DMagazine

Lý do đằng sau sự mạnh tay của nhà chức trách Trung Quốc đối với showbiz

(Dân trí) - Những trường hợp thanh niên từ bỏ cả tương lai để săn đuổi thần tượng, hành động phi pháp để được ở gần thần tượng, khiến nhà chức trách Trung Quốc phải vào cuộc vì tương lai thế hệ trẻ.

Lý do đằng sau sự mạnh tay của nhà chức trách Trung Quốc đối với showbiz

Những trường hợp thanh niên từ bỏ cả tương lai để săn đuổi thần tượng, hành động phi pháp để được ở gần thần tượng, khiến nhà chức trách Trung Quốc phải vào cuộc vì tương lai thế hệ trẻ.

Bỏ cả tương lai vì thần tượng: Một biến tướng của "văn hóa thần tượng"

Năm 2017, một cô gái 18 tuổi có tên Gong Yuwen bất ngờ trở thành tâm điểm chú ý tại Trung Quốc như một trường hợp điển hình của "văn hóa thần tượng" lệch lạc tại quốc gia này.

Gong Yuwen bỏ học, không muốn đi làm, dành tất cả thời gian để lang thang trong sân bay Hồng Kiều Thượng Hải, tại đây, cô nằm ngồi vạ vật cả ngày để chờ sự xuất hiện của những ngôi sao nổi tiếng. Tất cả những gì Gong Yuwen muốn chỉ là một tấm ảnh lưu niệm chụp với ngôi sao. Khi thấy xuất hiện một ngôi sao, cô sẽ chạy hối hả về phía họ để xin chụp hình, rồi đăng tải lên mạng.

Điều đáng nói về trường hợp của Gong là cô không phải "fan cứng" của một ngôi sao hay vài ngôi sao, thay vào đó, cô là "fan của tất cả các ngôi sao", cô săn đón tất cả các ngôi sao có thể tiếp cận.

Lý do đằng sau sự mạnh tay của nhà chức trách Trung Quốc đối với showbiz - 1

Hiện tại, "văn hóa thần tượng" có nhiều dấu hiệu lệch lạc đang khiến nhà chức trách Trung Quốc quyết định ra tay chấn chỉnh.

Câu chuyện về Gong được truyền thông và cộng đồng mạng Trung Quốc nhắc tới suốt một thời gian, họ gọi cô là "diva sân bay Hồng Kiều".

Các trang tin bắt đầu thử tìm hiểu về cuộc sống riêng của cô gái này, hóa ra suốt những năm tháng đi học, Gong chểnh mảng học hành, chỉ quan tâm tới các ngôi sao, kết quả học tập yếu kém. Không học lên cao, nhưng Gong cũng không chịu đi tìm việc làm và vẫn sống dựa vào gia đình, được gia đình chăm nom, chu cấp.

Gong chính là một ví dụ của sự phát triển lệch lạc mà một bộ phận thanh niên ở Trung Quốc đang vướng vào sau khi bị ảnh hưởng bởi "văn hóa thần tượng".

"Văn hóa thần tượng" là từ dùng để chỉ văn hóa ứng xử, cách thức mến mộ mà một fan hay một cộng đồng fan dành cho một ngôi sao. Mở rộng ra, đó là văn hóa mến mộ mà công chúng dành cho giới sao showbiz trong một nền công nghiệp giải trí.

Hiện tại, cách thức giới trẻ Trung Quốc tôn sùng mù quáng thần tượng, không phân biệt đúng sai, không có định hướng phát triển cho bản thân, khiến nhiều người trẻ phát triển lệch lạc, kém cỏi, chính là điều khiến nhà chức trách Trung Quốc rất lo lắng và quyết định mạnh tay chấn chỉnh, để mức độ ảnh hưởng của "văn hóa thần tượng" đối với giới trẻ nước này giảm bớt.

Hành động phi pháp để được ở gần thần tượng, khiến thần tượng... "khóc thét"

Sau khi "diva sân bay Hồng Kiều" Gong Yuwen được biết tới, những năm sau đó, "văn hóa thần tượng" trong giới trẻ Trung Quốc còn bùng nổ mạnh mẽ hơn, bởi các phim điện ảnh và show truyền hình ngày càng trở nên phổ biến, nền công nghiệp giải trí phát triển như vũ bão, đưa về những khoản lợi nhuận khổng lồ.

