DMagazine

Nhạc sĩ Dương Thụ: Xóa nghèo nhờ âm nhạc và duyên phận với người vợ trẻ

(Dân trí) - 30 năm trước, khi vào TPHCM mở tụ điểm âm nhạc, nhạc sĩ Dương Thụ từng bị khinh rẻ. ("Thằng Thụ phải không? Dân làm ăn ấy mà"). Nhưng nhờ vậy ông đã xóa đi mặc cảm "cơm áo không đùa với khách thơ".

Báo Dân trí có cuộc trò chuyện với tác giả "Họa mi hót trong mưa", về chuyện nghề và chuyện đời của ông nhân dịp nhạc sĩ vừa ra mắt đĩa than "Dương Thụ - 80 năm, một giấc mơ".

Nhạc sĩ Dương Thụ chia sẻ về con đường âm nhạc (Video: Vũ Thịnh).

Nhạc sĩ Dương Thụ: Xóa nghèo nhờ âm nhạc và duyên phận với người vợ trẻ - 2

Thưa nhạc sĩ, cũng như nhiều người yêu âm nhạc khác, tôi biết đến và đón nhận các sáng tác của ông từ thập niên 1990 đến nay. Rất nhiều tác phẩm của ông gắn bó với tuổi thanh xuân của tôi, như "họa mi hót trong mưa", "Mặt trời dịu êm", "Lắng nghe mùa xuân về", "Vẫn hát lời tình yêu"… Được biết ông quê ở Hà Nội, nhưng thời gian dài trong sự nghiệp gắn bó với TPHCM. Vậy ông đã đi vào con đường âm nhạc như thế nào?

- Chắc năm 1977 nếu tôi không vào TPHCM, và năm 1980 nếu không bỏ việc để ra ngoài hành nghề âm nhạc tự do thì bạn sẽ  không có Dương Thụ hôm nay. 

Tôi không biết tôi sẽ thế nào nếu còn ở ngoài ấy bởi tôi viết nhạc chẳng có mục đích cao cả gì. Viết chỉ để thỏa mãn nhu cầu cho riêng mình. Thứ âm nhạc này đài phát thanh, đài truyền hình không cần; các đoàn văn công không cần thì dĩ nhiên ca sĩ cũng không cần nhưng… tôi có dám viết cho họ đâu.

Viết chẳng cho ai, điều này vô lý với mọi người nhưng có lý với riêng tôi, bởi vậy tôi biết mình lạc lõng. Lạc lõng thì chẳng hay ho gì, có lúc cũng thấy buồn.

Nhạc sĩ Dương Thụ: Xóa nghèo nhờ âm nhạc và duyên phận với người vợ trẻ - 4

Vào TPHCM, như cá gặp nước. Mình có thể hoạt động âm nhạc mà không cần phải ở trong đoàn văn công, đài phát thanh & truyền hình, hay ở các đoàn thể văn nghệ nhà nước như hội nhạc sĩ chẳng hạn. Với tư cách cá nhân, tôi đã thành lập ban nhạc của riêng mình, hợp tác với UBND Quận 10 lập tụ điểm ca nhạc lớn nhất thời bấy giờ, nghĩa là tôi bắt đầu "kinh doanh" âm nhạc. Tự mình kiếm tiền bằng hoạt động âm nhạc. Từ tụ điểm Quận 10, các bài hát viết xong để ngăn kéo được đem ra biểu diễn: Lắng nghe mùa Xuân về, Mặt trời êm dịu, Điều còn mãi, Em đi qua tôi, Bóng tối ly cà phê v.v. Bài tưởng sẽ vứt đi, giờ được nhiều người hát và nhờ đó mà "xóa nghèo".

Tôi đã đi vào hoạt động âm nhạc như thế đấy, không ở trong khu vực âm nhạc bao cấp mà trong thị trường âm nhạc. Điều trước đây 30 năm thường bị khinh rẻ. ("Thằng Thụ phải không? Dân làm ăn ấy mà"). Giờ thì ổn rồi phải không bạn.

Nhạc sĩ Dương Thụ: Xóa nghèo nhờ âm nhạc và duyên phận với người vợ trẻ - 6

Vâng, bây giờ nhạc sĩ đã có một sự nghiệp âm nhạc và có tự do tài chính. Nhưng, thủa ban đầu từ Bắc vào Nam "kinh doanh" âm nhạc của ông hẳn không dễ dàng?

- Hoạt động âm nhạc hướng tới công chúng đông đảo là điều tôi chưa từng trải qua. Mà công chúng ở đây lại là người trong Nam, "gu nhạc" của họ không giống những gì mà tôi biết về công chúng khi còn ở ngoài Bắc. Cũng may tôi có 3 năm làm quen với TPHCM. Nói làm quen cũng chưa hẳn mà thành phố đã trả lại cái đời sống tôi vốn có trước năm 1954. 

Qua những người thân trong gia đình và bạn học thời tiểu học di cư vào Nam sống và lập nghiệp ở trong này, tôi hòa nhập khá dễ dàng. Lại có may mắn quen thân với nhiều trí thức văn nghệ sĩ Sài Gòn cũ… Nên ba năm sau (1980), khi bỏ nhà nước để được tự do hành nghề âm nhạc, tôi không còn bỡ ngỡ nữa.

Được sống với giới nghề toàn là những nhân vật đã thành danh trước năm 1975: nhạc sĩ có Bảo Chấn, Quốc Dũng, Lê Hựu Hà; ca sĩ có Thanh Lan, Anh Khoa, Trang Kim Yến, Nhật Trường (Trần Thiện Thanh) v.v. Gắn bó với họ, tôi biết và hiểu thêm nhiều điều nên cảm thấy thoải mái trong môi trường âm nhạc mới. Tôi biết mình đã tìm được đúng chỗ. Trong cuộc đời này sống "sai chỗ" sẽ là một bị kịch. 

Còn về chuyện "kinh doanh" âm nhạc, hồi đó các tụ điểm âm nhạc do nhà nước đứng ra tổ chức chứ tư nhân chưa được làm. Tôi lập dự án, ký hợp đồng với UBND quận 10, hình thành nên tụ điểm âm nhạc có lẽ là lớn nhất nước lúc bây giờ. Tôi chịu trách nhiệm hoan toàn về chương trình (chỉ đạo nghệ thuật, biên tập, mời ca sĩ mời người làm âm thanh & ánh sáng sân khấu). Còn việc kinh doanh (đầu tư cơ sở vật chất, bán vé, và các vấn đề thuộc về tài chính và hành chính thì phía bên Quận họ lo). Chương trình lúc đó mời được những ca sĩ đã nổi danh từ trước năm 1975 ở thành phố, cũng như một số nhạc sĩ, ca sĩ tên tuổi ở miền Bắc, như anh bạn Trần Tiến của tôi, nên các đêm diễn thường cháy vé.

Các nghệ sĩ, trong đó có tôi, được trả cát xê (tiền thù lao) kha khá nên sống được. Theo hợp đồng, tiền cát xê cho tôi cao nhất, cao hơn cả các ca sĩ nổi tiếng và được trả ngay khi đêm diễn kết thúc. Về số tiền thì tôi không còn nhớ cụ thể, và đơn vị tiền tệ lúc ấy khác bây giờ. Ca sĩ nổi tiếng, mỗi đêm diễn hát 2 bài nhận cát xê chắc cũng tương đương khoảng 6 đến 7 triệu đồng.

Tụ điểm âm nhạc quận 10 lúc đó rất thành công. Đêm diễn nào cũng hàng nghìn khán giả, có lúc mọi người xô cửa để vào xem. Quận vui mừng vì vừa có một hoạt động văn hóa trên địa bàn, vừa có nguồn thu tốt. Một mô hình mới đã được tạo ra, giúp các nghệ sĩ có thể sống bằng nghề của mình và khán giả cũng sẵn lòng trả tiền để được giải trí bằng âm nhạc. Đây chính là điều lúc ấy miền Bắc gọi là "thương mại hóa âm nhạc", bây giờ có cái tên hay hơn "công nghiệp văn hóa".

Tất nhiên việc "thương mại hóa âm nhạc" của tôi vấp phải nhiều định kiến. Chuyện nói ra thì dài dòng lắm. Tôi đã phải chịu đựng, nhưng là người "tốt nhịn" nên rồi với thời gian, xã hội phát triển mọi chuyện cũng ổn dần.

