PhotoStory

Hàng nghìn người xuyên đêm viếng chùa Bà Thiên Hậu ở Bình Dương

Thực hiện: Trần Đạt

(Dân trí) - Từ trưa đến tối 4/2, đông đảo khách thập phương đến thăm viếng, cúng Bà, xin lộc nhân ngày rằm tháng Giêng, năm Quý Mão 2023 ở chùa Bà Thiên Hậu, tỉnh Bình Dương.

Hàng nghìn người xuyên đêm viếng chùa Bà Thiên Hậu ở Bình Dương - 1

Ở Bình Dương có 8 cơ sở "Thiên Hậu cung" gồm Thiên Hậu Cung (phường Phú Cường), miếu Bà tại đường Ngô Quyền và đường Châu Văn Tiết (phường Lái Thiêu), miếu Thiên Hậu ở rạch Hương Chủ Hiến (phường Chánh Nghĩa), miếu Bà ở chợ Búng (phường An Thạnh), miếu Bà Bưng Cầu (phường Hiệp An), miếu Bà Thiên Hậu (huyện Dầu Tiếng)...

Đặc biệt, "Thiên Hậu Cung" - chùa Bà (phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một) là cơ sở thờ tự được đông đảo người dân đến lễ bái, đặt biệt vào dịp tháng Giêng (âm lịch), chùa Bà lại đón tiếp người dân từ khắp nơi đến tham gia lễ hội. Trong dịp lễ này thường có tục "Thỉnh Lộc Bà" (bắt đầu từ khuya 14 âm lịch đến sáng 15 âm lịch), lộc là những cây nhang lớn và những cái đèn lồng phất giấy. Việc thỉnh lộc bằng đèn, nhang có ý nghĩa là cầu vạn sự hanh thông công danh tấn tài và may mắn. 

Hàng nghìn người xuyên đêm viếng chùa Bà Thiên Hậu ở Bình Dương - 2

Chùa Bà Thiên Hậu còn có những tên gọi khác như chùa Bà Bình Dương hay miếu Bà Thiên Hậu. Đây là ngôi chùa do cộng đồng người Việt gốc Hoa xây dựng để thờ vị nữ thần tối cao của họ là Thiên Hậu Thánh Mẫu. Ngôi chùa được xây dựng theo lối kiến trúc cổ với các nét đặc trưng của văn hóa Trung Hoa. 

Ngôi chùa được xây dựng vào khoảng giữa thế kỉ 19, nằm tại con rạch Hương Chủ Hiếu. Theo người xưa, khi xây miếu thờ thường tuân theo nguyên tắc kiến trúc điện mẫu, tức là luôn mang yếu tính nữ trong xây cất, nghĩa là điện thờ sẽ được chọn gần nơi có nước như sông, suối, ao và hồ, vì nước có yếu tố âm, mang tính nữ. 

Đến năm 1923, chùa bị hư hại do hỏa hoạn nên bốn bang người Hoa ở nơi này bao gồm  Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông và Hẹ đã cùng nhau xây dựng lại ngôi chùa mới ở vị trí hiện tại. Cho tới nay, ngôi chùa đã gần 100 năm tuổi và trở thành một trong những di tích nổi bật của tỉnh Bình Dương, nổi tiếng với lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu.

Hàng nghìn người xuyên đêm viếng chùa Bà Thiên Hậu ở Bình Dương - 3

Vị chánh thần là Thiên Hậu Thánh Mẫu, tượng có áo mão nghiêm trang và thường được thay mới hàng năm, hoặc hai, ba năm một lần. 

Hai bên tường có giá cắm tấm biển đề Túc Tĩnh - Hồi Tị, để kêu gọi mọi người nghiêm trang hoặc tránh ra mỗi khi có rước kiệu Bà đi trên đường. Cặp biển thứ hai đề Thiên Hậu Nguyên Quân (vị thần chủ việc tiền tài). Các cặp biển sắp theo thứ tự trong thờ tự cũng như trong diễu hành lễ rước bà. 

Hàng nghìn người xuyên đêm viếng chùa Bà Thiên Hậu ở Bình Dương - 4

Khi người Hoa đến lập nghiệp, sinh sống tại Thủ Dầu Một - Bình Dương đã mang theo huyền thoại và đức tin về "Thiên Hậu Thánh Mẫu". Họ xem người như Thần phù hộ cho người đi biển, đây là một dạng tín ngưỡng dân gian.

