PhotoStory

Nơi yên nghỉ và những tư liệu quý về Đại thi hào Nguyễn Du

Thực hiện: Dương Nguyên

(Dân trí) - Mộ của Đại thi hào Nguyễn Du nằm tại một khu đất thoáng đãng ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Cách đó 2km có một khu lưu niệm trưng bày nhiều tư liệu, hiện vật gắn với cuộc đời, sự nghiệp của ông.

Nơi yên nghỉ và những tư liệu quý về Đại thi hào Nguyễn Du - 1

Lăng mộ của Đại thi hào Nguyễn Du nằm ở cánh đồng Cùng, thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

Nơi yên nghỉ và những tư liệu quý về Đại thi hào Nguyễn Du - 2
Nơi yên nghỉ và những tư liệu quý về Đại thi hào Nguyễn Du - 3

Nơi yên nghỉ của Nguyễn Du có không gian thoáng đãng. Sau nhiều năm tôn tạo, lăng mộ có 3 phần là bàn thờ, mộ và vườn trái cây. Bia đá đề dòng chữ "Danh nhân văn hóa thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du". Mộ hình khối chữ nhật, cao 1,2m, rộng 1,3m, dài 2,3m.

Nơi yên nghỉ và những tư liệu quý về Đại thi hào Nguyễn Du - 4

Cách lăng mộ gần 2km là Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du với tổng diện tích khoảng 28.562m2.

Nơi yên nghỉ và những tư liệu quý về Đại thi hào Nguyễn Du - 5

Khu di tích có nhà trưng bày, lưu giữ hơn 1.000 hiện vật, tư liệu về Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền.

Nơi yên nghỉ và những tư liệu quý về Đại thi hào Nguyễn Du - 6

Nổi bật là bức tượng Nguyễn Du được đúc bằng đồng với chiều cao 1,5m, mang khăn đóng áo dài, tay cầm bút lông, toát lên thần thái nho nhã của Đại thi hào dân tộc.

Nơi yên nghỉ và những tư liệu quý về Đại thi hào Nguyễn Du - 7
Nơi yên nghỉ và những tư liệu quý về Đại thi hào Nguyễn Du - 8
Nơi yên nghỉ và những tư liệu quý về Đại thi hào Nguyễn Du - 9
Nơi yên nghỉ và những tư liệu quý về Đại thi hào Nguyễn Du - 10

Đây là những hiện vật quý giá từng gắn với cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Du. Từ trái qua phải, lần lượt là gạc nai dùng treo áo, la bàn dùng đi săn trên núi Hồng Lĩnh, bộ đồ uống rượu và nghiên mực Nguyễn Du thường dùng.

Nơi yên nghỉ và những tư liệu quý về Đại thi hào Nguyễn Du - 11

Nơi đây cũng trưng bày bản Kiều in từ bản khắc năm 1866, cuốn Truyện Kiều viết theo lối thư pháp (độc bản), thư pháp Truyện Kiều dài nhất Việt Nam (độc bản), bộ sưu tập Truyện Kiều xuất bản bằng các thứ tiếng và sưu tập sách viết về Nguyễn Du...

Nơi yên nghỉ và những tư liệu quý về Đại thi hào Nguyễn Du - 12

Khu lưu niệm còn trưng bày 2 bức đại tự. Bức phía trên có đề ''Hồng Sơn phế tổ'' do đại thần nhà Thanh là Hoàng Phu Thái tặng dòng họ Nguyễn Tiên Điền, có ý nghĩa là "Dòng dõi nổi tiếng dưới chân núi Hồng". Bức phía dưới là ''Thiên môn tái đăng'', có nghĩa là "Lại lên cửa trời" do Chu Lễ - cháu 24 đời của Chu Công tặng Nguyễn Đề (còn có tên Nguyễn Nễ - anh trai Nguyễn Du) năm 1795.

Nơi yên nghỉ và những tư liệu quý về Đại thi hào Nguyễn Du - 13

Nhà thờ Nguyễn Du được con cháu xây dựng vào năm 1824 sau khi đưa hài cốt cụ về quê. Nhà thờ gồm 3 gian lợp ngói, hai đầu hồi nhà có hai cột quyết, trên có hai con nghê chầu nhau. Ở trong treo các bức đại từ "Hồng Sơn thế phổ", "Thiên môn tái đăng",...

Tháng 7/1954, nhà thờ bị bom đánh trúng, chỉ còn lại một bức tường trên nền cũ và sót lại một ít đồ thờ tự. Sau năm 1954, nhà thờ được xây dựng lại và tu sửa nhiều nhưng vẫn giữ nguyên hình dáng, kích thước cũ.

Nơi yên nghỉ và những tư liệu quý về Đại thi hào Nguyễn Du - 14

Đàn tế và bia đá do Nguyễn Nghiễm (cha Nguyễn Du) cùng người em Nguyễn Trọng dựng năm 1762 để báo hiếu công ơn sinh thành của cha mẹ. Đây là di tích nguyên gốc về hình dáng, chất liệu, đá làm bia được lấy từ Thanh Hóa về.

Nơi yên nghỉ và những tư liệu quý về Đại thi hào Nguyễn Du - 15

Khánh đá trước đây đặt tại đền thờ Tiến sỹ Nguyễn Huệ (bác ruột của Nguyễn Du). Về sau, đền thờ bị hư hỏng. Năm 1965, hiện vật này được chuyển vào trong khuôn viên khu lưu niệm.

Nơi yên nghỉ và những tư liệu quý về Đại thi hào Nguyễn Du - 16

Trước khu lưu niệm có quảng trường Nguyễn Du rộng 4.600m2. Tỉnh Hà Tĩnh đã chi hàng chục tỷ đồng để chỉnh trang, xây dựng nơi đây thành trung tâm văn hóa, du lịch trọng điểm.

Nguyễn Du sinh năm Ất Dậu 1765, tên chữ Tố Như, hiệu Thanh Hiên, quê Tiên Điền, huyện Nghi Xuân. Cha ông là Nguyễn Nghiễm, từng giữ chức Tể tướng dưới triều Lê - Trịnh.

Nguyễn Du mất năm 1820 tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, thọ 56 tuổi. Thi hài ông ban đầu được an táng tại cánh đồng Bàu Đá, xã An Ninh (nay là An Hòa), huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Bốn năm sau đó, con trai ông là Nguyễn Ngũ vào kinh thành Huế xin đưa hài cốt cha về an táng xứ Đồng Mái, sau dời về Đồng Thánh rồi cuối cùng ở cánh đồng Cùng như hiện nay.

Trước khi nằm xuống, Nguyễn Du làm thơ khóc cho Thúy Kiều nhưng cũng khóc cho chính mình rằng: "Bất tri tam bách dư niên hậu/Thiên hạ hà nhân khấp Tố như" (dịch nghĩa: Ba trăm năm nữa ta đâu biết/ Thiên hạ ai người khóc Tố Như). Tố Như - tên hiệu của Nguyễn Du.

Nhưng chưa cần đến mốc thời gian đó, sau khi ông mất, hàng triệu người Việt đã ghi nhận những đóng góp to lớn của ông, tôn xưng là "Đại thi hào dân tộc".  Năm 1964, Hội đồng Hòa bình thế giới công nhận Nguyễn Du là Danh nhân văn hóa thế giới.

Ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du là Di tích quốc gia đặc biệt. Ngày nay, tên của Nguyễn Du được đặt cho nhiều con đường và ngôi trường.