DMagazine

Cuộc sống đời thực giản dị ít người biết của NSND Trung Anh

(Dân trí) - NSND Trung Anh ngoài đời là người ít nói, trầm tính, ngại chốn đông người. Ở tuổi 61, hạnh phúc lớn nhất với ông là gia đình.

Bất ngờ cuộc sống giản dị ngoài đời thực của NSND Trung Anh

NSND Trung Anh ngoài đời là người ít nói, trầm tính, thích ở nhà và ngại chốn đông người. Ở tuổi 61, hạnh phúc lớn nhất với ông là dành thời gian cho gia đình.

Một buổi sáng Hà Nội ngập nắng, PV Dân Trí có hẹn phỏng vấn diễn viên Trung Anh tại nhà riêng ở quận Thanh Xuân. Đây là lịch trống hiếm hoi trong thời gian ông đang ghi hình phim Đấu trí. Bước chân vào căn chung cư, thứ đầu tiên đập vào mắt phóng viên là kệ sách lớn ở giữa nhà.

NSND Trung Anh cho biết hầu như toàn bộ sách trên kệ đều là của ông. Đọc sách là thói quen nhiều năm nay và cũng là thú vui của nam diễn viên vào những ngày rảnh rỗi.

NSND Trung Anh sống ở căn chung cư có tầm nhìn ra khuôn viên nhiều cây xanh. Ngoài đọc sách, sở thích của ông là xem đá bóng, uống trà, tưới cây.

Khác với một Lương Bổng giang hồ trong Người Phán xử, một đại tá công an lạnh lùng trong Đấu trí, NSND Trung Anh ngoài đời ít nói, sống giản đơn.

Cuộc sống đời thực giản dị ít người biết của NSND Trung Anh - 1

NSND Trung Anh ngoài đời là người ít nói, trầm tính khác với nhiều vai diễn mà ông hóa thân trên màn ảnh.

"Năm 17 tuổi, tôi giấu bố nộp hồ sơ vào Nhà hát kịch"

Ông bố quốc dân, bố Sơn xoăn, Lương Bổng… đâu là cái tên mà ông yêu thích nhất trong hàng loạt tên mà khán giả gọi mình?

- Tôi nghĩ thành công của diễn viên là sau mỗi vai diễn đều được khán giả gọi bằng tên ở trong phim. Biệt danh nào cũng có cái thú vị riêng nhưng nếu để chọn, tôi sẽ cảm thấy vui nhất khi nghe thấy có người gọi tôi là Trữ điên.

Cách đây 30 năm, tôi nhận vai Trữ - một chàng bộ đội sau khi giải ngũ về làng bị tâm thần trong phim Mê lộ. Đây quả thực là vai diễn rất khó và đáng nhớ với tôi vì để đóng vai người điên là không dễ dàng. Điên nhưng vẫn phải hành động làm sao để thể hiện được nội dung, tính cách, truyền tải được thông điệp của phim mà được khán giả chấp nhận.

Phim ngắn và đã rất lâu rồi nhưng bây giờ, lâu lâu có người gặp tôi và gọi là Trữ điên, tôi vẫn thấy rất cảm động.

Tôi học cách diễn của Nhà hát kịch Việt Nam, học cách diễn theo tâm lý nhân vật. Nhưng Trữ điên là nhân vật bị điên, liệu có tâm lý hay không và truyền tải tâm lý nhân vật này thế nào mới là vấn đề nên Trữ điên là vai diễn khó, thách thức đối với tôi. Đây cũng là vai diễn để lại dấu ấn cho chính bản thân tôi.

Tôi rất thích vai diễn này vì nó đặc biệt, lạ và dạy cho tôi nhiều thứ.

Cuộc sống đời thực giản dị ít người biết của NSND Trung Anh - 2
Cuộc sống đời thực giản dị ít người biết của NSND Trung Anh - 3

Trữ điên có phải vai diễn đầu tiên của ông?

- Không, vai diễn đầu tiên của tôi là trong Hà Nội mùa chim làm tổ - bộ phim của đạo diễn Đức Hoàn. Đây là bộ phim đóng với diễn viên Như Quỳnh, diễn viên Trần Vân, diễn viên Kim Thanh và một số anh chị Điện ảnh khóa 2. Khi ấy tôi 19 tuổi, đang học năm thứ hai tại khóa Diễn viên của Nhà hát kịch.

Nhớ lại những năm tháng còn trẻ, đâu là lý do khiến ông quyết định đi theo nghề diễn?

- Không vì gì cả. Nói như vậy có thể nhiều người không tin hoặc nghĩ tôi trả lời cho xong nhưng đúng là như thế. Lúc nộp đơn vào Nhà hát kịch, tôi mới 17 tuổi, chưa hiểu thế nào là đam mê, cũng không có ý thức về việc làm gì để giàu.

Hoàn cảnh của tôi khó khăn nhưng cũng khi ấy, tôi không định hình được là mình đang khó khăn. Lúc ấy, tôi thích làm rất nhiều nghề, thích làm địa chất để được đi nhiều nơi, có lúc cũng thích làm cầu thủ đá bóng. Vì hoàn cảnh gia đình, tôi muốn được tự lập sớm nên quyết định nộp đơn vào Nhà hát kịch, may mắn là trúng tuyển.

Lúc ấy, bố tôi đang làm hành chính ở Nhà hát kịch nhưng tôi giấu bố, nộp đơn mà không để cho bố biết.

Cuộc sống đời thực giản dị ít người biết của NSND Trung Anh - 4

NSND Trung Anh cho biết, ông thích địa chất nhưng lại nộp đơn vào Nhà hát kịch và may mắn trúng tuyển.

Nói vậy thì ông theo nghề diễn không xuất phát từ đam mê, vậy có lúc nào ông muốn bỏ cuộc không?

- Tính đến giờ, có một lần duy nhất tôi muốn bỏ nghề. Tôi học lớp Diễn viên từ năm 1978 đến năm 1982. Sau khi ra trường và nộp bài tốt nghiệp được 8 ngày, tôi cùng diễn viên Quốc Khánh, Đỗ Kỷ, Trọng Chinh đi bộ đội.

Khi ấy, bốn người đi thẳng lên biên giới để huấn luyện. Cuối năm 1984 chúng tôi xuất ngũ. Thời điểm ấy mọi thứ vô cùng khó khăn.

Khi trở về, hầu hết các bạn học cùng lớp của tôi được giữ lại để thành lập đoàn riêng của Nhà hát. Hai năm tôi ở trên rừng là hai năm các bạn được học hỏi, tập luyện nên đã bỏ xa tôi rất nhiều.

Tôi thực sự nản chí vì thấy mình thua kém và muốn bỏ nghề để đi xuất khẩu lao động. Nhưng sau đó khi nghĩ kỹ, tôi biết mình yêu công việc này.

Có thể lúc đầu khi nộp đơn vào Nhà hát, tôi chưa hề yêu nghề đâu nhưng sau khi học xong, tôi được các thầy truyền cảm hứng, truyền tình yêu với nghề và tôi đã thấm được thứ tình cảm đó. Tôi quyết định đi theo con đường này cho tới nay.

Thế còn vấn đề kinh tế với ông thì sao? Thời điểm những năm 1980, 1990, nghề diễn viên vô cùng khó khăn vì mức cát-xê ít ỏi?

- Tất nhiên là lúc ấy khó khăn. Đến giờ, tôi chưa bao giờ cảm thấy mình thoải mái về mặt kinh tế cả. Nhưng tình yêu với nghề là thứ quan trọng và to lớn hơn. Khi ấy, tôi theo đuổi nghề, theo đuổi công việc yêu thích chứ không phải theo đuổi danh vọng.

Cuộc sống đời thực giản dị ít người biết của NSND Trung Anh - 5
Cuộc sống đời thực giản dị ít người biết của NSND Trung Anh - 6
Cuộc sống đời thực giản dị ít người biết của NSND Trung Anh - 7

"Sau vai ông Sơn trong Về nhà đi con, số người gọi tôi là bố... tăng đột biến"

Từng ấy năm theo đuổi nghề diễn, đâu là vai diễn đặc biệt với NSND Trung Anh?

- Từng ấy năm theo đuổi sự nghiệp diễn viên, tôi gần như bị gắn định vào dạng vai khổ khổ, hiền lành. Cứ vai diễn nào dạng như thế là đạo diễn lại nhớ đến tôi nên vì thế mà Lương Bổng trong Người phán xử là vai diễn khó và mới mẻ nhất với tôi.

Lúc ấy, tôi nhận kịch bản từ ê-kíp và mang về nhà đọc rồi mới ngã ngửa ra vì sự khác biệt. Tôi nghĩ trong đầu đây là cơ hội vì nó quá khó, quá xa lạ và ngược hẳn với những gì từ trước đến nay tôi đóng nên đó chính là cơ hội để tôi làm dạng vai chưa làm bao giờ.

Tôi đầu tư rất nhiều trí tuệ vào vai diễn này. Đầu tư rất nhiều nhưng sau cùng, tôi lại rút ra là diễn một cách đơn giản, dán cho nó một cái tem đơn giản nhất thì lại thể hiện đúng nhất.

Lương Bổng trong phiên bản Người phán xử của Israel là người đô con, nặng gần gấp đôi tôi. Nếu tôi đóng kiểu xã hội đen to cao thì tôi không làm được, nó không phù hợp với cơ thể của tôi nên cái khó ở đây là cách thể hiện, làm sao để thể hiện vai diễn theo cách diễn của mình.

Cuộc sống đời thực giản dị ít người biết của NSND Trung Anh - 8

NSND Trung Anh thừa nhận sự thành công của Về nhà đi con, Người phán xử... giúp ông có những dấu mốc đáng nhớ trong sự nghiệp.

5-6 năm trở lại đây, kể từ thời điểm ông nhận vai Lương Bổng ở Người phán xử có phải là quãng thời gian đáng nhớ nhất của ông trong suốt 40 năm theo đuổi nghề diễn?

- Trước Người phán xử, tôi có vai diễn trong Hôn nhân trong ngõ hẹp. Đúng là bắt đầu từ khoảng thời gian này, tôi thấy mình được truyền thông chú ý hơn hẳn. Đây cũng là cột mốc đánh dấu thời điểm mà khán giả quay lại đón nhận phim truyền hình.

Có nhiều hơn những bộ phim được đầu tư bài bản ở mọi mặt, chất lượng phim cũng đi lên đáng kể. Đây là tín hiệu đáng mừng với cả nhà làm phim lẫn diễn viên chúng tôi, là cơ hội cho diễn viên có dịp để thể hiện mình và tăng thêm thu nhập.

Thu nhập của ông bây giờ khác thế nào so với chục năm về trước?

- Thu nhập của diễn viên bây giờ đã khá hơn ngày trước nhưng để so sánh thì khá khó vì mỗi thời, đồng tiền có giá trị khác nhau. Với tôi, thành công nằm ở hiệu ứng của phim được khán giả đón nhận thế nào chứ không phải là cát-xê tăng lên bao nhiêu.

Ngoài thu nhập, tôi được nhiều thứ hơn. Sau vai diễn bố Sơn xoăn, số người gọi tôi là "bố" tăng đột biến. Có nhiều khán giả chỉ kém tôi vài tuổi nhưng cũng gọi là "bố" vì họ bảo họ hâm mộ vai bố Sơn. Đây đều là những thứ mang lại niềm vui, là thành công của một người diễn viên.

Ông có nhắc đến thành công, vậy theo ông, thành công của nghệ sĩ là gì?

- Tôi biết sẽ có người nói là thành công là được khán giả biết đến hay có thu nhập cao nhưng với tôi không phải thế. Tôi nghĩ thành công là được làm việc mình yêu thích, đây là cái hạnh phúc thứ hai sau hạnh phúc gia đình.

Quan trọng nhất với tôi vẫn là đang được sống cùng công việc yêu thích của mình. Nhiều lúc, tôi nghĩ nếu bây giờ cho mình nghề khác nhiều tiền hơn nhưng phải làm giờ hành chính 8 tiếng mỗi ngày thì tôi không làm được, không thể theo đuổi công việc kiểu đó được, nó không phù hợp với tôi.

Bây giờ, ngoài việc diễn, tôi xác định phần lớn thời gian sẽ để đi dạy ở trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Ngoài ra, nếu Nhà hát kịch có lời mời, tôi vẫn sẵn sàng trở về diễn cùng mọi người. 

"Ngoài đời, tôi đơn giản lắm"

Bố Sơn xoăn có phải vai diễn gần với ông nhất ở ngoài đời nên khán giả mới nhận xét là ông diễn như không diễn?

- Tôi nghĩ không có vai nào là đúng với mình 100% cả. Tất nhiên, có những vai diễn khá giống mình nhưng phim là phim, đời là đời, mọi thứ phải rạch ròi chứ không thể bảo đời giống phim. Ngoài đời tôi đơn giản lắm.

Cuộc sống đời thực giản dị ít người biết của NSND Trung Anh - 9

Nam diễn viên cho biết ông thích đọc sách và không thích những nơi ồn ào.

Cụ thể NSND Trung Anh sống đơn giản thế nào?

- Tôi rất ít nói. Ai quen với tôi cũng biết điều này. Không phải khi ra ngoài mà ở nhà, tôi cũng không nói nhiều. Chắc vợ tôi là người phải "chịu đựng" điều này nhiều nhất. Tôi rất ít khi ra ngoài mà chỉ thích ở nhà đọc sách.

Đây cũng là thói quen của tôi trong nhiều năm qua. Tôi đọc sách để hiểu hơn về cuộc sống. Đọc sách cũng là để trau dồi chuyên môn. Ngoài ra, tôi thích xem đá bóng. Đội bóng hâm mộ của tôi là Manchester City. 

Rảnh hơn thì tôi sẽ tưới cây, uống trà, ngắm cảnh trước nhà chứ tôi không biết nấu nướng. Tôi chỉ có thể giúp đỡ vợ những công việc như bê vác đồ nặng chứ việc bếp núc, thật sự tôi không thể làm được.

Vợ cũng không muốn tôi làm vì tôi vào bếp là làm khó vợ hơn chứ không giúp được gì. Chắc vì chi tiết này nên tôi mới nói ông Sơn xoăn không hoàn toàn giống tôi vì ông Sơn giỏi chuyện bếp núc (cười).

Vì không giỏi giao tiếp nên tôi không thích và rất hiếm khi đi nhậu. Tôi không uống bia, không uống rượu và hạn chế tới nơi đông người.

Có những khi cả đoàn diễn viên kịch ở Nhà hát đi công tác, mọi người cùng nhau đi ăn tiệc nhưng vì thích sự yên tĩnh nên tôi ở lại phòng ăn mì tôm cho qua bữa.

Là diễn viên nhưng lại nhận bản thân kém giao tiếp, có phải ông đang khiêm tốn?

- Không phải, sự thật là như thế. Có thể tôi nói lời thoại hay nhưng ở ngoài đời, tôi quá ít nói nên nhiều khi không biết tìm từ gì để nói. Có nhiều bạn bè của tôi hay trêu tôi rằng diễn viên gì mà cả ngày không nói nổi một câu.

Ông thường xuyên chia sẻ về các con trên mạng xã hội, ở nhà, ông có phải một ông bố quốc dân như trên phim?

- Con cái thì đứa nào cũng sẽ có lúc ngoan, lúc hư, không thể lúc nào cũng là con ngoan trò giỏi được nhưng tôi với vợ đều đã thống nhất quan điểm là hãy để con được làm những gì con muốn chứ không phải làm những gì bố mẹ muốn.

Con du học ngành gì, nước nào cũng là do con chọn. Hai con nhà tôi đều đang du học, anh ở Phần Lan, em ở Mỹ. Hai con đi học xa tôi đều rất nhớ, thương con vì còn nhỏ đã xa nhà, xót con vì ở nhà được mẹ bao bọc nên khi sống xa gia đình sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng những điều này tôi thường ít chia sẻ cho con để con học cách mạnh mẽ, tự lập.

Cuộc sống đời thực giản dị ít người biết của NSND Trung Anh - 10

Ông có định hướng cho con đi theo con đường nghệ thuật?

- Cả hai cháu nhà tôi đều không có năng khiếu, không thích và không muốn làm diễn viên. Hai đứa hay nói "không bao giờ" mỗi khi bố nhắc đến nghề diễn. Cách đây hơn chục năm, cũng có những đạo diễn gửi lời mời cho con tôi đi đóng phim nhưng hai cháu không thích và từ chối thẳng.

Ông từng nhiều lần chia sẻ về gia đình, về con cái, về vợ, ông đang có một gia đình viên mãn?

- Tôi không thích từ này vì tôi thấy nó quá xa vời, nó không phải là tôi. Gia đình với tôi là quan trọng nhất, tôi nghĩ với ai cũng vậy. Tôi không có bí quyết gì để giữ gìn hôn nhân mà chỉ nghĩ rằng mỗi người nên hiểu, thông cảm và biết vì nhau. Trước khi làm bất kể điều gì thì hãy nghĩ cho kỹ, đơn giản là như thế. Gia đình là số một.

Cảm ơn NSND Trung Anh vì buổi trò chuyện thú vị này!

Nội dung: Ong Thùy Dương

Ảnh: Hữu Nghị, VTV