"Tôi sinh ra và lớn lên tại Bình Dương, tuy không phải là người gốc Hoa nhưng từ khi biết đến ngôi chùa này, năm nào tôi cũng đến đây để xin lộc và cầu bình an", chị Nhi chia sẻ. 

Hàng nghìn người xuyên đêm viếng chùa Bà Thiên Hậu ở Bình Dương - 5

Theo anh Long, nhân viên tại chùa thông thường không có quy định về số lượng lễ vật, ai có bao nhiêu thì cúng bấy nhiêu. 

Hàng nghìn người xuyên đêm viếng chùa Bà Thiên Hậu ở Bình Dương - 6

"Những năm trước vào ngày này từ sân chùa đến chánh điện chật kín người, không còn một chỗ, năm nay số lượng người tham gia có phần giảm đi", anh Khánh - ban tổ chức của lễ hội nói. 

Hàng nghìn người xuyên đêm viếng chùa Bà Thiên Hậu ở Bình Dương - 7

Hằng năm cứ đến ngày lễ hội, 4 bang Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông và Hẹ sẽ phân công nhau phụ trách từng khu vực tại lễ hội. Mỗi bang sẽ có những nhóm nhỏ (thay đổi ca trực sau mỗi 6 tiếng) phối hợp cùng nhau để hỗ trợ cho sự kiện. 

Anh Lưu - thuộc bang Quảng Đông đang dọn dẹp lư hương trong chánh điện. 

Hàng nghìn người xuyên đêm viếng chùa Bà Thiên Hậu ở Bình Dương - 8

Theo ông Mỹ - nhân viên tại chùa, sau khi dâng hương xong, du khách sẽ đến lấy những túi lộc để đem về nhà.

Hàng nghìn người xuyên đêm viếng chùa Bà Thiên Hậu ở Bình Dương - 9
Hàng nghìn người xuyên đêm viếng chùa Bà Thiên Hậu ở Bình Dương - 10

Ngoài ra, nếu du khách có nhu cầu sẽ đến bàn nguyện, ghi họ tên của người thân và mong ước của mình vào sổ tay đặt tại đây. Vào cuối ngày, các thầy tại chùa sẽ tụng kinh chúc phúc cho từng người. 

Hàng nghìn người xuyên đêm viếng chùa Bà Thiên Hậu ở Bình Dương - 11

Một số người dân mua chim đến chùa để phóng sanh. 

Hàng nghìn người xuyên đêm viếng chùa Bà Thiên Hậu ở Bình Dương - 12

Theo ghi nhận của phóng viên, 18h các đoàn lân tập trung tại đường Trần Hưng Đạo (phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một) gần khu vực chùa Bà để biểu diễn, thu hút hàng nghìn người dân đến xem, mang đến một không khí lễ hội sôi động. 

Hàng nghìn người xuyên đêm viếng chùa Bà Thiên Hậu ở Bình Dương - 13

Tuy đã quá nữa đêm, nhưng dòng người đến dâng hương tại chùa Bà vẫn còn đông. 

Hàng nghìn người xuyên đêm viếng chùa Bà Thiên Hậu ở Bình Dương - 14

Một số người hành hương vì mệt nên ngã lưng trước khu vực chùa Bà. 

Hàng nghìn người xuyên đêm viếng chùa Bà Thiên Hậu ở Bình Dương - 15

"Do năm trước dịch bệnh không đi được nên năm nay tôi và gia đình tổng cộng 14 người cùng nhau đi chùa để cầu bình an và cầu cho công việc làm ăn", chị Mai (ngụ quận 4, TPHCM) chia sẻ. 

Hàng nghìn người xuyên đêm viếng chùa Bà Thiên Hậu ở Bình Dương - 16

Đến 1h30, vẫn còn đông người dân đi hành hương ngồi nghỉ tại một hàng nước trên đường Cách Mạng Tháng 8 (phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một). 

Hàng nghìn người xuyên đêm viếng chùa Bà Thiên Hậu ở Bình Dương - 17

Theo triết lí của nhà Phật, ngày rằm tháng Giêng hay còn gọi là lễ Thượng Nguyên là thời điểm thích hợp để cầu an lành cho cả năm. Ngày này, mọi người thường đi chùa để cúng dường, làm nhiều việc thiện, cầu bình an đến với mình và gia đạo...