(Dân trí) - Hàng trăm hạng mục của ngôi chùa Tiêu Dao (xã Bát Tràng, Gia Lâm, TP Hà Nội) được làm từ hàng vạn chi tiết gốm sứ tinh xảo mang lại sự độc đáo, thấm đẫm hồn cốt văn hóa làng nghề truyền thống.
Ngôi chùa "gốm sứ" độc đáo được xây từ hàng vạn tác phẩm thủ công thấm đẫm hồn cốt làng nghề ở Bát Tràng
Hàng trăm hạng mục của ngôi chùa Tiêu Dao (xã Bát Tràng, Gia Lâm, TP Hà Nội) được làm từ hàng vạn chi tiết gốm sứ tinh xảo mang lại sự độc đáo, thấm đẫm hồn cốt văn hóa làng nghề truyền thống.
Chùa Tiêu Dao có từ lâu đời, xưa từng là một danh thắng nổi tiếng trong vùng. Năm 2011 sư trụ trì kết hợp cùng dân làng Giang Cao trùng tu xây dựng lại chùa với ý tưởng đưa hồn cốt nghề gốm truyền thống của làng vào kiến trúc tâm linh.
Tại tất cả các nơi thờ tự như nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu, nhà thờ 18 vị La Hán... đều được "gốm sứ hóa". Tại nhà thờ Tổ có 9 pho tượng thờ đều được làm bằng sứ bởi bàn tay của các tinh hoa trong giới thợ của làng Giang Cao.
Toàn bộ các cột trụ trong chùa đều được ốp sứ tinh xảo. Các bức họa, hình hoa bằng sứ có ở khắp nơi mang đường nét mềm mại, được chế tác từ bàn tay điêu luyện của các nghệ nhân.
Không gian bên ngoài chùa được trang trí bởi các bức tượng là tích truyện tái hiện lại cảnh sinh hoạt, đời thường của các vị cao nhân đắc đạo.
Các đầu đao mái chùa là hình rồng, đường diềm trang trí hoa hướng dương làm bằng sứ chạm khắc tinh xảo.
Theo người dân Giang Cao, sự kết hợp giữa gốm sứ của văn hóa làng nghề và kiến trúc tâm linh ở chùa Tiêu Dao là một thành công, mang lại vẻ đẹp độc đáo và hồn cốt làng nghề truyền thống.
Tại nhà thờ Tổ, bộ hoành phi câu đối, cửa võng, bệ thờ... và rất nhiều hạng mục khác cũng được làm từ gốm sứ.
Bệ thờ sứ trong nhà thờ Tổ.
Qua việc đưa gốm sứ được chế tác từ những bàn tay tinh hoa, người làng Giang Cao muốn tôn vinh sản phẩm, giá trị văn hóa của làng nghề truyền thống. Hai giá trị văn hóa làng nghề và phật giáo đan quyện vào nhau trong không gian Tiêu Dao tự chính là tâm huyết của người dân.
Bức cuốn thư trên nóc nhà thờ Tổ với 3 chữ lớn: Phụng Tổ Đường.
Ở chính giữa điện thờ là pho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông - một trong chín pho tượng bằng sứ tại nhà thờ Tổ.
Đặc biệt tại gian chính điện, hai pho tượng hộ pháp cỡ lớn được chế tác từ gốm có nét chạm khắc sắc sảo.
Hình rồng phong cách thời Lê với đầu ngẩng cao được chế tác từ gốm sứ.
Tại hai gian thờ 18 vị La Hán, 18 pho tượng sứ được đặt trên nền bức tranh gốm sứ cảnh mây núi có diện tích lớn hàng trăm mét vuông.
Ốp sứ chân cột trụ tại các gian điện thờ trong chùa.