về một số đoạn trong "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" có thực sự phù hợp với học sinh phổ thông (Ảnh: Nhã Nam).

"Truyện nào cũng có cảnh nóng cả. Mấy truyện đó mình đọc công khai, không giấu giếm gì. Vì học đội tuyển học sinh giỏi nên mình phải học văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới. Còn truyện nước ngoài thì cứ Nhà xuất bản Văn học phát hành đương nhiên là hợp pháp để đọc", chị Hoàng chia sẻ.  

Có mẹ là giáo viên, chị Hoàng cũng mang Trăm năm cô đơn về cho mẹ đọc và bà đọc xong khen hay thế, chứ không nhận xét là "đồi trụy, nhớp nhúa, khiêu dâm".

Chị Hoàng cũng thẳng thắn nói rằng không thể vì đọc những cuốn sách như vậy mà khiến giới trẻ yêu đương, quan hệ tình dục sớm được, bởi còn phụ thuộc vào cách giáo dục của mỗi gia đình.  

Trong các hội nhóm trên mạng xã hội, không ít ý kiến bày tỏ cần xét bối cảnh phát hành sách là của trường quốc tế, học theo chương trình và văn hóa nước ngoài. Những nội dung được phản ánh trong Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian đối với học sinh ở nước ngoài là bình thường.  

Anh Hoàng Hùng (TPHCM) cho rằng: "Học sinh ngày nay đọc những nội dung  này có gì lạ? Thực tế, các bạn còn xem mạng xã hội, thậm chí tiếp cận thông tin, hình ảnh còn sớm hơn rồi". 

Ngược lại, chị Đỗ Yến (35 tuổi, Nam Định), từng là học sinh giỏi văn, tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho rằng bản thân chị cũng đã từng đọc qua nhiều tác phẩm như Trăm năm cô đơn, Ăn mày dĩ vãng, Phố, Nỗi buồn chiến tranh... song, chị vẫn "sốc" khi đọc những dòng miêu tả trong cuốn sách Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian được phát cho học sinh lớp 11. 

"Ở những tác phẩm trước, dù có những cảnh nóng nhưng dung lượng không nhiều và cũng không miêu tả trần trụi như trong cuốn Một thoáng ta rực rỡ giữa nhân gian.

Những ngôn từ trong văn chương trước đây khi nói đến cảnh giường chiếu chỉ thoáng qua bằng các ngôn ngữ văn học mà mình đọc thấy rung cảm", chị Yến nhận xét. 

Do vậy, chị Yến bảo vệ quan điểm rằng những nội dung nhạy cảm trong cuốn Một thoáng ta rực rỡ giữa nhân gian không phù hợp để phát cho học sinh.  

Đồng quan điểm, chị Mỹ Lệ (30 tuổi, Quảng Bình) cũng cho rằng những nội dung miêu tả thô tục, trần trụi về đời sống nam nữ không phù hợp để đưa tới học sinh, đặc biệt là không nên được lan truyền trong môi trường giáo dục.  

"Chúng ta giáo dục trẻ nhưng phải khéo léo, tinh tế, chứ không hẳn đưa bất cứ cuốn sách nào cho trẻ cũng được. Có thể nhiều cuốn sách được trao giải thưởng này, giải thưởng kia nhưng chưa hẳn đã phù hợp với bạn trẻ. Không nên đánh đồng bạn trẻ nào cũng đã tiếp xúc hết với những "chuyện người lớn" như vậy", chị Lệ bày tỏ. 

Nhiều ý kiến cũng cho rằng ở Việt Nam nên thực hiện việc phân loại sách cho từng độ tuổi một cách kỹ càng hơn, đặc biệt cần dán nhãn 16+, 18+ với những nội dung có cảnh nóng để phụ huynh lựa chọn sách phù hợp cho con.  

Câu chuyện bắt đầu từ trước kỳ nghỉ lễ, giáo viên Trường Quốc tế TPHCM (ISHCMC) đã phát sách Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian cho học sinh để về nhà đọc. Trong đó có những trang văn miêu tả cảnh "giường chiếu" với những ngôn từ được phụ huynh đánh giá là "đồi trụy, nhớp nhúa, nội dung khiêu dâm".

Người mẹ ngoài 40 tuổi viết: "Bản thân tôi là một phụ nữ ngoài 40, nhưng khi đọc những câu văn này, tôi còn đỏ mặt tía tai, huống hồ gì bé con nhà tôi chỉ là một học sinh lớp 11 vẫn còn vô cùng non nớt".

Lý giải về vấn đề này, Trường Quốc tế TPHCM cho biết đã tiếp nhận thông tin rằng một số học sinh lớp 11 đã được nhận một quyển sách dịch tiếng Việt với nội dung có thể không phù hợp với học sinh.

Theo nhà trường, tác phẩm thuộc trong danh sách đọc tham khảo, gồm nhiều ngôn ngữ, kể cả tiếng Việt, được Chương trình Tú tài Quốc tế (IB) giới thiệu và các tác phẩm của ông hiện được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam.

"Tuy nhiên, sau khi nhận được phản ánh quan ngại của phụ huynh về tác phẩm này, nhà trường đã thu hồi các ấn bản trên và đang đánh giá, xem xét quy trình mà tác phẩm được giới thiệu cho học sinh", đại diện Trường Quốc tế TPHCM cho hay.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm