Thú chơi sách Kiều lập kỷ lục Việt Nam của người dám "đổi 40 lấy 1"
(Dân trí) - Ông Trần Hữu Tài (48 tuổi, ở quận 7, TPHCM), vừa xác lập kỷ lục với bộ sưu tập các ấn phẩm và vật phẩm liên quan đến "Truyện Kiều" nhiều nhất Việt Nam, sau hơn 20 năm dày công sưu tầm.
"Truyện Kiều là một tác phẩm lớn, góp phần đưa tên tuổi Nguyễn Du và đất nước Việt Nam vươn ra thế giới. Hồi còn học cấp 2, khi đọc tác phẩm này, tôi biết được Nguyễn Du nhắc đến chữ "tài" - tên tôi - đến 25 lần nên nghĩ đó là định mệnh", ông Tài chia sẻ lý do bén duyên với việc sưu tập "Truyện Kiều".
Từ sau đó, cậu học sinh Trần Hữu Tài đã dành dụm từng đồng lẻ, lân la khắp các nhà sách cũ ở Sài Gòn để tìm những ấn phẩm "Truyện Kiều". Thỉnh thoảng, khi ngang qua những vựa ve chai có bán sách cũ, ông cũng nán lại để lục tìm và đã không ít lần tìm được những cuốn Kiều quý.
Tuy nhiên, lúc bấy giờ, ông Tài không hề nghĩ sẽ tìm được nhiều ấn phẩm để làm thành bộ sưu tập hay xác lập kỷ lục. Hơn hết, ông nhận thấy thú sưu tầm mang đậm tính văn hóa này là môn chơi đáng theo đuổi.
Sau khi ra trường đi làm, ông Tài thường tận dụng thời gian đi công tác trong và ngoài nước để tìm kiếm thêm nhiều ấn phẩm. Tuy nhiên, phải mất hơn 10 năm, ông mới có đủ kiến thức, kinh nghiệm để biết được ấn phẩm, vật phẩm nào là quý hiếm, có giá trị sưu tầm cao.
Tháng 2 vừa qua, sau hơn 20 năm, ông Tài chính thức xác lập kỷ lục: Người sở hữu bộ sưu tập ấn phẩm, vật phẩm liên quan đến "Truyện Kiều" nhiều nhất Việt Nam.
Bộ sưu tập gồm 1630 ấn phẩm, trong đó có một số ấn phẩm nổi tiếng như: "Truyện Kiều" bản Nôm năm 1906 của nhà in Liễu Văn Đường (Hà Nội), bản thảo và bản in tác phẩm "Kim Túy tình từ" năm 1917 của tác giả Phạm Kim Chi, "Văn tập Kiều của cô B" năm 1930, "Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du" năm 1942...
Riêng cuốn "Kim Túy tình từ" từng được cụ Vương Hồng Sển, một người nổi tiếng trong giới viết sách và sưu tầm ở Việt Nam, nhắc đến trong cuốn "Thú chơi sách" (năm 1970): "Tập tôi muốn xưa nay và tìm mãi chưa ra là tập "Kim Túy tình từ" của cụ Phạm Kim Chi, xuất bản năm 1917 tại Sài Gòn".
Theo ông Tài, có lẽ vì chiến tranh loạn lạc mà cuốn sách này ở thời cụ Vương Hồng Sển rất khó tìm nhưng may mắn là anh đã có được.
Anh Bùi Tiến Phúc, bác sĩ sách (nghệ nhân phục hồi sách cổ) nổi tiếng tại Sài Gòn, cho biết mình rất may mắn được ông Tài tin tưởng giao phục chế cuốn "Kim Túy tình từ".
"Anh Tài thường mang đến cho tôi phục hồi nhiều cuốn Kiều quý, cả bản chữ Nôm lẫn chữ Quốc ngữ. Anh ấy nói cứ làm tốt là được, chi phí không thành vấn đề", anh Phúc tiết lộ.
Ngoài ra, bộ sưu tập này còn có những ấn bản "Truyện Kiều" được dịch ra tiếng nước ngoài với khoảng 30 nước như Đức, Nga, Nhật Bản, Pháp… mà ông Tài nhờ bạn bè săn lùng và xách tay về.
Bên cạnh đó còn có 480 tạp chí, sách văn học cổ có bài viết về "Truyện Kiều" như: "Đông Dương tạp chí" năm 1914, "Nông cổ mín đàm" năm 1916, "Trung Bắc Tân Văn" năm 1924, "Nam Phong tạp chí" năm 1919, "Phổ thông bán nguyệt san" năm 1939, "Nam Kỳ" năm 1942... cùng những vật phẩm liên quan như tranh sơn dầu về Kiều của họa sĩ Đoàn Việt Tiến, tranh sơn mài Thành Lễ (Kiều hẹn gặp Kim Trọng)...
Để sở hữu một bộ sưu tập "khủng" xác lập kỷ lục, ông Tài không chỉ tốn công sức, thời gian tìm kiếm mà nhiều lần còn phải bỏ ra một số tiền lớn để sở hữu. "Những ấn bản quý hiếm thì phải nhọc công tìm kiếm và rất tốn kém. Nhiều quyển phải mất rất nhiều tiền để có được là bình thường", ông Tài cho hay.
Năm 2018, sau khi đọc thông tin trên mạng, biết có nhà sưu tầm sách ở Nha Trang đang lưu giữ bản Kiều tiếng Hungary, ông Tài không có cách nào liên lạc, bèn đến một tiệm sách cũ có thông tin về chủ nhân cuốn sách, nhờ hỏi mua giúp. Tuy nhiên, sau một thời gian, họ báo lại là việc bất thành.
Không bỏ cuộc, ông Tài xin số điện thoại để liên hệ cho bằng được chủ nhân cuốn sách. Sau nhiều lần thuyết phục, họ đồng ý trao đổi sách.
Việc tìm kiếm sách để trao đổi theo yêu cầu cũng rất khó khăn vì phải tìm được đúng cuốn sách mang ra Nha Trang để đổi. "Đôi khi, việc tìm kiếm và đổi sách rất kỳ công trong quá trình sưu tầm", ông Tài nói.
Cũng trong năm đó, ông Tài đã dùng 40 cuốn sách quý có sẵn trong tủ sách gia đình cộng thêm một khoản tiền lớn để đổi lấy cuốn "Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du" xuất bản năm 1942.
Ngoài tuổi đời gần 100 năm, tập văn họa này còn đặc biệt ở chỗ in bằng giấy dó và có 11 bức tranh minh họa khắc gỗ về "Truyện Kiều". Số tiền thu được từ việc xuất bản sách lúc bấy giờ đã được dùng để sửa mộ và dựng đài tưởng niệm Nguyễn Du ở làng Tiên Điền, Hà Tĩnh.
Mới đây, ông Tài còn sở hữu được bức tranh Kiều đầu tiên được vẽ trên kính. Bức tranh mang tên "Bến mơ nàng Kiều" được họa sĩ Đoàn Việt Tiến vẽ bằng 10 đầu ngón tay và vẽ ngược từ sau tấm kính cường lực, mất 3 năm mới hoàn thành.
Sở hữu nhiều sách, tài liệu cổ hơn hàng trăm tuổi, không ít cuốn bị mất bìa, mục nát… ông Tài phải tốn công sức, tiền bạc mang đến các bác sĩ sách uy tín ở Việt Nam để khôi phục. Ngoài ra, khi bảo quản sách trong phòng riêng tại nhà thì phải sử dụng thêm thuốc chống mối mọt, tinh dầu sả.
Tuy vậy, nhà sưu tầm khẳng định: "Sưu tập là một thú chơi văn hóa giúp thanh thiếu niên có thêm môn giải trí lành mạnh, góp phần nâng cao dân trí, kiến thức về văn hóa lịch sử. Nếu bạn tập trung sưu tầm chuyên sâu trong thời gian dài, sẽ cho ra bộ sưu tập có giá trị, tùy thuộc vào năng lực, kiến thức, khả năng tài chính của bạn".
Theo ông Tài, bộ sưu tập hàng nghìn ấn bản "Truyện Kiều" không chỉ có giá trị về mặt số lượng mà qua việc sưu tầm, ông được học và khám phá thêm nhiều kiến thức hay.
"Nguyễn Du viết "Truyện Kiều" năm 1814 -1820 trong bối cảnh nước ta còn nghèo, thuộc chế độ phong kiến. Tuy nhiên, tác phẩm đã đưa Đại thi hào trở thành Danh nhân văn hóa thế giới. Vậy ở thời đại bây giờ, khi nền kinh tế phát triển, tiềm năng trong người Việt Nam có thể sẽ còn phát huy hơn nữa chăng?", ông Tài trăn trở.