DMagazine

Chuyện "người giàu cũng khổ" gây sốt trên màn bạc suốt vài năm nay, vì sao?

(Dân trí) - Từ "The Square" (Hình vuông - 2017) cho tới "Triangle of Sadness" (Tam giác buồn - 2022), đạo diễn người Thụy Điển Ruben Ostlund đã kể chuyện khốn khổ của người giàu và hai lần giành về Cành Cọ Vàng.

Chuyện "người giàu cũng khổ" gây sốt trên màn bạc suốt vài năm nay, vì sao?

(Dân trí) - Từ "The Square" (Hình vuông - 2017) cho tới "Triangle of Sadness" (Tam giác buồn - 2022), đạo diễn người Thụy Điển Ruben Ostlund đã kể chuyện khốn khổ của người giàu và hai lần giành về Cành Cọ Vàng.

Đạo diễn hai lần có phim đoạt Cành Cọ Vàng: Hai tên phim đậm chất... hình học

"Triangle of Sadness" (Tam giác buồn - 2022) đã giúp đạo diễn người Thụy Điển Ruben Ostlund giành về Cành Cọ Vàng thứ hai trong sự nghiệp tại LHP Cannes (Pháp) - liên hoan phim lâu đời và danh giá nhất thế giới. Trước đây, Ruben Ostlund từng giành được Cành Cọ Vàng với phim "The Square" (Hình vuông - 2017).

Chia sẻ về chiến thắng lần này, vị đạo diễn cho hay: "Khi bắt tay vào thực hiện bộ phim này, tôi nghĩ mình chỉ có một mục đích, đó là thực hiện một bộ phim thật thú vị để dành tặng công chúng và đưa lại một nội dung kích thích những suy nghĩ trong họ. Tôi muốn giúp công chúng giải trí, muốn họ tự đặt ra những câu hỏi, muốn họ khi bước ra khỏi rạp chiếu vẫn còn cái gì đó để nói về".

Chuyện người giàu cũng khổ gây sốt trên màn bạc suốt vài năm nay, vì sao? - 1

"Triangle of Sadness" (Tam giác buồn - 2022) đã giúp đạo diễn người Thụy Điển Ruben Ostlund giành về Cành Cọ Vàng thứ hai trong sự nghiệp (Ảnh: Daily Mail).

Bộ phim "Tam giác buồn" (2022) sử dụng "công thức mở rộng" của "Hình vuông" (2017), hai bộ phim này được đánh giá là cùng sử dụng một thủ pháp hài hước để qua đó khắc họa những cái khổ của người giàu có, của giới thượng lưu, để chúng ta thấy rằng ai trong cuộc đời này cũng có những vấn đề của họ, không ngoại trừ một ai cả.

Trong "Hình vuông", người ta từng thấy một giám tuyển nghệ thuật từ chỗ đang ở đỉnh cao sự nghiệp bỗng trở thành "thân bại danh liệt", tất cả bắt đầu từ việc anh này bị mất chiếc điện thoại di động.

Trong "Tam giác buồn", người ta bắt gặp một nhóm những người thuộc giới siêu giàu đang trong cuộc vui chơi trên du thuyền sang trọng, thì bị băng nhóm cướp biển tấn công và bị đày ải lên hoang đảo.

Tất cả họ đều không có kỹ năng sinh tồn và đều phải chấp nhận ở dưới quyền chỉ đạo của một người phụ nữ vốn làm nhiệm vụ dọn dẹp vệ sinh trên du thuyền, vì người phụ nữ này là thành viên duy nhất trong nhóm biết bắt cá, biết nấu nướng, biết giữ mạng sống cho cả nhóm...

Các tình huống xuất hiện trong hai bộ phim có cái tên đậm chất hình học của đạo diễn Ostlund đều lồng ghép sự hài hước, mọi thứ diễn ra không có gì trầm trọng thái quá, người xem được cười nhiều, nhưng khi xem xong, người ta sẽ có thêm góc nhìn về cuộc đời và con người.

Trailer phim "The Square" (Video: Magnolia Pictures & Magnet Releasing).

"Tam giác buồn" nối tiếp "Hình vuông": Khi người giàu cũng khổ...

Những nhân vật xuất hiện trong "Tam giác buồn" và "Hình vuông" đều là những người mà thoạt nhìn qua, những người xung quanh sẽ nghĩ rằng cuộc sống của họ hẳn rất hoàn hảo, thoải mái, dễ chịu, chẳng có gì để phải phiền lòng.

