PhotoStory

Ngắm dàn mỹ nữ vùng cao tại lễ hội Tậc Ka Coong

Thực hiện: Vi Thảo

(Dân trí) - Lễ Tậc Ka Coong (cúng thần núi) được người Cơ Tu tại huyện vùng cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức vào thời điểm nông nhàn của mùa hè, khi trời ít mưa.

Ngắm dàn mỹ nữ vùng cao tại lễ hội Tậc Ka Coong - 1

Sáng 16/5 tại Trung tâm Văn hóa huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế), Ban Tổ chức các ngày lễ lớn huyện A Lưới phối hợp với đơn vị liên quan tái hiện lễ hội Tậc Ka Coong (cúng thần núi) của đồng bào Cơ Tu trên địa bàn.

Chương trình nằm trong khuôn khổ Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XV, năm 2024.

Ngắm dàn mỹ nữ vùng cao tại lễ hội Tậc Ka Coong - 2

Dân tộc Cơ Tu huyện A Lưới, sống tập trung ở các xã Hồng Hạ, Hương Nguyên, Hương Lâm cũ (nay là xã Lâm Đớt) và số ít ở xã Hồng Thượng, Phú Vinh.

Dân tộc Cơ Tu A Lưới có trên 10 lễ hội truyền thống lớn nhỏ, luôn được duy trì và phát huy, trong đó có lễ Tậc Ka Coong (còn gọi là Puy Dàng xứ).

Theo già làng Hồ Văn Xáp (83 tuổi, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới), Tậc Ka Coong là lễ hội để người Cơ Tu cúng tạ ơn thần núi, rừng, sông, suối trong phạm vi làng cai quản, đã ban tặng cho con cháu làng bản có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, sung túc đủ đầy, mùa màng bội thu, sức khỏe, bình an.

Ngắm dàn mỹ nữ vùng cao tại lễ hội Tậc Ka Coong - 3

Dâng mâm cỗ sạch cho các vị dàng, thần linh thưởng thức là một trong những hoạt động của lễ hội. Bên cạnh đó còn có hoạt động tẩy rửa những điều nhơ bẩn, ô uế mà con cháu trong làng vô tình gây ra...

Lễ cúng thần núi thường được người Cơ Tu thực hiện vào những ngày nông nhàn vào các tháng mùa hè hằng năm. 

Để chuẩn bị cho lễ cúng, già làng sẽ đứng ra tổ chức họp, có sự tham gia đông đủ của các trưởng gia đình, họ tộc để bàn bạc về cách thức, quy mô tổ chức, lễ vật chính, thời gian diễn ra, chỉ tiêu đóng góp, lượng khách được mời. 

Ngắm dàn mỹ nữ vùng cao tại lễ hội Tậc Ka Coong - 4

Các vị già làng tuyển chọn những cô gái, chàng trai Cơ tu đẹp người, có tâm hồn thánh thiện, trong sáng để dâng mâm cỗ để cúng cho thần linh, lễ hội Tậc Ka Coong.

Bạn Nguyễn Thị Hạ Liên (23 tuổi, người Cơ Tu, ở xã Hồng Thượng, huyện A Lưới), cho biết rất vui và tự hào khi được lựa chọn tham gia phục vụ lễ hội, đồng thời mong muốn nét đẹp truyền thống này sẽ được các thế hệ trẻ duy trì, tiếp nối, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Ngắm dàn mỹ nữ vùng cao tại lễ hội Tậc Ka Coong - 5

Trong lễ Tậc Ka Coong, những chàng trai, cô gái người Cơ Tu còn trình diễn các điệu dân vũ truyền thống, tạ ơn các vị thần đã ban cho con cháu, làng bản có cuộc sống bình yên, no đủ, con cháu trưởng thành nên người đồng thời cầu xin các vị thần tiếp tục bảo vệ che chở và ban cho con cháu, làng bản sức khỏe, may mắn, thịnh vượng, an lành, hạnh phúc.

Ngắm dàn mỹ nữ vùng cao tại lễ hội Tậc Ka Coong - 6

Già làng với con cháu làng bản Cơ Tu cùng hòa theo tiếng chiêng, nhịp trống, vũ điệu uyển chuyển, gửi trao nhau những ánh mắt, nụ cười thân thương, gắn bó tình làng, nghĩa bản "sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau".

Ngắm dàn mỹ nữ vùng cao tại lễ hội Tậc Ka Coong - 7

Theo lãnh đạo Phòng Văn hóa - Thể thao và Thông tin huyện A Lưới, con cháu người Cơ tu A Lưới ngày nay vẫn còn lưu truyền, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của chính dân tộc mình. 

Lễ hội Tậc Ka Coong là nét đẹp của dân tộc, là tinh hoa văn hóa mang giá trị nhân văn sâu sắc giữa con người với ngọn núi, cánh rừng, con sông, dòng suối. 

Ngắm dàn mỹ nữ vùng cao tại lễ hội Tậc Ka Coong - 8
Ngắm dàn mỹ nữ vùng cao tại lễ hội Tậc Ka Coong - 9
Ngắm dàn mỹ nữ vùng cao tại lễ hội Tậc Ka Coong - 10

Làng bản người Cơ tu luôn sống biết ơn, tôn thờ và mãi gắn bó, chan hòa với vạn vật, thiên nhiên, nơi mình sinh ra, lớn lên và trưởng thành.

Ngắm dàn mỹ nữ vùng cao tại lễ hội Tậc Ka Coong - 11

Phụ nữ Cơ Tu để tóc dài búi ra sau gáy hoặc thả buông. Xưa họ để trần chỉ buộc một miếng vải như chiếc yếm che ngực. 

Ngắm dàn mỹ nữ vùng cao tại lễ hội Tậc Ka Coong - 12

Người Cơ Tu chuẩn bị các món ăn được chế biến từ những phần ngon nhất của các vật tế, trâu, bò, dê, heo, gà... cùng các món bánh được làm từ những hạt nếp nương dẻo thơm, những sản phẩm truyền thống như vải zèng...

Người cúng sẽ dâng lên cho các vị dàng, thần linh thưởng thức, chung vui cùng lễ hội.