DMagazine

Diện kiến bộ sưu tập tem in đè "độc nhất vô nhị" tại TPHCM

(Dân trí) - Khoảnh khắc biết đến trên thế giới có loại tem in đè từ hơn 20 năm trước, ông Trần Hữu Tài đã biến "cái duyên" thành "cái nghiệp" của mình để sưu tầm được hơn 3.000 con tem.

Tem in đè là gì mà khiến nhà sưu tầm mất hơn 20 năm tìm về?

(Dân trí) - Khoảnh khắc biết đến trên thế giới có loại tem in đè từ hơn 20 năm trước, ông Trần Hữu Tài đã biến "cái duyên" thành "cái nghiệp" của mình để sưu tầm được hơn 3.000 con tem.

Những năm 90 của thế kỷ trước, ông Trần Hữu Tài, 49 tuổi, khi đó ở quận Gò Vấp, (TPHCM) còn học trung học có duyên biết đến loại tem in đè từ bạn của những người anh. Họ là du học sinh nước ngoài.

Thuở đó, ông Tài được nghe giải thích rằng, tem in đè là loại có phần in thêm để tạo thành một con tem mới nhằm sử dụng với nhiều mục đích, không riêng trong ngành bưu chính. 

Tem in đè là gì?

Hiện nay, tại Việt Nam thuật ngữ tem in đè được chú thích rõ trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 69:2013/BTTTT) về tem bưu chính Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành. Theo đó, tem bưu chính in đè là tem đã phát hành được in thêm tiêu đề, hình ảnh, biểu trưng, ký hiệu hoặc giá mặt. Những nội dung in thêm không thuộc mẫu thiết kế ban đầu.

Về lý do xuất hiện tem in đè, ông Nguyễn Đại Hùng Lộc, Ủy viên Ban chấp hành Hội tem Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội tem TPHCM cho biết thêm: "Con tem đầu tiên trên thế giới ra đời năm 1840 thì hơn chục năm sau đã xuất hiện tem in đè.

Một quốc gia sau khi phát hành tem bưu chính một thời gian thì xảy ra sự kiện nào đó khiến nội dung trên tem không còn phù hợp với giai đoạn mới nên in đè lên hàng chữ bổ sung nội dung như: thay đổi giá cước, khẳng định chủ quyền lãnh thổ về mặt chính trị...".

Diện kiến bộ sưu tập tem in đè độc nhất vô nhị tại TPHCM - 1

Những con tem được ông Tài bọc cẩn thận trong bìa nilon, sắp xếp theo từng chủ đề (Ảnh: Diệp Phan).

Cụ thể, trong giai đoạn giữa 2 cuộc chiến tranh thế giới, quốc gia chiếm đóng sẽ dùng tem nước mình in đè lên để dùng tại thuộc địa, như một cách khẳng định chủ quyền lãnh thổ. Ngoài ra, khi tem được sản xuất ra quá nhiều, các quốc gia cũng dùng cách này để sử dụng trong nhiều mục đích khác nhau, tránh lãng phí.

Vì thế, trong tầm hiểu biết của mình, ông Tài chia tem in đè làm 2 loại, đó là: dùng cho thuộc địa, lãnh thổ chiếm đóng và dùng cho những chức năng đặc biệt. 

"Tôi thấy được ý nghĩa lịch sử, văn hóa trên từng con tem. Thông tin được in đè lên rất đáng để học hỏi và nghiên cứu nên đã bắt tay sưu tầm", ông Tài tâm sự.

Ở Việt Nam, ông cũng sở hữu được 57 con tem của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) năm 1945.

Lúc bấy giờ, sau khi giành được chính quyền, chính phủ lâm thời VNDCCH đã dùng con tem Đông Dương (Indochine) mà Pháp đang sử dụng để in đè lên, biến nó thành một con tem khác để sử dụng trong khi chờ làm tem mới.

Diện kiến bộ sưu tập tem in đè độc nhất vô nhị tại TPHCM - 2

Tem của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa giai đoạn 1945 - 1946 được in đè trên tem Đông Dương của Pháp (Ảnh: Diệp Phan).

Một điều thú vị là trước đó, trong giai đoạn 1927 -1944, Pháp in chữ "Pecule" lên tem của quốc gia để dùng ở 3 nước Đông Dương. Tem Pecule chỉ được sử dụng hạn chế trong giới chủ tuyển dụng và công nhân.

