PhotoStory

Phiến đá in hình đầu người phụ nữ kêu oan cho chồng

Thực hiện: Thanh Tùng

(Dân trí) - Ở cửa Đông của Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) có ngôi đền thờ phiến đá in hình đầu người. Ngôi đền thiêng này gắn với câu chuyện người phụ nữ đập đầu vào đá kêu oan cho chồng.

Phiến đá in hình đầu người phụ nữ kêu oan cho chồng (Video: Thanh Tùng).

Phiến đá in hình đầu người phụ nữ kêu oan cho chồng - 1

Đền thờ Bình Khương tọa lạc ở làng Đông Môn, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ngôi đền thờ nàng Bình Khương, là vợ của đốc công xây Thành nhà Hồ.

Đền được xây dựng trên nền đất rộng 600m2, ngay sát chân tường thành phía Đông của Thành Nhà Hồ, cách cửa Đông 200m. 

Phiến đá in hình đầu người phụ nữ kêu oan cho chồng - 2

Bà Đỗ Thị Xuân Thanh, cán bộ Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ, cho biết, năm 1995, ngôi đền được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp tỉnh. 

Nhiều năm qua, ngôi đền thiêng này đang trở thành điểm đến tâm linh đối với nhiều du khách. Đặc biệt, nhiều du khách đến đền thờ Bình Khương vô cùng xúc động trước câu chuyện người phụ nữ đập đầu vào đá, tự tử kêu oan cho chồng. 

Phiến đá in hình đầu người phụ nữ kêu oan cho chồng - 3

Bên trong hậu cung của đền thờ Bình Khương có một phiến đá linh thiêng, được người dân thờ cùng bài vị của nàng Bình Khương. 

Truyền thuyết kể rằng, năm 1397 khi Hồ Quý Ly cho xây dựng thành, ông đã ra lệnh cho Cống Sinh Trần Công Sĩ đốc thúc, giám sát việc xây dựng đoạn tường thành phía Đông. Do tường thành phía Đông được xây dựng trên nền con sông cổ. Mặc dù đã hết sức gia cố, nhưng cứ xây xong tường lại bị lún.

Hay tin, Hồ Quý Ly đích thân thị sát, thấy cảnh công trường bề bộn ngổn ngang, ông vô cùng tức giận và sai quân lính vùi thân Cống Sinh tại chân tường thành.

Phiến đá in hình đầu người phụ nữ kêu oan cho chồng - 4

Vợ chàng Cống Sinh là nàng Bình Khương khi nghe tin dữ về chồng đã tìm đến nơi, thấy cảnh chồng bị vùi thân, nàng đã than khóc kêu oan cho chồng. Để giữ tiết thủy chung nghĩa vợ chồng, nàng đã đập đầu vào phiến đá xanh nơi tường thành và chết theo chồng. Phiến đá nơi nàng đập đầu lõm một hố rất sâu như hình đầu người và hai vệt bàn tay cào xé.

Tiếc thay cho số phận nàng Bình Khương, người dân địa phương đã lập đền thờ nơi nàng tự tử và phiến đá in hình đầu người được đưa vào thờ ở hậu cung.

Phiến đá in hình đầu người phụ nữ kêu oan cho chồng - 5

Trải qua thời gian, ngôi đền nhiều lần bị xuống cấp, đổ nát. Đến năm 1903 - năm Thành Thái thứ 15, ngôi đền được tổng đốc Thanh Hóa Vương Duy Trinh cho xây dựng lại. Truyền thuyết kể rằng, bà Bình Khương đã 3 lần báo mộng cho tổng đốc Vương Duy Trinh lập đền thờ nơi bà mất, nhưng hai lần đầu ông chỉ xem đấy là giấc mơ thường.

Đến lần thứ 3, bà báo mộng sẽ phù hộ cho ông sinh được quý tử nếu làm như điều bà muốn. Tổng đốc Vương Duy Trinh không có con trai, lạ thay sau khi xây xong đền thờ, vợ ông sinh được quý tử.

Phiến đá in hình đầu người phụ nữ kêu oan cho chồng - 6

Hiện, trên bức tường Thành nhà Hồ, ngay sau đền thờ nàng Bình Khương còn ngôi mộ và bia đá ghi danh Cống Sinh Trần Công Sĩ.

Phiến đá in hình đầu người phụ nữ kêu oan cho chồng - 7

Đoạn tường thành do Cống Sinh Trần Công Sĩ đốc thúc thi công trên nền dòng sông cổ, thường xuyên bị sụt lún. 

Phiến đá in hình đầu người phụ nữ kêu oan cho chồng - 8

Bức tường thành phía Đông được xây dựng từ những khối đá lớn, vuông vức. 

Phiến đá in hình đầu người phụ nữ kêu oan cho chồng - 9

Hiện nay trong đền còn lưu giữ rất nhiều hiện vật, bia đá có nội dung ca ngợi tình nghĩa vợ chồng chung thủy của nàng Bình Khương. 

Phiến đá in hình đầu người phụ nữ kêu oan cho chồng - 10

Đền thờ Bình Khương có kiến trúc gồm tiền đường, hậu cung và khuôn viên cảnh quan. Ngôi đền được xây dựng với nhiều khung gỗ, chạm trổ tinh xảo. 

Phiến đá in hình đầu người phụ nữ kêu oan cho chồng - 11

Theo Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ, hàng trăm năm qua, đền Bình Khương đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân trong vùng và du khách. Đặc biệt, vào mỗi dịp lễ, Tết, người dân và du khách đến đây tham quan, dâng hương cầu mong sức khỏe, bình an, may mắn cho gia đình. 

Phiến đá in hình đầu người phụ nữ kêu oan cho chồng - 12

Thành nhà Hồ (còn gọi là thành Tây Đô, An Tôn, Tây Kinh, hay Tây Giai), là kinh đô nước Đại Ngu (quốc hiệu Việt Nam thời nhà Hồ), nằm trên địa phận hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.

Thành được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397. Trải qua hơn 600 năm tồn tại, hầu hết công trình kiến trúc khu vực nội thành đã bị phá hủy. Ngày 27/6/2011, Thành nhà Hồ được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.