PhotoStory

Cận cảnh khu nhà giam gần 150 năm bên trong Bệnh viện Nhiệt Đới TPHCM

Thực hiện: Hoàng Giám

(Dân trí) - Bên trong Bệnh viện Nhiệt Đới (TPHCM) có một nhà giam từng là nơi giam giữ nhiều chiến sĩ cách mạng. Đây là khu Di tích lịch sử Quốc gia sắp được lên kế hoạch trùng tu sau gần 150 năm xây dựng.

Cận cảnh khu nhà giam gần 150 năm bên trong Bệnh viện Nhiệt Đới TPHCM - 1

Bệnh viện Nhiệt Đới (quận 5, TPHCM) trước kia gọi là Bệnh viện Chợ Quán, được xây dựng từ năm 1862, là một trong những bệnh viện "già" nhất Sài Gòn. Bên trong khuôn viên bệnh viện có một khu nhà giam để giam giữ những người tù chính trị và thường phạm. Khu nhà giam này được công nhận di tích lịch sử Quốc gia năm 1988. Nhà giam có kiến trúc hình chữ U, trong đó dãy ngang dài 32m, rộng 12m. Hai dãy dọc bằng nhau, mỗi dãy dài 14m, rộng 7,5m.

Mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) TPHCM vừa gửi tờ trình tới UBND thành phố về đề án tu bổ, tôn tạo, tái hiện xây dựng mới Khu trại giam Chợ Quán - di tích lịch sử cấp Quốc gia. 

Cận cảnh khu nhà giam gần 150 năm bên trong Bệnh viện Nhiệt Đới TPHCM - 2

Cận cảnh mảng ngói vảy cá nguyên bản gần 150 năm tuổi.

Trước đây, khu nhà giam được dùng làm nơi giam giữ những người hoạt động cách mạng. Năm 1931, cố Tổng Bí thư Trần Phú bị giam giữ và hy sinh tại đây.

Cận cảnh khu nhà giam gần 150 năm bên trong Bệnh viện Nhiệt Đới TPHCM - 3

Tượng cố Tổng Bí thư Trần Phú đặt trong khuôn viên di tích.


Mục tiêu của dự án là nâng Khu trại giam Chợ Quán xứng tầm với di tích cấp Quốc gia. Đồng thời, di tích là nơi ghi dấu sự kiện lịch sử gắn liền thân thế, sự nghiệp của vị Tổng Bí thư đầu tiên.

Cận cảnh khu nhà giam gần 150 năm bên trong Bệnh viện Nhiệt Đới TPHCM - 4

Bia ghi nhớ câu di huấn "Hãy giữ vững ý chí chiến đấu" của cố Tổng Bí thư Trần Phú đặt trong di tích.

Tượng của cố Tổng Bí thư Trần Phú và bia tưởng niệm sẽ được sửa sang trên nền diện tích 10m2. Đồng thời, đơn vị thi công sẽ xây dựng bổ sung bức phù điêu, cải tạo lại khu vực hàng rào, cổng, sân vườn, nhà vệ sinh.

Tổng mức khái toán kinh phí cho dự án này là 71 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng chiếm phần lớn với hơn 47 tỷ đồng.

Cận cảnh khu nhà giam gần 150 năm bên trong Bệnh viện Nhiệt Đới TPHCM - 5

Nhà giam được chia thành 4 khu vực gồm: Khu giam nam, giam nữ, khu cách ly để giam bệnh nhân truyền nhiễm (được xây từ thời Pháp) và khu biệt giam được Mỹ xây dựng.

Theo phương án rút gọn của Thường trực Thành ủy, di tích sẽ giữ lại phòng giam thường, phòng giam chính trị và phòng giam đặc biệt. Những phòng giam giống nhau sẽ được giảm số lượng.

Cận cảnh khu nhà giam gần 150 năm bên trong Bệnh viện Nhiệt Đới TPHCM - 6

Sau khi tu bổ, tôn tạo, những phòng giam được giữ lại sẽ bố trí, phục dựng những hình ảnh nhằm truyền tải, giới thiệu với du khách về các thông tin cần thiết. Những phòng giam khác sẽ chuyển thành phòng trưng bày tài liệu, chân dung, các bản trích.

Để phục vụ dự án, khu nhà kho, căn tin hiện hữu sẽ được tháo dỡ do nằm trong khu vực bảo vệ di tích. Trại giam, chốt canh sẽ được tu bổ, tôn tạo với tổng diện tích hơn 827m2.

Cận cảnh khu nhà giam gần 150 năm bên trong Bệnh viện Nhiệt Đới TPHCM - 7

Theo Sở VHTT TPHCM, phương án này sẽ thể hiện đầy đủ các nội dung, bối cảnh lịch sử, tái hiện thời kỳ khó khăn, gian khổ cùng ý chí các chiến sĩ cách mạng, tiêu biểu là cố Tổng Bí thư Trần Phú. Theo phương án, di tích sẽ bổ sung các ứng dụng công nghệ thông tin giúp hấp dẫn du khách, nhưng không tác động trực tiếp vào yếu tố gốc của di tích.

Cận cảnh khu nhà giam gần 150 năm bên trong Bệnh viện Nhiệt Đới TPHCM - 8

Gông sắt (nguyên bản) dùng để hạn chế việc di chuyển của người tù cách mạng.

Cận cảnh khu nhà giam gần 150 năm bên trong Bệnh viện Nhiệt Đới TPHCM - 9

Bên trong khu nhà giam nam. Ngoài cố Tổng Bí thư Trần Phú, nhà giam Bệnh viện Chợ Quán (Bệnh viện Nhiệt đới TPHCM) cũng từng là nơi giam giữ nhiều nhà hoạt động cách mạng nước ta như: Trần Não, Hà Huy Tập, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Văn Trỗi...

Cận cảnh khu nhà giam gần 150 năm bên trong Bệnh viện Nhiệt Đới TPHCM - 10

Bài thơ (nguyên bản) của một tù chính trị yêu nước trên vách tường phòng giam.

Cận cảnh khu nhà giam gần 150 năm bên trong Bệnh viện Nhiệt Đới TPHCM - 11

Cửa sổ lớn với 2 lớp song sắt tại khu nhà giam nữ.

Cận cảnh khu nhà giam gần 150 năm bên trong Bệnh viện Nhiệt Đới TPHCM - 12

Dự kiến, việc tu bổ, tôn tạo, tái hiện xây dựng mới Khu trại giam Chợ Quán được triển khai trong giai đoạn 2020-2024. Trong đó, giai đoạn chuẩn bị đầu tư từ quý II/2022 đến quý I/2023, giai đoạn thực hiện đầu tư từ quý I/2023 đến quý II/2024, công trình sẽ hoàn tất vào tháng 5/2024.

Cận cảnh khu nhà giam gần 150 năm bên trong Bệnh viện Nhiệt Đới TPHCM - 13
Cận cảnh khu nhà giam gần 150 năm bên trong Bệnh viện Nhiệt Đới TPHCM - 14
Cận cảnh khu nhà giam gần 150 năm bên trong Bệnh viện Nhiệt Đới TPHCM - 15

Phòng giam đặc biệt dùng để giam giữ và tra khảo những tù nhân chính trị.

Cận cảnh khu nhà giam gần 150 năm bên trong Bệnh viện Nhiệt Đới TPHCM - 16

Nơi trưng bày hình ảnh, tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của cố Tổng Bí thư Trần Phú tại di tích.

Cận cảnh khu nhà giam gần 150 năm bên trong Bệnh viện Nhiệt Đới TPHCM - 17
Cận cảnh khu nhà giam gần 150 năm bên trong Bệnh viện Nhiệt Đới TPHCM - 18
Cận cảnh khu nhà giam gần 150 năm bên trong Bệnh viện Nhiệt Đới TPHCM - 19

Dù đã qua một số lần trùng tu, tuy nhiên hiện trạng di tích xuống cấp nhiều nơi. Mảng tường nguyên bản bị bong tróc, phần mái ngói thấm dột.

Cận cảnh khu nhà giam gần 150 năm bên trong Bệnh viện Nhiệt Đới TPHCM - 20

Sau khi chọn được phương án tối ưu để tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Khu trại giam Chợ Quán, TPHCM sẽ báo cáo lại Ban Tuyên giáo Trung ương trước khi thực hiện. Vốn thực hiện công trình được sử dụng từ nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách thành phố và nguồn thu từ hiệu quả hoạt động kinh doanh dịch vụ bổ sung ngân sách Đảng bộ thành phố, không huy động nguồn vốn xã hội.

Di tích lịch sử Quốc gia Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán được xây dựng trong khoảng thời gian năm 1876-1904. Hiện tại, di tích này đã xuống cấp, nhiều phòng giam phải đóng cửa không phục vụ du khách tham quan, phần trưng bày tài liệu, hình ảnh bị mờ, trầy xước, một số bị rách.