PhotoStory

Cụ ông 90 tuổi ra giữa dòng xoáy sông Lam lấy nước dâng vua Mai

Thực hiện: Hoàng Lam

(Dân trí) - Rước nước sông Lam dâng vua Mai là nghi thức không thể thiếu trong lễ hội đền vua Mai. Người được chọn múc gáo nước đầu tiên đổ vào chum là bậc cao niên, song tuyền, đức độ, con cháu phương trưởng...

Cụ ông 90 tuổi ra giữa dòng xoáy sông Lam lấy nước dâng vua Mai - 1

Sáng 22/2, tức ngày 13 tháng Giêng, hàng trăm người dân huyện Nam Đàn, Nghệ An tham dự lễ rước nước dâng vua Mai. Đây là hoạt động mở màn cho Lễ hội đền vua Mai, diễn ra từ ngày 13 đến ngày 15 tháng Giêng. 

Hai thuyền lớn chở theo đoàn rước, từ bến gần Đền vua Mai ngược sông Lam, đến khu vực trước núi Đụn, nơi có lăng vua Mai để lấy nước. Hai bên có đội đua thuyền "hộ tống". Trên bờ sông, hàng trăm người dân đứng theo dõi nghi lễ lấy nước.

Cụ ông 90 tuổi ra giữa dòng xoáy sông Lam lấy nước dâng vua Mai - 2

Năm nay, cụ Nguyễn Quang Chư được lựa chọn là người múc gáo nước đầu tiên đổ vào chum. Theo ông Nguyễn Trọng Thành - thủ từ Đền vua Mai, người được chọn múc nước dâng vua phải là bậc cao niên, song tuyền, đức độ, con cái trưởng thành, được nhân dân tín nhiệm, yêu mến. 

Cụ ông 90 tuổi ra giữa dòng xoáy sông Lam lấy nước dâng vua Mai - 3

Thuyền ngược dòng sông Lam, đến vùng xoáy nước trước khu vực Lăng vua Mai, cụ Chư sẽ là người múc gáo nước đầu tiên đổ vào chum. Sau khi cụ Chư múc gáo nước đầu tiên, các thành viên trong đoàn lần lượt múc nước dưới sông Lam đổ đầy chum sành (Ảnh: Hồng Sương). 

Lễ rước nước sông Lam dâng vua Mai Hắc Đế (Video: Hoàng Lam).

"Nước giữa dòng xoáy được xem là nước trong nhất, sạch nhất và tinh khiết nhất để dâng lên vua Mai. Hoạt động này nhằm tưởng nhớ vua Mai Thúc Loan - người có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, chăm lo cho dân, cho nước, cũng là hoạt động mở đầu của Lễ hội vua Mai", ông Nguyễn Trọng Thành cho biết thêm.

Cụ ông 90 tuổi ra giữa dòng xoáy sông Lam lấy nước dâng vua Mai - 4

Sau khi hoàn tất nghi thức lấy nước, đoàn rước sẽ quay thuyền, xuôi dòng sông Lam về bến Sa Nam.

Cụ ông 90 tuổi ra giữa dòng xoáy sông Lam lấy nước dâng vua Mai - 5

Đoàn rước nước mang theo trống, chiêng, đồ tế khí bộ hành từ bến sông đến Đền vua Mai trên quãng đường dài hơn 500m. 

Cụ ông 90 tuổi ra giữa dòng xoáy sông Lam lấy nước dâng vua Mai - 6

Chum nước đầy được đặt trên chiếc kiệu do 4 thanh niên trai tráng khiêng trên vai, cùng với đó, 4 người phụ nữ sẽ dâng 4 dải lụa, rước từ bến sông lên đền. Đoàn rước có sự tham gia của hàng trăm người dân cầm cờ theo sau...

Cụ ông 90 tuổi ra giữa dòng xoáy sông Lam lấy nước dâng vua Mai - 7

Đoàn rước trong trang phục thời xưa với sắc màu rực rỡ, khua chiêng đánh trống tiến về khu vực đền. Những người khiêng chum nước sẽ đi giữa đoàn rước. 

Cụ ông 90 tuổi ra giữa dòng xoáy sông Lam lấy nước dâng vua Mai - 8

Theo thủ từ Đền vua Mai, lễ rước nước có từ lâu đời, mang theo ý nghĩa khơi trong gạn đục, tẩy trần, cầu mong lễ hội viên mãn và người nông dân mùa màng bội thu.

Cụ ông 90 tuổi ra giữa dòng xoáy sông Lam lấy nước dâng vua Mai - 9
Cụ ông 90 tuổi ra giữa dòng xoáy sông Lam lấy nước dâng vua Mai - 10

Sau phần nghi lễ dâng hương của chủ tế và lãnh đạo địa phương, chum nước được đưa đến đặt trước chính điện, nơi có tượng vua Mai Thúc Loan. Chum nước sẽ được sử dụng để lau rửa ban thờ, đồ tế khí trong đền.

Cụ ông 90 tuổi ra giữa dòng xoáy sông Lam lấy nước dâng vua Mai - 11

Dụng cụ đựng nước là chum sành, được phủ một tấm vải đỏ. Nước dâng lên vua Mai Hắc Đế được lấy giữa dòng xoáy nên trong vắt. 

Cụ ông 90 tuổi ra giữa dòng xoáy sông Lam lấy nước dâng vua Mai - 12

Trải qua thăng trầm lịch sử, lễ rước nước bị mai một. Năm 2015, lễ rước được khôi phục, trở thành một phần nghi lễ không thể thiếu trong lễ hội Vua Mai - mở đầu cho hoạt động lễ hội trong năm của tỉnh Nghệ An.

Vua Mai, còn gọi là vua Mai Hắc Đế, tên là Mai Thúc Loan, người làng Mai Phụ (nay thuộc xã Mai Phụ, Lộc Hà, Hà Tĩnh), sinh ra, lớn lên và trưởng thành tại thôn Ngọc Trừng xã Đông Liệt (nay là xã Nam Thái, Nam Đàn).

Ông có công đánh đuổi giặc nhà Đường và được nhân dân suy tôn làm Vua năm 713, lập nên triều đình Vạn An. 

Lễ hội nhằm tưởng nhớ công đức vua Mai cùng các tướng lĩnh của ông và ôn lại khí thế hào hùng của cuộc khởi nghĩa đánh bại quân xâm lược phương Bắc.

Lễ hội vua Mai được tổ chức tại đền vua Mai và lăng vua Mai (huyện Nam Đàn), vào ngày 13-15 tháng Giêng hàng năm. Ngoài phần lễ, còn có các hoạt động như đua thuyền, đấu vật, đánh cờ thẻ, chọi gà... Lễ hội thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài tỉnh Nghệ An tham gia.