Bộ sưu tập những tờ báo in đầu tiên của Việt Nam hơn 100 năm tuổi
(Dân trí) - Một nhà sưu tập tại TPHCM lưu giữ hàng trăm tờ báo cũ thuộc nhiều giai đoạn của lịch sử đất nước. Trong đó, có tờ Gia Định báo viết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên tại Việt Nam.
Nằm khuất sâu trong con hẻm trên đường Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận, TPHCM), có một quán cà phê nhỏ là nơi đang lưu giữ và trưng bày hàng trăm bộ sưu tập các hiện vật tái hiện Sài Gòn trước năm 1975.
Trong đó, có bộ sưu tập hơn 500 tờ báo cũ thuộc nhiều giai đoạn của lịch sử Việt Nam. Trong đó, nhiều tờ báo có giá trị lịch sử như tờ Gia Định báo, do ông Trương Vĩnh Ký làm chủ biên. Gia Định báo là tờ báo viết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên tại Việt Nam, được lưu giữ bản Gia Định báo, ngày 2/9/1890; hay tờ Tiếng Dân của ông Huỳnh Thúc Kháng. Tờ báo này chỉ lưu hành trong khoảng thời gian 16 năm...
Chủ nhân của bộ sưu tập những tờ báo cũ này là nhà sưu tập Huỳnh Minh Hiệp (sinh năm 1973, TPHCM), ông Hiệp hiện đang công tác tại Trung tâm Unesco Nghiên cứu Bảo tồn cổ vật Việt Nam.
Báo Lục Tỉnh Tân Văn được ông Hiệp sưu tầm khoảng 10 năm trước. Đây là tờ nhật báo đầu tiên của làng báo Sài Gòn. Nhật báo Lục Tỉnh Tân Văn sau khi ra đời đã mở ra một thời kỳ mới cho báo chí quốc ngữ Sài Gòn, thời báo chí thông tin, đi sát với đời sống xã hội và kích thích lòng yêu nước của quần chúng.
Một trong số những tờ báo cổ được ông Hiệp cất giữ cẩn thận là tờ Tiếng Dân (số 665, xuất bản năm 1934).
Ra đời tại đất Trung kỳ với số đầu tiên ngày 10/8/1927 báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng tự nhận "cất tiếng khóc" chào làng báo để tranh đấu cho quyền dân tộc.
Bắt đầu sưu tập từ năm 1993, đến nay ông Hiệp đã có hàng trăm tờ báo cũ. Trong đó, có tờ Gia Định báo được ông bảo quản cẩn thận nhất.
Gia Định báo là tờ báo tiếng Việt đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ, được ra mắt vào năm 1865 tại Sài Gòn. Gia Định báo góp công to lớn truyền bá, hoàn thiện chữ quốc ngữ trong quá trình phát triển của văn học sử Việt Nam.
Giá bán của tờ Gia Định báo cũng được thông báo ở mục "giá mua nhựt trình" với nội dung: Ai muốn mua thì tới dinh quan Hiệp lý Nam Kỳ, phòng thông ngôn cho người ta biên tên, mua trót năm thì giá 5 đồng bạc, mua 6 tháng thì 2 đồng rưỡi, mà mua 3 tháng thì 1 đồng 1 quan 2 tiền rưỡi.
Theo ông Hiệp, trong lần đi công tác ra Hà Nội năm 2020, ông có cơ duyên gặp một nhà sưu tập lâu năm, thông qua những cuộc trò chuyện thì biết được người này lưu giữ tờ Gia Định báo, một tờ báo rất ít người ở Việt Nam sở hữu được. Sau đó, ông Hiệp đã ngỏ lời muốn được nhượng lại tờ báo để mang về lưu giữ trong bộ sưu tập của mình. Tuy nhiên, phải mất đến vài tháng, nhiều lần thuyết phục thì người này mới đồng ý để lại cho ông Hiệp.
"Hiện tờ Gia Định báo được nhiều người quan tâm và muốn mua với giá cao, nhưng tôi nhất định không bán, vì muốn lưu giữ và bảo tồn nó", ông Hiệp chia sẻ.
Bộ sưu tập báo cổ được ông Hiệp lưu giữ cẩn thận, bọc kỹ càng trong túi ni lông để chống ẩm mốc.
Những tờ báo có tuổi đời gần 100 năm đã bị mối mọt ăn, rách, được ông Hiệp dán lại và bảo quản cẩn thận.
Một số tờ báo đã bị mục, không còn nguyên vẹn vì trải qua hơn 100 năm kể từ khi được in ra.
Nhiều tờ báo ưa thích được ông Hiệp đóng khung, trưng bày tại không gian riêng của mình để bạn bè tới tham quan, chiêm ngưỡng.
Ngoài ra, ông còn sở hữu một số khuôn in ấn truyện tranh của các tập san một tờ báo được phát hành từ những năm đầu của thế kỷ 20.
Ngoài bộ sưu tập những tờ báo cổ trên dưới 100 năm tuổi, ông Huỳnh Minh Hiệp cũng được nhiều người biết đến với những bộ sưu tập khác như tiền cổ, bìa nhạc, xe cổ, tem,...
Nhà sưu tập Huỳnh Minh Hiệp, Phó Chánh Văn phòng Trung tâm Unesco Nghiên cứu Bảo tồn cổ vật Việt Nam từng vinh dự được tổ chức Kỷ lục Việt Nam chính thức công nhận đã xác lập kỷ lục với bộ sưu tập phiếu đi chợ và các giấy tờ, hiện vật liên quan đến đại dịch Covid-19 tại các địa phương của Việt Nam, với số lượng lớn nhất.