Danh tiếng giới sao được đẩy lên cực độ, tầm ảnh hưởng của các ngôi sao đối với cộng đồng fan lớn hơn các ngôi sao thuở trước rất nhiều.

Lý do đằng sau sự mạnh tay của nhà chức trách Trung Quốc đối với showbiz - 2

Vừa tháng trước, cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ hai fan đeo bám nam diễn viên Hoa ngữ - Vương Nhất Bác (ảnh).

Các nhà nghiên cứu xã hội tại Trung Quốc đã kêu gọi nhà chức trách cần ra tay chặn đứng hiện tượng "tôn thờ thần tượng" đang ngày càng trở nên lệch lạc trong giới trẻ, để quốc gia này không bị mất đi những nguồn lực lao động quý giá chỉ vì những biến tướng của "văn hóa thần tượng".

Vừa tháng trước, cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ hai fan đeo bám nam diễn viên Hoa ngữ - Vương Nhất Bác. Hai fan này gắn thiết bị theo dõi định vị lên xe hơi mà nam diễn viên đang sử dụng. Hai fan cuồng không ngừng lẽo đẽo đi theo Vương Nhất Bác, theo dõi từng hoạt động thường ngày của anh và bán những thông tin, hình ảnh vụn vặt này cho những fan cuồng khác.

Họ chia sẻ thông tin vị trí của Vương Nhất Bác để những người khác cùng tìm đến chiêm ngưỡng thần tượng "bằng xương bằng thịt". Chính một số fan khác của Vương Nhất Bác khi được chia sẻ về hoạt động của 2 fan cuồng kể trên, đã chủ động thông báo cho cảnh sát can thiệp.

Thần tượng tới mức hành xử lầm lạc

Lý do đằng sau sự mạnh tay của nhà chức trách Trung Quốc đối với showbiz - 3

Hồi tháng 5 năm nay, show thực tế ăn khách tại Trung Quốc - "Thanh xuân có bạn" bị ngừng sản xuất vì vướng scandal.

Hồi tháng 5 năm nay, show thực tế ăn khách tại Trung Quốc - "Thanh xuân có bạn" bị ngừng sản xuất vì vướng scandal. Theo đó, các cộng đồng fan của những thí sinh đang tranh tài tại cuộc thi đã mua hàng loạt chai sữa của nhà tài trợ về rồi đổ xuống cống.

Tất cả những gì fan cần là có mã in trên chai sữa để bình chọn cho thần tượng, còn bản thân họ không có nhu cầu dùng sữa. Những clip post đổ sữa xuống cống, vứt hàng loạt chai sữa chưa uống vào sọt rác đã được fan đăng tải như một cách bày tỏ sự cuồng nhiệt "không tiếc gì" dành cho thần tượng, làm tất cả để "vun đắp" cho thành công của thần tượng.

Câu chuyện này gây chấn động dư luận, nhà chức trách đã ngay lập tức can thiệp, làm việc với nhà sản xuất chương trình. Sau đó, show này bị dừng sản xuất cùng với nhiều show thần tượng khác. Nhưng rõ ràng, những biến tướng lệch lạc trong "văn hóa thần tượng" đã đi quá xa, đã để lại những ảnh hưởng lớn đối với cách thức tư duy và hành động của một bộ phận giới trẻ tại Trung Quốc.

"Văn hóa thần tượng" lệch lạc tới mức fan hành xử như thể... tâm thần

Trở lại với trường hợp ngôi sao trẻ Vương Nhất Bác. Anh bắt đầu trở nên nổi tiếng sau khi tham gia vào boyband Uniq, rồi phát triển sự nghiệp ca hát solo và lấn sân sang diễn xuất, sự việc hai fan vừa bị bắt vì gắn thiết bị theo dõi lên xe của anh không phải là lần đầu Nhất Bác trải qua chuyện này, trước đó, đã có những fan khác làm như vậy với anh.

Năm ngoái, Vương Nhất Bác đã tâm sự về việc anh cảm thấy mình bị quấy rối bởi một bộ phận fan cuồng. Với tư cách một ngôi sao, anh lên án "văn hóa thần tượng" lệch lạc tồn tại ở một bộ phận giới trẻ Trung Quốc hiện nay.