Ông từng tự nhận rằng "không có cái hào hoa của người Hà Nội mà có chút chân thành, bình dị của người lao động". Nhiều người sẽ rất tò mò vì sao như vậy?

- Sau 1954, miền Bắc tiến hành cải cách ruộng đất và cải tạo tư sản. Gia đình tôi thuộc thành phần lớp trên. Anh cả tôi vào học lớp cải tạo tại trường đại học nhân dân Thái Hà Ấp rồi đi công trường chè Phú Thọ, anh thứ hai theo nhóm đánh giầy, bán báo lên đập đá ở Trái Hút để khôi phục đường sắt Hà Nội-Lào Cai, còn tôi 14 tuổi đã phải kiếm sống, vừa học vừa làm, học ít làm nhiều.

Tôi làm công nhật, gánh đất, gánh gạch ra lò vào lò trên công trường xây Đại hoc Bách Khoa, Học viện Thủy Lợi và làm boóng (đẩy) xe ba gác chở tre nứa thuê cùng chủ xe giao hàng cho khách trong tận ngõ ngách Hà Nội.

Không còn là "cậu Thụ" quần soóc (sort) kaki Mỹ, áo sơ mi xách cặp da, đi xăng đan về quê trong những dịp nghỉ hè, hay ngồi cùng bố trên chiếc xích lô thuê theo giờ đi hóng gió những ngày nóng bức, mà là một "cậu Thụ" áo rách, chân trần, cầm càng xe ba gác những quãng đường nắng lửa, mưa rét, bụng lép nhưng đôi mắt vẫn sáng, vẫn ngẩn người trước ráng chiêu đỏ rực phía bờ đê sông Hồng, vẫn rạo rực khi gió ào ào từ phía sông thổi vào thành phố.

Được sống hơn những gì mình có thể, được trải nghiệm, được thử thách, được cải tạo thành người lao động thực thụ, hiểu và yêu quý người lao động, nhất là người dân nghèo thành thị. Biết hút thuốc Lào, chỉ không biết quen mồm văng tục chửi bậy như ông chủ xe và anh cai thầu thôi. Giờ mỗi lần về Hà Nội, tôi thường hay ngồi quán chè chén vỉa hè hút thuốc Lào để sống một chút gì đó với ngày xưa.

Nhạc sĩ Dương Thụ: Xóa nghèo nhờ âm nhạc và duyên phận với người vợ trẻ - 8

Ông cũng từng tiết lộ lý do "mãi không thể thành người Sài Gòn". Như vậy, nhạc sĩ Dương Thụ cảm thấy mình thuộc về nơi nào nhất?

- Vào TPHCM, tôi sống với giới nghề toàn là những nhân vật của Sài Gòn cũ. Còn công chúng âm nhạc mà tôi thường gặp họ mỗi đêm vẫn là dân "anh hai" hoặc dân Bắc di cư, cách nói, cách biểu cảm, "ngữ âm vùng miền" vô cùng khác biệt. Họ bình dị, cởi mở, nhẹ nhàng, dễ gần. Gắn bó với họ, biết và hiểu thêm nhiều điều, nhưng tôi vẫn là tôi, một anh chàng Hà Nội trưởng thành sau 1954. 

Trong này khi gặp tôi, ai cũng nghĩ tôi mới ở Hà Nội vào. Một phóng viên HTV mới đây trong cuộc phỏng vấn đã hỏi: "Thưa nhạc sĩ, mỗi năm nhạc sĩ vào TPHCM mấy lần?". Tôi vô cùng ngạc nhiên, lý ra phải hỏi ngược lại mới đúng. Mình ở TPHCM đã hơn 40 năm sao họ vẫn nghĩ mình là người ở ngoài Hà Nội. Có lẽ ở giọng nói, ở cách giao tiếp, ở cái vẻ mặt gì đó chăng mà vào sống nơi đây phải thay đổi chứ không thể như thế được. 