Để nhận được loại tem này, giám đốc hay chủ các cơ sở phải gửi tiền tiết kiệm trên lương tháng của công nhân vào quỹ của bưu cục địa phương được chọn. Tem phát hành theo từng kỳ lương tháng, được dán lên những tờ giấy riêng đính kèm vào sổ lao động của công nhân khế ước, dùng để chứng nhận số tiền để dành hàng tháng.

Ở giai đoạn này, tem Pecule được giữ nguyên trạng, không bị đóng dấu hủy khi công nhân lĩnh tiền tiết kiệm từ quỹ của một bưu cục nào đó.

Diện kiến bộ sưu tập tem in đè độc nhất vô nhị tại TPHCM - 3

Những con tem in chữ "Pecule" (Ảnh: Diệp Phan).

Con tem đầu tiên ra đời năm 1840 ở Anh do ông Rowland Hill phát minh với mục đích thanh toán cước phí khi gửi thư và kế tiếp đó gửi bưu phẩm. Sau đó, vài chục năm, xuất hiện nhiều tem in đè với các chức năng đặc biệt khác nhau. 

"Tem được dùng trong nhiều lĩnh vực, chứng tỏ trình độ phát triển vượt bậc, văn minh của các nước trên thế giới. Tuy phát triển nhưng vẫn rất tiết kiệm, biết tận dụng những gì đang có vào sự phát triển chung của đất nước", ông Tài cho hay.

Hiện ông Tài đã sở hữu tem săn bắn chim di trú (Mỹ), tem nuôi chó (Ai len), tem ống khí nén - vận chuyển bưu phẩm bằng đường ống khí nén dưới lòng đất (Italy năm 1913, Mỹ năm 1898, Vương quốc Anh năm 1868, Đức, năm 1865, Thụy Sĩ năm 1927)...

Ở Ailen trong giai đoạn những năm 1904, chó thả rông hoặc không được kiểm soát được cho là giết cừu. Đồng thời, chúng cũng là một công cụ chính trong hoạt động chăn nuôi cừu của con người nên phải có giấy phép nuôi chó với con tem dán lên. 

Nhà sưu tầm thừa nhận trước đây chỉ quan tâm tìm hiểu lịch sử Việt Nam. Nhờ sưu tầm loại tem đặc biệt này mà ông biết được thêm nhiều kiến thức lịch sử thế giới. Đặc biệt, khi sưu tầm tem in đè ở Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ ông biết trước năm 1945, các nước này bị rất nhiều nước xâm lược, chiếm đóng như Pháp, Đức, Mỹ, Ý, Nhật… mỗi quốc gia đều dùng tem của nước mình in đè lên một thông tin nào đó để khẳng định chủ quyền.

Diện kiến bộ sưu tập tem in đè độc nhất vô nhị tại TPHCM - 4

Hình con tem giấy phép nuôi chó của Ailen sử dụng năm 1904 (Ảnh: Diệp Phan).

Sưu tầm là duyên và nghiệp

Ông Tài cho biết, quá trình sưu tầm loại tem đặc biệt này mất rất nhiều thời gian. Cụ thể, ngay từ khi tốt nghiệp đại học, đi làm và công tác, ông đã phải lân la đến những tiệm đồ cũ, tem cũ ở trong nước để tìm mua. Những thông tin và người chơi loại tem này ở Việt Nam rất ít nên việc sưu tầm của ông gặp nhiều khó khăn.

Internet phát triển trở thành công cụ hữu ích cho ông. Sẵn vốn tiếng Anh tốt, ông chủ động tìm kiếm thông tin, nơi bán ở nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Đại Hùng Lộc, giới sưu tầm tem trên thế giới đã quan tâm đến loại tem này từ rất lâu, có nhiều thông tin, bài viết về loại này nhưng ở Việt Nam thì còn hạn chế. Ông Hùng nhận định một bộ sưu tập khoảng 1.000 con tem đã được xem là có số lượng lớn. Vì thế, 3.000 tem in đè của ông Tài sưu tầm được trong 20 năm có thể xem là con số "ấn tượng". 

Diện kiến bộ sưu tập tem in đè độc nhất vô nhị tại TPHCM - 5

Con tem đi đường dùng cho giấy phép lái xe quốc tế tại Pháp năm 1949 (Ảnh: Diệp Phan).