Những trường hợp thanh niên từ bỏ cả tương lai vì săn đuổi thần tượng như "diva sân bay Hồng Kiều", hay những trường hợp sẵn sàng hành động phi pháp như 2 fan vừa gắn thiết bị theo dõi lên xe của thần tượng đã khiến người ta đặt ra câu hỏi: Điều gì đang xảy ra trong giới trẻ Trung Quốc?

Tại sao có những fan vì mến mộ thần tượng mà bỏ cả tương lai, hành xử phi pháp và có dấu hiệu... tâm thần như vậy?

Lý do đằng sau sự mạnh tay của nhà chức trách Trung Quốc đối với showbiz - 4

Tại sao có những fan vì mến mộ thần tượng mà bỏ cả tương lai, hành xử phi pháp và có dấu hiệu... tâm thần?

Các nhà nghiên cứu xã hội của nước này cho rằng việc tôn thờ thần tượng, với những dấu hiệu lệch lạc, thậm chí... tâm thần, là những tín hiệu nguy hiểm không thể bỏ qua và cần sớm có động thái can thiệp chấn chỉnh.

Từ thần tượng tới đeo bám, quấy rối thần tượng chính là khi fan bắt đầu bị lệch lạc trong cách thức tư duy. Họ bị hoang tưởng, coi thần tượng là của riêng mình, có những điều gần gũi đặc biệt với riêng mình, có những điểm chung lý tưởng cùng với mình và tự tạo nên một mối quan hệ thân thiết một chiều hoàn toàn giả tưởng, khi ấy, fan cuồng sẽ bắt đầu hành xử không kiểm soát.

Vì không ngừng theo dõi thông tin về thần tượng, nên fan cuồng cảm thấy họ thân thuộc quá đỗi với thần tượng từ ngoại hình, cử chỉ, lời nói, cho tới phong cách nghệ thuật... Và dù chưa từng trò chuyện trực tiếp với thần tượng, họ vẫn cảm thấy thần tượng vô cùng gần gũi với riêng mình.

Một số nghiên cứu tâm lý chỉ ra rằng khi thần tượng một ngôi sao tới mức bệnh hoạn, lệch lạc thì fan cuồng cần được điều trị tâm lý mới có thể trở lại với cách thức tư duy, hành xử bình thường.

Thực tế, tại nhiều quốc gia, các nhà chức trách đều đang đau đầu với sự xuất hiện của một dạng tội phạm mới: tội phạm là... fan cuồng. Năm ngoái, ngôi sao nhạc pop người Nhật - Ena Matsuoka đã bị theo dõi bởi một fan cuồng và sau đó bị tấn công tình dục bởi chính người này.

Liệu Trung Quốc có thể chấn chỉnh "văn hóa thần tượng" được không?

Khi cơn cuồng thần tượng trong giới trẻ Trung Quốc không ngừng có những dấu hiệu mất kiểm soát tới mức độ lệch lạc, nhà chức trách nước này đang thực hiện nhiều biện pháp để điều hòa lại "văn hóa thần tượng" trong giới trẻ.

Đó chính là lý do của cuộc "phong sát" (phong tỏa, triệt hạ) đối với những ngôi sao lớn vi phạm pháp luật hoặc vướng bê bối nghiêm trọng trong showbiz Hoa ngữ hiện nay.

Lý do đằng sau sự mạnh tay của nhà chức trách Trung Quốc đối với showbiz - 5

Scandal của Ngô Diệc Phàm mở đầu cho chiến dịch chấn chỉnh "văn hóa thần tượng" mà nhà chức trách đang tiến hành tại Trung Quốc.

"Phong sát" khiến một nghệ sĩ bị cấm vận, dừng mọi hoạt động trong showbiz, không thể xuất hiện, không thể đưa ra phát ngôn và thậm chí bị xóa sổ thông tin trên các nền tảng "như chưa từng tồn tại" trong showbiz.

Những đòn trừng phạt đối với các ngôi sao showbiz Hoa ngữ như Trịnh Sảng, Ngô Diệc Phàm, Triệu Vy thời gian qua chính là những minh chứng điển hình có tính chất cảnh báo để các ngôi sao khác trong showbiz Hoa ngữ nhìn vào, chấn chỉnh lại hành vi, lối sống, cách thức làm việc của mình, tất cả phải đi theo hướng tích cực, có lợi cho sự phát triển chung của xã hội.