Nhưng khi theo dõi bộ phim diễn tiến, người ta lại có cách nhìn nhận mới và hiểu ra rằng người giàu cũng có cái khó, cái khổ của họ, rằng cuộc sống của ai cũng có những vấn đề phát sinh cả thôi. Trong phim của Ostlund, vẻ đẹp, sự giàu có, đẳng cấp thượng lưu, hay địa vị xã hội... đều chỉ là một dạng "tài sản" tồn tại nhất thời trong cuộc đời mỗi người, những điều này không phải là bất biến.

Chuyện người giàu cũng khổ gây sốt trên màn bạc suốt vài năm nay, vì sao? - 2

Những nhân vật xuất hiện trong "Tam giác buồn" và "Hình vuông" đều là những người mà thoạt nhìn qua, những người xung quanh sẽ nghĩ rằng cuộc sống của họ hẳn rất hoàn hảo (Ảnh: Daily Mail).

Những thứ ấy đều có thể biến động, thậm chí sụp đổ một cách nhanh chóng không ngờ. Điều ấy đã được thể hiện qua câu chuyện của vị giám tuyển nghệ thuật trong "Hình vuông" hay nhóm người siêu giàu trong "Tam giác buồn". Có những lúc, sụp đổ là sụp đổ, không gì cứu vãn được.

Cuộc sống có những sự trớ trêu xảy đến bất ngờ và không chống lại được. Cả hai bộ phim đoạt Cành Cọ Vàng của Ostlund đều khắc họa những điều trớ trêu như thế.

Trong xã hội, chúng ta dễ bị choáng ngợp và thích thú quan sát những người có diện mạo đẹp, có xuất thân ấn tượng, có địa vị xã hội cao hay một khối tài sản kếch xù... "Tam giác buồn" đề cập tới nhóm người sở hữu những điều ấy, đạo diễn Ostlund bắt đầu bộ phim từ góc nhìn của hai người mẫu được xem là hai nhân vật có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội.

Hai người này luôn thể hiện bản thân là người trẻ trung, hấp dẫn và sang chảnh, thời thượng. Trên mạng xã hội, họ trưng trổ bản thân qua những trải nghiệm ấn tượng, đáng ghen tị.

Vì có diện mạo đẹp, vì có "tầm ảnh hưởng", nên hai người được mời tham gia một cuộc du ngoạn trên du thuyền sang trọng của giới siêu giàu dù bản thân họ không hề giàu, nếu không muốn nói là cũng khá nghèo, phải tính toán với nhau chi li từng tí một. Ngoài ra, cặp đôi "gắn bó" với nhau cũng chỉ là để tạo nên hình ảnh cặp đôi hoàn hảo trên mạng xã hội mà thôi, họ không yêu nhau.

Chuyện người giàu cũng khổ gây sốt trên màn bạc suốt vài năm nay, vì sao? - 3

Bộ phim bắt đầu từ góc nhìn của hai người mẫu được xem là hai nhân vật có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội (Ảnh: Daily Mail).

Tại Cannes, phim "Tam giác buồn" nhận được rất nhiều sự tung hô từ đám đông khán giả xem công chiếu phim. Phim nhận được 8 phút vỗ tay vang dội từ khán giả, không khí hồ hởi, cuồng nhiệt lúc phim kết thúc được so sánh với không khí trong một sân vận động đang diễn ra trận cầu nảy lửa. Đây là bộ phim nhận được sự chào đón nồng nhiệt nhất của công chúng có mặt tại Cannes.

"Tam giác buồn": Khi giới siêu giàu thuộc quyền chỉ đạo của người phụ nữ cọ toilet

Trong cuộc vui trên du thuyền, những góc khuất của giới siêu giàu bắt đầu từ từ lộ ra và được khắc họa thông qua những tình huống hài hước.

Đạo diễn Ruben Ostlund đã chia sẻ cảm xúc của ông sau buổi công chiếu phim thành công tốt đẹp ở Cannes: "Đây là buổi công chiếu tuyệt vời. Cảm ơn các bạn rất nhiều. Tôi muốn làm được điều gì đó thật xứng đáng để khán giả rời khỏi nhà, rời khỏi màn hình họ có ở nhà, rời khỏi dịch vụ chiếu phim trực tuyến sẵn sàng phục vụ họ tại nhà, để đi ra rạp xem phim của tôi.

Tôi không muốn mắc kẹt ở mảng phim nghệ thuật mà muốn tới được với đại chúng. Tôi muốn làm nên những bộ phim mà chính tôi cũng thích được xem nếu là một khán giả".

