Ngôi đền gần 600 tuổi thờ vị tướng "ăn cỗ đầu người"
(Dân trí) - Nguyễn Biểu - vị tướng nhà Trần trung với vua và có khí phách bất khuất trước giặc phương Bắc. Ngôi đền gần 600 tuổi tại Hà Tĩnh thờ ông có kiến trúc độc đáo.
Đền thờ Nghĩa vương Nguyễn Biểu rộng khoảng 5.000m2, tọa lạc tại thôn Tiến Thọ, xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Đền được lập từ năm 1428, tức vào thời nhà Lê. Nơi đây có một số cây xà cừ cổ thụ tỏa bóng.
Phía trước Đền là hồ bán nguyệt trồng hoa súng, hai cột hoa biểu với nhiều đôi câu đối chữ Hán.
Bên trái sân Đền có "Trung nghĩa bi" (Bia trung nghĩa), do cử nhân Hoàng Xuân Phong soạn vào năm Tự Đức thứ 28 (1875). Bên phải có "Nghĩa Vương miếu bi" (Bia miếu thờ Nghĩa Vương), do dân hai thôn Nội Diên và Yên Phúc dựng, văn bia do cử nhân Lê Viết Huy nhuận sắc vào năm Tự Đức thứ 30. Cả hai tấm bia có nội dung ca ngợi công đức, khí tiết, uy linh của Nguyễn Biểu.
Kiến trúc Đền theo kiểu chữ Tam gồm ba tòa Thượng - Trung - Hạ điện. Đền được nhân dân tu sửa nhiều lần, năm 2007 được Nhà nước cho trùng tu tòa Trung điện và năm 2012 đại trùng tu với kinh phí khoảng 7,5 tỷ đồng. Dù vậy, ngôi Đền cơ bản vẫn giữ những yếu tố nguyên gốc thời Nguyễn.
Bước vào sau cổng chính là tòa Hạ điện. Giữa gian chính điện có bức hoành phi "Nghĩa Vương miếu" và đôi câu đối chữ Nôm: "Khí phách hiên ngang, vạn kiếp giặc Minh còn khiếp đảm - Danh nhân tuấn kiệt, muôn phương dân Việt mãi tôn thờ".
Sau Hạ điện là Trung điện - nơi thờ các binh lính thời nhà Lê.
Trong cùng của ngôi đền là Thượng điện - nơi thờ Nghĩa vương Nguyễn Biểu.
Cả 3 tòa Thượng - Trung - Hạ điện được xây dựng theo kiến trúc cổ, cột được làm bằng gỗ lim, mít.
Ông Nguyễn Văn Xuân (83 tuổi, người địa phương) thường trông coi và lo việc hương khói ở đền thờ. Ông cho biết trong kiến trúc tại ngôi Đền, hình tượng con rồng luôn được đề cao. "Rồng được chạm khắc tinh xảo, đẹp mắt, biểu tượng cho sự quyền uy, sức mạnh", ông nói.
Nét cổ kính của ngôi Đền khắc họa qua từng kiến trúc mái ngói, họa tiết, gỗ.
Phía trước ngôi Đền, mộ của Nghĩa vương Nguyễn Biểu được xây dựng khang trang, kiến trúc hài hòa với thiên nhiên.
Từ xưa đến nay, Đền thờ Nguyễn Biểu là một biểu tượng của tấm lòng trung nghĩa với vua, với nước và khí phách bất khuất của kẻ sĩ đất Hồng Lam.
Nguyễn Biểu - tướng nhà Trần "ăn cỗ đầu người" giặc phương Bắc:
Nguyễn Biểu (chưa rõ năm sinh - mất 1413), quê làng Bình Hồ, huyện La Sơn, trấn Nghệ An (nay thuộc xã Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh). Ông đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) khoảng năm 1357, cuối thời Trần, làm quan đến chức Điện tiền Thái sử (Ngự sử).
Năm 1413, quân Minh đánh vào Nghệ An, vua Trùng Quang Đế chạy vào Hóa Châu. Vua sai Nguyễn Biểu đi sứ, trước xin cầu phong thực hiện kế hoãn binh, sau giảng hòa.
Ông biết vào nơi "hang hùm, nọc rắn" đi dễ khó về nhưng không từ nan. Đến dinh Trương Phụ, hắn bắt ông lạy, ông không lạy. Hắn thị uy bằng cách đưa lên một cái đầu người luộc chín.
Ông ung dung ngồi vào bàn, nói rằng: "Mấy thuở người phương Nam được ăn thịt người phương Bắc!", rồi lấy đũa khoét đôi mắt chấm dấm mà nuốt.
Ông vừa ăn, vừa rung đùi ngâm bài thơ ứng tác "Cỗ đầu người":
Ngọc thiệt, trân tu đã đủ mùi/ Gia hào thêm có cỗ đầu người/ Nem công, chả phượng còn thua béo/ Thịt gấu, gan lân cũng kém tươi/ Ca lối Lộc minh so cũng một/ Vật bày Thỏ thủ bội hơn mười/ Kìa kìa ngon ngọt tày vai lợn/ Tráng sĩ như Phàn tiếng để đời.
Trong thơ, ông có ý ví mình như tráng sĩ Phàn Khoái, công thần khai quốc nhà Hán, từng hiên ngang bảo vệ Lưu Bang khỏi bị Hạng Vũ sát hại trong đại yến ở Hồng Môn.
Khuất phục không được, Trương Phụ đã ra tay sát hại Nguyễn Biểu vào ngày 1/7 (Âm lịch) năm 1413.
Trương Phụ giết Nguyễn Biểu nhưng kính phục khí phách đối thủ nên cho đưa thi hài về quê tại Bình Hồ (nay là xã Yên Hồ) an táng.
Vua Lê Thái Tổ sau khi chiến thắng giặc Minh (1428) đã cho lập đền thờ ông ở Nội Diên (nay là thôn Tiến Thọ, xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ), sắc phong là Nghĩa sĩ Đại Vương.
Năm 1991, Đền thờ Nguyễn Biểu được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.