Tôi không thể thay đổi có thể vì tính bảo thủ bẩm sinh, vì cái gốc rễ văn hóa ăn sâu trong con người mình từ thuở bé. Vì vẫn nặng lòng với kỷ niệm "dâu bể" một thời. Tôi vẫn nhớ mùa đông, nhớ về chốn cũ. Nghe bài "Mong về Hà Nội" hay đọc cuốn "Cà phê…mưa" của tôi bạn sẽ hiểu được điều này.  Sinh ra và lớn lên ở ngoài ấy, 34 tuổi mới vào TPHCM. Nơi ta thuộc về chính là nơi ta sinh ra và lớn lên. Có phải thế không. 

Nhạc sĩ Dương Thụ: Xóa nghèo nhờ âm nhạc và duyên phận với người vợ trẻ - 10

Khi bắt đầu sự nghiệp sáng tác của mình, ông chịu ảnh hưởng của ai không? Điều gì quyết định phong cách âm nhạc của ông?

- Thủa bé tôi mê nhạc Phạm Duy, những sáng tác đầu tiên chịu ảnh hưởng của ông ấy. Lớn lên một chút, bắt đầu có ý thức thì phải "chống" lại Phạm Duy để trở thành Dương Thụ, một Dương Thụ có thể chưa hay lắm nhưng là chính nó. Giờ ngẫm lại thấy nhạc mình không giống nhạc tiền chiến, không giống nhạc cách mạng, không giống nhạc Sài Gòn cũ. Có người nhận xét nhạc Dương Thụ không dễ nghe, khó hát, khó karaoke và cũng không hay lắm. Điều này đôi lúc khiến tôi mất tự tin, nhưng phải chấp nhận thôi. 

Thực ra người viết nhạc có sự nghiệp tất phải chịu ảnh hưởng của những người đi trước, của nhạc cổ điển, của dân ca, giống như một cái cây muốn sống và phát triển nó phải hút dưỡng chất từ đất, nước, ánh nắng và khí trời. Tôi cũng là một cái cây như thế.

Nhạc sĩ Dương Thụ: Xóa nghèo nhờ âm nhạc và duyên phận với người vợ trẻ - 12

Đạo diễn Lê Hoàng từng nhận xét rằng nhạc sĩ Dương Thụ "có cái nhìn trẻ thơ trong sự vật". "Ông mở mắt to tròn nhìn chim họa mi trong khi kẻ khác ở thế hệ ông giương mắt nhìn đại bàng hay nhìn quạ". Ông thấy sao về nhận xét này?

- Anh Lê Hoàng nói tôi có cái nhìn trẻ thơ trong sự vật là đúng . Còn bảo tôi "mở mắt to tròn nhìn chim họa mi" còn những người cùng thế hệ thì "giương mắt nhìn đại bàng hay nhìn quạ" là cũng bởi ông ấy thích đùa đấy thôi. So sánh này đúng hay không là tùy thuộc vào nhận xét của mọi người. Tự tôi không thích so sánh mình với người khác. Hay dở mình vẫn chỉ là mình thôi.   

Thể loại âm nhạc ông yêu thích là gì? Vì sao? 

- Âm nhạc giao hưởng - thính phòng. Tôi thích từ nhỏ và là giấc mơ của tôi khi thi vào trường nhạc.

Đâu là những nhạc sĩ trên thế giới và trong nước mà ông mến mộ? 

- Nhạc cổ điển tôi thích hai người: Chopin và Rachmaninoff. Nhạc nhẹ thì thích Sting và nhóm Pink Floyd và cô Enya. Trong nước là Phạm Duy và một người Việt Nam sống ở nước ngoài là Tôn Thất Tiết.

Ca sĩ nào thể hiện thành công nhất tác phẩm của ông?

- Theo tôi mình không nên nói nhất ở đây. Mỗi người hát đều có cái hay riêng của họ. Với tôi thành công dĩ nhiên là những người trong "gia đình âm nhạc Dương Thụ" (Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Nguyên Thảo, Khánh Linh, Bằng Kiều), ngoài ra phải kể đến Tùng Dương, Trần Thu Hà, Hà Linh, Phạm Thu Hà. Cùng bài Bay vào ngày xanh Thanh Lam hát khi làm Album Nghe mưa, hay khác với Thanh Lam hát trong Live Show Bình minh, dĩ nhiên là khác hẳn cái hay của Phạm Thu Hà khi hát bài này.