Chuyện người giàu cũng khổ gây sốt trên màn bạc suốt vài năm nay, vì sao? - 4

Trong "Hình vuông", người ta từng thấy một giám tuyển nghệ thuật từ chỗ đang ở đỉnh cao sự nghiệp bỗng trở thành "thân bại danh liệt" (Ảnh: Daily Mail).

Bộ phim "Triangle of Sadness" (Tam giác buồn - 2022) đánh dấu sự trở lại của đạo diễn Ruben Ostlund (48 tuổi) ở LHP Cannes, sau bộ phim "The Square" (Hình vuông - 2017) từng đem về cho anh giải Cành Cọ Vàng đầu tiên.

Trên du thuyền sang trọng, cặp đôi người mẫu và ngôi sao mạng xã hội là hai nhân vật "nghèo" nhất, họ được mời góp mặt để góp vui, không phải bởi vì họ giàu có. Thế giới người giàu bắt đầu được bày ra trước mắt hai con người không giàu, nhưng luôn cố tỏ ra mình sang chảnh.

Nửa đầu của bộ phim chủ yếu xoay quanh những tình huống nhỏ hài hước xảy ra trên du thuyền, mà ở đó, các nhân vật ra sức thể hiện tầm ảnh hưởng của mình. Nhưng qua thời gian lưu lại trên du thuyền với những tình huống phát sinh, người xem sẽ được thấy những người giàu cũng chỉ là những con người bình thường, với những khía cạnh rất đời thường.

Chuyện người giàu cũng khổ gây sốt trên màn bạc suốt vài năm nay, vì sao? - 5

Đạo diễn người Thụy Điển - Ruben Ostlund và nữ diễn viên Charlbi Dean Kriek tại LHP Cannes 2022 (Ảnh: Daily Mail).

Những nhân vật giàu có trong phim cũng phải đối mặt với những tình huống trớ trêu trong đời sống, bởi có thật nhiều tiền cũng không thể giúp họ tránh khỏi những vấn đề nhiều khi rất nhỏ nhặt phát sinh trong đời sống hàng ngày.

Một chuyến du ngoạn quy tụ những con người giàu có nhất đã thu hút sự quan tâm của băng nhóm cướp biển. Nửa sau của phim xoay quanh cách thức vật lộn của các vị khách giàu có và đoàn thủy thủ trên một hòn đảo hoang vắng, sau khi du thuyền bị tấn công.

Lúc này, giữa tình cảnh khốn đốn, nguy nan, những con người vốn rất tự hào, kiêu hãnh mới nhận ra rằng thực ra, tất cả họ đều không có những kỹ năng cơ bản để có thể sống sót dù chỉ vài ngày trong điều kiện thiên nhiên hoang dã. Chính lúc này, tất cả sinh mệnh của họ đặt vào tay người phụ nữ làm nhiệm vụ... cọ rửa toilet, dọn dẹp vệ sinh trên du thuyền.

Người phụ nữ này bình thường phải rất vất vả mới có thể chiều ý của các "thượng đế" trên du thuyền, nhưng trong tình cảnh khốn cùng khi bị bỏ lại trên hoang đảo, đây lại là người duy nhất trong nhóm biết bắt cá, biết nấu nướng. Người phụ nữ cọ rửa toilet trở thành... trưởng nhóm, được quyền chỉ huy tất cả những người còn lại, vai vế hoàn toàn đổi khác khi họ ở lại trên hòn đảo hoang.

Qua những tình huống được khắc họa trong phim, đạo diễn Ostlund muốn khắc họa những điều cơ bản nhất thuộc về bản năng con người. Ostlund khiến người xem cười nhiều khi theo dõi bộ phim này, nhưng sau tất cả, vị đạo diễn cũng khiến người xem phải suy nghĩ.

Chuyện người giàu cũng khổ gây sốt trên màn bạc suốt vài năm nay, vì sao? - 6

Đạo diễn Ruben Ostlund (người ngồi giữa nhóm) đang chỉ đạo diễn xuất cho các diễn viên (Ảnh: New York Post).

Đặc trưng trong những bộ phim của đạo diễn Ostlund là đạo diễn luôn xoáy sâu vào tâm lý và đời sống của nhân vật, để từ đó, người xem sẽ có cách nhìn khác về con người và cuộc đời.

Dù vậy, nghệ thuật là thứ khó nắm bắt và đưa lại những cảm nhận đa dạng ở những đối tượng khán giả khác nhau, "Tam giác buồn" nhận được rất nhiều lời khen, nhưng cũng có những lời chê thẳng thắn đã được đưa ra.

