PhotoStory

Người dân hóa trang thần tiên, diễu hành lễ nghinh thần độc đáo ở Biên Hòa

Thực hiện: Phước Tuần

(Dân trí) - Hơn 1.000 người hóa trang thành thần tiên, nhân vật lịch sử, múa lân sư rồng, mặc trang phục truyền thống... diễu hành qua các tuyến phố trung tâm TP Biên Hòa.

Người dân hóa trang thần tiên, diễu hành lễ nghinh thần độc đáo ở Biên Hòa - 1

Ngày 19/2, người dân Biên Hòa, Bình Dương, TPHCM cùng nhiều đoàn du khách quốc tế tham gia diễu hành lễ nghinh thần độc đáo trên sông Đồng Nai và đường phố Biên Hòa. Chương trình nằm trong lễ hội Chùa Ông diễn ra từ Mùng 9 đến 13 tháng Giêng do UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức. 

Lễ nghinh thần là hình thức đưa vị thần dân gian, công thần khai phá, mở mang vùng đất Biên Hòa đi tham quan dân tình nhân dịp đầu năm mới. Năm nay, lễ nghinh thần tổ chức đồng bộ trên cả đường thủy và đường bộ. 

Người dân hóa trang thần tiên, diễu hành lễ nghinh thần độc đáo ở Biên Hòa - 2

Trước khi diễu hành đường bộ, đoàn gồm 10 chiếc phà đã nghinh Đức Ông trên sông Đồng Nai từ cầu Ghềnh đến cầu Hóa An qua trung tâm TP Biên Hòa dài hơn 1km.

Người dân hóa trang thần tiên, diễu hành lễ nghinh thần độc đáo ở Biên Hòa - 3

Theo Ban Trị sự Thất phủ cổ miếu (phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa), lễ nghinh thần là hình thức đưa vị thần dân gian, vị công thần khai phá, mở mang vùng đất Biên Hòa đi tham quan dân tình nhân dịp đầu năm mới. Qua đó, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.

Người dân hóa trang thần tiên, diễu hành lễ nghinh thần độc đáo ở Biên Hòa - 4

Đoàn diễu hành lễ nghinh thần gồm nghệ nhân, diễn viên, người dân TP Biên Hòa nối dài hơn 300m. Các đoàn múa lân sư rồng, thần tiên hóa trang, trang phục truyền thống, nghệ thuật biểu diễn đường phố... sẽ xếp hàng, lần lượt diễu hành qua nhiều đường phố trung tâm TP Biên Hòa để tưởng nhớ công thần có công lao trong việc khai khẩn, mở mang vùng đất Biên Hòa. 

Người dân hóa trang thần tiên, diễu hành lễ nghinh thần độc đáo ở Biên Hòa - 5

Mở đầu đoàn diễu hành lễ nghinh thần là đội nghi lễ kèn, trống do học sinh THCS trên địa bàn TP Biên Hòa biểu diễn. Các em vừa di chuyển vừa biểu diễn kèn, trống thu hút đông đảo người dân theo dõi. 

Người dân hóa trang thần tiên, diễu hành lễ nghinh thần độc đáo ở Biên Hòa - 6

Tại những tuyến đường đi qua, đoàn nghệ thuật, hội quán sẽ trình diễn múa lân sư rồng, múa quạt, múa trống, nghệ thuật đường phố phục vụ người dân và du khách. 

Người dân hóa trang thần tiên, diễu hành lễ nghinh thần độc đáo ở Biên Hòa - 7

Từ sáng sớm, rất đông người dân, du khách đứng chật kín hai bên đường Cách Mạng Tháng Tám, Phan Văn Trị đợi đoàn diễu hành đi qua. Đây được xem là lễ hội lớn nhất đầu xuân Giáp Thìn được người dân TP Biên Hòa chờ đợi. 

Người dân hóa trang thần tiên, diễu hành lễ nghinh thần độc đáo ở Biên Hòa - 8

Chị Lê Thị Khánh Vy (diễn viên trường Trung cấp múa TPHCM), cho biết, lễ nghinh thần cả nhóm phải đi bộ hơn 3km, vừa đi vừa múa. Dù thời tiết nắng gắt, đi bộ khá mệt nhưng khi được hòa mình vào lễ hội, bản thân cảm thấy rất vui. 

Nhiều năm qua, lễ hội chùa Ông được duy trì, tổ chức nhằm gắn kết tín ngưỡng dân gian trong truyền thống văn hóa lâu đời của hai dân tộc Việt - Hoa. Trong đoàn diễu hành nghinh thần có nhiều cụ ông mặc áo dài truyền thống. 

Người dân hóa trang thần tiên, diễu hành lễ nghinh thần độc đáo ở Biên Hòa - 9

Cũng có nhiều đoàn diễu hành nghinh thần mặc trang phục truyền thống của cộng đồng người Hoa tại Đồng Nai, Bình Dương và TPHCM. 

Người dân hóa trang thần tiên, diễu hành lễ nghinh thần độc đáo ở Biên Hòa - 10

Hằng năm, lễ hội Chùa Ông thu hút rất đông người dân, du khách thập phương và các hội quán cộng đồng người Hoa trong cả nước đến tham gia. Nhiều hội quán mang đến lễ nghinh thần tiết mục hóa trang những vị tướng quân. 

Người dân hóa trang thần tiên, diễu hành lễ nghinh thần độc đáo ở Biên Hòa - 11

Thành viên của một hội quán mặc đồng phục, hóa trang nhiều vị thần tiên, đi cà kheo di chuyển trên đường Cách Mạng Tháng Tám. 

Người dân hóa trang thần tiên, diễu hành lễ nghinh thần độc đáo ở Biên Hòa - 12

Chùa Ông được khai tạo năm 1684, thờ Quan Thánh Đế Quân. Đây là ngôi chùa Hoa có niên đại sớm nhất ở Nam Bộ, gắn với cộng đồng di dân do Tổng binh Trần Thượng Xuyên đưa đến định cư ở Cù lao phố - Biên Hòa năm 1679, tạo lập Nông Nại Đại Phố - một thương cảng đô hội sầm uất đầu tiên ở vùng đất phương Nam.