Những con tem thường đi theo bộ nhưng ông Tài chưa bao giờ tìm được một lần mà phải  góp nhặt dần dần sau nhiều năm.

"Nhiều lần tôi phải mua thêm những con tem trùng mới lấy được con mình cần tìm bởi người ta không bán lẻ. Hoặc mua phải những con tem chết (đã qua sử dụng)", ông chia sẻ.

Theo lời ông Tài, thời gian đầu ông không dùng mạng xã hội nên đã không ít lần phải mua những con tem đắt giá. Người bán nói rằng đây là loại hiếm, song thực tế không phải vậy.

Trải qua gần 5 năm, ông Tài mới tự tin mình đã "qua được lớp vỡ lòng" bộ môn sưu tầm này. 

Diện kiến bộ sưu tập tem in đè độc nhất vô nhị tại TPHCM - 6

Một lốc tem hiếm hoi mà ông Tài sở hữu (Ảnh: Diệp Phan).

Song song với quá trình sưu tầm tem, ông Tài còn đạt kỷ lục với bộ sưu tập các ấn phẩm và vật phẩm liên quan đến "Truyện Kiều" nhiều nhất Việt Nam hồi năm ngoái với 1.630 ấn phẩm. Nếu "Truyện Kiều" dễ tìm trong nước thì những con tem in đè ông phải sưu tầm ở nhiều quốc gia khác nhau. 

Tự nhận việc sưu tầm là một cái "nghiệp" nên ông Tài chưa bao giờ thấy nản và có ý định dừng lại. Điều khiển ông đau đầu là đôi khi gặp những con tem hiếm, việc tìm kiếm thông tin mất nhiều thời gian nên việc sưu tầm "Truyện Kiều" phải dừng lại một thời gian. Hoặc, khi thông tin quá ít ỏi, ông phải cất công tìm kiếm nhiều lần, thử các "keyword" khác nhau để truy được tài liệu uy tín trên Internet.

Diện kiến bộ sưu tập tem in đè độc nhất vô nhị tại TPHCM - 7

Mỗi chủ đề trong nội dung in đè là kho tàng kiến thức mà nhà sưu tầm học hỏi được (Ảnh: Diệp Phan).

Việc sưu tầm tem theo ông Tài là không khó như "Truyện Kiều" vì bộ môn này phổ biến trên thế giới. Tem nhỏ, việc cất giữ, bảo quản dễ hơn nhiều. Song cũng vì thế nên không ít lần ông lỡ tay làm rách những chiếc răng tem, phải dùng nhíp để gắp từng con.

"Sưu tầm không giúp tôi kiếm ra tiền. Tôi làm theo sở thích và khát khao học hỏi nên không thấy mệt nhọc, chỉ sợ không có nhiều tiền để sưu tầm", ông khẳng định.

Diện kiến bộ sưu tập tem in đè độc nhất vô nhị tại TPHCM - 8

Nhà sưu tầm đạt kỷ lục với bộ sưu tập các ấn phẩm và vật phẩm liên quan đến "Truyện Kiều" nhiều nhất Việt Nam (Ảnh: Diệp Phan).

Ông Tài chia sẻ chỉ cần vài trăm nghìn là có thể sở hữu được một con tem ở nước ngoài. Với số lượng hơn 3.000 con tem, ước tính nhà sưu tầm đã bỏ ra khoảng vài trăm triệu đồng trong hơn 20 năm qua để sưu tầm. Theo ông, đó không phải là một số tiền quá lớn. Bởi, ông không bỏ ra một lần mà là quá trình "tích tiểu thành đại". 

"Đây là một môn giải trí lành mạnh để nâng cao kiến thức xã hội. Đừng nghĩ đến con đường sưu tầm sẽ đi về đâu mà hãy bắt đầu từ những thứ mình thích.

Khi bắt đầu làm, tôi chưa từng nghĩ đến thành quả. Tôi chỉ mong lưu giữ lại và có cơ hội được chia sẻ để mọi người được biết đến một loại tem mà thế giới đã dùng từ cách đây hơn 100 năm. Nếu nghĩ về số tiền quá lớn sẽ khiến chúng ta áp lực và không thể sưu tầm nổi một thứ nhỏ nào", ông Tài nói.

Diệp Phan