Những hành vi sai trái sẽ đưa lại những án phạt nặng nề một khi bị phát hiện. Tuần trước, đơn vị giám sát không gian mạng của nhà chức trách Trung Quốc - Ủy ban Không gian mạng (CAC) đã đưa ra một kế hoạch với 10 điểm quan trọng nhằm chặn đứng "văn hóa thần tượng" lệch lạc đang phủ khắp mạng xã hội Trung Quốc.

Kế hoạch này sẽ chấn chỉnh lại cả hành vi của fan và hành vi của thần tượng, để tạo nên môi trường mạng lành mạnh.

Theo đó, các thông tin độc hại, những tin đồn gây sốc thường được gieo rắc trong các hội nhóm fan trên mạng xã hội sẽ bị đơn vị chức năng chặn đứng ngay khi phát hiện ra. Thực tế, các hội nhóm fan là một lĩnh vực đang "gặt hái lợi nhuận bội thu" tại Trung Quốc.

"Văn hóa thần tượng" đã được nuôi dưỡng trong thời gian dài vì mục đích lợi nhuận

Lý do đằng sau sự mạnh tay của nhà chức trách Trung Quốc đối với showbiz - 6

Triệu Lệ Dĩnh là ngôi sao đầu tiên bị nhắc nhở và phải chịu án phạt "cấm ngôn" 15 ngày trên mạng xã hội vì cộng đồng fan của cô có hành xử quá khích trên mạng.

Một báo cáo đưa ra bởi tờ tin tức The Paper (Trung Quốc) cho hay rằng tổng giá trị thương mại của các hội nhóm online tại Trung Quốc sẽ đạt mức 140 tỷ tệ (21,64 tỷ USD) tính tới năm 2022.

Để nuôi dưỡng các hội nhóm fan, những đơn vị đứng sau duy trì hoạt động của các hội nhóm này đã nuôi dưỡng "văn hóa thần tượng", để người trẻ không tiếc thời gian, công sức bỏ vào các hội nhóm thần tượng, khiến thanh niên không ngừng vào hội nhóm "hóng drama", dù các thông tin gây sốc được lan truyền đều không rõ nguồn gốc, rất vô căn cứ.

Nhà chức trách Trung Quốc hiện cũng cấm việc đưa ra các bảng xếp hạng ngôi sao trên các nền tảng nội dung tại Trung Quốc, để tránh sự cạnh tranh, đấu đá vô bổ giữa các cộng đồng fan. Các show tìm kiếm thần tượng âm nhạc cũng bị tuýt còi, tuyệt đối cấm hình thức yêu cầu fan mua hàng để bình chọn cho thần tượng.

Đây mới chỉ là một số động thái chính thức của nhà chức trách Trung Quốc nhằm điều hòa lại nền công nghiệp giải trí của nước này.

Trong tháng 8, Ủy ban Không gian mạng Trung Quốc đã yêu cầu các ngôi sao, các hội nhóm fan, các nền tảng cung cấp nội dung giải trí phải điều hòa lại cộng đồng fan của mình, để fan có cách hành xử văn minh. Nếu một cộng đồng fan có cách hành xử cực đoan, lệch lạc, sẽ có những án phạt đưa ra đối với chính ngôi sao, hội nhóm và nền tảng có liên quan.

Kể từ tháng 6, Ủy ban Không gian mạng Trung Quốc đã bắt đầu chiến dịch chấm dứt sự hỗn loạn gây nên bởi "văn hóa thần tượng" trên không gian mạng của nước này. Chiến dịch này nằm trong tổng thể chiến dịch lớn chấn chỉnh lại "văn hóa thần tượng" trong giới trẻ Trung quốc.

Đây chính là lý do đằng sau loạt biến động mạnh trong showbiz Hoa ngữ thời gian qua, bởi nhà chức trách Trung Quốc đang cùng lúc chấn chỉnh cả fan và thần tượng, để tạo nên showbiz trong sạch, văn hóa thần tượng lành mạnh, bảo vệ nguồn lực thanh niên, chặn đứng những biến tướng của "văn hóa thần tượng" có thể làm suy thoái sự phát triển của giới trẻ nước này.