Những lời chê khiến góc nhìn xung quanh bộ phim thêm sâu sắc

"Tam giác buồn" được đánh giá 5 sao trong nhiều bài bình phim trên các tờ tin tức điện ảnh, nhưng cũng có những bài bình chê phim rất thẳng thắn. Chẳng hạn bài bình của tác giả Peter Bradshaw trên tờ The Guardian (Anh) chỉ dành cho phim 2 sao.

Tác giả bình phim rất ngắn vì phim... không có gì nhiều để bình, tác giả Bradshaw cho rằng phim không có gì mới mẻ, toàn nói những chuyện mọi người đều đã biết và có thể dự đoán trước, phim cũng không đưa lại những sự hài hước đặc biệt thú vị, không phải là một tác phẩm điện ảnh của những điều mới mẻ nguyên bản lần đầu được khai thác.

Chuyện người giàu cũng khổ gây sốt trên màn bạc suốt vài năm nay, vì sao? - 7

"Tam giác buồn" được đánh giá 5 sao trong nhiều bài bình phim trên các tờ tin tức điện ảnh, nhưng cũng có những bài bình chê phim rất thẳng thắn (Ảnh: Daily Mail).

Khi kết quả chung cuộc ở LHP Cannes được đưa ra, tác giả Peter Bradshaw tiếp tục đưa ra những nhận định thẳng thắn thể hiện đánh giá của riêng mình. Ông cho rằng LHP Cannes năm nay đã diễn ra rất ấn tượng với nhiều tác phẩm điện ảnh chất lượng, nhưng việc trao giải thưởng cao quý nhất - giải Cành Cọ Vàng cho "Tam giác buồn" khiến liên hoan bỗng trở nên nhạt nhòa lúc kết thúc.

Ông Bradshaw cho rằng bộ phim này không xứng đáng để giành giải thưởng cao quý nhất tại liên hoan, trong khi có nhiều phim khác ấn tượng hơn.

Theo ông Bradshaw, "Tam giác buồn" giành giải có lẽ là bởi phim có sự giễu nhại, mỉa mai khiến nhiều người cảm thấy thế là "sâu cay, sâu sắc". Trong phim không có những cảnh bạo lực hay tình dục "hạng nặng" gây sốc đối với người xem, điều đó khiến người ta cảm thấy phim dễ xem. Những nội dung "hạng nặng" đang dần trở nên quá sức chịu đựng của nhiều người khi tìm tới điện ảnh.

Bộ phim "Tam giác buồn" thể hiện thái độ châm biếm, giễu cợt nhẹ nhàng và nhuốm vẻ mệt mỏi khi quan sát thế giới xung quanh, có lẽ đó cũng là điều đang diễn ra trong nội tâm của nhiều người trong giai đoạn này.

Bộ phim dễ xem, không bất ngờ, không gây sốc, nhưng có lẽ như thế lại phù hợp với nhiều người ở thời điểm này - thời điểm hậu dịch bệnh với những niềm vui giản dị hơn và những lo toan bộn bề hơn. "Tam giác buồn" không phải một bộ phim lỗi thời, nhưng không phải một bộ phim ấn tượng ở tầm như nhiều người đang tung hô, tác giả Bradshaw khẳng định như vậy.

Chuyện người giàu cũng khổ gây sốt trên màn bạc suốt vài năm nay, vì sao? - 8

Bộ phim "Tam giác buồn" thể hiện thái độ châm biếm, giễu cợt nhẹ nhàng và nhuốm vẻ mệt mỏi khi quan sát thế giới xung quanh (Ảnh: Daily Mail).

Ông Bradshaw cho rằng "Tam giác buồn" chia giới phê bình phim ra làm hai: hoặc khen, hoặc chê. Tác giả này tin rằng thế mạnh lớn nhất của phim là một dàn diễn viên đến từ nhiều quốc gia, khiến bộ phim mang màu sắc... quốc tế, và vì thế mà có khả năng nhận được thiện cảm từ ban giám khảo vốn cũng đến từ nhiều nền điện ảnh.

Thực tế, việc một tác phẩm điện ảnh nhận được những khen chê trái chiều là điều thường thấy, và những ý kiến khắt khe dành cho phim hoàn toàn có thể khiến phim được quan tâm, phân tích, mổ xẻ nhiều hơn, để từ đó người ta nhìn ra những khía cạnh sâu sắc, đa chiều hơn trong một bộ phim và nhìn rộng ra là thế giới điện ảnh ở một giai đoạn cụ thể.

 Bích Ngọc
Theo The Guardian/Variety