Thành công của ca sĩ hát một bài nào đó phụ thuộc vào chính họ (màu giọng và cách cảm nhận của riêng họ về tác phẩm), tác giả phải đứng ngoài thôi. Tôi tôn trọng cái riêng của mỗi người và sự đóng góp của họ cho sự thành công của tác phẩm.

Nhạc sĩ Dương Thụ: Xóa nghèo nhờ âm nhạc và duyên phận với người vợ trẻ - 14

Công chúng yêu nhạc được biết đến tình bạn của ông với ba nhạc sĩ Phó Đức Phương, Trần Tiến, Nguyễn Cường. Ông thường gọi họ là Phương "gàn", Tiến "bụi" và Cường "Cuồng nhiệt". Tình bạn này đã hình thành như thế nào?

- Với Phó Đức Phương là từ năm 1962, Khi Phương học khoa Toán, Tôi học khoa Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội. Với Trần Tiến từ năm 1964 khi Tiến còn rất trẻ, với Nguyễn Cường từ năm 1970 khi Cường còn làm ở trường Đại học Mỏ - Địa chất.

Bốn người lúc ấy là những kẻ vô danh nhưng chơi với nhau rất thân thiết bởi cùng chung giấc mơ âm nhạc dẫu rằng con đường âm nhạc của mỗi người chẳng ai giống ai.

Nhạc sĩ Dương Thụ: Xóa nghèo nhờ âm nhạc và duyên phận với người vợ trẻ - 16

Cả bốn người coi nhau nhau như anh em ruột thịt và sự thân thiết không phải chỉ trong âm nhạc. Người thành công đầu tiên là Phó Đức Phương nhưng người thành công nhất và được công chúng yêu mến nhất phải là "cậu út" Trần Tiến, sau mới đến Nguyễn Cường. Tôi thì kém duyên hơn, nhưng như thế là cũng tốt lắm rồi. Được sống với âm nhạc trọn đời, lại có được người nghe tri kỷ với mình và có được ba anh bạn nối danh như thế thì còn mong gì hơn 

Ông là người nhạc sĩ đã cống hiến cho âm nhạc rất nhiều tác phẩm sống mãi với thời gian. Vậy theo ông, âm nhạc đã mang lại cho ông những gì?

- Làm sao bạn có thể nghĩ rằng nhiều tác phẩm của tôi sống mãi với thời gian? Tôi không dám tin điều đó. Cuộc sống đang thay đổi rất nhiều nhất là hệ giá trị thẩm mỹ. Đến ngày hôm nay còn được ca sĩ dùng bài của mình để "chạy Show" là đáng mừng rồi. Ngày mai thì… hãy chờ đấy.

Còn chuyện âm nhạc đã mang lại cho tôi điều gì ư? Nó cho tôi biết mình là ai. Mình có thể làm được những gì. Nó giúp tôi thoát nghèo và loại bỏ được trong đầu óc mình cái mặc định muôn thuở "cơm áo không đùa với khách thơ".

Nhạc sĩ Dương Thụ: Xóa nghèo nhờ âm nhạc và duyên phận với người vợ trẻ - 18

Báo chí viết về cuộc hôn nhân của ông với người vợ ít hơn 29 tuổi với rất nhiều sắc thái. Ông có thể chia sẻ điều gì mà ông muốn nói nhất?

- Hôn nhân là duyên phận. Chúng ta có thể gặp may và cũng có thể không gặp may. Hôn nhân mà kéo dài gần 30 năm như bọn tôi là tôi gặp may đấy. Tuổi tác không quan trọng. Tình yêu "sét đánh" chưa chắc đã quan trọng. Phải sống với nhau nhiều vào, có thể cũng phải cãi nhau nhiều vào mà vẫn thấy ổn thì mới được. Cái ổn ấy là chúng ta có một gia đình đúng với ý nghĩa của nó.

Tôi nghĩ người Việt mình có nguy cơ đánh mất gia đình (không phải theo nghĩa đen). Tôi nhớ chuyện nhà văn Thạch Lam thời Tự lực văn đoàn khi bạn rủ ông đi cà phê, ông thường bảo "về cà phê nhà mình, vợ mình pha cà phê ngon lắm". Gia đình đấy bạn. Tối không bắt chước ông Thạch Lam nhưng tôi cũng thế.

Nhạc sĩ Dương Thụ: Xóa nghèo nhờ âm nhạc và duyên phận với người vợ trẻ - 20

Quan niệm của ông về ý nghĩa cuộc sống và hạnh phúc?

- Đây là điều tôi ít khi nghĩ tới. Thế nào là cuộc sống có ý nghĩa, thế nào là hạnh phúc ư? Bạn chỉ có thể cảm nhận được được ý nghĩa cuộc sống thực sự, cảm nhận được hạnh phúc thực sự khi bạn là con người tự do và tự tại. Còn lý thuyết về nó thì các bạn trẻ bây giờ rất giỏi, ai cũng biết cả và còn rao giảng chuyện này trên mạng nghe cũng hay lắm. 

Cùng với âm nhạc, nhiều năm nay ông theo đuổi dự án văn hóa, tổ chức "Cà phê thứ Bảy" nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa với nhiều chủ đề khác nhau. Vì sao ông tâm huyết với công việc này?

- Trong tôi có ba con người: Con người của gia đình, con người của âm nhạc và con người của xã hội. Hai con người trên thì ổn. Còn con người xã hội thì có vấn để. Tôi là kẻ không được tin dùng, nhiều khi muốn làm một cái gì đó cho có đóng góp một chút mà…

Năm 2009 tôi nghĩ ra dự án cà phê thứ Bảy và duy trì được nó cho đến bây giờ, nhờ đó con người xã hội của tôi đã cân bằng với hai con người kia. 

Làm một công việc do mình nghĩ ra, đúng với sở trường, lại có ích cho mọi người, góp phần nho nhỏ cho sự phát triển chung, tôi thấy toại nguyện.

Ý tưởng "Cà phê thứ Bảy" đến với ông như thế nào? 

- Tôi nhớ ngày xưa đi uống cà phê với các bậc đàn anh như Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Văn Cao, Bùi Xuân Phái, Dương Tường v.v. thích lắm.

Những vấn đề của họ cùng sự uyên bác, cảm hứng bất ngờ và những suy nghĩ rất "dị" đã quyến rũ tôi, đánh thức những cái còn "ngủ" trong tôi giống như khi tôi đọc, xem, nghe những gì tuyệt vời trong các phẩm văn học, điện ảnh, mỹ thuật, âm nhạc đỉnh cao vậy.

Được nghe những người giỏi hơn mình trò chuyện là cả một sự may mắn. Tôi muốn dành sự may mắn đó cho các bạn trẻ trong dự án cà phê thứ Bảy, tạo ra một chuỗi quán cà phê, để làm sao mọi người đến uống một ly cà phê ngon, không gian lịch sự, nghe nhạc chất lượng, tử tế… và vào cuối tuần có những talk show (cuộc trò chuyện) về những vấn đề văn hóa, tri thức với những bậc đàn anh, những nhân vật hàng đầu trong giới trí thức văn nghệ sĩ. Tất nhiên không thể cà phê với Trần Dần, Văn Cao, Bùi Xuân Phái v.v. vì họ đã ở cõi khác, nhưng sẽ có những Trần Dần, Văn Cao, Bùi Xuân Phái của thế kỷ 21 và nhiều nhân vật mới khác của ngày hôm nay.

Nhạc sĩ Dương Thụ: Xóa nghèo nhờ âm nhạc và duyên phận với người vợ trẻ - 22

Những dự định của ông hiện nay?

- Thực hiện chương trình Cửa sổ âm nhạc No.5 dự định làm với dàn nhạc Giao hưởng VNSO tại Hà Nội, HSBO ở TPHCM theo phong cách thính phòng. Ở đó các bạn sẽ được nghe một nửa là những bài hát lần đầu tiên được công diễn và với một vài ca sĩ mới. Nếu dự án này thuận buồm xuôi gió nó sẽ được trình diễn vào cuối năm nay.

Xin trân trọng cảm ơn nhạc sĩ Dương Thụ.

Nội dung: Võ Văn Thành

Ảnh: Mạnh Quân

Video: Vũ Thịnh

Thiết kế: Patrick Nguyễn